Yếu tố nào tạo nên sự giàu và nghèo  của các dân tộc?
Yếu tố nào tạo nên sự giàu và nghèo của các dân tộc?
Cuốn sách vượt ra ngoài khuôn khổ của lý thuyết kinh tế học, khảo sát và tổng kết lịch sử thế giới thông qua các yếu tố có tác động lớn như địa ký, văn hóa, thể chế và chế độ...

“Sự giàu và nghèo của các dân tộc”, nếu chỉ nhìn vào tiêu đề cuốn sách phần nhiều người có thể cho rằng đây là một tác phẩm viết về chính trị hay kiến thức kinh tế khô khan; ngược lại đây là cuốn sách mang đặc điểm rõ nét về “lịch sử thế giới”, giới thiệu lịch sử của các quốc gia trên nhiều phương diện. Cuốn sách vượt ra ngoài khuôn khổ của lý thuyết kinh tế học, khảo sát và tổng kết lịch sử thế giới thông qua các yếu tố có tác động lớn như địa ký, văn hóa, thể chế và chế độ, v.v. Chính việc nghiên cứu sự phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới từ góc nhìn mới này là điểm lôi cuốn, giúp bạn đọc mở rộng kiến thức, tự mình đi đáp án cho câu hỏi: “Nước giàu vì sao lại giàu, nước nghèo do đâu mà nghèo; vì sao có những nước nghèo bắt kịp nước giàu, vì sao khoảng cách giữa nước giàu và nước nghèo ngày một nới rộng và vì sao một số quốc gia vốn đang dẫn đầu để rồi bị vượt qua.” 

“Sự giàu và nghèo của các dân tộc” đặt ra cho chúng ta một vấn đề đáng để suy ngẫm rằng, tại sao có dân tộc, quốc gia giàu có thịnh vượng đến thế; ngược lại tại sao lại có dân tộc, quốc gia nghèo đói như vậy. Năm trăm năm trước, thế giới có hai trung tâm kinh tế văn hóa lớn nhất là châu Âu và Trung Quốc, không phải ngẫu nhiên mà bất kỳ nhà nghiên cứu kinh tế chính trị nào muốn nghiên cứu kinh tế thế giới đều phải bắt đầu nghiên cứu từ hai trung tâm kinh tế văn hóa này.

Trong quá trình phát triển lịch sử văn hóa, hai trung tâm kinh tế văn hóa này lại phát triển theo hai hướng khác nhau, kéo theo sự khác biệt ngày càng lớn. Ở châu Âu, vì sao Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh có thể thay nhau xưng bá toàn cầu, mà sau này đều lần lượt đi xuống? Vì sao Mỹ và Nhật sau này lại có thể vươn lên? Đến nửa sau thế kỷ 20, vì sao lại có nhiều quốc gia nhanh chóng bắt kịp và vươn lên dẫn đầu, mà một số quốc gia lại rơi vào cảnh túng quẫn? Quá nhiều vấn đề được đặt ra. Giáo sư Lịch sử, Kinh tế Đại học Harvard David Landes đã phê phán và phát triển trên nền tảng lý thuyết “Sự giàu có của các quốc gia” của Adam Smith, người được coi là cha đẻ của kinh tế học hiện đại, kết hợp nhiều yếu tố như địa lý, lịch sử, công nghệ, triết học, tôn giáo, chính trị quốc tế và văn hóa truyền thống, phân tích đa tầng về nguyên nhân căn bản tạo nên sự giàu nghèo và lẽ hưng phế đổi thay của các quốc gia, đưa ra bài học lịch sử cho loài người, để loài người bước lên con đường mới phát triển hài hòa giữa con người – tự nhiên – xã hội một cách đầy sáng tạo.

Trong “Sự giàu và nghèo của các dân tộc”, Chương 1 “Sự bất bình đẳng của tự nhiên” tác giả phân tích tường tận ảnh hưởng của khí hậu và môi trường đến sự giàu nghèo của mỗi quốc gia. Đặc biệt là ở châu Phi, khí hậu môi trường ở đây quả thực mang đến tác động tiêu cực cho sự phát triển kinh tế. Nhiệt độ không khí trung bình trên lục địa châu Phi vào khoảng trên 200C, vào mùa nóng có nơi thậm chí lên đến 450C. Trong điều kiện môi trường như thế, hoạt động thể lực hay lao động trí óc dù là nhẹ nhàng nhất cũng khiến con người cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Dù khoa học công nghệ là chìa khóa cho sự nâng cao năng suất lao động hay sự phát triển của sản phẩm tinh thần thì nhiệt độ cao đều mang lại tác động tiêu cực nhất định, hay như hạn hán cũng không thích hợp cho phát triển nông nghiệp.

Cuốn sách này còn nhấn mạnh đến văn hóa, thể chế chế độ và một số nguyên nhân khác có ảnh hưởng đến sự giàu và nghèo của các quốc gia. Văn hóa được coi là một trong những ảnh hưởng đặc biệt nổi trội đến sự phát triển của một quốc gia. Tác giả viết rằng, nếu chúng ta có thể học được điều gì đó từ lịch sử phát triển kinh tế, đó chính là văn hóa sẽ khiến sự phát triển đi theo những hướng hoàn toàn khác nhau.

Lịch sử nói với chúng ta rằng, phương pháp thoát nghèo hiệu quả nhất là dựa vào bản thân mình. Nhưng suy cho cùng, cách mang lại hiệu quả thực sự chỉ có thể là tự cường mà thôi. Sự quật khởi và suy bại của nước giàu, sự bắt kịp lạc hậu của nước nghèo, đều có yếu tố văn hóa trong đó, thậm chí văn hóa còn đóng vai trò quyết định.

Về chế độ, đúng như trong cuốn sách miêu tả: Anh, Ấn Độ, Ai Cập, Trung Quốc cổ đại đều gặp phải phải sự ràng buộc về mặt chế độ. Tuy chủ yếu nói về sự ảnh hưởng của những yếu tố như địa lý, văn hóa, chế độ… nhưng tác giả cũng không hề xem nhẹ những yếu tố nội tại của nền kinh tế như: tri thức, kim ngạch xuất khẩu, bảo hộ mậu dịch, phân công, năng suất lao động, công nghệ, v.v. cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của một quốc gia.

Thế nhưng những yếu tố này có thực sự liên quan đến sự giàu và nghèo của một quốc gia dân tộc hay không? Vào thế kỷ 11, GDP bình quân đầu người của châu Phi giàu tài nguyên và châu Âu đại để là tương đương nhau, nhưng càng về sau, đặc biệt là vùng đất phía Nam sa mạc Sahara lại rơi vào tình trạng nghèo đói và lạc hậu trong thời gian dài. Hay vì sao ở Trung Đông, thượng đế lại chẳng để cho người Do Thái lấy vài giọt dầu, mà đem cả cho các nước Ả-rập.

Vùng đất Do Thái tuy thiếu hụt tài nguyên, nhưng kinh tế của nó vẫn thịnh vượng. Vì sao trong lịch sử, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan và Anh lần lượt xưng bá thế giới? Hơn nữa, vì sao Hà Lan và Anh hai quốc gia không giàu tài nguyên lại có thể vượt qua Pháp, Đức? Ngược lại, nước Nga đất rộng người thưa, tài nguyên phong phú, lại chưa từng lọt vào danh sách nước giàu.

Trung Quốc một trong bốn nền văn minh thời cổ đại, đến nay lại không vì yếu tố văn hóa mà trở thành cường quốc kinh tế, nhưng nước Mỹ vốn không có lịch sử lâu đời, cũng không có bề dày văn hóa, ngược lại trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Vì sao giống như Trung Quốc, Anh cũng từng chịu sự trói buộc của chế độ, thế nhưng cách mạng công nghiệp lại nổ ra ở Anh, nay cũng phát triển lớn mạnh? Thế nên yếu tố văn hóa hay chế độ đều không phải là lý do để giải thích cho sự lạc hậu của một quốc gia.

Cuốn “Sự giàu và nghèo của các dân tộc” tuy đi so sánh nguyên nhân dẫn đến sự giàu và nghèo, nhưng không hề tán đồng một cách nhìn nào. Kết quả của sự giàu và nghèo của một quốc gia, thực chất phụ thuộc vào một giai đoạn lịch sử nhất định, sự tác động qua lại phát sinh chiều hướng tích cực hay tiêu cực của một vài yếu tố. Dù tác động của những yếu tố địa lý, tài nguyên, văn hóa, chế độ đến một quốc gia lớn hay nhỏ thì chúng đều không đứng một cách độc lập. Văn hóa có thể tác động đến chế độ, chế độ sẽ ảnh hưởng đến văn hóa; địa lý có tác động đến chế độ, chế độ cũng làm thay đổi địa lý, v.v.

Đánh giá về cuốn sách, Robert Solow- Học giả kinh tế nổi tiếng, đạt giải Nobel Kinh tế, giải thưởng Nhà nước Hoa Kỳ về Khoa học - nhận xét: David Lanes đã viết nên một công trình khảo sát bậc thầy về những thành công lớn và thất bại lớn trong các nền kinh tế ghi vào lịch sử của thế giới… Bất kỳ ai nghĩ rằng thành công kinh tế của một xã hội tách biệt với những đòi hỏi về đạo đức và văn hóa của xã hội ấy hẳn nhiên sẽ phải suy nghĩ lại”.

Đọc thêm trích đoạn cuốn sách Sự giàu và nghèo của các dân tộc 

Đông Phong- Trạm đọc

Xin mời Bạn đọc tham khảo giá bán cuốn sách "Sự Giàu Và Nghèo Của Các Dân Tộc" và đặt mua online tại:

Mua tại Tiki
Mua tại Shopee