- GDP thể hiện giá trị của tất cả hàng hóa dịch vụ mà một nền kinh tế sản xuất ra. GDP thường dùng để đánh giá quy mô, sự tăng trưởng của một quốc gia. GDP danh nghĩa là GDP chưa tính đến lạm phát. GDP điều chỉnh là GDP đã điều chỉnh lạm phát. Trong ngắn hạn, một quốc gia có thể tiêu thụ nhiều hơn GDP tức là tiêu thụ nhiều hơn sản xuất. Nhưng về lâu dài, tổng tiêu thụ của một quốc gia sẽ bằng hay gần bằng với tổng sản xuất.
- GDP bình quân đầu người – GDP chia cho dân số của quốc gia – đánh giá mức độ giàu có của các quốc gia. GDP là một thước đo không hoàn hảo, vì giàu có hơn không có nghĩa là hạnh phúc hơn, có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nghiên cứu cho thấy, GDP bình quân đầu người tại Mỹ đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 1970 – 1999, nhưng cũng trong giai đoạn này số người tự cho mình là “vô cùng hạnh phúc” giảm xuống từ 36% còn 29%.
- Tỷ lệ thất nghiệp: phần trăm số người muốn làm việc nhưng không thể tìm được việc. Định luật Okun: nếu GDP tăng 3% - tỷ lệ thất nghiệp không thay đổi, GDP tăng 4% - tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,5%, GDP tăng 2% - tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,5%. Tức là 1% thay đổi của GDP sẽ làm thay đổi 0,5% tỷ lệ thất nghiệp.
- Đói nghèo. Dù nền kinh tế có thịnh vượng đến đâu, luôn có một tỷ lệ nghèo đói trong xã hội. Hiện tại Mỹ có 13% thuộc vào nhóm nghèo với thước đo do Chính phủ Mỹ đưa ra: mức nghèo cho người độc thân là 8.350 USD/năm trở xuống, và cho một gia đình có hai con là 22.050 USD/năm trở xuống.
- Bất bình đẳng thu nhập. Các nhà kinh tế sử dụng chỉ số Gini để đo sự bình đẳng về thu nhập. Chỉ số Gini bằng 0%: là tình trạng bình đẳng tuyệt đối: tất cả người đi làm có thu nhập bằng nhau, còn khi chỉ số bằng 100% - tình trạng bất bình đẳng tuyệt đối – chỉ một người chiếm toàn bộ thu nhập của xã hội. Vào năm 2007 chỉ số này của Mỹ - 45%, Pháp – 28%, Thụy Điển – 27%, Brazil – 57%.
- Quy mô của Chính phủ. Nói quy mô Chính phủ lớn hay nhỏ phải căn cú vào thước đo nào đó. Một thước đo khá đơn giản là tỷ lệ của toàn bộ chi tiêu của Chính phủ - địa phương, bang, liên bang – đối với GDP. Quy mô Chính phủ Mỹ: 30%, Anh: 40%, Nhật Bản – trên 45%, Pháp và Thụy Điển – hơn 50%. So với các nước vừa kể, quy mô của Chính phủ Mỹ nhỏ hơn, và vì thế người dân Mỹ nhận được ít hơn. Chính phủ Mỹ là đất nước phát triển duy nhất không cung cấp dịch vụ y tế công. (Người viết: tính đến thời điểm cuốn sách xuất bản).
- Thâm hụt và thặng dư ngân sách. Thâm hụt ngân sách xảy ra khi Chính phủ chi tiêu nhiều hơn tổng thu, thặng dư ngân sách thì ngược lại. Cân đối ngân sách nên được thực hiện trong thời gian dài, theo đó Chính phủ nên duy trì thặng dư ở mức vừa phải trong thời gian tốt của nền kinh tế, và thâm hụt ở mức vừa phải trong thời gian khó khăn.
- Cán cân thương mại. Khi thu nhập của một quốc gia từ các nước khác (chủ yếu là hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu) cao hơn thu nhập của các nước khác từ quốc gia đó, thì quốc gia đó đang có thặng dư thương mại. Ngược lại gọi là thâm hụt thương mại. Nếu quốc gia mua nhiều hàng hóa để đầu tư và phát triển trong tương lai thì sự thâm hụt này là tốt. Còn nếu quốc gia mua nhiều hàng hóa để tiêu dùng thì sự thâm hụt này là không tốt. Các quốc gia phá sản đều có sự thâm hụt thương mại lớn.
- Tiết kiệm quốc gia. Các cá nhân, sau khi chi tiêu cho những nhu cầu và kế hoạch cá nhân, cần phải tiết kiệm vì tiết kiệm là yêu cầu thiết yếu để tích lũy tư bản cho đầu tư, và đầu tư giúp cho năng suất lao động của cả xã hội tăng lên. Quốc gia có tiết kiệm thấp phải vay mượn nước ngoài và phải trả phần thu nhập của đầu tư cho khoản vay gốc lẫn lãi.
- Nhân khẩu học. Quỹ an sinh xã hội dành cho người lớn tuổi được hoạt động như một mô hình hình tháp tức là những người trẻ, còn làm việc - ở đáy tháp – đóng góp tiền an sinh xã hội cho những người già, đã về hưu - ở đỉnh tháp. Hệ thống sẽ chạy tốt khi số người trẻ ở đáy tháp nhiều hơn số người già ở đỉnh tháp. Khi xã hội già đi, số người trẻ ít hơn, họ phải làm việc nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn để duy trì quỹ an sinh xã hội.