“Chú chuột đầu bếp” (tên gốc là “Ratatouille”) chiếm được trái tim người xem về hành trình trở thành đầu bếp của Remy – một chú chuột có niềm đam mê mãnh liệt với ẩm thực và chinh phục được nhà phê bình ẩm thực khó tính nhất đã từng hạ bệ thương hiệu danh tiếng của nhà hàng Gusteau và cuối cùng trở thành “đầu bếp nhỏ” danh tiếng nhất ở Paris. Tuy nhiên, để có được sự nghiệp lẫy lừng ở đoạn kết, phải nhờ đến công sức rất lớn của Linguini, anh chàng đầu bếp đểnh đoảng khù khờ mà ai cũng cảm thấy buồn cười khi xem.
Linguini có vẻ là nhân vật mà khi xem phim ai cũng sẽ cảm thấy cực kỳ mờ nhạt, mờ nhạt hơn cả những nhân vật phụ như cô người yêu đầu bếp mạnh mẽ Colette, vị bếp trưởng quá cố Gusteau hiện lên trong trí tưởng tượng của chú chuột Remy, hay tên bếp phó thấp lùn hám tiền. Có vẻ khá bất công cho Remy khi không thể trở thành con người, quản lý nhà hàng và cứ quanh quẩn với vai trò đầu bếp, trong khi Linguini – không có tài cán gì, khờ khạo một cách buồn cười lại trở thành quản lý nhà hàng.
Tuy nhiên, nhà làm phim Pixar không hề tạo dựng câu chuyện bất hợp lý được, tại sao lại như thế? Bài viết này sẽ khai thác về nhân vật Linguini và khai thác về khía cạnh kỹ năng nghề nghiệp.
Trước khi bước chân vào nhà bếp, Linguini đã bị đuổi bởi biết bao chỗ làm khác. Cậu vào đây chỉ vì lý do đơn giản: mẹ cậu đã qua đời, cậu được giao quyền tiếp quản theo di chúc của Gusteau. Cậu bước chân vào nhà bếp để làm người quét dọn.
Trong lúc bếp không kịp nấu món súp cho khách, và Linguini có thể phá hủy nồi súp, Remy đã rửa tay và làm cho món súp trở nên xuất sắc. Linguini nhanh chóng nhận ra Remy có tài. Nếu là những đầu bếp khác, nếu phát hiện ra chuyện này, cho dù có thấy đáng nể thì họ cũng sẽ giết Remy theo lẽ thường. Tuy nhiên, Linguini hiểu rằng mình cần việc, và Remy có thể phát triển tài năng và đam mê của mình. Đây là ứng dụng của nguyên tắc Win – Win (đôi bên cùng có lợi) trong đàm phán và kinh doanh hiện đại.
Việc tôn trọng công sức của các đồng nghiệp cũng khiến sau này họ đứng về phía Linguini trong việc phát triển nhà bếp và đuổi tên bếp phó tham lam kia đi. Chính vì Linguini trọng dụng Remy, Anton Ego đã quay trở lại nhà hàng Gusteau và bị hớp hồn, kinh ngạc trước món ăn vốn bình dị thân thương mà xuất sắc của vị đầu bếp nhỏ này.
Tao không hề biết cách nấu ăn và bây giờ tao thực sự đang nói chuyện với một con chuột như thể đang nói với chuyện với người vậy – Mày gật đầu? Mày gật đầu ư? Mày hiểu tao! [Remy, ngẩng lên, gật đầu một lần nữa] Tao không hề điên chút nào! Chờ lát, đợi lát – Tao không thể nấu ăn, đúng không? [Remy nghĩ một lát, rồi lắc đầu] Nhưng mày, mày làm được, đúng không? Này, đừng quá khiêm tốn ấy chứ. Bất kỳ thứ gì mày làm, thực khách đều thích cả.
Khắc họa của một nhân vật trong phim hoạt hình hay truyện tranh sẽ phản ánh thực sự về tính cách của nhân vật đó – nếu bạn có kinh nghiệm luyện phim hay luyện truyện nhiều.
Trong “Chú chuột đầu bếp”, tất cả mọi nhân vật con người, trừ Linguini, đều có ngoại hình khác thường – không giống như những người mà chúng ta gặp ở ngoài đời, từ vị bếp trưởng Gusteau quá cố có thân hình to béo như chai nước lớn với gương mặt vô cùng hiền hậu, tên bếp phó lùn tịt với vẻ mặt gian xảo và thâm độc, nữ bếp chính duy nhất Colette thì mạnh mẽ và gần giống người đàn ông, vị phê bình ẩm thực Anton Ego với thân hình gầy và gương mặt góc cạnh lạnh lùng,… chỉ có Linguini là bình thường.
Việc khắc họa hình ảnh các nhân vật khác trông dị biệt cho thấy các nhân vật đó đều có một CÁI TÔI rất lớn, nên chỉ cần một CÁI TÔI khác đè lên họ là họ gục ngã và khiếp sợ ngay.
Gusteau đau tim mà chết vì nhà hàng bị phê bình là không thực sự xuất sắc, bếp phó thì bị đồng tiền làm mờ mắt và luôn hách dịch với đội ngũ đầu bếp – vì ông ta luôn dương dương tự đắc cho rằng mình sẽ lên làm chủ cái nhà hàng, những đầu bếp khác bị CÁI TÔI lớn của Gusteau đè bẹp – nên Gusteau không làm được thì họ không làm được. Mỗi người đều có một sự tự mãn riêng nên việc ai nấy lo, không có sự hợp tác.
Cho đến khi hai món súp lấy lòng hàng vạn thực khách, mọi chuyện mới thực sự thay đổi. Colette từ một người luôn nguyên tắc, bảo thủ và cho mình là nhất dần cởi mở để học hỏi từ Linguini sau khi được anh cảm ơn, và sau này, chính Colette để Remy tự làm món ăn trứ danh của chú, sau khi chấp nhận quay về căn bếp cho ngày Ego (nhà phê bình ẩm thực) đến. Các đầu bếp khác cũng dần cởi mở hơn với Linguini nhiều, so với ban đầu Linguini bị phớt lờ trong nhà bếp.
Thử hỏi đi, nếu Linguini thực sự có CÁI TÔI quá lớn, thì hẳn khi đã nổi tiếng nhờ Remy rồi, chắc chắn anh sẽ chẳng bao giờ giải phóng Remy khỏi chiếc mũ, thừa nhận với cả nhà bếp rằng công sức bấy lâu nay là chính Remy phát triển nên. Khi ấy anh ta sẽ luôn khăng khăng vỗ ngực rằng chỉ có anh ta thì Remy mới thành tài và Remy chỉ mãi là con chuột chui rúc trong chiếc mũ không hơn không kém. Và nếu có CÁI TÔI lớn thì ngay ngày trọng đại đó, anh ta sẽ chẳng tự nguyện làm người phục vụ chạy patin – vốn không được đánh giá cao bằng đầu bếp – ngôi vị từng làm anh trở nên nổi tiếng, để giới thiệu món, làm vừa lòng Ego và tên bếp phó kia.
Việc có một xuất phát điểm không hề đặc biệt, và cá tính không đặc sắc so với những nhân vật khác vô tình là lợi thế của Linguini, giúp Linguini có thể hòa nhập nhanh chóng với tất cả mọi người, và làm việc dễ dàng trong một đội nhóm.
“Khác biệt để nổi bật và tự tỏa sáng là tốt, tuy nhiên trước hết mình phải tập trở nên không khác biệt. Trở nên không khác biệt là điều cũng cần phải học đó em”. Đó là lời khuyên của một người bạn cùng lớp với tôi. Nếu từ đầu bạn đã quá nổi bật và quá chói sáng, người khác sẽ khó có cơ hội để thể hiện được khả năng của họ.
Trong khi hầu hết khi đi làm, một sản phẩm hay dự án thành công không chỉ là công sức của một người, mà là sự phối hợp của một nhóm hiểu nhau và đoàn kết. Nếu đã từng coi các chương trình truyền hình thực tế về ẩm thực như Masterchef trên truyền hình, khi đến phần thử thách đồng đội, đội nào có phần trình diễn yếu nhất thường gồm những người có cá tính rất mạnh, vì cái tôi lớn thường sinh ra tranh cãi và ảnh hưởng đến chất lượng đồng đều của món ăn.