Dự án Neuralink và Tương lai vi diệu của bộ não
Dự án Neuralink và Tương lai vi diệu của bộ não
Tất cả chúng ta rồi sẽ sống...như trong phim sao?

600 triệu năm trước, chẳng đứa nào...làm được...bất cứ việc gì.

Bọt biển – 600 triệu năm TCN
 

Vấn đề là do không loài nào có dây thần kinh. Không có dây thần kinh, bạn không thể di chuyển, suy nghĩ hay xử lý thông tin dưới bất kỳ hình thức nào. Vậy nên, bạn đại loại chỉ tồn tại và chờ cho đến lúc chết.

Nhưng rồi loài sứa xuất hiện. 

Sứa – 580 triệu năm TCN 

Sứa là loài sinh vật đầu tiên nhận ra rằng dây thần kinh là thứ tất yếu đảm bảo phải có, và sứa sở hữu hệ thống dây thần kinh đầu tiên trên thế giới – hay còn gọi là mạng lưới thần kinh.

 
Shit. Tao bị đụng rồi. Báo bọn nó đi
Tao chợt cảm thấy mày có thể hỏi một chút...Thiệt hả, không phải hôm nay.

Mạng lưới thần kinh của sứa cho phép nó thu thập thông tin quan trọng từ thế giới xung quanh, như vị trí của các đồ vật, kẻ săn mồi hay thức ăn - và truyền thông tin đó thông qua một mạng lưới kết nối đến tất cả các bộ phận của cơ thể. Sở hữu khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin đồng nghĩa với việc sứa thực sự có thể phản ứng với những thay đổi trong môi trường sống nhằm tăng tỷ lệ sống sót của mình chứ không chỉ trôi nổi không mục đích và tùy thuộc vào số phận.

Không lâu sau đó, một loài vật mới xuất hiện với một ý tưởng còn tuyệt vời hơn.

Sán dẹp – 550 triệu năm TCN

Sán dẹp nhận ra rằng nếu có ai đó phụ trách quản lý hệ thống thần kinh – như một ông chủ của hệ thống thần kinh - thì nó có thể làm được nhiều điều hơn nữa. Ông chủ này cư ngụ trong đầu của sán dẹp và đặt ra một quy tắc là tất cả dây thần kinh trong cơ thể phải trực tiếp báo cáo mọi thông tin mới với ông ta. Vì vậy, thay vì tự sắp xếp nhau thành một mạng lưới, tất cả hệ thống thần kinh của sán dẹp đều xoay quanh một trục đường truyền tin trung tâm có thể truyền thông tin qua lại giữa ông chủ và những thành viên còn lại.

 

Được rồi, hôm nay phải làm một số việc. Bill, nói thằng Janson mở miệng
bọn mình ra để lấy thức ăn. Các thằng khác quẩy lên 
Greg muốn tao hỏi mày liệu mình có thể làm gì khác ngoài việc lắc quẩy không.
Bọn mình là giun dẹp, vậy nên KHÔNG.

Hệ thống đường truyền tin của sán dẹp là hệ thống thần kinh trung ương đầu tiên trên thế giới, và ông chủ trong đầu sán dẹp là bộ não đầu tiên của thế giới.

Ý tưởng về ông chủ hệ thống thần kinh đã nhanh chóng lan truyền tới những loài khác, và rất nhanh chóng, Trái Đất xuất hiện hàng ngàn sinh vật sở hữu những bộ não.

Thời gian trôi qua và khi các loài động vật trên Trái đất bắt đầu cho ra đời các hệ thống cơ thể ngày càng phức tạp thì các ông chủ cũng trở nên ngày càng bận rộn.

Ếch – 265 triệu năm trước CN

Okay tao sẽ cần...
Nhưng cá sấu đến 228 triệu năm nữa mới xuất hiện. Không sao, bọn mình 
đã lên sóng Wait But Why vậy nên mọi thứ không có nghĩa lý gì nữa

Không lâu sau đó đánh dấu sự xuất hiện của động vật có vú. Đối với loài được cho là Thiên niên kỉ của thế giới động vật, cuộc sống của chúng đã trở nên hết sức phức tạp. Quả thật, chúng cần tim để đập và phổi để thở, nhưng động vật có vú còn có nhiều chức năng hơn là chỉ sống sót đơn thuần – chúng cảm nhận những xúc cảm đầy phức tạp như tình yêu, thịnh nộ và sợ hãi.

So với não bộ của loài bò sát trước đây chỉ tồn tại ở giống bò sát và các sinh vật đơn giản hơn, động vật có vú cần nhiều hơn thế. Do đó, một ông chủ thứ hai đã phát triển bên trong động vật có vú để kết hợp với bộ não bò sát, đảm nhiệm tất cả những nhu cầu mới nảy sinh – và đó là hệ viền đầu tiên xuất hiện trên thế giới.

Loài gặm nhấm – 225 triệu năm TCN

Đập tim. Hít vào

100 triệu năm tiếp theo, cuộc sống của động vật có vú ngày càng trở nên phức tạp, và một ngày kia, hai ông chủ nhận thấy một cư dân mới xuất hiện trong buồng điều khiển.

Động vật có vú leo cây – 80 triệu năm trước CN

Hình vẽ đứa trẻ sơ sinh có vẻ tùy tiện nhưng thực ra lại chính là phiên bản sơ khai của tân vỏ não (neocortex). Mặc dù ban đầu nó không có nhiều tiếng nói, nhưng khi quá trình tiến hóa bắt đầu ở loài linh trưởng sau đó là khỉ không đuôi (great ape) và họ người cổ (early hominid) thì ông chủ mới này từ đứa trẻ sơ sinh lớn lên trở thành một đứa bé và cuối cùng là một thiếu niên với ý niệm riêng về cách vận hành mọi thứ.

Họ người – 4 triệu năm trước CN

Hey, 

 

Có lẽ

Những ý tưởng của ông chủ mới hóa ra lại hết sức hữu ích và nó trở thành ông chủ mà họ người tìm đến khi phải giải quyết những vấn đề như chế tạo công cụ, lên chiến thuật săn bắn hay hợp tác với những họ người khác.

Vài triệu năm sau, ông chủ mới đã trưởng thành hơn và khôn ngoan hơn cùng những ý tưởng ngày càng hữu ích hơn. Nó tìm ra cách làm thế nào để không phải sống trần truồng. Nó tìm ra cách làm thế nào để tạo ra và kiểm soát lửa. Nó tìm ra cách chế tạo giáo mác.

Nhưng tuyệt nhất trong số đó chính là tư duy. Nó biến đầu của con người trở thành một thế giới nhỏ của chính mình, biến con người trở thành loài vật đầu tiên có thể tư duy phức tạp, biết suy luận khi quyết định và biết lập ra kế hoạch dài hạn.

Và sau đó, khoảng 100.000 năm trước, tân vỏ não mang lại một bước đột phá.

Ughhh
Hmmmm
Chào mày,
Hòn đá

Hòn đá
Hòn Đá
Hòn Đá
Hòn Đá – Hòn Đá
Damittttt
Hòn Đá
Hòn Đá

Bộ não của con người đã tiến hóa tới mức nó có thể hiểu rằng mặc dù âm “hòn đá” bản thân nó không phải là hòn đá nhưng có thể được sử dụng như một biểu tượng chỉ hòn đá – hay nói cách khác âm thanh đó gợi nhắc đến hòn đá. Những người nguyên thủy từ đó đã phát minh ra ngôn ngữ.

Chẳng bao lâu tất cả mọi thứ đều có từ cho riêng nó, và đến năm 50.000 trước CN, con người đã nói chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ phức tạp và trọn vẹn.

Tân vỏ não đã biến con người trở thành những ảo thuật gia. Nó không chỉ biến đầu của con người trở thành một đại dương nội tâm tuyệt diệu của những suy nghĩ phức hợp mà đột phá mới nhất của nó – ngôn ngữ - cũng đã tìm ra cách chuyển tải những ý nghĩ thành một tập hợp âm thanh mang tính biểu tượng và gửi những âm thanh ấy đi, qua độ rung ngân trong không khí, vào đầu những con người khác, những người sau đó có thể giải mã các thanh âm và tiếp nhận ý tưởng đã được kiến giải rồi lại đưa vào trong đại dương suy nghĩ nội tâm của chính họ. Tân vỏ não của con người đã tư duy về mọi thứ từ rất lâu rồi – và cuối cùng nó cũng đã tìm thấy ai đó để trao đổi suy nghĩ của mình.

Theo sau đó, một nhóm các tân vỏ não tập hợp. Nhóm này chia sẻ mọi thứ với nhau - những câu chuyện ngày xưa, những chuyện cười tự bịa, những ý kiến được hình thành, những kế hoạch cho tương lai.

Nhưng hữu ích nhất trong số đó là việc chia sẻ về những gì họ học được. Nếu thông qua quá trình thử-sai một người học được rằng ăn một loại hạt nào đó có thể dẫn đến 48 giờ bị tào tháo đuổi thì họ có thể sử dụng ngôn ngữ để chia sẻ bài học xương máu đó với những người còn lại trong bộ tộc, cũng giống như việc sao chụp lại bài học và đưa cho những người khác vậy. Sau đó các thành viên của bộ tộc sẽ sử dụng ngôn ngữ để truyền lại bài học đó cho con, và con sẽ truyền lại cho cháu. Thay vì nhiều người cứ mắc đi mắc lại một sai lầm thì chỉ cần một câu nói từng trải “không được ăn loại hạt đó” của một người có thể xuyên qua không gian và thời gian giúp những người khác tránh khỏi một trải nghiệm kinh khủng.

Con người cũng thực hiện tương tự khi học được một điều gì đó mới mẻ và hay ho. Một thợ săn hết sức thông minh đặc biệt nhanh nhạy trong việc đọc chòm sao và nhận ra đặc điểm di trú hàng năm của bầy linh dương có thể chia sẻ về hệ thống mà ông đã tạo ra bằng cách dựa vào bầu trời đêm để xác định chính xác còn bao nhiêu ngày nữa thì đàn linh dương quay về. Rất ít thợ săn có thể tự mình nghĩ ra được hệ thống đó nhưng nhờ hiệu ứng truyền miệng, tất cả những thợ săn sau này của bộ lạc sẽ được hưởng lợi từ phát kiến của tổ tiên mình, và khám phá cao cả của một người thợ săn sẽ là điểm xuất phát kiến thức cho những thợ săn khác trong tương lai.

Và giả như sự tiến bộ tri thức này giúp mùa săn bắn trở nên hiệu quả hơn, các thành viên bộ lạc có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu chế tạo vũ khí - nhờ đó, một thợ săn thông minh khác của vài thế hệ sau có thể khám phá ra phương pháp chế tạo những cây giáo nhẹ hơn, dày hơn, ném chính xác hơn. Cứ như vậy, tất cả thợ săn trong bộ lạc ở hiện tại lẫn tương lai đều được đi săn với cây giáo có hiệu suất cao hơn.

Nhờ có ngôn ngữ, những khoảnh khắc xuất thần nhất của những người thông thái nhất, qua các thế hệ, được tích lũy trở thành một tòa tháp hợp thể của tri thức trong bộ tộc - tuyển tập những “phát kiến vĩ đại nhất” trong số những khoảnh khắc “aha!” thần thánh nhất của cha ông. Mỗi thế hệ mới lại tiếp thu tháp tri thức này vào trí óc như là điểm khởi đầu của cuộc đời, đưa họ đến với những phát kiến mới thậm chí còn hữu ích hơn, dựa trên những gì mà tổ tiên họ đã đúc kết được, từ đó tri thức của bộ tộc tiếp tục được mở rộng hơn và trở nên sâu sắc hơn. Ngôn ngữ là sự khác biệt giữa:

Sự tăng trưởng kiến thức bộ lạc trước khi có ngôn ngữ

Và:

Sự tăng trưởng kiến thức bộ lạc sau khi có ngôn ngữ

Độ nghiêng lớn của quỹ đạo trên được lý giải bởi hai nguyên do. Mỗi một thế hệ có thể học hỏi được nhiều điều mới mẻ hơn khi đàm thoại với nhau, trao đổi ý kiến và kết hợp với bài học riêng của mình (đó là lý do vì sao thanh màu xanh da trời lại cao hơn nhiều ở đồ thị thứ hai). Đồng thời những tri thức đúc kết được mà mỗi thế hệ truyền lại cho thế hệ sau ngày càng lớn hơn, do đó tri thức càng được tích lũy nhiều hơn theo thời gian.

Tri thức, khi được chia sẻ, sẽ giống như những cái bắt tay hợp tác liên thế hệ hết sức đồ sộ. Hàng trăm thế hệ sau, từ điểm khởi đầu là lời khuyên tránh ăn loại hạt nào đó đã trở thành hệ thống gieo trồng những hàng dài những loại hạt có lợi cho sức khỏe cùng quá trình thu hoạch thường niên hết sức phức tạp. Ý kiến độc đáo ban đầu về đặc điểm di trú của loài linh dương đã trở thành hệ thống chăn nuôi dê ở trang trại. Ý tưởng cải tiến giáo mác, thông qua hàng trăm lần thay đổi trong hàng chục ngàn năm, đã trở thành phát kiến cung và mũi tên.

Ngôn ngữ mang lại cho một nhóm người trí thông minh hợp thể vĩ đại hơn nhiều trí thông minh của mỗi cá nhân, đồng thời cho phép mỗi người hưởng lợi từ trí thông minh hợp thể như thể chỉ của riêng mình. Chúng ta nghĩ rằng cung và mũi tên là công nghệ hết sức nguyên thuỷ, nhưng nếu đưa Einstein với cái đầu không có chút tri thức nào vào rừng và bảo ông ta chế tạo nên công cụ săn bắn tốt nhất có thể thì ông ta sẽ không thể nào đủ thông minh, tay nghề hay hiểu biết để tạo ra cung và mũi tên. Chỉ có nỗ lực hợp thể của con người mới có thể làm nên điều đó.

Khả năng trò chuyện với nhau tạo điều kiện cho con người hình thành các cấu trúc xã hội phức tạp, cùng với công nghệ tiên tiến như canh tác và chăn nuôi gia súc, từ đó các bộ tộc theo thời gian bắt đầu cư ngụ lâu dài ở một số nơi và sát nhập với nhau trở thành bộ tộc lớn có tổ chức. Khi đó, tháp kiến ​​thức được tích lũy của từng bộ tộc có thể được sẻ chia với bộ tộc lớn hơn, tạo thành một siêu tháp. Đồng loạt hợp tác với nhau giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người, và đến năm 10.000 trước CN, những thành phố đầu tiên được hình thành.

Theo Wikipedia, có một định luật có tên Metcalfe, cho rằng "giá trị của một mạng lưới viễn thông tỷ lệ thuận với bình phương số lượng người dùng kết nối với hệ thống đó." Và định luật này biểu thị qua biểu đồ điện thoại ngày xưa như sau:

Tuy vậy, ý tưởng tương tự cũng được áp dụng cho con người. Hai người có thể có một cuộc hội thoại. Ba người thì có bốn nhóm hội thoại khác nhau (ba cuộc hội thoại giữa hai người và cuộc hội thoại thứ tư xảy ra giữa cả ba thành viên). Năm người có 26 cuộc hội thoại. Hai mươi người có 1.048.555 cuộc hội thoại.

Vậy, người dân trong một thành phố không chỉ được hưởng lợi từ tháp kiến ​​thức khổng lồ làm nền móng, mà theo định luật Metcalfe, số lượng các cuộc hội thoại giữa họ giờ đây cũng đã tăng vọt lên, trở nên đa dạng hơn bao giờ hết. Càng nhiều hội thoại nghĩa là càng nhiều ý tưởng va chạm với nhau, dẫn tới càng nhiều phát kiến cùng nhau xuất hiện, đẩy nhanh tốc độ sáng tạo.

Con người sớm làm chủ nền nông nghiệp, nhờ đó nhiều người có thể tự do nghĩ về những ý tưởng khác, và không lâu sau, họ nảy ra một phát kiến mới có tính đột phá vĩ đại: chữ viết.

Các nhà sử học cho rằng con người lần đầu tiên bắt đầu viết vào khoảng 5-6.000 năm trước. Cho đến thời điểm đó, tháp kiến ​​thức hợp thể chỉ được lưu trữ trong mạng lưới kí ức của con người và chỉ được tiếp cận qua phương thức truyền miệng trực tiếp. Hệ thống này hoạt động hiệu quả trong các bộ tộc nhỏ, nhưng với một lượng kiến ​​thức bao la hơn trong quy mô một nhóm người lớn hơn rất nhiều thì những kí ức rất khó được duy trì và phần lớn đều bị đánh mất.

Nếu ngôn ngữ cho phép con người truyền tải một ý nghĩ từ bộ não này sang bộ não khác thì chữ viết cho phép con người ghi một ý nghĩ lên một vật, ví dụ như một hòn đá, nơi ý nghĩ đó có thể trường tồn. Khi con người bắt đầu viết trên những tấm da hay tấm giấy mỏng, lượng tri thức khổng lồ phải mất hàng tuần truyền đạt bằng lời nói thì nay có thể được nén vào một cuốn sách hay cuộn da mà bạn có thể cầm trong tay. Tháp tri thức hợp thể của con người hiện nay tồn tại dưới dạng vật chất, được sắp xếp gọn ghẽ trên các kệ của thư viện thành phố và các trường đại học. 

Những kệ sách này đã trở thành cẩm nang hướng dẫn khổng lồ cho loài người trên tất cả phương diện Nó hướng con người tới với những phát minh và khám phá mới, và những phát minh, khám phá đó, đổi lại, sẽ trở thành những cuốn sách mới trên các kệ sách, và thế là cẩm nang hướng dẫn tự nó được trau dồi. Cuốn cẩm nang dạy cho chúng ta về sự phức tạp của thương mại và tiền tệ, của đóng tàu và kiến ​​trúc, của y học và thiên văn học. Mỗi thế hệ bắt đầu cuộc sống với một tầng kiến thức và công nghệ cao hơn thế hệ trước, từ đó sự tiến bộ tiếp tục ngày càng tăng nhanh.

Tuy nhiên, những cuốn sách viết tay tỉ mỉ từng được xem như những kho báu, và chỉ có tầng lớp thượng lưu mới được chạm đến (vào giữa thế kỷ 15, chỉ có 30.000 cuốn sách ở châu Âu). Và rồi một bước đột phá khác xuất hiện: báo in.

Vào thế kỷ 15, Johannes Gutenberg nghĩ ra cách tạo ra nhiều bản sao giống nhau của cùng một cuốn sách, nhanh hơn và tiết kiệm hơn bao giờ hết. (Hay, chính xác hơn, khi Gutenberg ra đời, nhân loại đã tìm ra cách chế tạo báo in được 95%, và Gutenberg, lấy lượng kiến ​​thức đó làm điểm xuất phát, đã phát minh ra 5% cuối cùng.) (À, thêm nữa, Gutenberg không phát minh ra báo in, người Trung Quốc đã sáng tạo ra hàng thế kỉ trước đó. Một quy tắc khá đúng đó là những thứ bạn cho là được phát minh ở đâu đó không phải Trung thật ra lại được người Trung Quốc phát minh.) Đây là cách báo in được tạo ra:

Hóa ra Gutenberg cũng chẳng ấn tượng gì lắm

Để chuẩn bị cho thông tin trong khung màu xanh này, tôi đã tìm được một video giải thích cách thức báo in của Gutenberg hoạt động và đã rất ngạc nhiên khi thấy chẳng có chút gì ấn tượng. Tôi luôn cho rằng Gutenberg đã chế tạo nên một cỗ máy thiên tài, nhưng hóa ra ông ta chỉ tạo ra một đống con dấu gồm các chữ cái và dấu câu rồi sắp xếp chúng một cách thủ công thành một trang sách, sau đó quét mực lên rồi ép một tờ giấy lên các chữ cái , và thế là xong một trang sách. Khi các chữ cái vẫn sắp xếp ở nguyên đó, ông tiếp tục làm ra một loạt bản sao chép khác . Sau đó, ông dành một đống thời gian để sắp xếp lại con dấu một cách thủ công (đây chính là phần "sắp chữ" (movable type)) ở trang tiếp theo, và sau đó lại sao chép một loạt trang đó. Dự án đầu tiên của ông bao gồm 180 bản sao Kinh Thánh, khiến ông và các nhân viên phải bỏ ra hai năm làm việc.

Đó là sáng kiến của Gutenberg? Một đống con dấu? Tôi cảm tưởng như mình có thể nghĩ ra được ý tưởng đó dễ dàng ấy chứ. Thực sự không hiểu tại sao nhân loại phải mất 5.000 năm từ khi biết viết đến cho đến khi biết tạo ra một loạt con dấu bằng tay. Tôi đoán không phải là tôi không có ấn tượng gì với Gutenberg – quan điểm của tôi dành cho ông khá trung lập – mà chính những người còn lại làm tôi thấy không ấn tượng.

Dù sao đi nữa, phát minh báo in của Gutenberg đáng thất vọng đến thế nào thì đó cũng là một bước nhảy vọt lớn đối với khả năng lan truyền thông tin của con người. Trong những thế kỷ tiếp theo, công nghệ in ấn phát triển nhanh chóng, đưa số trang máy in có thể in trong một giờ lên gấp 100 lần, từ khoảng 25 tờ trong thời của Gutenberg đến 2.400 tờ vào đầu thế kỷ 19.

Những cuốn sách được sản xuất hàng loạt cho phép thông tin được lan truyền cực kì nhanh, và với những cuốn sách có giá cả ngày càng phải chăng, giáo dục không còn là một đặc quyền dành riêng cho tầng lớp thượng lưu nữa - hàng triệu người đã có thể tiếp cận với sách, kèm theo đó tỉ lệ biết chữ tăng lên. Ý tưởng của một người giờ đây đã có thể chạm đến hàng triệu người khác. Kỷ nguyên của truyền thông đại chúng được mở ra.

Sự ra đời ồ ạt của sách đã tạo điều kiện cho tri thức vượt ra khỏi mọi biên giới, khi đó những tháp tri ​​thức của mỗi vùng đất trên thế giới cuối cùng cũng hợp nhất tạo thành một tháp tri thức bao la về muôn loài với tầm vóc đồ sộ.  

Chúng ta ngày càng giao tiếp với nhau trên diện rộng, giống loài của chúng ta ngày càng giống như một cá thể đơn lẻ, với tháp tri thức hợp thể đóng vai trò của bộ não và mỗi bộ não của con người tương tự một dây thần kinh hoặc một sợi cơ trong cơ thể. Trong kỷ nguyên của truyền thông đại chúng ta đã cho ra đời một cá thể loài người hợp nhất – hay còn gọi là “Siêu nhân” (Human Colossus).

Với toàn bộ tri ​​thức hợp thể của nhân loại trong não bộ, Siêu nhân bắt đầu phát minh ra những thứ mà con người có mơ mới làm được một mình - những thứ dường như là khoa học viễn tưởng kì dị đối với những người chỉ sống cách đó vài thế hệ trước.

Nó đã biến những chiếc xe bò của chúng ta thành những đầu máy xe lửa tốc độ, những chú ngựa và xe kéo của chúng ta trở thành những chiếc xe hơi kim loại bóng bẩy. Nó biến đèn lồng thành đèn điện, thư tay thành điện thoại, công nhân công xưởng thành máy móc công nghiệp. Nó đưa chúng ta bay cao trên bầu trời và lơ lửng ngoài vũ trụ. Nó tái định nghĩa khái niệm "truyền thông đại chúng" bằng cách cho chúng ta TV và radio, mở ra một thế giới mà một ý nghĩ trong đầu của ai đó có thể được truyền trực tiếp vào bộ não của một tỷ người.

Nếu động cơ cốt lõi của con người là truyền lại gene của mình, nhờ đó giống loài có thể tiếp tục sinh tồn thì dưới tác động của nền kinh tế vĩ mô, động lực cốt lõi của Siêu nhân là tạo ra giá trị, tức là nó có xu hướng mong muốn phát minh ra những công nghệ mới hơn, tiên tiến hơn. Mỗi lần sáng tạo là mỗi lần nó trở thành một nhà phát minh giỏi hơn, có thể cho ra đời những thứ mới với tốc độ nhanh hơn.

Và khoảng giữa thế kỷ 20, Siêu nhân bắt tay vào những phát minh tham vọng nhất của mình.

Từ lâu, Siêu nhân đã nhận ra rằng cách hiệu quả nhất để tạo ra giá trị là làm nên những cỗ máy tạo giá trị. Máy móc hiệu quả hơn con người trong nhiều loại công việc, tạo ra nhiều nguồn lực mới có thể thúc đẩy quá trình tạo giá trị. Quan trọng hơn nữa, máy móc giải phóng phần lớn thời gian và năng lượng của con người - cũng chính là thời gian và năng lượng của bản thân Siêu nhân - từ đó nó có thể tập trung vào quá trình sáng tạo. Công việc làm bằng tay nay đã có máy móc công xưởng, công việc làm bằng chân nay đã có máy móc dẫn động, và mọi việc được thực hiện thông qua sức mạnh của bộ não - vậy, bây giờ, sẽ như thế nào nếu, bằng cách nào đó, công việc của trí não cũng có thể được thay thế bởi máy móc?

Những máy tính kỹ thuật số đầu tiên xuất hiện vào những năm 1940.

Một loại hình lao động trí óc mà máy tính có thể làm đó là lưu trữ thông tin – chúng là những cỗ máy ghi nhớ thông tin. Nhưng chúng ta đã biết sử dụng sách để lưu lại ký ức, tương tự như cách chúng ta dùng ngựa thay cho sức chân trước khi xe hơi ra đời và trở thành một lựa chọn tối ưu hơn. Máy tính chỉ đơn thuần là sự nâng cấp của khả năng lưu trữ ký ức.

Tuy vậy, xử lý thông tin lại là một câu chuyện khác – đó là một loại hình lao động trí óc mà chúng ta chưa bao giờ tìm ra phương tiện nào thay thế. Siêu nhân luôn phải tự mình tính toán mọi thứ. Máy tính đã thay đổi điều đó.

Chúng ta nhờ máy móc công xưởng thực hiện công việc tay chân bằng cách đưa vật liệu vào, máy xử lý và cho ra các kết quả. Máy tính có thể làm điều tương tự với việc xử lý thông tin. Chương trình phần mềm của máy tính cũng giống như máy móc công xưởng trong quá trình xử lý thông tin vậy.

Loại máy lưu trữ/sắp xếp/xử lý thông tin mới này tỏ ra hữu hiệu. Máy tính bắt đầu đóng vai trò quan trọng trong hoạt động hàng ngày của các công ty và chính phủ. Vào cuối những năm 1980, không khó bắt gặp những cá nhân sở hữu cho riêng mình một trợ lý não bộ.

Và tiếp đến là một bước nhảy vọt khác.

Vào đầu những năm 90, chúng ta đã dạy cho hàng triệu những cỗ máy trí óc độc lập cách giao tiếp với nhau. Chúng lập thành một mạng lưới máy tính toàn cầu, và một gã khổng lồ mới ra đời – Siêu máy tính (Computer Colossus).

Siêu máy tính cùng mạng lưới lớn được hình thành giống như thần dược dành cho Siêu nhân vậy.

Nếu bộ não cá nhân của từng người là các dây thần kinh và sợi cơ của Siêu nhân thì mạng Internet mang lại cho Siêu nhân hệ thần kinh đích thực đầu tiên. Mỗi điểm nút của nó giờ đây đã được liên kết với tất cả các điểm nút khác và thông tin có thể đi qua hệ thống với tốc độ ánh sáng. Nhờ đó, tư duy của Siêu nhân trở nên nhanh hơn, lưu động hơn.

Internet đã mang lại cho hàng tỷ người khả năng truy cập tức thời, miễn phí và dễ dàng tìm kiếm toàn bộ tháp tri thức của nhân loại (mà giờ đây đã cao quá mặt trăng). Điều này đã biến Siêu nhân trở thành một người có khả năng học hỏi khôn ngoan hơn, nhanh nhạy hơn.

Và nếu máy tính cá nhân vận hành như là bộ não nâng cao của cá nhân, của các công ty hay chính phủ thì Siêu máy tính là bộ não nâng cao của chính bản thân Siêu nhân.

Với hệ thống thần kinh thực sự đầu tiên cùng với một bộ não được nâng cấp và một công cụ mới đầy sức mạnh, Siêu nhân đã đưa lịch sử phát minh lên một tầm cao hoàn toàn mới - và khi nhận thấy sự hữu dụng của người bạn máy tính, nó tập trung rất nhiều nỗ lực phát triển công nghệ máy tính .

Nó tìm ra cách làm thế nào để máy tính chạy nhanh hơn và có giá rẻ hơn. Nó khiến mạng Internet chạy nhanh hơn và không cần lắp đặt dây. Nó làm ra các chip máy tính nhỏ hơn và nhỏ hơn nữa cho đến khi trong túi mỗi người đều có một chiếc máy tính đầy quyền năng.

Mỗi cải tiến như một tá thần dược mới dành cho Siêu nhân.

Nhưng ngày nay, Siêu nhân chú trọng vào một ý tưởng khác còn hơn cả việc có thêm nhiều thần dược hơn nữa. Máy tính đã là một yếu tố mang tính đột phá, cho phép con người sử dụng nó để làm nhiều công việc liên quan đến trí óc và qua đó con người có thể lao động tốt hơn với tư cách một cá thể hợp nhất. Nhưng có một loại hình lao động trí óc máy tính vẫn không thể nào làm được. Đó chính là tư duy.

Máy tính có thể tính toán, tổ chức và chạy những phần mềm phức tạp - những phần mềm thậm chí có thể tự bản thân nó học hỏi. Nhưng máy tính không thể tư duy theo cách mà con người có thể tư duy. Siêu nhân biết rằng mọi thứ nó tạo dựng được đều bắt nguồn từ khả năng suy luận sáng tạo và độc lập - và nó biết rằng công cụ nâng cao não bộ tối thượng phải có thể thực sự, thực sự tư duy. Nó không biết khi Siêu máy tính có thể tự tư duy thì sẽ như thế nào - khi Siêu máy tính mở mắt ra và trở thành một gã khổng lồ thực thụ - nhưng với mục tiêu cốt lõi là tạo ra giá trị và thúc đẩy giới hạn của công nghệ, Siêu nhân quyết tâm tìm ra cách.

Chốc nữa chúng ta sẽ quay lại với ý này. Còn trước tiên, có một số vấn đề chúng ta cần tìm hiểu.

Như đã nói, tri thức vận hành như một cái cây. Nếu bạn cố gắng thông thạo một chủ đề của một cành cây hay một chiếc lá mà không có nền tảng thông hiểu vững chắc phần thân cây trước thì sẽ không đi đến đâu cả. Cành cây và chiếc lá không biết bám vào đâu nên sẽ dễ dàng rơi rụng khỏi đầu bạn.

Chúng ta được biết Elon Musk muốn tạo ra một chiếc mũ phù thủy cho bộ não, và việc hiểu tại sao ông muốn thực hiện điều đó chính là chìa khóa để hiểu về Neuralink và hiểu tương lai của chúng ta thực sự sẽ như thế nào.

Nhưng sẽ không có ý nghĩa gì nếu ta không thực sự tìm hiểu về khái niệm chiếc mũ phù thủy hết sức đột phá - hình dạng của nó ra sao, cảm giác đội nó lên sẽ như thế nào và bằng cách nào từ chỗ ta đang đứng ngày hôm nay có thể tiến đến giai đoạn đó.

Nền tảng cho cuộc thảo luận này là kiến thức về giao diện máy tính-não (brain-machine interfaces), cách thức nó hoạt động và chỗ đứng của nó trong thời đại ngày nay.

Cuối cùng, BMI bản thân nó không phải là thân cây mà chỉ là một cành cây lớn hơn. Để thật sự hiểu được BMI và cách nó vận hành, ta cần hiểu về bộ não. Hiểu biết về cách hoạt động của bộ não chính là hiểu rõ về thân cây của chúng ta.

Vậy, chúng ta sẽ bắt đầu với bộ não, đó là hành trang cho ta để hiểu về BMI, qua đó cho ta biết cần gì để tạo nên chiếc mũ phù thủy, và đó sẽ là nền tảng cho những cuộc thảo luận điên rồ về viễn cảnh sau này, từ đó ta có thể định hướng rõ ràng vì sao Elon lại cho rằng chiếc mũ phù thủy đóng một vai trò quan trọng trong tương lai. Và vào thời điểm chúng ta đi đến cuối bài, mọi thứ sẽ đâu vào đó.

 Bản Dịch Phần 1: HUMAN COLOSSUS

Nguồn: Waitbutwhy

Trạm Đọc