10 cuốn sách TED có sức mạnh thay đổi hoàn toàn thế giới quan của bạn
10 cuốn sách TED có sức mạnh thay đổi hoàn toàn thế giới quan của bạn
Có thể bạn đã biết TED, nhưng bạn đã đọc TED Books bao giờ chưa?

TED nổi tiếng khắp toàn cầu là một tổ chức phi lợi nhuận dành cho việc truyền bá ý tưởng; TED bắt đầu hoạt động vào năm 1984 được tổ chức dưới hình thức là các bài nói chuyện ngắn (18 phút hoặc ít hơn) đầy sức thuyết phục và mạnh mẽ chia sẻ những ý tưởng về Công nghệ - Giải trí - Thiết kế và ngày nay nó bao gồm gần như tất cả các chủ đề - từ khoa học đến doanh nghiệp sang các vấn đề toàn cầu với hơn 100 ngôn ngữ và thông qua các phương tiện khác như sách báo, phim hoạt hình, chương trình truyền thanh, sự kiện.... TED chào đón mọi người -  những người muốn tìm hiểu sâu hơn mọi lĩnh vực trong xã hội, tiếp nhận những ý tưởng để thay đổi thái độ, tư duy về cuộc sống.

Dưới đây là 10 cuốn sách được viết bởi chính những diễn giả nổi tiếng nhất của TED, bao gồm những bài nói súc tích, đầy sức hút lôi cuốn bạn đọc, rất ngắn đến mức có thể đọc xong hết trong một lần ngồi đọc nhưng lại dài đủ để hiểu sâu cả chủ đề, những cuốn sách nhỏ nói về những ý tưởng lớn, chuỗi chủ đề với phạm vi rộng bao quát toàn bộ, từ kiến trúc đến kinh doanh, từ du lịch đến tình yêu. TEDBooks - những ai có bộ óc luôn tò mò, tìm kiếm điều mới lạ, nguồn cảm hứng trong cuốc sống. 

 

 

1. Vì sao chúng ta phải làm việc

 

 

Tại sao chúng ta làm việc? Tại sao mỗi sáng ta lại phải kéo lê mình ra khỏi giường thay vì sống cuộc đời ngập tràn niềm vui với hết trò này đến trò khác?

Nhưng câu hỏi tưởng như thật đơn giản và ai cũng dễ dàng trả lời. Nhưng Giáo sư Barry Schwartz lại chứng minh rằng thật ra câu trả lời chi nó lại vô cùng phức tạp, đáng kinh ngạc và vô cùng khẩn cấp.

Ta làm việc vì ta phải kiếm sống. Chắc chắn rồi, nhưng chỉ có vậy thôi sao? Tất nhiên là không rồi. Khi bạn hỏi những người hài lòng với công việc tại sao họ làm công việc ấy, thì gần như tiền không phải là câu trả lời. Danh sách những lý do phi-tiền-bạc rất dài và rất thú vị.

Nhiều người làm việc vì họ thấy vui. Những người hài lòng với công việc lao động vì thấy có trách nhiệm. Những người khác làm việc vì đó là cơ hội để hòa nhập cộng đồng. Nhiều người làm việc vì họ cảm thấy việc mình làm thật ý nghĩa.

Những nguyên nhân phong phú khiến chúng ta thỏa mãn với công việc kể trên đã dấy lên một số vấn đề rất lớn. Tại sao trên thế giới này có vô vàn người mà công việc của họ lại chẳng có nhiều hoặc hoàn toàn vắng bóng những đặc tính này? Tại sao với hầu hết chúng ta, công việc thật là đơn điệu, vô vị và mòn mỏi? Tại sao chủ nghĩa tư bản phát triển lại tạo ra một mô hình làm việc hạn chế hoặc triệt tiêu các cơ hội nuôi dưỡng sự hài lòng phi vật chất tiềm năng – mà chính nó sẽ khuyến khích người ta làm việc tốt hơn?

Thông qua những nghiên cứu cuốn hút và những câu chuyện hấp dẫn, cuốn sách “Vì sao chúng ta làm việc” đưa ta đến lời giải cho bí mật của hạnh phúc nơi làm việc. Sau tất cả, Barry Schwartz đã chứng minh cho chúng ta thấy gốc rễ của thành công trong lao động hiếm khi được khuyến khích, trong khi chúng ta lại cố gắng làm những việc chỉ đem lại kết quả xấu.

Bằng sự sáng suốt và thông thái, Barry Schwartz chỉ cho chúng ta cách để thấu hiểu và làm chủ công việc, dẫn đến thành công. Một cuốn sách dành cho tất cả mọi người đang tìm kiếm ý nghĩa của lao động.

 

2. Thay đổi nhỏ - phần thưởng lớn

 

Cuốn sách này hướng tới tất cả mọi người và bất kỳ ai muốn có một chỗ làm tốt hơn, dù cho đó là giám đốc điều hành hay chỉ là một nhân viên tạp vụ. Nó xem xét việc tích lũy những suy nghĩ và thói quen hàng ngày: cách nói chuyện, lắng nghe, tranh cãi, suy nghĩ và nhìn nhận. Những điều này không đáng giá vài triệu đô-la hay là những chương trình kéo dài nhiều năm; chúng là những bước đi nhỏ bé mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện bất cứ lúc nào, những bước đi đánh dấu sự bắt đầu chuyển mình của thay đổi lớn.

Điều cuốn sách này đưa ra không phải là một công thức đơn giản để chuyển đổi chỉ sau một đêm, những lời khuyên và mẹo nhỏ vẫn được các diễn giả đầy nhiệt huyết, những người truyền động lực trong công ty mà mọi người yêu thích, trình bày rõ ràng. Thay vào đó, có rất nhiều điều trong cuốn sách nói đến suy nghĩ: một khái niệm khá tầm thường, ý tưởng công nghệ thấp, dễ dàng bị quên lãng và thường xuyên bị đánh giá thấp.

Nhưng khi suy nghĩ, chúng ta phải dừng việc mình đang làm lại. Và nếu được phép, tâm trí của chúng ta sẽ lang thang thoát khỏi những thứ sáo rỗng, ẩn ngữ, “khi sự đã rồi”. Đó là khi chúng ta tìm ra điều mình tin tưởng, con người thật của mình và điều chúng ta cần nói. Đó là khi chúng ta dừng lại và nghĩ rằng mình đã tìm lại lòng can đảm, sự dí dỏm, lòng trắc ẩn, trí tưởng tượng, niềm vui sướng, sự thất vọng, sự khám phá và sự tận tâm mà công việc có thể khơi gợi lên – nói ngắn gọn, chúng là tất cả những thứ quan trọng trong công việc mà chúng ta không thể đo đếm được.

Mang theo hành lý là những câu chuyện khó tin và thống kê có thể làm bạn giật mình, “Thay đổi nhỏ phần thưởng lớn” đưa chúng ta đến với một chuyến hành trình xuyên lục địa, đánh dấu những cách thức hoạt động kinh tế khác nhau và hé lộ cách mà họ thay đổi bản thân để đạt được những khoản lời. Bằng một giọng văn dí dỏm gượng gạo và hài hước ranh mãnh, Margaret Heffernan chứng minh rằng chỉ một thay đổi nhỏ cũng đem lại phần thưởng vô cùng lớn, và ảnh hưởng lâu dài. 

 

3: Thuật toán của tình yêu

 

Mục đích của cuốn sách này không phải là để thay thế những nguồn tư liệu xuất sắc vốn có về khoa học kết giao của con người. Nó cũng không đủ miêu tả những nỗi đe dọa vô hình, những say mê đến ám ảnh hay nỗi tuyệt vọng cùng cực mà tình yêu có thể mang lại. Nếu đó là những gì bạn mong chờ, có lẽ đơn giản là bạn nên tìm về với những bức họa, bài thơ, công trình điêu khắc và những bài ca đã được sáng tạo nên trong hơn 5000 năm qua.

Nếu bạn nghĩ tình yêu và toán học vốn dĩ chẳng liên quan tới nhau cũng không sao. Cảm xúc của con người, không như những phương trình toán học, không thể có quy tắc hay được dạy dỗ, và những rộn ràng tinh tế của sự lãng mạn không hề dễ định nghĩa. Nhưng điều đó không có nghĩa toán học không thể đóng góp gì vào góc nhìn về tình yêu. Bởi vì rốt cuộc, toán học là ngành nghiên cứu về các mô hình, dạng thức, khám phá mọi vấn đề từ quy luật của vũ trụ đến hoạt động của các hạt hạ phân tử. Và thành thực mà xem xét thì trong số đó, không có gì là có quy tắc, trật tự hay dễ dàng dự đoán.

May mắn thay, như hầu hết mọi vấn đề của cuộc sống, tình yêu cũng có vô vàn các dạng mô hình: từ số lượng người yêu trong suốt cuộc đời đến cách chúng ta lựa chọn đối tượng để nhắn tin trên một trang web hẹn hò. Toán học sẽ mang lại rất nhiều hiểu biết mới về chuyện hẹn hò.

Trong “Thuật toán của tình yêu”, Hannah Fry đưa người đọc vào một hành trình kỳ thú để cùng đi tìm định nghĩa của tình yêu, và đưa toán học vào cả trong những câu hỏi phức tạp của thuộc về cảm xúc. Từ việc ước đoán chiến lược cho hẹn hò đến tìm kiếm chuẩn mực của cái đẹp, Hannah Fry đã chứng minh rằng toán học cũng hữu dụng trong việc vượt qua sự phức tạp, đôi khi là thất bại, lắm lúc lại điên cuồng, hầu hết là thú vị và luôn luôn bí ẩn của tình yêu bằng một giọng văn hài hước, dí dỏm nhưng không kém phần sâu sắc.

Cuốn sách dành cho những kẻ đang yêu, sẽ yêu và đang tìm kiếm tình yêu.

 

4: Nghe theo cái bụng

 

Dị ứng, hen suyễn, béo phì, mụn trứng cá… những chứng bệnh tưởng như chẳng liên quan nhưng thực tế có thể chúng xuất phát từ hàng ngàn tỷ sinh vật tí hon đang sống trong cơ thể bạn. Hàng ngàn tỷ sinh vật tí hon sống trong mắt, tai và trong cả bộ lòng của bạn. Thế giới tí hon nằm trong cơ thể chúng ta nắm giữ một tiềm năng tái xác định cách chúng ta hiểu về bệnh tật, sức khỏe và chính bản thân mỗi người.

Tập hợp các sinh vật ấy ngụ cư bên trong và bên trên cơ thể chúng ta được gọi là hệ vi khuẩn của người, bộ gene của chúng được gọi là bộ gene vi khuẩn của người. Và như bao đột phá khoa học khác, những sự thật mới được phát hiện về thế giới tí xíu này đóng vai trò như những lời khiển trách gửi tới cái tôi của loài người. Việc phân tích bản đồ gene vi khuẩn của người dạy cho chúng ta rằng dù ngay trong chính cơ thể mình, chúng ta cũng bị lấn át hoàn toàn bởi những sinh vật sống độc lập (và phụ thuộc tương hỗ) với những mục đích và hoạt động của riêng chúng.

Nghiên cứu mới phát sinh đã mở ra các mối liên hệ chưa từng biết đến giữa vi sinh vật trong cơ thể và vô số bệnh. Và khi những liên kết này dần sáng tỏ, chúng ta có thể thấp thoáng nhìn thấy những phương pháp chữa trị trong tương lai. Hầu như bất cứ điều gì bạn có thể tưởng tượng ra đều có một tác động nào đó đến vi sinh vật: thuốc men, chế độ ăn, vị trí của bạn trong gia đình, hay số lượng bạn tình của bạn. Khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ phát hiện ra rằng vi sinh vật có sự gắn bó sâu sắc với hầu như toàn bộ các khía cạnh của cuộc sống con người. Thật ra, các vi sinh vật đang định nghĩa lại về con người.

Trong cuốn sách “Nghe theo cái bụng”, nhà khoa học Rob Knight cùng nhà báo Brendan Buhler đã giải thích một cách hài hước và vô cùng dễ hiểu về thế giới sinh vật trong cơ thể người và tầm quan trọng của chúng. Đó là một hành trình kỳ thú khám phá thế giới đa dạng đang ẩn mình trong chính cơ thể bạn.

 

5: Café trên Sao Hỏa

 

Sống trên sao Hỏa – một điều tưởng như phi lý nhưng nhà báo Stephen Petranek thì không nghĩ như vậy. Thậm chí ông cho rằng chỉ đến năm 2027, con người sẽ có thể sinh sống trên sao Hỏa.

Đó là nội dung cuốn sách “Cà phê trên sao Hỏa”. Nghe như một cuốn sách viễn tưởng. Nhưng Petranek đã xem xét đến những sự thật sâu xa trong đó. Và rằng chúng ta sẽ sống trên sao Hỏa, đúng hơn là chúng ta buộc phải làm điều đó. Petranek khẳng định sao Hỏa là mục tiêu sống còn với loài người và giải thích một cách chi tiết, cuốn hút về việc làm thế nào mà điều đó có thể xảy ra.

Thật ra, chúng ta đã có khả năng vươn tới Sao Hỏa trong ít nhất là 30 năm nay. Trong khoảng một thập kỉ sau chiến dịch Apollo 11, chúng ta vốn đã có thể đưa người lên Hành tinh Đỏ. Hầu hết mọi công nghệ cần thiết đều đã sẵn sàng từ lâu. Chúng ta đơn giản là lựa chọn chưa theo đuổi cơ hội. Việc định cư trên Sao Hỏa sắp trở thành sự thực nhanh hơn hầu hết mọi người kịp nhận ra rất nhiều.

“Cà phê trên sao Hỏa”  tập hợp những bài báo, phỏng vấn, nghiên cứu để trả lời câu hỏi: Chúng ta có thể sống trên sao Hỏa trong 20 năm nữa như thế nào? Cuốn sách được viết một cách súc tích và dễ hiểu với tất cả mọi người. 

Phần lớn cuốn sách này sẽ kiểm chứng sự thật gây kinh ngạc, rằng chúng ta có năng lực sống trên Sao Hỏa. Nhưng cuốn sách cũng là hồi chuông cảnh tỉnh đến loài người. Một tiềm năng là khổng lồ luôn đi kèm với những cạm bẫy cũng vô tận. Giờ đã đến lúc chúng ta phải suy ngẫm một cách nghiêm túc về nó.

 

6: Người lạ làm thay đổi cuộc sống của chúng ta

 

Làm thế nào mà những người không quen biết có thể làm bạn thay đổi?

Cùng khám phá những điều thú vị không ngờ và những tình huống hồi hộp, kích thích của việc nói chuyện với những người bạn chẳng hề quen biết trước. Những điều này sẽ thay đổi con người bạn và cả thế giới mà bạn tưởng như mình đã nắm rõ.

Đây là cuốn sách về trò chuyện, và nó cũng là cuốn sách về cách nhìn nhận, lắng nghe và nhắc nhở về thế giới. Có những mối liên hệ chỉ trong giây lát lại có thể nên thơ và sâu sắc như thế nào để bạn mở rộng tầm hiểu biết của mình và làm phong phú thêm những khái niệm về con người – những người lạ với bạn. Và cuốn sách cũng cho thấy động cơ ẩn chứa và ý nghĩa của những tương tác trên phố. Bạn sẽ tìm thấy một cách mới để yêu thêm thế giới này.

Cuộc sống của chúng ta đang bị thu hẹp theo cấp số nhân. Chúng ta vội vã, khuôn mặt cắm cúi, tâm thức luôn rời xa cơ thể. Chúng ta chỉ nghe thấy những âm thanh mà chúng ta đã thân thuộc và hiếm khi dám làm quen những điều mới, hay những con người mới. Trò chuyện với người lạ giúp chúng ta trải nghiệm việc chia sẻ những cảm xúc và tạo nên những sợi dây liên kết tình cảm chân thật nhất. Và rồi nó sẽ mở ra một thế giới mới cho bạn.

“Người lạ làm thay đổi cuộc sống của chúng ta” hướng dẫn người đọc cách bắt đầu một cuộc giao tiếp với người lạ, và bao gồm những thử thách liều lĩnh cho ai có can đảm.

 

7: Kỳ bí dòng sông sôi trong lòng Amazon

 

Trong một thế giới mà mọi thứ dường như đều có thể tính toán bằng những con số, đều đặn nhịp nhàng và bị giày xéo bởi những nhà đưa tin và sự xâm lược của nền văn minh hiện đại, chúng ta lại bị kinh ngạc bởi hành trình của một nhà khoa học.

Khi Andrés Ruzo mới chỉ là một cậu bé sinh sống tại Peru, ông cậu đã kể cho cậu về một huyền thoại kỳ bí: một dòng sông sôi như lửa sâu trong lòng Amazon. 12 năm sau, khi cậu bé ngày ấy đã trở thành một nhà khoa học địa nhiệt, đã được nghe người dì kể về việc bà tận mắt nhìn thấy dòng sông ấy.

Dòng sông sôi là có thật! Điều đó đã kích thích Andrés Ruzo thực hiện cuộc hành trinh thám hiểm vào sâu trong lòng Amazon. Và anh đã bị sửng sốt bởi những gì mình chứng kiến. Trong con sông rộng lớn và hùng vĩ, nước sôi sục đến mức người dân địa phương pha trà ngay với nó, và những con thú nhỏ chỉ một bước xẩy chân đã bị luộc chín. Càng nghiên cứu về nó, anh càng đối mặt với nhiều thử thách gian nan hơn tất cả những gì anh từng tưởng tượng.

“Kì bí dòng sông sôi trong lòng Amazon” theo chân nhà thám hiểm trẻ tuổi khám phá một cuộc chạy đua lợi ích phức tạp của pháp sư địa phương, những chủ trại ngựa bất hợp pháp, người buôn gỗ và các công ty dầu mỏ. Một nghiên cứu thực tế tựa như một cuộc mạo hiểm với những nhân vật lạ thường, chi tiết bất ngờ cuốn hút chỉ có trong phim, chi tiết đáng kinh ngạc. Cuốn sách bao gồm cả những bức ảnh cận cảnh và những sự thật chưa bao giờ được công bố về một trong những kỳ quan thiên nhiên thế giới.

Sau cùng, cuốn sách “Kì bí dòng sông sôi trong lòng Amazon”  có lẽ chỉ là câu chuyện về một chàng thanh niên cố gắng thấu hiểu bổn phận đạo đức của mình song hành cùng một phát hiện khoa học. Mục đích cuối cùng là một hiện tượng thần thánh khỏi những sự lạm dụng, thờ ơ.

Một cuốn sách kết hợp giữa một hành trình thú vị và những nghiên cứu đáng kinh ngạc của một chàng thanh niên trẻ vào trong lòng Amazon – nơi thần thoại không còn là tưởng tượng.  Một cuốn sách hoàn hảo cho bất cứ ai đam mê khám phá.

 

8: Nghệ thuật của sự tĩnh lặng

 

Có một sự thật đau lòng: Chúng ta càng kết nối với nhau, chúng ta lại càng xa rời nhau. Bởi trong thế giới điên cuồng này, cuộc sống của chúng ta đang trở nên đông đúc, hỗn độn và ồn ào. Chưa bao giờ mà chúng ta cần chậm lại, và cho phép bản thân trở nên im lặng như lúc này.

Bất cứ ai trong chúng ta cũng sẽ thảnh thơi biết bao nếu thử tận hưởng nghệ thuật ngồi yên lặng. Mỗi người có thể bắt đầu bằng vài phút mỗi ngày để ngồi yên lặng và không làm gì cả, để những gì đang chuyển động nổi lên bề mặt. Ai đó có thể dành ít ngày nghỉ trong mỗi mùa để rút lui nghỉ ngơi hay tận hưởng một cuộc đi bộ ngoài thiên nhiên hoang dã. Một ai đó thậm chí có thể, như Cohen đã và đang làm, tìm kiếm một cuộc đời mà trong đó mỗi màn kịch dựng lên và những phần trình diễn đã qua đi và chúng ta được nhắc nhở rằng, đôi khi, ở một mức độ sâu hơn mọi ngôn từ, việc sống và kiếm sống đi theo những hướng hoàn toàn trái ngược nhau.

Mặc dù máy móc có vẻ như đang dần trở thành một phần trong hệ thống thần kinh của chúng ta và qua mỗi mùa thì máy móc lại được hiện đại hóa, nhưng chúng ta vẫn đánh mất những kỳ nghỉ cuối tuần, những buổi tối – những khoảng thời gian thiêng liêng, như đáng ra phải có. Càng lúc càng có nhiều người trong số chúng ta cảm thấy giống như những ông bác sĩ ở phòng cấp cứu, lăm lăm chiếc điện thoại trong tay, bản thân luôn cần được chữa lành nhưng lại không thể tìm ra toa thuốc để chữa trị những thứ bừa bãi trên bàn mình.

“Nghệ Thuật Của Sự Tĩnh Lặng”  vẽ nên bức tranh tại sao mà nhiều người giàu có tìm thấy sự đầy đủ trong im lặng. Sau cùng, Pico Iyer chỉ ră rằng, đây là kỷ nguyên mà sự tĩnh lặng trở thành nhu cầu thiết yếu của con người.

Một cuốn sách đầy chất trữ tình và gợi mở cho những ý tưởng mới, và cung cấp một phương pháp để có khả năng tự mình tiến về phía trước cho những người đang bị cuốn theo bước chân điên cuồng của thế giới hiện đại.

 

9: Tương lai của kiến trúc

 

Một cuộc cách mạng trong kiến trúc đang diễn ra. Ngày nay, một người bình thường đã có thể bày tỏ ý kiến của mình về kiến trúc thoải mái hơn bao giờ hết. 1 tỷ 750 triệu điện thoại thông minh trên thế giới đang thay đổi căn bản cách mà kiến trúc được sử dụng, biến mọi người trở thành những nhiếp ảnh gia kiến trúc. Những bức ảnh được chia sẻ trên phương tiện xã hội đã giải phóng những công trình ra khỏi vị trí địa lý vốn có, mở ra một cấp độ gắn bó mới của chúng với cộng động. Ngày nay, chúng ta trải nghiệm kiến trúc với một sự gần gũi chưa từng có, tạo ra những chủ đề cho các cuộc đối thoại trên toàn cầu về các công trình xây dựng và ảnh hưởng của chúng.

Trong thế giới mới này, nơi mà con người đang đòi hỏi ngày càng nhiều hơn từ những công trình xây dựng, các kiến trúc sư không còn bị bó hẹp trong bất kỳ phong cách đơn lẻ nào tại bất kỳ thời điểm nào. Thậm chí các nhà sử học về kiến trúc cũng không biết chính xác điều gì đang diễn ra ngay lúc này bởi tất cả đang xảy ra quá nhanh. Thực tế, họ sẽ chẳng bao giờ biết điều gì đang diễn ra nữa bởi tương lai của ngành kiến trúc là một cơn cuồng phong của thử nghiệm và tái đánh giá những thói quen từ lâu đã được chấp nhận.

Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới của kiến trúc – thời đại mà chúng ta muốn nhà không còn chỉ là những nơi trú chân. Chúng ta kỳ vọng những căn nhà thân thiện với môi trường,. Chúng ta mong muốn một căn nhà có khả năng soi rọi mọi khả năng của con người nhưng đồng thời cũng phục vụ những nhu cầu của cộng đồng. Chúng ta cần những tòa nhà được xây dựng bằng công nghệ mới kết hợp với nguyên liệu được tái sử dụng. Chúng ta muốn nhiều hơn nữa từ kiến trúc. Một căn lều làm bằng giấy. Một tòa nhà ăn mòn cả sương. Một sân khấu biểu diễn có thể bơm phồng. Một phòng thí nghiệm có thể di chuyển xuyên qua lớp tuyết dày.

Như một thư viện kiến trúc, “Tương lai của kiến trúc” tập hợp những tào nhà sáng tạo nhất trên thế giới – những sản phẩm kiến trúc của hôm nay và ngày mai. Tràn đầy những hình ảnh hoa lệ và câu chữ dí dỏm, cuốn sách này là một bản hướng dẫn thiết yếu để tiến đến tương lai.

 

10: Nhìn mặt mà bắt hình dong

 

Ấn tượng đầu tiên cực kỳ quan trọng đối với cách chúng ta tiếp nhận thế giới, và được thế giới tiếp nhận. Đó là bước đầu làm quen của chúng ta với mọi thứ: bạn bè, nơi làm việc, các sản phẩm, các mối quan hệ, mẫu thiết kế... Và chúng ta đánh giá mọi thứ qua ấn tượng đầu tiên. Ngày nhỏ, chúng ta đều được dạy rằng: “Đừng nhìn mặt mà bắt hình dong.” Nhưng chúng ta lại làm đúng như thế, vì chúng ta sống trong một nền văn hóa thị giác, và tâm trí phản ứng tức thì với những gì đập vào mắt.

Nếu lấy thiết kế ra làm ví dụ, thì nguyên tắc “đừng phán xét” hoàn toàn vô nghĩa. Từ trong bản chất, bản thiết kế đòi hỏi phải được đánh giá ngay từ lần đầu tiếp xúc, bởi vì nó được làm ra là để giải quyết vấn đề. Nếu không như thế thì… chính bản thân nó là một vấn đề.

Một góc nhìn khôi hài và dí dỏm về tầm quan trọng của ấn tượng đầu tiên, dù là trong thiết kế hay trong cuộc sống, từ nhà thiết kế Chip Kidd.

Với “Nhìn mặt mà bắt hình dong”, Chip Kidd đưa người đọc đến một chuyến du hành kỳ thù của ấn tượng đầu tiên. Từ thiết kế của một tờ báo cho đến chiếc vé trên tàu điện ngầm. Từ cuốn sách bạn cầm trên tay đến chiếc di động bạn sử dụng hàng ngày, hay thậm chì là bao bì của miếng sô-cô-la bạn tự thưởng cho bản thân. Chip Kidd đã hé lộ bí mật đằng sau những thiết kế sản phẩm, với một lượng hài hước vừa đủ, nêm nếm thêm chút phê bình, và cả những kiến thức chuyên môn được tích lũy.

Cuốn sách là một câu chuyện tình yêu đẹp đẽ, phơi bày vẻ đẹp và cả sự phản bội ẩn sau những thiết kế tưởng chừng đơn giản, những điều mà chúng ta chẳng bao giờ để tâm tới. Và sau cùng, trong bất cứ chủ đề hay hoàn cảnh nào, Chip Kidd cũng dễ dàng chứng minh tầm quan trọng của ấn tượng đầu tiên với tất cả chúng ta.

Trạm Đọc tổng hợp

Tags: sách ted