Bạn bè tôi bên Mỹ hầu hết đều trong nửa đầu 20, nên một trong những điều tôi hay nghe bạn bè than thở nhiều nhất là “I don’t know how to adult” (Tao không biết phải làm người lớn thế nào). Trở thành người lớn là một quá trình chứ không phải là sự thay đổi một sớm một chiều. Không có chuyện hôm nay 20 tuổi thì là trẻ con, ngày mai sinh nhật 21 tuổi tự nhiên trở thành người lớn. Những người tôi gặp ý thức được rằng trở thành người lớn cần sự trưởng thành về ý thức và trách nhiệm
- và họ nỗ lực để đạt được sự trưởng thành đó.
Khi về Việt Nam, tôi ít thấy sự nỗ lực này trong bạn bè đồng trang lứa. Quá trình trở thành người lớn ít được mọi người chú trọng, dẫn đến việc các bạn trẻ không nhận ra được mình trở thành người lớn từ khi nào và phải chịu trách nhiệm như thế nào về cuộc đời của mình. Nhiều người coi làm người lớn là một điều mặc định - họ trở thành người lớn khi có cơ thể trưởng thành, biết làm chuyện người lớn, hay trở thành bố mẹ trẻ em, trong khi thái độ và trách nhiệm của họ vẫn chưa vượt qua ngưỡng của trẻ vị thành niên. Hệ quả của việc này theo tôi thấy là hiện tượng “trẻ em cao tuổi” khá phổ biến.
Với tôi, “trẻ em cao tuổi” là những người đã lớn tuổi nhưng vẫn có ý thức và trách nhiệm như trẻ con. Để định nghĩa được hiện tượng này, trước hết phải định nghĩa thế nào là “người lớn”.
Mỗi người có một ý kiến khác nhau. Bạn tôi, một anh chàng tiến sĩ ngành kỹ thuật hoá học với đôi mắt xanh biếc mơ màng và mái tóc vàng bồng bềnh lãng tử, trong một buổi tối ngồi ngắm trăng nghĩ quẩn đã bảo với tôi rằng trở thành người lớn là quá trình chấp nhận rằng mình sẽ không bao giờ trở thành con người mà hồi bé mình mong muốn trở thành. Hồi bé, chúng ta mơ ước rằng lớn lên, mình sẽ trở thành nhà du hành vũ trụ, thủ tướng, diễn viên nổi tiếng, hay ít nhất cũng làm một công việc yêu thích với đóng góp to lớn cho xã hội. Nhưng rồi lớn lên, ta mới nhận ra rằng ta chẳng là nhà du hành vũ trụ, chẳng là thủ tướng, chẳng là diễn viên. Công việc ta làm nhiều khi tẻ nhạt: Ta không yêu thích nó, cũng chẳng thấy nó có đóng góp to lớn gì cho xã hội. Nhưng ta vẫn làm công việc đấy vì ta là người lớn, và người lớn thì phải có việc làm. Theo định nghĩa này thì có lẽ các bạn trẻ Việt Nam khá xuất sắc trong việc trở thành người lớn. Nhiều người từ bỏ ước mơ, hay không có ước mơ, từ khi còn rất nhỏ.
Một định nghĩa mà tôi thấy được nhiều người đồng tình, bản thân tôi cũng ủng hộ, đó là làm người lớn tức là chịu trách nhiệm hoàn toàn về cuộc sống của bản thân. Hoàn toàn. Bạn phải chịu trách nhiệm về nơi bạn ở, món bạn ăn, quần áo bạn mặc, công việc bạn làm, v.v. Những ai có cơ thể người lớn, phát triển đầy đủ rồi mà vẫn chưa chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình thì sẽ trở thành “trẻ em cao tuổi.” Nếu bạn để mẹ giặt quần áo cho, bạn là trẻ con. Nếu bạn để bố mẹ xin việc cho, bạn là trẻ con. Nếu bạn ở nhà bố mẹ, ăn cơm hằng ngày mà không đóng góp về mặt tài chính, bạn là trẻ con. Nếu buổi sáng bạn phải để bố mẹ gào lên gọi bạn dậy, bạn là trẻ con.
Tiến sĩ tâm lý học Jeffrey Jensen Arnett tại Đại học Clark, sau khi phỏng vấn hàng ngàn người được coi là người lớn ở khắp nơi trên đất nước Mỹ và thuộc nhiều chủng tộc khác nhau đã đưa ra khẳng định rằng để trở thành người lớn, bạn cần ba điều sau:
Chịu trách nhiệm cho bản thân
Điều này nghĩa là bạn sẽ chịu trách nhiệm về hậu quả của những việc bạn làm thay vì mong đợi ai đó, ví dụ như cha mẹ bạn, đứng ra chịu trách nhiệm cho bạn.
Nếu bạn mua xe máy cũ và xe tự nhiên hỏng, bạn phải chịu trách nhiệm rằng mình đã đưa ra một quyết định sai lầm thay vì đổ lỗi cho người bán xe. Nếu bạn đến muộn trong cuộc hẹn quan trọng, bạn phải chịu trách nhiệm rằng bạn đã không tính toán thời gian hợp lý thay vì đổ lỗi cho tắc đường. Nếu bạn không hoàn thành nhiệm vụ công ty, bạn phải chịu trách nhiệm rằng mình thất bại thay vì đổ lỗi cho sếp, cho đồng nghiệp.
Đưa ra những quyết định độc lập
Điều này thể hiện tính cá nhân của bạn. Bạn phải tự đưa ra quyết định về con đường học vấn, sự nghiệp của mình: ví dụ có nên học lên thạc sĩ hay không, có nên đổi việc hay không, có nên chấp nhận lời mời này hay không. Bạn phải tự ra quyết định về nơi bạn sống, người bạn sống cùng, nên hay không nên có người yêu. Bạn phải tự đưa ra những quyết định đó để hiểu được bạn là ai và bạn có vị trí thế nào trên thế giới.
Để làm được điều này, bạn cần kiên nhẫn. Nhiều người trẻ đặt lên mình áp lực phải tìm ra tiếng nói của bản thân ngay khi mới chân ướt chân ráo bước vào đời. Tiến sĩ Arnett cho rằng thường thì mọi người chỉ bắt đầu hiểu bản thân khi họ 30 tuổi.
Độc lập về mặt tài chính
Đây được coi là ngưỡng cửa quan trọng nhất của sự trưởng thành: tự trả tiền cho bản thân.
Bạn sẽ không có được sự độc lập để đưa ra quyết định nếu bạn vẫn còn phụ thuộc về mặt tài chính vào ai đó. Nếu bạn còn ở nhà với bố mẹ, ăn cơm của bố mẹ, làm công việc bố mẹ xin cho - bạn còn phụ thuộc vào họ và phải làm điều họ mong muốn.
Do điều kiện kinh tế khó khăn và do truyền thống văn hoá Việt Nam, điều này không phải ai cũng đạt được. Ngay cả ở Mỹ, do suy thoái kinh tế và khoản vay nợ để học đại học, 39% người trong độ tuổi 18 - 34 vẫn còn sống với phụ huynh. Nhưng vẫn có nhiều người quan niệm thà rằng sống đạm bạc tự lập còn hơn là sống trong nhung lụa với bố mẹ. Nếu bạn chọn sống với bố mẹ, bạn có thể đề nghị đóng góp tiền nhà, tiền điện nước, tiền ăn uống.
Vậy, làm thế nào chúng ta có thể đạt được những điều trên để có thể được coi là người lớn?
Nó yêu cầu ý thức và nỗ lực của bản thân. Mỗi lần làm một việc gì đó, chúng ta phải tự đặt câu hỏi liệu cách chúng ta làm việc này đã có thể được coi là người lớn hay chưa. Chúng ta phải nhận ra những điều đang khiến chúng ta phụ thuộc vào người khác và tìm cách dần dần gỡ bỏ những phụ thuộc đó. Đôi khi, quá trình này buộc ta phải rũ bỏ hình tượng “con ngoan trò giỏi” mà phụ huynh hằng mong đợi.
Chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò của giáo dục trong việc nuôi dạy trẻ con thành người lớn. Julie Lythcott-Haims, cựu Chủ nhiệm Hội sinh viên năm đầu và tư vấn sinh viên tại Đại học Stanford, dựa vào kinh nghiệm làm việc với sinh viên và phụ huynh của mình đã viết hẳn một cuốn sách với tựa đề How to Raise an Adult: Break Free of the Overparenting Trap and Prepare Your Kid for Success (Làm thế nào để nuôi dạy một người lớn: Phá bỏ những cái bẫy bao bọc quá mức và chuẩn bị cho con bạn đến thành công). Trong một câu trả lời trên Quora, bà chia sẻ tám kỹ năng mà bà cho rằng mọi thanh niên 18 tuổi cần có. Bài này bà viết cho các bậc phụ huynh, nhưng các bạn trẻ cũng có thể học được rất nhiều điều từ câu trả lời của bà.
Kỹ năng 1: Một thanh niên 18 tuổi cần biết cách nói chuyện với người lạ trong đời sống thực. Người lạ có thể là giáo sư, chủ nhiệm khoa, chủ nhà, đồng nghiệp, nhân viên ngân hàng, bác sĩ, tài xế xe buýt, thợ máy.
Sai lầm: Chúng ta hay dạy con không nên nói chuyện với người lạ thay vì dạy chúng cách phân biệt người tốt với kẻ xấu.
Kỹ năng 2: Một thanh niên 18 tuổi cần biết tự tìm đường quanh giảng đường, biết cách sống sót ở thành phố xa lạ mà họ đến để thực tập, đi làm hay đi học trao đổi văn hoá.
Sai lầm: Chúng ta thường chở con mình, hay kèm cặp nó, đi mọi nơi, khi mà nó có thể tự đi bằng xe buýt, xe đạp, hay thậm chí đi bộ. Vì thế, chúng không biết cách sử dụng phương tiện công cộng, không biết cách đổ xăng, không biết cách lên kế hoạch đi lại.
Kỹ năng 3: Một thanh niên 18 tuổi cần biết cách quản lý bài tập về nhà, khối lượng công việc và thời hạn nộp bài.
Sai lầm: Chúng ta thường xuyên nhắc nhở con cái làm bài tập về nhà - đôi khi giúp con làm bài tập, đôi khi làm luôn bài hộ con. Con vì thế không biết cách ưu tiên các việc cần làm, không biết cách quản lý khối lượng công việc, hay chịu trách nhiệm hoàn thành công việc đúng thời hạn mà không có người nhắc nhở.
Kỹ năng 4: Một thanh niên 18 tuổi cần biết chia sẻ gánh nặng trong gia đình.
Sai lầm: Chúng ta không yêu cầu con cái giúp đỡ việc nhà vì tuổi thơ của con đã kín mít với những lớp học thêm, những bài tập về nhà, không còn chỗ cho những hoạt động ngoại khoá. Điều này dẫn đến việc con không biết cách chăm lo cho nhu cầu của chính mình, không biết tôn trọng nhu cầu của người khác, hay chia sẻ gánh nặng của cộng đồng.
Kỹ năng 5: Một thanh niên 18 tuổi cần biết giải quyết các vấn đề xã giao.
Sai lầm: Chúng ta sẵn lòng giúp trẻ giải quyết hiểu lầm hay xoa dịu những tổn thương cho trẻ. Vì thế, trẻ không biết cách đối mặt hay giải quyết va chạm mà không có sự tham gia của người lớn.
Kỹ năng 6: Một thanh niên 18 tuổi cần biết cách đối mặt với những thăng trầm của học hành, thi đấu, giáo viên gay gắt, sếp khó ưa và những thứ khác.
Sai lầm: Chúng ta ra tay giúp đỡ bất cứ khi nào cuộc sống của con đang gặp khó khăn, ví dụ như giúp trẻ hoàn thành nhiệm vụ, xin gia hạn nộp bài, hay thu xếp với những người lớn khác. Do đó mà trẻ không biết rằng trong đời sống thường ngày, mọi chuyện không phải lúc nào cũng đi theo hướng chúng mong muốn.
Kỹ năng 7: Một thanh niên 18 tuổi cần biết cách kiếm tiền và quản lý tiền.
Sai lầm: Nhiều khi chúng ta không cho con làm công việc bán thời gian. Chúng nhận tiền từ cha mẹ cho những thứ mà chúng cần. Vì thế, trẻ không hiểu được trách nhiệm của việc phải hoàn thành công việc, phải chịu trách nhiệm với một vị sếp không tự nhiên mà yêu chúng, hay hiểu được giá trị của sản phẩm cũng như cách quản lý tiền bạc.
Kỹ năng 8: Một thanh niên 18 tuổi cần biết cách chấp nhận rủi ro.
Sai lầm: Chúng ta lên kế hoạch cả cuộc đời cho con trẻ, giúp chúng tránh những khó khăn có thể sẽ vấp phải. Vì thế, trẻ không hiểu được rằng thành công chỉ đến sau khi đã nỗ lực và thất bại rất nhiều lần, hay không hiểu rằng sức chịu đựng của bản thân sẽ chỉ tăng lên sau thất bại.
Bài viết được trích lược từ cuốn sách Tuổi trẻ không hối tiếc của tác giả Huyền Chíp do Quảng Văn phát hành. Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu thêm và đặt mua tại Tiki Trading . Bạn cũng có thể tham khảo thêm các cuốn sách Xách ba lô lên và đi - Huyền Chip trọn bộ 2 tập tại đây.
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Các nghiên cứu sâu hơn về cảm xúc: Cảm xúc rốt cuộc là gì?
BÍ ẨN VỀ Ý THỨC: Ý thức của chúng ta đến từ đâu?
Bạn đang chia tay với bản thân mình? Chia tay như thế nào là tốt nhất?