Mỗi khi bạn nói với ai đó rằng họ đã sai, về cơ bản chẳng khác gì bạn nói “Tôi khôn hơn anh.” Đây quả là cú đòn trực diện vào lòng tự tôn của họ. Họ cảm thấy bị tổn thương, và họ sẽ muốn trả đũa.
Nói chung, mỗi khi bạn muốn thể hiện quan điểm ngược lại với quan điểm của người khác, đừng bao giờ dùng những cách diễn đạt mang tính tuyệt đối như “Rõ ràng là…” hay “Hiển nhiên, trong chuyện này…”, bởi nó ám chỉ “Tôi khôn hơn anh.” Ngay cả khi quả thật bạn nghĩ bạn khôn ngoan hơn, cũng đừng bao giờ thể hiện thái độ đó với người khác.
Để khiến cho ai đó xem xét lại quan điểm của bản thân họ, sẽ thực sự hiệu quả hơn khi bạn thể hiện sự khiêm nhường và cởi mở; ví như nói: “Tôi có suy nghĩ hơi khác nhưng cũng có thể là tôi nhầm. Tôi thì cũng hay nhầm lắm, hay là ta cùng xem lại vấn đề lần nữa nhỉ?”
Nếu bạn lựa lời đưa ra quan điểm trái chiều theo cách ấy, người khác sẽ rất khó có thể thấy buồn lòng hay bực mình với bạn trước khi nghe những điều bạn phải nói. Chỉ thêm một chút may mắn nữa, cách tiếp cận vấn đề nhẹ nhàng khôn khéo sẽ nhanh chóng biến đối thủ thành đồng minh, và bạn có thể thay đổi quan điểm của họ.
Benjamin Franklin tập một thói quen là không bao giờ công khai đối đầu với người khác. Khi nói chuyện cùng người khác, ông thậm chí còn “xóa sổ” những cách diễn đạt chắc nịch ra khỏi vốn từ của mình, như những cụm từ “chắc chắn là” và “chẳng nghi ngờ gì nữa”. Ông cảm thấy rằng chúng quá cứng nhắc và thể hiện một tư duy kém linh hoạt. Thay vào đó, ông ưa dùng những cụm từ như “Tôi nghĩ rằng” hay “Tôi hình dung”.