Thư Dương Tường gửi cháu nội Trần Dần | Tác phẩm
Thư Dương Tường gửi cháu nội Trần Dần | Tác phẩm "Người người lớp lớp"
Bức thức Dương Tường gửi Trần Đan - cháu nội Trần Dần - đã được chọn làm lời tựa tác phẩm "Người người lớp lớp" - tiểu thuyết đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tiểu thuyết đầu tay của Trần Dần Người người lớp lớp là bức tranh hào hùng về chân dung những người lính trong thời kỳ lịch sử của dân tộc - những tháng nước rút của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trên đường ra trận, người đọc có thể bắt gặp nhiều nhân vật, mỗi người có một cá tính khác nhau. Quác có phần nóng nảy, Trương Phi bốc đồng, Sửu điềm đạm, giàu lòng nhân ái, cô y tá dịu dàng, người chính ủy mẫu mực… Tất cả nhân vật này đã tạo nên sự đa chiều trong tâm tưởng con người. Dẫu vậy điểm chung giữa họ là niềm tin và hy vọng vào cách mạng.

Trong những lần tái bản về sau, cuốn sách do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành, hướng đến độ tuổi 11-15. Nhân kỷ niệm 55 xuất bản lần đầu tác phẩm, tác giả, dịch giả Dương Tường - cũng là bạn chiến đấu của Trần Dần - đã viết thư gửi cháu nội người bạn của mình. Bức thư này được dùng làm lời tựa cuốn sách trong lần tái bản mới nhất.

Bức thư giúp độc giả hiểu thêm về bối cảnh ra đời tác phẩm, đồng thời gửi thông điệp tới thiếu nhi về sự tiếp nối truyền thống của cha ông.

Thư gửi cháu nội của tác giả (Thay lời tựa)

Cháu Tran Dan yêu quý,

Hôm nay, đọc lại cuốn Người người lớp lớp, ông chợt nảy ra ý viết những dòng này gửi cháu. Có nhiều lí do khiến ông muốn trò chuyện với cháu về nó:

Trước hết, tác giả cuốn sách này là ông nội cháu - nhà văn, nhà thơ Trần Dần, một người mà cuộc đời và sự nghiệp gắn liền với một thời kì đầy biến động lịch sử.

Hai nữa, cuốn sách khắc họa một mốc son chói lọi của thời kì đó, cũng là của lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân.

Việt Nam: chiến dịch Điện Biên Phủ - chiến dịch đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp.

Lí do thứ ba khá đặc biệt... nhưng có lẽ ông sẽ nhắc đến vào lúc thích hợp…

Phải, cuốn sách này đã được in lần đầu cách đây vừa tròn 55 năm (*), nó bằng tuổi cả bố cháu và cháu cộng lại. Đó là cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông nội cháu, cũng là tác phầm dài hơi đầu tiên về chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ông nội cháu đã khởi bút viết nó vào giữa tháng 2/1954, một tháng trước khi mở màn chiến dịch và hoàn thành vào tháng 7/1954, hai tháng sau khi bộ đội Việt Nam triệt hạ hoàn toàn tập đoàn cứ điểm kiên cổ nhất này của thực dân xâm lược Pháp, tiêu diệt năm ngàn quân địch, bắt sống trên một vạn tên trong đó có tướng chỉ huy De Castries cùng toàn bộ bộ tham mưu.

Năm tháng để viết một cuốn tiểu thuyết hơn 300 trang.

Điều đó thì có gì là đặc biệt đáng kể? Có thể cháu sẽ hỏi.

Cháu yêu ạ, đó không phải là năm tháng bình thường mà là tổng số của những ngày đêm hành quân liên miên không ngủ, những ngày đêm "kéo pháo vào kéo pháo ra" - vần những khối thép khổng lồ hàng chục tấn ấy băng rừng vượt núi chỉ bằng sức người mà không phải chỉ một lần, những ngày đêm đào trận địa dưới mưa bom bão đạn, những ngày đêm chiến đấu không ngơi nghỉ...

Người lính văn nghệ là ông nội cháu lúc bấy giờ đã bám sát những đơn vị chủ công, những pháo thủ "chân đồng vai sắt", lăn lộn dưới hào chiến đấu với những người lính xung kích, cùng họ chia sẻ mọi khó khăn gian khổ và chính trong hoàn cảnh đó, ông đã viết cuốn sách này: tranh thủ mọi nơi mọi lúc có thể - những chặng dừng chân ngắn ngủi trên đường hành quân... những khoảnh khắc giữa hai trận đánh...

"Bàn viết" thường là một tấm các tông kê trên ba lô hay nếu may mắn hơn, một phiến đá phẳng bên bờ suối... Nguồn sáng thường là lửa bếp "anh nuôi" hay thậm chí, ánh trăng...

Cháu Tran Dan yêu quý,

Thực ra, tên cháu là Trần Đan, nhưng trong khai sinh ghi là Tran Dan, vì tiếng Pháp không có dấu. Bố mẹ cháu đặt cho cháu cái tên đó như một tưởng niệm về ông nội cháu vì Trần Dần và Trần Đan, viết theo chính tả Pháp, là một. Nói cách nào đó, cháu mang tên ông nội cháu vậy.

Và đấy chính là lí do thứ ba khiến ông muốn tâm sự với cháu nhân dịp Người người lớp lớp được tái bản bởi Nhà xuất bản Kim Đồng - nhà sách dành cho lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng.

Giữa cuốn sách này và cháu là một khoảng cách lớn nhiều chiều bề: thời gian - không gian, địa lí - lịch sử, địa lí - xã hội. Cháu sinh ra và đang lớn lên ở một nơi cách đất nước cội nguồn hàng chục nghìn cây số. Sau này, có thể cháu sẽ lập nghiệp ở đó và mang hai quốc tịch: Pháp và Việt Nam.

Nhưng dù ở đâu và thế nào đi nữa, mong sao cháu đừng quên mình mang dòng máu và mang tên người ông thuộc thế hệ hào hùng đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động thế giới, cái thế hệ "người trước ngã, kẻ sau xô lên tiếp... mặc dầu đạn xé lửa thiêu, mặc dầu xương tan thịt nát, người người lớp lớp xông lên..."

Bạn chiến đấu của ông nội cháu

DƯƠNG TƯỜNG

(*) Bức thư viết năm 2009.

Tags: