Số hóa tác phẩm đoạt giải 'Sách phi hư cấu Đức' thành NFT
Số hóa tác phẩm đoạt giải 'Sách phi hư cấu Đức' thành NFT
NFT còn tương đối mới với các nhà xuất bản. Tạo NFT cho tác phẩm đoạt giải là bước đi thử nghiệm, sử dụng công nghệ blockchain trong ngành sách và văn học.

Börsenverein (Hiệp hội các nhà xuất bản và giao dịch sách Đức) sẽ số hóa tác phẩm đoạt giải German Nonfiction Prize thành NFT trên sàn Creatokia, cùng việc tổ chức lễ trao giải truyền thống.

 Công ty Bookwire của Đức vào cuối tháng 3 đã ra mắt nền tảng Creatokia - nơi sách điện tử, sách nói và các tác phẩm nghệ thuật, đồ họa được chuyển thành các mã NFT (token không thể thay thế) và có thể giao dịch được.

Cuối tháng 5, Hiệp hội các nhà xuất bản và giao dịch sách Đức, thông báo rằng Giải thưởng văn học German Nonfiction Prize năm nay sẽ hợp tác với sàn Creatokia để trao tặng người chiến thắng mã NFT tác phẩm của họ. Theo đó, tác phẩm của người chiến thắng giải thưởng này năm 2021 và tác phẩm của 4 trong số 7 người được đề cử giải thưởng năm nay sẽ được số hóa thành dạng NFT trên sàn Creatokia.

Sách NFT. Ảnh: Creatokia.

Đại diện Börsenverein cho biết: “Giải thưởng năm nay không chỉ được trao tại Diễn đàn Humboldt ở Cung điện Berlin mà còn được trao thưởng trên không gian ảo. Tác phẩm của người chiến thắng giải sẽ được số hóa dưới dạng chứng chỉ kỹ thuật số theo công nghệ blockchain NFT”.

Börsenverein cũng thông tin thêm: “Sau khi hợp tác cùng Creatokia, giải thưởng German NonFiction Prize sẽ cho phép các nhà xuất bản tiếp cận tác phẩm thông qua các mã NFT. Trước mắt, bốn trong số những cuốn sách phi hư cấu được đề cử cho giải thưởng năm nay, cùng tác phẩm chiến thắng năm 2021, cuốn Hegel’s World, đã được chuyển thể thành ấn bản kỹ thuật số đặc biệt dưới dạng NFT”.

Trong một tuyên bố, John Ruhrmann, giám đốc điều hành và cũng là nhà đồng sáng lập của Bookwire và Creatokia, cho biết: “Tại Creatokia, chúng tôi tin rằng văn học và metaverse (vũ trụ ảo) có thể cùng phát triển. Hay nói một cách khác, văn học đã là một metaverse theo đúng nghĩa của nó”.

“Dự án đang mở ra một hướng đi mới cho các tác giả, độc giả và nhà xuất bản… kết nối với thế giới. Chương trình này là một bước tiến về áp dụng công nghệ blockchain trong ngành xuất bản, ghi dấu lại các tác phẩm đoạt giải”, theo ông John Ruhrmann.

Từ phía Börsenverein, Anne-Mette Noack, người phụ trách các dự án văn hóa và tiếp thị, cho biết giải thưởng German Nonfiction Prize giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thời đại mà chúng ta đang sống. Động lực cho việc thực hiện NFT không chỉ xuất phát từ chính những cuốn sách phi hư cấu được đề cử mà còn từ mong muốn của chúng tôi muốn khám phá các hình thức và công nghệ mới.

"NFT còn tương đối mới với chúng tôi và các nhà xuất bản. Chúng tôi rất tò mò muốn xem việc sử dụng công nghệ blockchain trong ngành sách và văn học phát triển như thế nào. Đó là những gì chúng tôi muốn làm và muốn tìm hiểu thông qua dự án thử nghiệm này”, Anne-Mette Noack nói.

 Theo Zing News

Tags: