1. Nhận thức của chúng ta về công lý là chủ quan và thay đổi liên tục

Công lý vừa là một trong những chủ đề tranh luận thường xuyên, vừa là một trong những chủ đề khó nắm bắt nhất trong triết học, bởi vì nhận thức của chúng ta về nó là chủ quan, thay đổi thường xuyên theo tiến trình lịch sử.

Có đúng không khi hi sinh tính mạng một người để phòng tránh cái chết cho rất nhiều người? Có công bằng không khi đánh thuế người giàu để giúp người nghèo? Phá thai có phải là một quyền con người không, hay đó là giết người?

Câu trả lời cho những câu hỏi này rất khác nhau phụ thuộc vào từng cá nhân. Mọi người nhìn chúng từ một góc nhìn riêng biệt, tạo nên bởi quy tắc, giá trị, kinh nghiệm, và thật không may – định kiến và sự phẫn nộ khác nhau. Tất cả chúng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định sự đánh giá của chúng ta.

Hơn thế, lịch sử của triết học cho ta thấy câu trả lời cho những câu hỏi về công lý luôn bị giới hạn bởi thời kì mà các câu hỏi đó được đặt ra.

Trong các lý thuyết cổ xưa như lý thuyết của Aristotle, công lý được liên kết chặt chẽ với đạo đức và “cuộc sống tốt”: một xã hội chỉ công bằng khi nó nuôi dưỡng và tưởng thưởng đạo đức của công dân. Do đó trước khi chúng ta đặt câu hỏi công lý là gì, chúng ta phải biết cái gì tạo nên một cuộc sống tốt.

Theo như một triết lý hiện đại hơn như thuyết công lợi, công lý luôn luôn xoay quanh tổng hạnh phúc: công lý là làm tăng cảm giác hạnh phúc cho số đông.

Các lý thuyết hiện đại khác như triết lý Tự do cá nhân thấy phần quan trọng nhất của một xã hội công bằng là việc đảm bảo sự tự do tới mỗi cá nhân để sống cuộc sống theo nguyên tắc của riêng họ.