13: Những giải pháp cho nền kinh tế của các nước đang phát triển

Theo tổ chức Nông nghiệp và Lương thực  của Liên Hiệp Quốc (FAO) hiện tại vẫn còn đến 1 tỷ người không có đủ lương thực để ăn. Và trong lúc thế giới đã đạt được những thành tựu vĩ đại như lên mặt trăng, giải mã bộ gien con người, vẫn có đến 2 tỷ người có thu nhập dưới 2 đô la Mỹ một ngày. Phần đông nhóm người  “nghèo khổ” này thuộc về các nền kinh tế đang phát triển. Chúng ta hãy xem xét những giải pháp sau đây cho những nền kinh tế này:

 - Cần thể chế Chính phủ hiệu quả. Để tăng trưởng và thịnh vượng, một nước cần có luật pháp, khả năng cưỡng chế khi có người phạm pháp, tòa án nghiêm minh, cơ sở hạ tầng cơ bản tốt, Chính phủ có khả thu thuế, không tham nhũng và được dân tôn trọng.

 - Xác định quyền sở hữu của người  dân và doanh nghiệp một cách chính thức và rõ ràng. Quyền sở hữu – tư cách pháp nhân đối với tài sản – giúp người dân thuê, chia nhỏ, chuyển nhượng hợp pháp, hay sử dụng tài sản làm vật ký quỹ để mượn vốn.

 - Loại bỏ những luật lệ bất hợp lý. Những luật lệ bất hợp lý gây ra sự bất ổn, phiền toái đối với người dân và doanh nghiệp. Chúng cũng tạo điều kiện cho tham nhũng.

 - Tập trung nâng cao vốn con người. Những nền kinh tế phát triển cần phải luôn chú trọng vào việc đào tạo và huấn luyện vốn con người. Và hơn thế nữa, những nước này phải tạo ra một môi trường làm việc tốt để những người  có kỹ năng cao có thể cùng làm việc với nhau và phát huy kỹ năng của họ. Nếu không họ sẽ tìm môi trường thích hợp ở các nước đã phát triển.

 - Vượt qua những trở ngại gây ra do địa lý. Theo Ngân hàng Thế giới, trong 30 nước được xếp là giàu chỉ có 2 nước – Hồng Kông và Singapore nằm trong vùng nhiệt đới. Khí hậu nhiệt đới – nhiệt độ cao mưa nhiều – không tốt cho sản lượng lương thực và sức khỏe của con người. Các nước đang phát triển nằm trong vùng nhiệt đới cần tạo cơ chế để thúc đẩy các công ty dược sản xuất nhiều hơn thuốc điều trị những căn bệnh ở vùng nhiệt đới. Giải pháp quan trọng là mở cửa nền kinh tế để thoát khỏi cái bẫy của nền kinh tế dựa chủ yếu vào nông nghiệp.

 - Mở cửa nền kinh tế. Ở trên chúng ta đã bàn về tầm quan trọng của việc mở cửa nền kinh tế, giao thương, nhập và xuất khẩu đến các nước khác. Đối với các nền kinh tế đang phát triển, mở cửa nền kinh tế không chỉ quan trọng mà còn là cốt yếu, then chốt.

 - Thực hiện chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có trách nhiệm. Các Chính phủ cần phải thực hiện chính sách tài khóa một cách hợp lý, có trách nhiệm. Nếu Chính phủ lạm chi ngân sách sẽ gây ra những vấn đề sau: thuế cao hơn (để trả các khoản nợ), lạm phát (làm giảm giá trị các khoản nợ), và cao hơn là vỡ nợ. Chính sách tiền tệ cũng cần phải thực hiện đúng để tạo ra sự phát triển kinh tế ổn định mà không bị những cú sốc lạm phát hay giảm phát mạnh.

 - Đừng quá trông chờ vào tài nguyên thiên nhiên. Israel không có dầu nhưng giàu hơn bất cứ nước láng giềng có dầu nào ở Trung Đông; Nhật Bản và Thụy Sĩ có rất ít tài nguyên thiên nhiên nhưng giàu  hơn nhiều lần so với Nga – một đất nước có tài nguyên phong phú; Agola thu được 3,5 tỷ đô la Mỹ từ nguồn dầu mỏ khổng lồ của mình nhưng lại là một đất nước nghèo khổ. Tài nguyên thiên nhiên – xem xét một cách tổng thể - tạo ra nhiều bất lợi hơn là thuận lợi. Các nước có tài nguyên thiên nhiên cần sử dụng nó một cách khôn ngoan và đừng quá lệ thuộc vào nó để phát triển kinh tế.

 

Trạm Đọc

Lâm Minh Chánh tóm tắt / Theo Nhượng quyền Việt Nam.