Đừng cho tôi tự do: Càng nhiều lựa chọn, càng nhiều đau khổ.
Đừng cho tôi tự do: Càng nhiều lựa chọn, càng nhiều đau khổ.
Tôi nên tự sát, hay uống một cốc cà phê!
Nghịch lý của sự lựa chọn
(91 lượt)
Có một số thứ người ta cho rằng nhiều hơn lúc nào cũng tốt hơn, điển hình như tự do lựa chọn. Iphone đỏ, vàng, xám tốt hơn là chỉ có Iphone đen. Có B, C, D bạn trai dự phòng còn hơn là ký gửi cả trái tim mình cho người đàn ông duy nhất. Có nhiều quần áo, nhiều giày, nhiều sách, nhiều đồ hàng tiêu dùng…sẽ luôn tốt hơn là chỉ được chọn một hoặc một vài. Nhưng điều này có phải lúc nào cũng đúng? Nhà tâm lý học Barry Schwartz đã viết nguyên một cuốn sách đầy ảnh hưởng mang tên, Nghịch lý của sự lựa chọn, với một quan điểm hoàn toàn đối lập rằng: Nhiều lựa chọn không những không tốt hơn, mà nó còn làm đời bạn bất hạnh, hối tiếc, thất vọng, chán nản…nói chung là đau khổ hơn.
Nhiều lựa chọn = Hạnh phúc

Tất cả bắt đầu với một nghiên cứu kinh điển năm 2000 mang tên “Khi Lựa Chọn Lại Gây Nhụt Chí”, trong đó các nhà nghiên cứu thử kiểm định giả thuyết, liệu khi mở rộng các lựa chọn, người tiêu dùng có cảm thấy thoả mãn hơn, vì tìm được món đồ yêu thích hơn, khiến họ mua hàng nhiều hơn hay không?

Họ vào trong một cửa hàng thực phẩm và mỗi ngày lại trưng bày một kiểu. Có ngày, họ sẽ bày 24 loại mứt, ngày khác họ chỉ bày 6 loại mứt. Những ai nếm thử sẽ nhận được được phiếu giảm giá 1 đô cho bất kì loại mứt nào. Kết quả ra sao? Tất nhiên, khi có nhiều vị mứt được bày, số lượng khách hàng hào hứng nếm thử sẽ lớn hơn rất nhiều, nhưng đến lúc mua hàng thì sao? Kết quả cực kỳ chênh lệch: có đến 30% số người ở bên ít lựa chọn mua một lọ mứt, trong khi ở bên nhiều lựa chọn, chỉ có 3% số người mua.

Trong thí nghiệm thứ hai, các sinh viên được yêu cầu thực hiện cuộc khảo sát Marketing để đánh giá một số loại sô cô la khác nhau. Kết thúc thí nghiệm, họ sẽ được lựa chọn tiền mặt hoặc sô cô la để trả công cho sự tham gia của mình. Tuy nhiên, với một nhóm, họ được lựa chọn 1 trong 6 loại, trong khi với nhóm khác, họ được lựa chọn 1 trong 30 loại. Kết quả then chốt trong nghiên cứu này là những sinh viên đối mặt với sự ít lựa chọn hơn không những thoả mãn hơn với các lựa chọn của mình, mà còn có khả năng cao gấp bốn lần lựa chọn sô cô la, thay vì tiền mặt làm phần thưởng cho sự tham gia của mình.

Chúng ta có thể giải thích những thí nghiệm này như nào? Chẳng phải càng có nhiều lựa chọn, bạn càng dễ chọn ra thứ mình thích hay sao. Đó là giả định đằng sau những nhà hàng, quán chè, KFC, Lotteria…có thực đơn dài đến cả trang A4 để bạn tìm được món khoái khẩu nhất. Đó là giả định đằng sau cả lô điện thoại, laptop, máy tính bảng mà các hãng ASUS, Samsung, Sony, Xiaomi…trưng bày cho người dùng. Đó là giả định của một xã hội tiến bộ, cho rằng con người càng hạnh phúc khi họ càng nhiều lựa chọn hơn. Nhưng liệu nó có đúng hoàn toàn?

Trọng tâm của Nghịch lý của sự lựa chọn bàn đến câu hỏi trên, sử dụng hàng trăm các nghiên cứu từ các ngành tâm lý học, kinh tế học hành vi, xã hội học, và lý thuyết ra quyết định để chứng minh rằng ngược lại mới đúng: quá nhiều lựa chọn đang làm chúng ta ngột thở và làm giảm hạnh phúc của mỗi cá nhân. Nó tạo ra cảm giác hối tiếc, băn khoăn khôn nguôn (Mình vừa mua Oppo, nhưng lại thấy Iphone 7 đẹp quá), nó tạo ra sự tê liệt phân tích (Chiếc váy nào cũng đẹp, làm sao để chọn được một cái đấy), nó tạo ra cảm giác so sánh xã hội, kẻ thù số một của hạnh phúc (Nhưng nhà hàng xóm có chiếc xe đẹp hơn chiếc mình mới mua)…


Tác giả tâm sự: "Chúng ta đang sống trong một thời đại mà khả năng của con người đang ở đỉnh điểm, bị choáng ngợp bởi sự dư thừa vật chất. Xét về khía cạnh xã hội, những gì chúng ta đã đạt được chắc hẳn là những thứ mà tổ tiên chúng ta từng mơ ước, nhưng chúng ta cũng phải trả giá đắt cho những thành tựu đó. Chúng ta có được những thứ mà chúng ta muốn, rồi sau đó khám phá ra rằng những gì chúng ta muốn đó không đủ để thỏa mãn chúng ta như chúng ta mong đợi. Quanh chúng ta là những thiết bị hiện đại, tiết kiệm thời gian, nhưng dường như chúng ta vẫn không có đủ thời gian. Chúng ta được tự do làm tác giả của kịch bản cuộc đời mình, nhưng chúng ta lại không biết chính xác mình muốn “viết” nên loại cuộc đời nào."

Tất cả những phần trên của cuộc sách đều cực kỳ đáng đọc, nhưng có một vấn đề triết học rất quan trọng mà tôi nghĩ tác giả đã không phân tích đầy đủ. Lựa chọn không chỉ giới hạn trong những quyết định tiêu dùng thông thường, mà ngày nay bạn còn có thể lựa chọn mình là ai, công việc của mình là gì, mục đích sống của mình là gì...Đây là những câu hỏi cực ký khó nhằn mà không phải cá nhân nào cũng có đủ trí tuệ và dũng cảm trả lời. Chỉ mới đây thôi, con người mới bắt đầu có tự do để chọn những thứ lớn lao đó. Cách đây vài trăm năm, nếu ông bạn làm nông dân, bố bạn làm nông dân thì chẳng có lý do bạn phải băn khoăn tương lai của mình lại không bám với cánh đồng làm gì cả. Bạn là ai, bạn nên làm gì, bạn nên sống thế nào không phải do bạn quyết định, mà do tổ tiên của bạn, sắc tộc của bạn, hoàn cảnh xã hội của bạn, các cuốn Kinh Thánh, Kinh Phật, Luận Ngữ quyết định. Bạn không có nhiều tự do lựa chọn, nhưng bù lại bạn không phải gánh trên vai sức nặng của những câu hỏi "nguy hiểm" đó. 

Tuy nhiên đến thời hiện đại, Chúa, nhà vua, giá trị truyền thống lần lượt xuống mồ để chứng kiến sự lên ngôn của chủ nghĩa cá nhân, nơi mỗi con người được đưa lên làm trọng tâm của vũ trụ. Muốn biết phải lựa chọn như nào ư, hãy dùng trí tuệ của mình hoặc hãy lắng nghe lời con tin mách bảo. Người dân xưa nay vẫn sống phụ thuộc vào quyết định của "bề trên", nay lại được tự do quyết định...muốn làm gì với cuộc đời mình thì làm. Nhưng nhiều tự do có đồng nghĩa với nhiều hạnh phúc, hay bạn sẽ trở nên bơ vơ giữa cuộc đời này, không có ai chỉ cho mình nên làm gì, phải làm gì, đâu là đúng sai hay bạn sẽ đi tìm những ông chủ mới để tìm lại cảm giác thân thuộc xưa kia? 

Trong Huyền Thoại về Đại Pháp Quan, được đại văn hào Dostoyevsky viết trong tác phẩm Anh em nhà Karamazov, ông đã tiên đoán trước được những gánh nặng của tự do và hậu quả của nó lên thế kỉ 20 khi chúng ta sát hại Chúa, mất niềm tin vào tôn giáo và lý trí lên ngôi.  “Tự do, trí tuệ tự do và khoa học sẽ đẩy họ [đại chúng] vào những mê lộ và đặt họ trước những phép lạ và những bí nhiệm không thể giải đáp được khiến cho một số trong bọn họ, những kẻ bất khuất và hung dữ, sẽ tiêu diệt chính bản thân mình, những kẻ khác bất khuất nhưng suy yếu thì sẽ tiêu diệt lẫn nhau, còn loại thứ ba yếu đuối và bất hạnh sẽ bò đến dưới chân chúng tôi mà kêu van: "Vâng, các ngài có lý - chỉ có các ngài nắm được bí nhiệm của Chúa, chúng con trở lại với các ngài, xin các ngài cứu vớt chúng con khỏi chính bản thân chúng con".

Đối với con người, không có gì quý hơn độc lập, tự do, không có gì sướng hơn được tự do chọn lựa, nhưng cũng không có gì khổ ai hơn tự mình phải đi tìm lối sống cho mình. Đừng nghĩ cứ làm ông chủ là sướng và cứ làm nô lệ là đau khổ. Đến khi bạn phải tự gánh lấy sức nặng khủng khiếp của tự do lựa chọn, biết đâu bạn lại muốn quay đầu lại để tìm mệnh lệnh cho cuộc đời mình

Người ta đồn rằng triết gia hiện sinh Albert Camus từng đặt câu hỏi: “Tôi nên tự sát, hay uống một tách cà phê?”. Nếu thật, thì câu nói của ông có thể diễn giải là từng phút từng giây của cuộc đời bạn, dù có lớn lao như chuyện tự tử hay vụn vặt như chuyện uống cà phê, đều là những lựa chọn. Đời chẳng đẹp, cũng chẳng nát. Nó có ý nghĩa hay không phụ thuộc vào sự lựa chọn hành động bạn vào ngay lúc này. Đó cũng chính là Nghịch lý của sự lựa chọn: quá nhiều lựa chọn sẽ khiến bạn đau khổ, quá ít cũng sẽ khiến bạn đau khổ, thoái thác lựa chọn cho người khác sẽ khiến bạn trở thành nô lệ, nhưng làm nô lệ lại được thoát khỏi gánh nặng của tự do. Bạn phải làm gì, tôi phải làm gì, con người phải làm gì? Với một tên mọt, tôi nghĩ, có lẽ, sách sẽ cứu rỗi và chỉ đường cho chúng ta!

Ivan
Trạm Đọc