SpaceX: Từ khởi nghiệp bị coi thường đến siêu thế lực trong ngành hàng không vũ trụ
SpaceX: Từ khởi nghiệp bị coi thường đến siêu thế lực trong ngành hàng không vũ trụ
Trích đoạn từ cuốn Elon Musk: Tesla, Space X và sứ mệnh tìm kiếm một tương lai ngoài sức tưởng tượng

Falcon 9 đã trở thành con trâu cày của SpaceX. Nhìn trực diện, quả tên lửa trông như một biểu tượng dương vật màu trắng. Nó cao đến 68,3 mét, bề ngang 3,6 mét và nặng gần 500 tấn. Sức mạnh của nó được tạo ra từ chín động cơ sắp xếp theo cấu trúc “hoa tám cánh” ở đuôi, với một động cơ ở trung tâm và tám động cơ khác xoay quanh. Các động cơ nối với tầng thứ nhất, tức phần thân chính của tên lửa, mang dấu hiệu màu xanh của SpaceX và hình quốc kỳ Mỹ.

Tầng thứ hai ngắn hơn của tên lửa được đặt trên tầng thứ nhất, và chỉ có tầng này thực sự bay vào không gian. Nó có thể được trang bị một container tròn để mang theo vệ tinh hoặc đầu tên lửa có thể chở người. Theo thiết kế, bề ngoài của Falcon 9 chẳng có gì đặc sắc. Nó là con tàu không gian kiểu như chiếc laptop Apple hay ấm nước Braun – một cỗ máy tinh tế, thiết thực và loại bỏ mọi chi tiết phù phiếm, thừa thãi.

SpaceX đôi khi sử dụng Căn cứ Không quân Vandenberg tại Nam California để phóng những quả Falcon 9 này. Khi chưa thuộc quyền sở hữu của quân đội, căn cứ này là một khu nghỉ dưỡng. Nó có nhiều cây số bờ biển giáp với Thái Bình Dương, và trên mặt đất là những cánh đồng cây bụi mênh mông được tô điểm bằng các ngọn đồi xanh. Nép mình dưới một ngọn đồi, ngay sát bờ biển là một hàng các bệ phóng. Vào những ngày có lịch phóng, Falcon 9 màu trắng sẽ xé toang khung cảnh màu xanh lá và xanh biển, bay vút lên bầu trời và bỏ lại đằng sau những nghi ngờ về sứ mệnh của nó.

Khoảng bốn tiếng đồng hồ trước giờ phóng, Falcon 9 bắt đầu được đổ đầy những khối ôxi lỏng và dầu hỏa dùng cho tên lửa. Một lượng ôxi lỏng tràn ra ngoài tên lửa trong lúc chờ được phóng, và lạnh đến nỗi chúng lập tức sôi lên khi tiếp xúc với kim loại và không khí, tạo thành những vệt lông màu trắng chảy xuống bên cạnh tên lửa. Điều này tạo ấn tượng như thể chiếc Falcon 9 đang bốc hỏa và thở hùng hục khi khởi động trước cuộc hành trình. Các kỹ sư trong phòng điều khiển của SpaceX đang theo dõi hệ thống nhiên liệu này cùng mọi diễn biến của những hạng mục khác.

Họ trao đổi với nhau qua tai nghe và bắt đầu duyệt qua danh mục kiểm tra trước khi phóng, thứ cảm giác mà giới kinh doanh hay gọi là “phát sốt” đã choán hết tâm trí họ mỗi khi chuyển từ mục này qua mục tiếp theo. Mười phút trước giờ phóng, con người tránh sang một bên và dành phần còn lại cho các máy móc tự động thực hiện. Mọi thứ diễn ra trong im lặng, và nỗi căng thẳng cứ dâng lên mãi cho đến khi bắt đầu sự kiện chính. Đó là lúc chiếc Falcon 9 xé toang sự yên tĩnh bằng một tiếng phụt lớn thoát ra ngoài.

Cấu trúc hỗ trợ hình mắt cáo màu trắng bị kéo rời khỏi phần thân tên lửa. Quá trình đếm giây ngược từ 10 về 0 cũng bắt đầu. Chẳng có gì quan trọng xảy ra từ giây thứ mười về giây thứ tư. Nhưng khi đếm đến 3, động cơ bắt lửa, và hệ thống máy tính tiến hành kiểm tra lần cuối độ an toàn cực nhanh. Bốn gọng kìm kim loại khổng lồ cố kéo tên lửa xuống, trong khi hệ thống máy tính đánh giá toàn bộ chín động cơ và tính toán xem việc sản sinh lực đẩy hướng xuống đã đủ chưa. Khi thời điểm về 0, kết luận được đưa ra là tên lửa đã sẵn sàng lên đường với sứ mệnh của nó, và các gọng kìm buông ra. Quả tên lửa xung trận với lực quán tính, với lửa bùng ra quanh bệ phóng, với hàng tia ôxi lỏng dày đặc như tuyết bay khắp không khí, nó bắn thẳng lên trời.

Não bộ khó mà ghi lại được cảnh một vật thể lớn như thế bay thẳng đều đều và như lơ lửng giữa không trung. Thật lạ thường, thật ngoạn mục. Khoảng 20 giây sau khi cất cánh, những người chứng kiến đã ở lại an toàn và cách xa tiếng gầm thét rát mặt lúc đầu của Falcon 9 hàng cây số. Nó chỉ còn là âm thanh xa xôi – nghe như tiếng lách tách ngắt quãng phát ra từ hóa chất khi được đổ vào một dung dịch sôi sục điên cuồng. Đến ống quần người xem cũng lay động do sóng xung kích sinh ra từ những tiếng nổ trong khí thải của Falcon 9.

Quả tên lửa màu trắng bay cao và cao hơn nữa với sự bền bỉ đầy ấn tượng. Sau khoảng một phút, nó chỉ còn là một chấm đỏ trên nền trời, và rồi – bụp – nó biến mất. Chỉ có kẻ hoài nghi ngốc nghếch mới không thể ghi nhận cảm giác này khi được chứng kiến kỳ quan mà con người đã đạt được.

Với Elon Musk, cảnh tượng trên đã trở nên quen thuộc. Từ chỗ là trò cười của ngành hàng không vũ trụ, SpaceX đã lột xác thành một trong những doanh nghiệp hoạt động bền vững nhất. Mỗi tháng, SpaceX lại phóng một tên lửa, mang theo vệ tinh của các công ty và quốc gia cũng như hàng tiếp tế cung cấp cho Trạm Không gian Quốc tế.

Nếu Falcon 1 phóng lên từ đảo Kwajalein vẫn còn là sản phẩm của một công ty khởi nghiệp, thì chiếc Falcon 9 cất cánh tại Vandenberg đã là công trình của một siêu thế lực trong ngành hàng không vũ trụ. SpaceX có thể “cắt đuôi” những đối thủ tại Mỹ – như Boeing, Lockheed Martin, Orbital Sciences – về giá cả với khoảng cách không tưởng. Nó cũng làm cho các khách hàng tại Mỹ an tâm rằng những đối thủ khác không thể làm được như mình.

Trong khi những đối thủ này phụ thuộc vào người Nga hay các bên cung cấp khác từ nước ngoài, thì SpaceX sản xuất toàn bộ máy móc của họ từ đầu đến cuối tại Mỹ. Nhờ chi phí thấp, SpaceX đã một lần nữa biến Mỹ thành đấu thủ đáng gờm trên thị trường phóng tên lửa thương mại thế giới. Chi phí 60 triệu đô-la trên mỗi lần phóng của họ thấp hơn rất nhiều so với giá thành tại châu Âu và Nhật Bản, đánh bại cả thỏa thuận tương quan giữa người Nga và người Trung Quốc, những người luôn hưởng lợi đã mấy chục năm qua từ sự đầu tư ngập tràn của chính phủ vào các chương trình không gian cộng với chi phí lao động thấp.

Nước Mỹ tiếp tục hãnh diện khi có Boeing cạnh tranh với Airbus và các hãng sản xuất máy bay nước ngoài khác. Song không rõ tại sao, các nhà lãnh đạo chính phủ và công chúng lại sẵn sàng từ bỏ phần lớn thị trường phóng tên lửa thương mại. Quả là một cách nhìn đáng chán và thiển cận. Tổng giá trị thị trường vệ tinh, các dịch vụ liên quan, và những đợt phóng tên lửa vào không gian từ khoảng 60 tỉ đô-la của thập niên trước đó đã tăng vọt lên hơn 200 tỉ đô-la. Nhiều quốc gia sẵn sàng trả tiền để phóng các vệ tinh do thám, truyền thông và thời tiết của họ vào không gian.

Tiếp đó là những công ty tiến vào không gian để cung cấp các dịch vụ truyền hình, Internet, phát thanh, thời tiết, dẫn đường và chụp ảnh. Máy móc trên không gian đã thay đổi cấu trúc của cuộc sống hiện đại, chúng đang ngày càng trở nên hữu dụng hơn, thú vị hơn với tốc độ rất nhanh. Cả một thế hệ các nhà sản xuất vệ tinh mới đã xuất hiện với khả năng trả lời những thắc mắc “kiểu Google” về hành tinh của chúng ta.

Những vệ tinh này có thể phóng lớn toàn cảnh Iowa và xác định xem cánh đồng ngô nào đạt hoa lợi cao nhất và sẵn sàng thu hoạch, cũng như có thể đếm số lượng xe hơi tại các khu đỗ xe của Wal-Mart trên khắp California để tính toán nhu cầu mua sắm trong mùa nghỉ lễ. Những công ty khởi nghiệp chế tạo ra các loại máy móc cách tân này thường phải tìm đến người Nga để phóng chúng vào không gian, nhưng SpaceX đang có ý định thay đổi điều đó.

Mỹ vẫn duy trì năng lực cạnh tranh trong các lĩnh vực sinh lợi nhiều nhất của ngành công nghiệp không gian, chế tạo nên các vệ tinh thực thụ và những hệ thống, dịch vụ phụ trợ để vận hành chúng. Mỗi năm, Mỹ sản xuất khoảng 1/3 tổng số vệ tinh và thu về khoảng 60% doanh thu từ vệ tinh trên toàn cầu. Phần lớn số doanh thu này đến từ các doanh nghiệp hợp tác với chính phủ Mỹ. Trung Quốc, châu Âu, và Nga cũng chiếm một doanh thu đáng kể trong thị trường vệ tinh và phóng tên lửa. Trong tương lai, vai trò của Trung Quốc trong ngành công nghiệp không gian sẽ tăng lên, trong khi Nga hứa hẹn sẽ chi khoảng 50 tỉ đô-la nhằm hồi sinh chương trình không gian của mình.

Vì thế, Mỹ chỉ phải đối phó với hai quốc gia không đáng gờm trong lĩnh vực không gian, nên cứ hoạt động mà không có động lực mấy. Điển hình: Việc từ bỏ tàu con thoi đã khiến Mỹ hoàn toàn phụ thuộc vào Nga để đưa các phi hành gia lên ISS. Nga đòi 70 triệu đô-la cho mỗi người trong hành trình và sẽ cắt đứt với Mỹ nếu cần trong trường hợp có rạn nứt về chính trị. Hiện tại, SpaceX được xem là hy vọng lớn nhất để phá vỡ vòng luẩn quẩn này và trả lại cho nước Mỹ năng lực đưa con người vào không gian.

SpaceX đã trở thành doanh nghiệp cấp tiến tự do đang cố gắng gây dựng mọi thứ cho ngành công nghiệp này. Nó không muốn chỉ thực hiện vài đợt phóng mỗi năm hay dựa dẫm vào các hợp đồng với chính phủ để tồn tại. Mục tiêu của Musk là áp dụng những đột phá trong sản xuất và những tiến bộ của bệ phóng để giảm chi phí triệt để cho mỗi lần đưa vật gì đó vào không gian.

Có ý nghĩa nhất là anh đang thử nghiệm loại tên lửa có thể đưa tàu chở hàng vào không gian, rồi quay lại Trái Đất và đáp xuống với độ chính xác cực cao trên một dàn phóng nổi ngoài biển, hay thậm chí trên chính bệ phóng ban đầu. Thay vì để tên lửa tan thành từng mảnh sau khi rơi xuống biển, SpaceX sẽ dùng phản lực để hạ cánh chúng dần dần và tái sử dụng chúng. Trong ít năm tới, SpaceX hy vọng sẽ cắt giảm chi phí ít nhất bằng các đối thủ của họ. Việc tái sử dụng tên lửa sẽ kéo theo sự hạ thấp chi phí và lợi thế cạnh tranh cho SpaceX.

Hãy thử hình dung một hãng hàng không cứ dùng lại một máy bay hết lần này đến lần khác và cạnh tranh với các hãng luôn phải thay thế tàu bay sau mỗi chuyến. Thông qua các lợi thế chi phí này, SpaceX hy vọng sẽ giành được phần lớn các thương vụ phóng trên thế giới, và có bằng chứng cho thấy công ty đang làm được điều đó. Đến hôm nay, họ đã nhận phóng vệ tinh cho các khách hàng từ Canada, châu Âu, châu Á, và đã hoàn tất khoảng hai tá lần phóng. Danh sách công khai số lần phóng của họ cứ mở rộng trong nhiều năm, và SpaceX đã có hơn 50 đợt phóng được lên kế hoạch với tổng giá trị trên 5 tỉ đô-la.

Công ty vẫn thuộc quyền sở hữu riêng của Musk với tư cách cổ đông lớn nhất, bên cạnh những nhà đầu tư bên ngoài – gồm các hãng đầu tư mạo hiểm như Founders Fund và Draper Fisher Jurvetson – mang lại cho nó đặc tính cạnh tranh mà các đối thủ không có. Sau khi trải qua kinh nghiệm suýt chết năm 2008, SpaceX đã liên tục sinh lãi và đạt giá trị ước tính 12 tỉ đô-la.

Zip2, PayPal, Tesla và SolarCity đều là những hiện thân của Musk. Nhưng SpaceX mới chính là Musk. Những nhược điểm cũng như thành công của nó đều trực tiếp đến từ Musk. Một phần của nó đến từ khả năng tập trung đến mê muội của Musk đến từng chi tiết, và sức ảnh hưởng của anh đối với mọi nỗ lực tại SpaceX. Anh năng động đến mức khiến Hugh Hefner1 cũng cảm thấy không bì được. Một phần khác đến từ việc SpaceX luôn sùng bái “Giáo phái Musk.” Nhân viên sợ Musk. Họ cũng ngưỡng mộ anh. Họ phó mặc đời mình cho Musk, và họ thường làm tất cả những điều đó cùng lúc.

Phong cách quản lý hay đòi hỏi của Musk chỉ có thể được phát huy bởi thế giới khác – theo nghĩa đen – những khát vọng của công ty. Trong khi phần còn lại của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ hài lòng với việc tiếp tục gửi những thứ trông như di tích của thập niên 1960 vào không gian, thì SpaceX lại chủ ý làm điều ngược lại. Những quả tên lửa và tàu không gian tái sử dụng của nó trông như những cỗ máy thực thụ của thế kỷ XXI. Công cuộc hiện đại hóa thiết bị không chỉ là để phô diễn.

Nó thể hiện sự thôi thúc không ngừng của SpaceX nhằm nâng cao công nghệ và thay đổi nền kinh tế của ngành này. Musk không chỉ muốn hạ chi phí triển khai vệ tinh và tiếp tế cho trạm không gian. Anh còn muốn giảm giá thành các lần phóng, làm cho việc tiến hành hàng nghìn chuyến cung ứng trang thiết bị lên Hỏa tinh và thành lập một khu định cư tại đó trở nên tiết kiệm và thực tế. Musk muốn chinh phục cả ɨái dương hệ, và nếu có một ngày sứ mệnh đó đánh thức bạn vào buổi sáng, bạn chỉ có thể đầu quân cho một công ty duy nhất để thực hiện.

Nghe có vẻ khó hiểu, nhưng chính phần còn lại của ngành công nghiệp không gian đã khiến lĩnh vực này trở nên nhàm chán. Người Nga, vốn thống trị hầu hết ngành kinh doanh đưa khí tài và con người vào không gian, vẫn sử dụng các thiết bị lỗi thời suốt hàng thập kỷ. Đầu tên lửa Soyuz tù túng chuyên đưa người lên trạm không gian vẫn dùng những nút bấm cơ, và màn hình máy tính dường như không thay đổi kể từ chuyến du hành mở đầu năm 1966.

Các quốc gia mới gia nhập cuộc đua không gian cũng bắt chước y chang trang thiết bị lỗi thời của Nga và Mỹ đến điên rồ. Khi những người trẻ bước chân vào ngành hàng không vũ trụ, họ buộc phải cười ra nước mắt trước tình trạng của máy móc. Không gì buồn chán bằng việc phải điều khiển con tàu không gian được trang bị thứ máy móc của những năm 1960. Và môi trường làm việc thực tế cũng lỗi thời như chính thứ máy móc ấy. Các sinh viên tốt nghiệp đại học tốp đầu từ lâu đã buộc phải lựa chọn giữa vô số nhà thầu quân sự trì trệ với những công ty khởi nghiệp thú vị nhưng kém hiệu quả.

Musk đã biến những hạn chế xung quanh ngành kinh doanh hàng không vũ trụ này thành lợi thế cho SpaceX. Anh đã giới thiệu công ty như một cái gì đó không giống một nhà thầu hàng không vũ trụ. SpaceX là một nơi tuyệt vời, nơi mọi người luôn nghĩ về tương lai và mang những đặc ân của ɨung lũng Silicon – như sữa chua mát lạnh, các lựa chọn về cổ phiếu, ra quyết định nhanh, và một cấu trúc doanh nghiệp phẳng – đến với một ngành công nghiệp ù lì. Những ai biết rõ Musk thường có xu hướng mô tả anh như một vị tướng thay vì một CEO, và họ đã đúng. Anh đã gây dựng nên một đội quân kỹ sư bằng cách chọn ra chỉ những ai trong ngành này mà SpaceX muốn.

Mô hình tuyển dụng của SpaceX cho thấy nó chủ yếu chọn những sinh viên đạt thứ hạng cao nhất từ các trường hàng đầu. Nhưng, nó cũng chủ yếu tập trung vào việc phát hiện ra các kỹ sư loại A có những nét tính cách đặc trưng trong suốt cuộc đời họ. Bộ phận tuyển dụng của công ty chuyên tìm kiếm những cá nhân xuất sắc trong các cuộc thi chế tạo robot, hay những người có sở thích đua xe và làm ra những chiếc xe lạ thường.

Mục tiêu là tìm ra những cá nhân có niềm đam mê âm ỉ, có thể làm việc nhóm tốt, và có kinh nghiệm nghịch ngợm với máy móc kim loại. “Ngay cả khi anh là người làm công việc viết mã, anh vẫn phải hiểu máy móc hoạt động như thế nào,” Dolly Singh, người có năm năm làm trưởng bộ phận thu hút nhân tài tại SpaceX, cho biết. “Chúng tôi tìm kiếm những người đã biết chế tạo mọi thứ ngay từ khi còn bé.”

Có lúc, những người này sẽ đi qua cửa trước. Nhưng lúc khác, Singh lại phải viện đến mọi kỹ thuật táo bạo để tìm ra họ. Cô nổi tiếng là người chuyên “bủa lưới” thông qua các bài viết có tính học thuật để tìm kiếm những kỹ sư có kỹ năng rất đặc biệt, mời chào qua điện thoại với các nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, và túm lấy những kỹ sư nhiều đam mê bên ngoài trường đại học.

Tại các triển lãm thương mại hay hội thảo, các nhà tuyển dụng của SpaceX sẽ tranh thủ làm quen với các ứng viên thú vị mà họ phát hiện ra bằng một chiêu trò đầy mưu mô. Họ sẽ đưa các phong bì trong đó có lời mời gặp tại một địa điểm và thời gian nhất định, thường là một quán bar hay nhà hàng gần sự kiện, để phỏng vấn lần đầu. Khi xuất hiện, ứng viên sẽ phát hiện ra mình nằm trong số những người được tuyển chọn từ các khách tham gia hội nghị. Họ sẽ lập tức cảm thấy mình đặc biệt và nổi bật.

Như nhiều công ty công nghệ khác, SpaceX sẽ đưa các ứng viên tiềm năng vào các buổi phỏng vấn và bài kiểm tra khắc nghiệt. Một số buổi phỏng vấn chỉ là các cuộc trò chuyện cởi mở để cả hai bên cảm nhận về nhau; còn những buổi khác lại tràn ngập những câu đố khó giải. Các kỹ sư thường phải đối mặt với những câu thẩm vấn khắt khe nhất mà ngay đến giới kinh doanh và bán hàng cũng phải khổ sở. Những người viết mã mong đợi mình sẽ trải qua các thử thách bình thường sẽ bị thức tỉnh một cách thô bạo.

Thông thường, các công ty sẽ thử thách các nhân viên phát triển phần mềm ngay lập tức bằng cách yêu cầu họ giải quyết các vấn đề chỉ bằng vài chục dòng mã. Nhưng các ứng viên vào đến vòng cuối trong tiến trình phỏng vấn của SpaceX sẽ phải giải quyết thêm một nhiệm vụ nữa. Họ được yêu cầu viết cho Musk một bài tiểu luận, giải thích vì sao họ muốn làm việc tại SpaceX.

Phần thưởng dành cho những ai giải đúng các câu hỏi khó, xử lý thông minh khi phỏng vấn, và hoàn thành một bài tiểu luận hay là được gặp Musk. Anh đã phỏng vấn gần như từng người trong số 1.000 nhân viên đầu tiên của SpaceX, bao gồm cả vị trí lao công và kỹ thuật viên, và vẫn đang tiếp tục phỏng vấn các kỹ sư – như các nhân viên công ty vẫn thổi phồng. Mỗi ứng viên đều nhận được một lời cảnh báo trước khi vào gặp Musk.

Cuộc phỏng vấn, như họ được cho biết, có thể kéo dài từ 30 giây đến 15 phút. Vào đầu cuộc phỏng vấn, Elon có thể vẫn đang viết e-mail hoặc làm việc mà chẳng nói gì nhiều. Đừng hoảng. Đó là chuyện bình thường. Cuối cùng, anh ấy sẽ xoay ghế lại đối diện với bạn. Mặc dù vậy, anh ấy cũng có thể không nhìn thẳng vào mắt bạn hoặc không hoàn toàn ý thức được sự hiện diện của bạn. Đừng hoảng. Đó là chuyện bình thường. Khi đến lúc, anh ấy sẽ nói với bạn.

Kể từ đó, những giai thoại về các kỹ sư từng phỏng vấn với Musk đã biến các trải nghiệm như tra tấn thành điều gì đó siêu phàm. Anh ấy có thể hỏi bạn một hoặc nhiều câu. Song, bạn có thể chắc chắn rằng anh ấy sẽ bật ra một câu đố: “Anh đang đứng trên bề mặt Trái Đất. Anh bước 1.609 mét về phía nam, 1.609 mét về phía tây, và 1.609 mét về phía bắc. Nhưng anh vẫn đứng chính xác ngay chỗ ban đầu. Vậy anh đang đứng đâu?” Câu trả lời là Bắc cực, và hầu hết các kỹ sư đều đáp đúng.

Đó là lúc Musk sẽ hỏi tiếp, “Còn ở đâu khác nữa?” Câu trả lời khác là đâu đó gần Nam cực, nơi mà nếu bạn bước 1.609 mét về phía nam, thì chu vi tại đó vòng quanh Trái Đất sẽ bằng 1.609 mét. Số kỹ sư trả lời đúng câu này ít hơn hẳn, và Musk sẽ vui vẻ dẫn họ đi từ câu hỏi này đến những câu hỏi khác, và trích dẫn bất kỳ phương trình nào liên quan khi anh đang giải thích. Anh có xu hướng ít quan tâm liệu người đó có trả lời đúng hay không, mà chỉ chú trọng cách họ diễn tả vấn đề và phương pháp giải quyết nó.

Khi trò chuyện với các tân binh tiềm năng, Singh cố gắng tiếp thêm động lực cho họ và đồng thời tỏ ra thẳng thắn trước những đòi hỏi của SpaceX và Musk. “Khẩu hiệu tuyển dụng ở đây là: ‘SpaceX là lực lượng đặc biệt,’” cô cho biết. “Nếu anh muốn đương đầu với khó khăn, vậy thì tuyệt. Nếu không, vậy thì anh không nên đến đây.” Một khi đã đến SpaceX, nhân viên mới sẽ nhận ra rất nhanh là họ đã thực sự bước vào thử thách.

Nhiều người bỏ cuộc chỉ trong vài tháng đầu tiên vì lịch làm việc hơn 90 giờ/tuần. Những kẻ khác từ bỏ vì họ không chịu đựng nổi cách tiếp cận trực tiếp của Musk và những giám đốc khác trong các cuộc họp. “Elon không biết bạn và cũng chẳng thèm nghĩ liệu có điều gì làm tổn thương tình cảm của bạn hay không,” Singh cho biết. “Anh ấy chỉ biết rằng điều chết tiệt anh ấy muốn phải được hoàn thành. Những ai không thể bình thường hóa với cách giao tiếp của anh ấy sẽ không thể làm tốt được công việc.”

Một điều ấn tượng là SpaceX đang trải qua một cuộc “thay máu” cực lớn, và chuyện công ty phải chém bay những cái tên là không lạ. Thế nhưng, nhiều giám đốc nòng cốt từng có công thành lập công ty vẫn trụ vững qua cả thập kỷ hoặc hơn. Trong nhóm kỹ sư vốn chiếm đa số, hầu hết họ đều công tác được ít nhất năm năm để có quyền lựa chọn mua cổ phần và chứng kiến các dự án được tiến hành. Đó là động thái điển hình tại bất kỳ công ty công nghệ nào. SpaceX và Musk dường như cũng khuyến khích lòng trung thành ở một mức độ khác thường.

Musk đã gợi lên được thứ nhiệt huyết vốn chỉ có ở Steve Jobs trong đội ngũ của anh. “Tầm nhìn của anh ấy rất rõ ràng,” Singh nhận xét. “Anh ấy hầu như thôi miên bạn. Anh ấy sẽ trao cho bạn một cái nhìn điên rồ như muốn nói, phải, chúng ta sẽ đến Hỏa tinh.” Hãy thử tiến xa thêm một chút và bạn sẽ đạt đến cảm giác vừa sung sướng, vừa đau thương thống khổ khi làm việc với Musk.

Vô số người được tôi phỏng vấn cho cuốn sách này đã công khai lên án thời gian làm việc, phong thái lỗ mãng của Musk, cùng những kỳ vọng đôi khi lố bịch của anh. Tuy nhiên, hầu hết mọi người – kể cả những người bị sa thải – vẫn khâm phục Musk và thường kể về anh như siêu anh hùng hay thần thánh.

Trạm Đọc

Tags: