12 năm học Sử mà vẫn không biết Sử: liệu tri thức có quá khổ với nhiều người?
12 năm học Sử mà vẫn không biết Sử: liệu tri thức có quá khổ với nhiều người?
Rốt cuộc thì cải cách giáo dục nên thực sự cải cách từ cái gì?

Giáo dục là giải pháp nền tảng cho nhiều vấn nạn của xã hội và cũng không có gì “đau đầu” hơn mỗi khi người ta nhìn lại những thiếu sót của giáo dục trước thềm cải cách. Những cuộc tranh luận về sự “thất bại” của giáo dục chủ yếu quay về đổ lỗi cho yếu tố con người (nhà trường thì cứng nhắc, giáo viên không sáng tạo, học sinh ít chủ động và phụ huynh chưa sát sao), hoặc kết tội cho kiến thức được giảng dạy (quá cao xa, đầy lý thuyết).

Nhưng liệu vấn đề nằm ở “cái”, hay nằm ở “cách” chúng ta dạy?  Vẫn biết để cải cách một thứ đồ sộ và hệ thống như giáo dục cần tác động đến nhiều yếu tố, nhưng tôi tin rằng cuộc cải cách đó không nên bỏ qua những lỗ hổng sau đây:

  1.   Tiếp cận vấn đề chưa toàn diện.

Cách dạy và học phổ biến hiện nay thường theo kiểu “cuốn chiếu”, “đào mỏ”, tức chạm đến đâu thì biết đến đó, chưa móc nối các vấn đề để nhìn ra bức tranh toàn cảnh. Chẳng hạn, khi được hỏi riêng về một mốc lịch sử bất kỳ như Chiến tranh thế giới, hay Thời kỳ phục hưng, có lẽ nhiều người (nhất là học sinh vừa trải qua kỳ thi) sẽ trả lời rành rọt, vì từng nội dung kiến thức đó được gói gọn trong một chuyên đề, một bài giảng, nhưng ít ai có thể xâu chuỗi dòng lịch sử thành một câu chuyện mạch lạc. Việc học lịch sử, do đó, thường mang nặng tính ghi nhớ sự kiện theo kiểu tách biệt, cái nhớ cái quên, chứ chưa hiểu rõ vị trí và tác động nhân quả của chúng lên nhau. 

  1.   Lãng phí tài nguyên “giáo cụ trực quan”

Việc đọc sách đậm đặc chữ và điểm xuyết một đôi ảnh đen trắng tượng trưng là cách hấp thụ kiến thức kém hiệu quả nhất. Thông điệp gói gọn trong hoặc đi kèm với hình ảnh thường được truyền tải ấn tượng và ghi nhớ bền lâu hơn.  Chúng ta học về động cơ hơi nước, rồi sự sinh sản của các loài nhưng nhanh chóng lãng quên, đơn giản bởi ta chưa thực sự nhìn thấy, hay chí ít là mường tượng ra sự sống động của chúng trên thực tế. Chúng ta dù nghe nhưng không hiểu, dù học nhưng không biết. 

  1.   Thiếu liên hệ thực tế

Dấu ấn lịch sử quan trọng hay phát minh vĩ đại hoặc bài học để đời chỉ bảo tồn tầm vóc của nó nếu chính người học có thể cảm nhận ý nghĩa và thụ hưởng giá trị giáo dục từ chúng, bằng không chúng chỉ là những lát cắt lịch sử đơn lẻ, tầm thường. Chẳng hạn, khi học về Cách mạng công nghiệp, việc nhập tâm những tường thuật thuần túy kiểu như sự trỗi dậy của những nhà tư sản giàu có rồi sự bóc lột cực khổ mà những người công nhân phải trải qua sẽ khiến kiến thức tưởng như xa vời, như bình giảng.

Tuy nhiên, việc đặt ra những câu hỏi thú vị chính là sợi dây kết nối kiến thức chung chung với mối liên hệ riêng, câu chuyện riêng của mỗi người. Ví dụ vẫn về Cuộc cách mạng công nghiệp, câu hỏi “Tại sao trẻ em bắt buộc phải đi làm? Sẽ vừa giúp trẻ củng cố kiến thức, vừa hiểu sâu sắc hơn về lịch sử, về thế giới, và về chính mình: Lương của công nhân quá ít, không đủ để nuôi sống một gia đình. Cha mẹ không còn cách nào khác đành phải đưa các con mình đi làm để không bị chết đói! Ngay từ khi 6-7 tuổi, nhiều bé đã phải làm việc trong các nhà máy, hầm mỏ từ 12 đến 14 tiếng một ngày. Mở rộng hơn điểm nhìn của lịch sử, điều này sẽ nhen nhóm lòng biết ơn cuộc sống, biết ơn cha mẹ trong bé theo cách rất tự nhiên và sâu đậm. 

  1.   Bó buộc trong tư duy cấp bậc

Giáo dục Việt Nam vận hành theo kiểu thang bậc, học sinh phải vượt qua tuần tự các lớp lang tri thức được mặc định sẵn là “phù hợp với khả năng tiếp nhận theo độ tuổi”. Nói cách khác, trẻ phải “chờ” đến khối lớp nhất định mới được chính thức tiếp cận những vấn đề mà người lớn chúng ta tự cho là “to tát” như thiên văn học, nghệ thuật hay khoa học và kỹ thuật. Tuy nhiên, tôi lại ủng hộ triết lý làm giáo dục đầy phóng khoáng của các quốc gia tiên tiến: kiến thức nào cũng cần thiết và chưa bao giờ là quá khổ với đối tượng này hay đối tượng khác.

Chúng ta thường phóng đại rằng “nhân quyền” hay kiến trúc là diễn đàn dành riêng cho người lớn, cho những người đã “phát triển đầy đủ” để thẩm thấu những thứ hàn lâm. Thế nhưng, chuyển hóa kiến thức này cho phù hợp với sự tiếp nhận của trẻ vừa giúp phát huy khả năng học hỏi vô tận đầy sáng tạo của chúng, vừa giúp các em kích thích tư duy và chững chạc hơn trong cách nhìn nhận cuộc sống. 

  1.   Đợi Bộ giáo dục cải cách

Chúng ta mong muốn thay đổi, nhưng lại ngao ngán hướng về người khác. Vậy chi bằng chính chúng ta làm luôn cho lẹ. Thay vì đợi Bộ giáo dục, rồi thầy cô, nhà trường, chính mỗi người cha mẹ hãy trở thành người làm giáo dục mà mình muốn nhìn thấy trên thế giới này. Hãy cho bé sự chủ động và cơ hội vùng vẫy trong biển tri thức ngay từ nhỏ qua lăng kính của Bách khoa thư thế hệ mới. Hãy để bé làm bạn với những trang sách và sớm nuôi dưỡng những niềm vui và ước mơ, bởi cuối cùng, đó là đích đến của mọi nỗ lực cải cách.   

 

Tags: