3: Nếu bạn muốn người khác quý mến mình, xin đừng chỉ trích họ.

Phê phán người khác và chỉ ra khuyết điểm của họ sẽ chẳng khuyến khích họ thay đổi hành vi của mình, và chắc chắn cũng chẳng giúp họ học hỏi thêm được điều gì. Bởi về cơ bản con người bị chi phối chủ yếu bởi cảm xúc hơn là lý trí.

 Ngay cả khi sự phê phán có vẻ như chính đáng, ta cũng thường không đạt được hiệu quả như mong đợi. Người bị phê phán sẽ chẳng thực sự lắng nghe điều mà bạn nói, bởi họ cảm thấy bị công kích và phản ứng tự nhiên sẽ là lập tức thủ thế bằng cách đáp trả.

Do đó, phê phán ai đó có thể giúp bạn xả cơn giận, nhưng về lâu dài, điều đó chỉ khiến người khác bớt quý mến bạn mà thôi.

Thực tế có rất nhiều cá nhân thành công đã tự tạo cho mình thói quen không bao giờ công khai phê phán người khác. Ví dụ như Benjamin Franklin, ông đã tiết lộ bí mật thành công của mình là “không bao giờ nói điều xấu về người khác”. Abraham Lincoln cũng rút được bài học này. Ông đã từng công khai chỉ trích đối thủ của mình, cho đến một ngày sự chỉ trích của ông đã suýt đẩy ông vào một cuộc đấu kiếm tay đôi. Kể từ giây phút đó, ông thôi không công khai phê phán người khác nữa. Trong thời kỳ nội chiến, ông đã có một câu nói nổi tiếng với những ai buông lời cay nghiệt với người miền Nam: “Đừng chỉ trích họ, họ chỉ làm những điều mà ta cũng sẽ làm nếu ta ở hoàn cảnh như vậy thôi.”

Thật dễ dàng để phê phán một ai đó, nhưng thấu hiểu và tha thứ cho lỗi lầm và khiếm khuyết của người khác mới là cao thượng. Nếu bạn muốn người khác quý mến mình, hãy cố gắng thấu hiểu lý do của họ, chấp nhận những khiếm khuyết, và tuân theo quy tắc không bao giờ công khai phê phán họ, bởi sự phê phán sẽ chỉ gây hại cho bạn mà thôi.