Cuộc chiến tri thức: Bí mật về sự giàu nghèo của các dân tộc
Cuộc chiến tri thức: Bí mật về sự giàu nghèo của các dân tộc
Trích Dẫn Chương 18: Tài Sản Kiến Thức, Sự Giàu Và Nghèo Của Các Dân Tộc

Đầu tiên là các tổ chức và văn hóa; sau đó là tiền; nhưng ngay từ đầu và càng về sau, sự thưởng phạt là từ kiến thức. 

Động thái đầu tiên để có được “những bí mật” công nghệ mới của Anh là cử các nhà thám hiểm – các gián điệp được đào tạo để quan sát, báo cáo, và lôi kéo nghệ nhân có tay nghề cao. Vì vậy, vào giai đoạn 1718-1720, được một người Scotland biệt xứ là John Law bày mưu, Pháp đã khởi động một cuộc theo đuổi có hệ thống các thợ lành nghề của Anh: thợ đồng hồ, thợ dệt len, thợ luyện kim, thợ thủy tinh, thợ đóng tàu – khoảng 200 hay 300 người. Chiến dịch này đã gây rắc rối cho người Anh đến nỗi họ phải thông qua một đạo luật cấm di cư đối với thợ thủ công thực sự lành nghề, biện pháp đầu tiên trong hàng loạt biện pháp tương tự kéo dài hơn một thế kỷ và bao trùm ngày càng nhiều lĩnh vực thương mại.

Tuy nhiên, đạo luật này không thiết lập được một hàng rào đan kín. Trong một thế giới của chủ nghĩa bảo hộ cao độ, không phải ai cũng được cảnh báo về khả năng cạnh tranh quốc tế. Lấy ví dụ về kỹ năng chế tạo kim loại – một tài sản quý đặc biệt vì mối liên hệ mật thiết với việc chế tạo vũ khí và máy móc. (Mọi người sẽ giết chóc để có thể giết chóc giỏi hơn.) Năm 1764-1765, chế độ quân chủ Pháp cử Gabriel-Jean Jars đến thăm các cơ sở khai thác mỏ và luyện kim ở Anh. Người Anh không hề nhận thức được giá trị của những bí mật kinh doanh này nên ông đã được chào đón tại các xưởng đúc và luyện kim ở Sheffield và vùng Đông Bắc. Những ghi chép của ông, được xuất bản sau này, cho đến nay vẫn là một nguồn thông tin có giá trị về các kỹ thuật ở thời ông. Điều này cũng đúng với tiến bộ của người Anh trong phép đo thời gian, chìa khóa dẫn tới việc điều hướng hàng hải ưu việt hơn: năm 1769, Hội đồng Kinh độ cho phép du khách Pháp mở và nghiên cứu đồng hồ đo thời gian biển mang tính cách mạng của John Harrisonii khi cho rằng như vậy sẽ đóng góp cho toàn nhân loại. (Harrison rất tức giận khi biết điều này.)

Một số nơi và ngành thì không được chào đón như vậy. Tại Birmingham, một trung tâm buôn bán kim loại, mỗi nhà sản xuất đều có các mánh khóe và thủ thuật riêng. Dễ hiểu khi thợ thủ công nơi đây tự huyễn hoặc tới mức tin rằng bất kỳ người lạ nào cũng là kẻ thù. Không chỉ với người nước ngoài; với người Anh cũng vậy. Arthur Young, một lữ khách đồng thời là nhà quan sát phi thường, viết về sự tiếp đón thù địch mình nhận được khi tới thị trấn náo nhiệt đó.

Không nơi nào khiến tôi thất vọng hơn ở Birmingham; nơi tôi không thể thu thập được bất kỳ kiến thức nào kể cả những điều thông thường nhất, do các nhà sản xuất ghen tị quá mức. Có vẻ như người Pháp đã lấy được một số phương pháp sản xuất của họ, và do vậy làm thị trấn tổn thương không ít: Điều này khiến họ thận trọng đến mức hiếm khi cho người lạ thấy bất kỳ điều gì…

Tất cả những điều này đã không ngăn được việc các nhà sản xuất Birmingham cũng tiến hành dò la. Anh không phải là nước duy nhất có kỹ thuật đáng học hỏi hoặc ăn cắp (dù giờ đây nước này chiếm đa số của cải tiềm năng) và các nhà sản xuất Anh cũng chẳng ngại ngần gì hơn đám đối thủ đến từ Lục địa. Bên cạnh đó, cũng cần sự hợp tác của cả hai bên, nên thợ thủ công lành nghề, giống như giới có học và nghệ sĩ, đều coi toàn bộ châu Âu là nhà mình. Chẳng hạn, một trong những bí kíp có giá trị nhất của công nhân luyện kim Pháp là mạ vàng, thường là trên đồng thau hoặc đồng, được biết đến là đồng thiếp (hoặc thiếp vàng) – sáng bóng, giả nữ trang, do đó vô cùng sinh lời. Matthew Boulton nổi tiếng là cộng sự của James Watt trong việc sản xuất động cơ hơi nước, nhưng ông khởi đầu là thợ cả làm các loại cúc, khóa, dây đeo đồng hồ, chân nến, và mọi vật dụng bằng kim loại. Boulton bỏ tiền và phái người đi tứ phương để học kỹ thuật này của Pháp; đồng thời dụ dỗ thợ thủ công và nghệ sĩ Pháp, mang theo cả các công cụ của họ nếu được. Cuối cùng, ông đã thành công và tự cho mình là người yêu nước và cũng là doanh nhân sành sỏi. Đồng thời, chính Boulton lại trở thành mục tiêu của nhiều nỗ lực săn đón. Thụy Điển vô cùng nài nỉ, và thậm chí có lẽ ông đã đề nghị sự giúp đỡ từ nước này.

Không phải lúc nào cũng có thể phân biệt được ranh giới rõ rệt giữa tò mò, thăm dò, với gián điệp. Một người nghiên cứu hàng đầu về chủ đề này viết rằng “nhiều người nước ngoài… đã thu thập được kiến thức hữu ích… mà chưa từng phải làm bất kỳ điều gì lén lút.” Nhưng ông cũng lưu ý rằng nhiều “du khách” chính là những chủ xưởng sắt, nhà sản xuất, nhà hóa học, thanh tra công nghiệp, hoặc là kiểu quan sát viên am hiểu nào đó. Họ không đến Anh để ngắm tượng đài và phong cảnh. Dưới đây là ý kiến của Ignace de Wendel, trên danh nghĩa là mộ sĩ quan pháo binh, nhưng được biết đến nhiều hơn với tư cách hậu duệ của một triều đại luyện gang thép và là một công cụ được chính phủ Pháp lựa chọn. Ông nghĩ mình cũng được trời phú cho mũi, mắt, lưỡi, mưu mẹo, và cho tất cả những điều này là cần thiết:

... chúng tôi không có khó khăn gì trong việc thấy rõ nền sản xuất của Anh, chỉ cần thạo tiếng, không để lộ sự tò mò, đợi đến lúc được tham quan máy móc sau đó tự tìm tòi và có được sự tin tưởng của các nhà sản xuất và đám đốc công, phải tránh lời giới thiệu từ các Bộ trưởng và Lãnh chúa vì chúng chẳng ích gì... những người trẻ tuổi không phù hợp với nhiệm vụ như vậy... để quan sát mọi thứ một cách hữu ích, điều quan trọng là phải có chút ý niệm nào đó về máy móc, vì người ta sẽ không đạt được bước tiến nào khi chưa thấy chúng, tất cả đều có xu hướng rút ngắn quá trình sản xuất.8 

Thậm chí điều quan trọng hơn là dòng chảy tài năng công nghệ từ Anh đến Lục địa: tại sao chỉ xem qua nếu bạn có thể thuê một người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp? Chỉ những người có kiến thức thực hành mới có thể truyền thụ được kinh nghiệm này. Ngay cả ở các thời đại sau này khi đã có sự phổ biến và minh bạch trong khoa học, ngay cả với các sản phẩm và thiết bị mẫu, ngay cả với các bản thiết kế và hướng dẫn rõ ràng, thì một số bí quyết chỉ có thể học được bằng kinh nghiệm. Năm 1916, giữa những ngày khốc liệt của Thế chiến I, người Pháp đã mất một số trung tâm sản xuất vũ khí chính và rất cần thêm một nguồn cung cấp pháo loại 75 mm. Đây là khẩu pháo chính, là niềm kiêu hãnh về kho vũ khí của họ, một cỗ máy được thiết kế tinh xảo đến mức nếu đặt một ly nước trên đó, nó cũng không bị đổ khi khai hỏa. Vi phạm mọi quy tắc về bí mật, họ gửi các bản thiết kế của mình cho Mỹ – nhưng không thành công. Chỉ đến khi một nhóm công nhân đến Mỹ để chỉ cho người Mỹ cách làm, họ mới có thể có được những khẩu pháo với hỏa lực và độ bền tương đương.

Tuy nhiên, ở đây, quan hệ người thuê và người đại diện thế kỷ 18 đi ngược lại một đặc tính nổi bật của nền công nghiệp Anh: sự phân công lao động. Không một công nhân nào được biết thêm về quy trình sản xuất dù chỉ một phần nhỏ. Một đại diện người Pháp tên là Le Turc, biệt hiệu ở Anh là Johnson, phàn nàn:

Không công nhân nào có thể giải thích được cho bạn về dây chuyền sản xuất, vì anh ta mãi mãi chỉ được tham dự vào một công đoạn nhỏ mà thôi; nếu nghe lời anh ta về bất kỳ công đoạn nào ngoài công đoạn đó, bạn sẽ mắc sai lầm. Tuy nhiên, chính sự phân công kiểu “biết ít thôi” này khiến nhân công rẻ hơn, còn độ hoàn thiện của sản phẩm và việc bảo vệ tài sản của nhà sản xuất thì tốt hơn.

Mặc dù chuyên môn hóa đã làm cho nhiệm vụ này khó khăn và tốn kém hơn, nhưng nó rất đáng làm. Một số cuộc di cư được mời gọi: các chính phủ nước ngoài trả tiền cho mọi người đến và giúp họ gây dựng việc làm ăn. Nhưng một số người ra đi vì bất đồng quan điểm – như John Holker, một người Jacobitei bất mãn, được Giám đốc Thương mại Daniel Trudaine tuyển dụng sang Pháp và trở thành một nhà sản xuất len và máy dệt, và là Tổng Thanh tra các Nhà sản xuất nước ngoài. Những người khác có lý do đặc biệt riêng, như Michael Alcock muốn ra đi cùng với người tình của mình trong những năm 1755-1756, mang theo một ít tiền biển thủ, để mặc vợ và đối tác đối mặt với phá sản. Người vợ cuối cùng đã đoàn tụ với ông; có khi bà là một phần của kế hoạch này ngay từ đầu. Rồi thì Alcock và hai người phụ nữ dường như vui vẻ sống cùng nhau trong một ménage à trois (gia đình ba người) ở La Charité, trên thượng nguồn sông Loire, nơi Alcock rèn sắt và kim khí, cố gắng dạy người Pháp đôi điều về thép tốt.

Tuy nhiên, hầu hết người xa xứ đều không có lý do cấp bách nào để phải sống lưu vong. Họ làm vậy vì tiền. Những người giỏi nhất trong họ trở thành doanh nhân tầm cỡ quốc tế. Chẳng hạn như nhà Cockerill. Người cha William là một thợ máy, vào khoảng năm 1800 được một công ty thầu khoán muốn gia nhập nền công nghiệp đưa đến trung tâm sản xuất len Verviers (hồi đó thuộc Pháp, giờ là Bỉ). Cockerill cung cấp cho họ các tổ hợp máy (phân loại) để từ đó biến sợi thành chỉ (thực hiện việc này bằng máy đòi hỏi phải chia nhỏ công việc thành một chuỗi quy trình). William, với tham vọng riêng, lẽ ra sẽ vui vẻ cung cấp cho toàn bộ ngành dệt (xin nhớ rằng chúng ta đang nói về đế quốc Pháp), nhưng ông đã bị ràng buộc bởi hợp đồng với các nhà tuyển dụng mới. Không thành vấn đề. Con rể ông khởi nghiệp như một nhà chế tạo máy, và khi hợp đồng của William hết hạn năm 1807, ông bèn mở xưởng riêng ở Liège, một trung tâm lâu đời của nghề luyện kim thủ công.

Năm 1813, William Cockerill giao toàn bộ công việc kinh doanh cho con trai út John, người sau đó đã đa dạng hóa hoạt động sản xuất kinh doanh sang lĩnh vực trang thiết bị nặng: máy ép thủy lực, động cơ hơi nước, máy bơm. Vào lúc này Bỉ đã được sáp nhập với Hà Lan, vua Hà Lan coi công ty Cockerill như viên ngọc trên vương miện mình: “Hãy tiếp tục mở rộng các doanh nghiệp lớn của ngươi mà không phải lo sợ gì và nhớ rằng vua Hà Lan luôn có tiền để hỗ trợ công nghiệp.” Với những khuyến khích như thế và hơn nữa, John Cockerill đã đạt được các thành tựu lớn hơn – luyện sắt, đóng tàu hơi nước và đầu máy xe lửa, một mỏ kẽm gần Aachen (sát với Đức), các nhà máy len ở Phổ, một nhà máy bông ở Barcelona, một nhà máy tinh chế đường ở Surinam, các lò hơi ở miền Nam Pháp, các xưởng, nhà máy, và các dự án đường sắt ở Nga xa xôi. Tuy nhiên, rắc rối với doanh nhân toàn cầu này – một người Pháp gọi ông là “một người Liégeois gốc Anh hay nói đúng hơn được mô tả như một trí tuệ lớn vô tổ quốc” – là tham vọng vượt quá khả năng. Dù được ngân hàng hỗ trợ đáng kể, nhưng ông đã bị phá sản trong cuộc khủng hoảng 1839-1840 và qua đời sau đó chẳng bao lâu. Rồi công ty được tái cơ cấu – một tượng đài lâu đời hơn cả đồng và cuộc đời của những người sáng lập ra nó.

Giống như nhà Cockerill, nhưng là người bình thường ẩn danh, hầu hết người Anh xa xứ đều là những công nhân bị thu hút bởi tiền lương cao gấp hai đến ba lần nơi quê nhà. (Tiền lương của Anh thường cao hơn đáng kể so với bên kia eo biển Manche, nhưng thợ thủ công và thợ máy giàu kinh nghiệm này là những mặt hàng khan hiếm ở các nước đi sau.) Một số người trong họ thực ra được các nhà sản xuất và xuất khẩu cử đi để giám sát và đảm bảo động cơ hoạt động, nhưng sau đó thấy mình được trọng thị ở nước ngoài hơn quê nhà. Nhiều người thì được các đồng nghiệp cũ quay lại rủ rê. 

Xin nhớ rằng hầu hết những điều này đều vi phạm luật pháp Anh. Trong một nỗ lực nhằm ngăn cản sự cạnh tranh từ nước ngoài, Anh đã cấm xuất khẩu hầu hết các loại máy móc (trừ động cơ hơi nước) và cả sự di cư của công nhân lành nghề. Ở đây, Anh đi theo một truyền thống xa xưa. Ví dụ, ở Ý trung cổ, thợ thủy tinh ở Murano và thợ đóng tàu ở Arsenal thuộc Venice chỉ di cư khi sợ bị tử hình. Những hạn chế này đã kìm hãm việc phổ biến kiến thức, nhưng trong một thế giới giám sát thô sơ, không thể ngăn cản được nó. Anh cũng vậy: hàng trăm, thậm chí hàng ngàn thợ thủ công di cư trong những thập kỷ đầu thế kỷ 19, hầu hết là tự nguyện. Một số ít bị bắt trong chiến tranh. 

Không chỉ người Anh xa xứ. Người Pháp cũng đón nhận người Đức với kỹ năng luyện kim; người Nga chào đón người Hà Lan, Đức, và Thụy Điển. Người Pháp càu nhàu về người Đức – cách cư xử, sự vô ơn của họ. (Ở mức độ nào đó, đây là những loại người rời bỏ quê hương và chuyển sang công việc mới.) Đây là lời kêu ca của một nhà sản xuất lưỡi hái về đám người Đức của mình: bất chấp mọi lợi ích nhận được, bất chấp sự đối xử tốt hơn, quen với việc không có kỷ luật quân sự ở quê nhà, họ làm việc có mức độ và chỉ khi nào thích, và “chỉ tìm cách để bị sa thải.” Không phải ai cũng tiêu cực như vậy. Một kỹ sư chỉ ra rằng sự có mặt của lao động nước ngoài đã có một ảnh hưởng lớn đến thợ thủ công Pháp, khiến họ hoàn toàn nhận ra “những nguyên tắc sai lầm về độc lập đã khiến họ bấy lâu tự cho mình là chủ của những người cho họ kế sinh nhai.” (Đây là chủ đề thường xuyên được nhắc lại. Chủ sử dụng lao động không thích việc phụ thuộc vào công nhân, và sự thay thế lao động bằng vốn – nguồn cơn khởi đầu cho sự cơ giới hóa việc kéo sợi bông và xây dựng nhà máy – thường được thúc đẩy bởi những cân nhắc dựa trên sức mạnh cũng như tiền bạc.)

Nhưng tiền cũng vậy. Phân công lao động khiến lao động xa xứ không tiết lộ hết bí quyết, nhưng phân chia vốn khiến một số chủ sử dụng lao động bán sản phẩm ra nước ngoài và hướng dẫn người nước ngoài sử dụng sản phẩm. Đặc biệt, ngành chế tạo máy chuyên dụng mới này tìm kiếm thị trường ở bất kỳ nơi nào có thể. Hoàn toàn dễ hiểu khi người dùng những thiết bị này tại Anh muốn giữ bí mật về chúng; dẫn đến lệnh cấm chung về xuất khẩu máy móc. (Tuy nhiên, trừ động cơ hơi nước, vì ban đầu chúng không thích hợp cho sản xuất. Và, vào những năm 1780, khi động cơ hơi nước được sử dụng trong các nhà máy, không lệnh cấm xuất khẩu nào có thể vượt qua được công ty Boulton & Watt.) Sự thúc đẩy bán ra này tạo nên một khác biệt lớn khi các nhà sản xuất giàu có tại địa phương không sẵn sàng mua nhưng các đối thủ nước ngoài lại sẵn sàng. Sau đó, các nhà chế tạo máy ngấm ngầm “lật đổ,” thúc đẩy cạnh tranh ở nước ngoài và phá hoại đồng hương của họ ở các thị trường thứ ba: “sự tự lực về công nghệ [của người dùng máy móc] cộng với việc giữ bí mật có thể là một hợp đồng tự sát không lời…”

Quá đủ cho việc truyền bá. Điều quan trọng hơn đối với các nước đi sau trong dài hạn là các trường học về khoa học và công nghệ. Nhắm vào cấp trung học cơ sở hoặc cao hơn, các nước này muốn đào tạo kỹ thuật viên và giám sát viên có tay nghề cao hơn và đặt nền tảng cho quyền tự chủ về tri thức. Ở đây, người Pháp đi đầu với Ecole Polytechnique (ban đầu có tên là Ecole Central des Travaux Publics) vào năm 1794. Ban đầu nó được thiết kế như một trường quân sự cho các sĩ quan trong ngành kỹ thuật và pháo binh – các ngành học mà kiến thức kỹ thuật rất quan trọng. (Bất kỳ tên ngốc dũng cảm nào cũng có thể vung một thanh kiếm.) Nhưng ngay từ đầu, chính quyền Cách mạng đã bổ nhiệm hàng loạt các nhà khoa học và các nhà toán học hàng đầu, và họ biến Ecole về lâu dài từ trường dạy các bài học và kỷ luật quân sự thành nơi nghiên cứu toán học, khoa học cơ bản, và khả năng kỹ thuật. Đặc tính cạnh tranh của trường học – kỳ thi tuyển sinh, xếp hạng nhập học công khai, xếp hạng hoàn thành học phần, xếp hạng tốt nghiệp – đã thu hút những người giỏi nhất và sáng giá nhất của Pháp; vì vậy, dù nhà trường tiếp tục cung cấp các sĩ quan cho quân đội, nhưng đó không phải là các sinh viên hàng đầu. Những nhân tố “X” mạnh nhất – như người Pháp gọi họ, theo ẩn số đại số – đi vào doanh nghiệp, tư và công, hình thành nên tinh hoa về kỹ thuật và kỹ trị của Pháp. Họ dẫn đầu trong lĩnh vực xây dựng và quản lý đường sắt Pháp; học và điều chỉnh các kỹ thuật luyện kim mới nhất của Anh; chỉ đạo các công trình công cộng ở nước ngoài; và vào thế kỷ 20, lãnh đạo một số tập đoàn công nghệ cao thuộc dạng lớn nhất của Pháp.

Trường Polytechnique có lẽ quá kiêu kỳ và lý thuyết trong cách đào tạo của mình. Những sinh viên tốt nghiệp muốn theo đuổi ngành công nghiệp thường học sau đại học tại Ecole des Mines (Đại học Mỏ) hoặc Ponts-et-Chaussées (Trường quốc gia Cầu đường) – cả hai trường đều được thành lập dưới Chế độ Cũ. Ở đó, họ học về công nghệ và khoa học ứng dụng và đào tạo tại chỗ. Trong khi đó, giới kinh doanh Pháp cảm thấy rằng cần có một trường khác, giống như Polytechnique nhưng chú trọng hơn vào tính thực tế. Đó là Ecole Centrale des Arts et Manufactures (Cao đẳng Nghệ thuật và Chế tạo trung ương), được thành lập năm 1829 và sáp nhập vào hệ thống nhà nước năm 1856, đóng vai trò là nền tảng đào tạo cho các kỹ sư và nhà quản lý doanh nghiệp. Sinh viên trường Centrale không có thanh thế bằng nhân tố “X“ của Polytechnique: trường mới hơn và cạnh tranh đầu vào ít căng thẳng hơn; nhưng sự cởi mở hơn của trường giúp sinh viên tốt nghiệp làm việc hiệu quả hơn nhân tố “X” trong các ngành mới như ô tô và hàng không.

Cùng với hai trường đại học then chốt này, các thiết chế chung, các trường địa phương mọc lên, các trường dạy nghề; và các trường công nghiệp chuyên ngành, thường do chủ sử dụng lao động thành lập nhằm đào tạo trong những ngành cụ thể: hóa chất ở Lyons, đồng hồ ở Besançon, dệt ở Mulhouse. Một số trường trong đó nhằm bù đắp cho sự biến mất của hệ thống học nghề trước đây. Cuối cùng, các viện kỹ thuật cũ như Conservatoire des Arts et Métiers – ban đầu là một bảo tàng – đưa ra các khóa học, thường hướng đến những người trưởng thành đã qua quy trình đào tạo bình thường nhưng muốn được cập nhật kiến thức mới. 

Các sáng kiến ở Pháp là ngọn đèn hiệu cho các nước vùng Viễn Đông. Cụ thể, các trường tương tự Polytechnique mọc lên ở Prague, Vienna, Zurich, những nơi xa xôi như Moscow. Ngoài ra, mỗi nước lại có sự kết hợp riêng của mình trong hệ thống các trường liên kết. Ví dụ, người Đức phát triển một  mạng lưới trường thương mại (Gewerbeschulen) đào tạo quản lý công nghệ trung cấp; và ngày càng nhiều trường trung học kỹ thuật (technische Hochschulen) – trường đầu tiên ở Karlsruhe năm 1825 – đào tạo ở cấp đại học và hình thành các thế hệ nhà hóa học và kỹ sư. Cuối cùng, người Đức thúc đẩy hướng dẫn và nghiên cứu khoa học tại các trường đại học. Đây là khía cạnh tiên tiến của sự thử nghiệm và tìm tòi, và việc phát minh ra phòng thí nghiệm giảng dạy (Justus Liebig, thập kỷ 1830) đã biến hệ thống giáo dục đó thành một mô hình đáng ghen tị của thế giới vào cuối thế kỷ.

 Sự trông cậy vào giáo dục chính quy trong việc phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật đã dẫn đến những kết quả quan trọng. Thứ nhất, nó hầu như luôn đòi hỏi sự hướng dẫn trong các vấn đề trừu tượng và lý thuyết vốn được vay mượn ở nhiều ứng dụng, cũ và mới. Tôi muốn nhấn mạnh những ứng dụng mới. Thứ hai, nó mở đường cho các ngành kiến thức mới có tiềm năng kinh tế lớn.

Hãy so sánh giáo dục tại trường này với chiến lược vừa học vừa làm của Anh – thứ chiến lược đã điều khiển Cách mạng Công nghiệp. Việc này đã có kết quả tốt chừng nào công nghệ vẫn là một sự tích lũy các cải tiến và phát minh là sự kết hợp của các kỹ thuật đã biết. (Mặc dù vậy, ta chỉ có thể ngạc nhiên trước khả năng Anh tiếp tục sinh ra thiên tài và tài năng phù hợp, phần lớn là người tự học.) Nhưng từ cuối thế kỷ 18, khi các biên giới của khả năng và yêu cầu công nghệ ngày càng rộng, thì việc khám phá đã vượt ra ngoài các bài học kinh nghiệm cảm tính.

Những hướng đi mới này đạt được thành tựu lớn nhất trong hai lĩnh vực, hóa học và điện – cả hai, nhờ vào những tiến bộ trong tri thức khoa học. Các nhánh hóa học trước đây vẫn là một dạng chế biến công nghiệp: trộn, nung nóng, khuấy đều, giữ lại cái tốt và vứt bỏ chất thải. Chúng không hề đứng yên. Chúng tiến bộ nhanh chóng đặc biệt nhanh hơn, v.v. – khi các nhà sản xuất theo đuổi tính kinh tế dựa trên quy mô. Một nguồn tiến bộ khác là việc tìm cách tận dụng chất thải (như khí than dành cho chiếu sáng), đôi khi để đối phó với luật trừng phạt vì gây ô nhiễm. (Tốt nhất là sử dụng chất thải thay vì bị kiện hoặc bị phạt tiền.) Nhưng những tiến bộ mang tính cách mạng xuất hiện trong lĩnh vực hóa học hữu cơ mới và bắt nguồn trực tiếp từ các nghiên cứu về phân tử gốc carbon. Điều này đã mở cửa cho vô số ứng dụng, trước hết là trong lĩnh vực thuốc nhuộm (rất quan trọng với ngành dệt may), sau đó là lĩnh vực dược phẩm cũng như nhiếp ảnh, và cuối cùng, vào cuối thế kỷ, trong lĩnh vực vật liệu nhân tạo – mà chúng ta thường gọi bừa là nhựa.

Điện đã từng được người xưa biết tới nhưng không hiểu rõ, và những người hiểu biết tò mò thì chơi với nó, kiểu như với một món đồ chơi, từ thế kỷ 18. Những thử nghiệm như vậy có thể mang đến kết quả thực tế; ví dụ phát minh ra cột thu sét của Benjamin Franklin. Nhưng việc sử dụng điện có hệ thống như một dạng năng lượng và ứng dụng nó vào các quy trình công nghiệp đã phải chờ tới thế kỷ 19, sau các nghiên cứu của những người như Volta, Ampère, và Faraday, tên tuổi của họ đã trở nên bất tử trong hệ thống thuật ngữ khoa học. Các ứng dụng công nghiệp đầu tiên tuy nhỏ nhưng ấn tượng: pin (pin Volta) giúp chạy máy điện báo và đồng hồ; kỹ thuật điện phân được sử dụng đặc biệt để mạ kim loại và dao kéo. Cả hai ứng dụng này đều có trước năm 1850. Nhưng sự nở rộ của điện lại đi kèm với việc phát minh ra máy phát điện và bình phát điện để sản xuất ra nhiều dòng điện và xây dựng một hệ thống phân phối. Các tác nhân kích thích lớn nhất là đèn sợi đốt của Thomas Edison (năm 1879) và động cơ điện, biện minh cho chi phí đầu tư cao.

Trong cả hóa học lẫn điện, việc học tập và năng lực phụ thuộc vào đào tạo chính quy. Những hiện tượng này không thể hiểu được bằng nhận thức cảm tính; cần có sơ đồ cùng lược đồ để giải thích chúng, và các nguyên tắc cơ bản được học tốt nhất là trong lớp học và phòng thí nghiệm. Ở đây sự trông đợi của Lục địa vào giáo dục ở nhà trường đã được đền đáp, tạo ra và phổ biến công nghệ mới. Sự bắt kịp đã biến thành một bước tiến nhảy vọt, trong khi Anh mắc kẹt trong thói quen và bị tụt lại sau.

Hơn nữa, trong ngành điện lực của Anh, quyền tự trị địa phương khiến khó khăn thêm trầm trọng. Ở một số nơi, mạng lưới khí ga thành phố đã phản đối thành công chuyện điện khí hóa; ở những nơi khác tại Anh xây dựng nhiều lưới điện khác nhau, mỗi lưới có điện áp và hạ tầng riêng. Những cải tiến sau này chỉ là sự thêm thắt. Cho đến nay, người mua các thiết bị điện của Anh phải đau đầu với đủ loại phích cắm và ổ cắm, và người tiêu dùng phải trả tiền cho các chủ cửa hàng để họ lắp sẵn thiết bị chỉ việc dùng. Nền kinh tế Anh phát triển nhanh chóng trong các ngành mới này như nó đã từng trong các ngành trước đây – như Topsy vậy.

Sự kết hợp chặt chẽ giữa khoa học và kỹ thuật đã mở ra một kỷ nguyên mà Simon Kuznets gọi là “sự tăng trưởng kinh tế hiện đại.”

Không chỉ các đổi mới phi thường mới làm cho Cách mạng Công nghiệp lần thứ hai quan trọng đến vậy – còn việc sử dụng nhiên liệu dạng lỏng và dạng khí ở động cơ đốt trong, truyền tải năng lượng và năng lượng thông qua dòng điện, sự biến đổi có hệ thống của vật liệu, thông tin liên lạc được cải tiến (điện thoại và radio), phát minh ra máy móc chạy bằng các nguồn năng lượng mới (xe cơ giới và thiết bị gia dụng). Trên tất cả, đây cũng là vai trò của tri thức được truyền thụ chính quy.

Cuộc hôn phối giữa khoa học và kỹ thuật đã được báo hiệu trước. Ta có thể thấy sự bén duyên này từ thời trung cổ, từ việc áp dụng kiến thức thiên văn để thay đổi sự điều hướng hàng hải (tính toán vĩ độ), sử dụng toán học để tính đường đạn, ứng dụng con lắc để sản xuất ra đồng hồ chính xác hơn nhiều lần. Và quay lại với động cơ hơi nước, chiến thắng kinh điển của chủ nghĩa thực nghiệm khoa học. Nhưng phải tới tận cuối thế kỷ 19, khoa học mới dẫn đầu và đi trước kỹ thuật. Giờ đây các nhà phát minh tương lai và các nhà giải quyết vấn đề đều thấy lợi ích của việc tham khảo tài liệu trước khi đảm nhận dự án; hay trước khi đặt ra mục tiêu – phải làm gì và làm thế nào.

Đó là cách nhà lãnh đạo/nhà cải cách bị bắt kịp và vượt qua. Và đó là lý do mọi lợi thế cũ – tài nguyên, của cải, quyền lực – bị mất giá trị, và trí óc được coi trọng hơn vật liệu. Từ đó, tương lai mở ra cho tất cả những ai có chí khí, bàn tay, và khối óc. 

BÍ QUYẾT LUYỆN THÉP

Thép, như chúng ta đã thấy, luôn là thứ kim loại được chọn để làm “vũ khí trắng” (kiếm và dao găm), dao và dao cạo, công cụ có cạnh sắc, và giũa (rất quan trọng để sản xuất các bộ phận chính xác). Ban đầu, thép là một sản phẩm phụ ngẫu nhiên của việc nấu chảy trong các lò nung không đủ nóng để tạo ra một khối đồng nhất, sinh ra một lượng thép lẫn trong sắt mềm và cứng. Sau đó, với việc phát minh ra lò cao hoạt động ở nhiệt độ cao hơn, người ta phải trải qua nhiều quy trình để nung từ gang thành thép. Một cách là nung nóng lại kim loại và đốt cháy lượng carbon cho giảm xuống còn 1,2-1,5%. Kết quả là không đều (không dễ để dừng lại đúng lúc) và tạo ra nhiều loại thép khác nhau để rồi được sử dụng cho các mục đích khác nhau. Loại tốt nhất được dùng làm súng và dao kéo loại tốt; loại kém hơn được dùng làm cày cuốc và liềm.

Một cách khác là loại bỏ carbon để lấy sắt rèn, và sau đó thêm carbon để lấy thép. Việc thêm này thường được thực hiện bằng cách quấn carbon quanh các thanh sắt rèn, nung và nhúng vào nước, rồi quai búa. Mục đích của việc đập hỗn hợp kim loại này theo cách đó là để phân phối carbon dàn đều và đồng nhất – giống như nhào bột. Và cũng như nhào bột cho ra loại bột đồng nhất hơn bằng cách gập, ấn, rồi lại gập ấn, thép luyện carbon này cũng vậy, tốt nhất là gập và quai búa, liên hồi. Kết quả là một thanh thép có nhiều lớp; càng nhiều lớp (nghĩa là càng nhiều lần gập và quai búa), thứ kim loại này càng cứng càng bền. Điển hình của cách làm này là những thanh kiếm samurai Nhật Bản nổi tiếng, vẫn giữ được cạnh sắc và ánh thép sau năm thế kỷ. Thép lớp được phát minh ở Nuremberg thuộc châu Âu vào đầu thế kỷ 

Nhưng ngay cả kiếm samurai cũng không thể sánh nổi về tính đồng nhất với thép được tôi kỹ, tức là thép được nung nóng chảy khiến carbon được hòa trộn hoàn toàn. Người phát minh ra thép được tôi kỹ vào năm 1740, là một thợ đồng hồ người Anh, Benjamin Huntsman, đã rất quan tâm về mặt chuyên môn trong việc tìm ra thứ kim loại tốt hơn cho việc chế tạo lò xo và giũa. Kỹ thuật này do người Anh giữ độc quyền trong khoảng 3/4 thế kỷ – không hề là mong muốn của những người bắt chước sau này.

Người Pháp đặc biệt dành nhiều công sức để học bí quyết này. Pháp tương đối yếu trong ngành thép và hiểu đây là một bất lợi chính trị nghiêm trọng. Đầu thế kỷ 18, nhà khoa học đa tài René Antoine de Reaumur (1683-1757), nổi tiếng với phát minh ra nhiệt kế của mình, tuyên bố đã tìm thấy bí quyết của thứ mà ông so sánh với “đá tạo vàng,” thành lập một “nhà máy hoàng gia” cho mục đích biến sắt thành thép, và nhận được một khoản trợ cấp hào phóng từ chính phủ cho những nỗ lực của mình. Ông thất bại, vì nghĩ rằng câu trả lời nằm ở việc thêm lưu huỳnh và các loại muối phù hợp. Ông không hề nghĩ tới vai trò của carbon. Ông cũng nghĩ rằng sắt Pháp đủ tốt cho mục đích này, khác hẳn với người Anh nhập khẩu thứ sắt tốt hơn từ Thụy Điển để sản xuất thép. Đáng lẽ ông nên nhìn ra xung quanh.

“Lỗi phân tích và ‘lựa chọn ái quốc’ này sẽ được chấp nhận ở Pháp lâu dài và sẽ khiến ngành công nghiệp của quốc gia này càng thêm lạc hậu.” Sau đó, những người khác cũng xuất hiện và khoe rằng họ đã làm được loại thép sánh với sản phẩm của Anh và Đức. Không hề. Cú huých lớn nhất đã đến sau khi Gabriel Jars tới Anh năm 1765. Jars tự mình bắt tay vào sản xuất thép luyện carbon nhưng chỉ nhận được những kết quả tầm thường, chủ yếu là do ông sử dụng sắt Pháp sản xuất tại Reaumur; cái chết vào năm 1769 đã làm gián đoạn nỗ lực này của ông. Một kỹ thuật viên khác tên là Duhamel, bạn đồng hành của Jars và được Bộ trưởng Turgot đỡ đầu, làm thuê cho bá tước Broglie, là chủ xưởng luyện kim và nhận trợ cấp chính phủ khoảng 15.000 livre, để thực hiện các thí nghiệm tương tự. 15 năm sau, chính phủ buộc phải thừa nhận rằng Duhamel chẳng đi đến đâu. Các nhà luyện kim ít tiếng tăm hơn cũng tự tìm tòi sáng tạo. Không nghi ngờ gì về điều này: Pháp cần thép và muốn biết cách luyện thép.

Xuất hiện một người Anh đã được chúng tôi nhắc tới ở trên, Michael Alcock từ Birmingham. Ông nói với người Pháp rằng chẳng có gì khó khăn: luyện thép thì dễ; luyện thép tốt mới khó. Vì vậy, với sự giúp đỡ của Giám đốc Thương mại Trudaine xứ Montigny (con trai của người đã cử Jars và Duhamel đến thăm Anh), ông thành lập nhà máy riêng của mình và sản xuất các mẫu thép luyện carbon và thép được tôi kỹ. Ông chẳng bao giờ vượt qua được giai đoạn mẫu thử.

Trong khi đó, hai đối tác của Alcock tự tiến hành, họ mua một xưởng luyện kim nhỏ tại Amboise bên bờ sông Loire (nổi tiếng vì có lâu đài hoàng gia). Xưởng luyện kim này nhận được sự quan tâm của công tước xứ Choiseul và được chính phủ Pháp (một lần nữa với sự giúp đỡ của Trudaine xứ Montigny) bảo trợ với tư cách “nhà máy hoàng gia” chuyên sản xuất thép tốt và được trợ cấp khoản tiền 20.000 livre một năm. Tuy nhiên, khoản trợ cấp này đi kèm với một tai họa: phải sử dụng sắt rèn của Pháp. Doanh nghiệp này đầu tư mạnh vào thiết bị: sáu lò nung lớn, 40 búa điện, 80 xưởng luyện kim; và thực hiện hết thử nghiệm này đến thử nghiệm khác. Không có kết quả. Họ chẳng bao giờ làm ra thép được tôi kỹ, và thép luyện carbon của họ không đủ độ tin cậy.

Các doanh nghiệp khác, ít nhiều có những mối quan hệ khác nhau nhưng có quyết tâm ngang nhau, tham gia cuộc đua sản xuất giũa tốt, thứ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi cơ giới hóa phát triển và kim loại thay thế gỗ. Một trong số đó, ở Dauphiné, có sự hỗ trợ từ quản đốc và tập đoàn tài chính của công tước xứ Orléans. Khi bắt đầu, nó chỉ đặt mục tiêu thấp: sản xuất lưỡi hái và đồ kim loại lặt vặt. Nhưng sau đó gặp rắc rối vì tham ô. Biển thủ tiền dễ hơn kiếm tiền.

Nhà sử học Denis Woronoff của ngành sắt Pháp tổng kết: 60 năm sau Réaumur, thép Pháp vẫn “giậm chân tại chỗ.” Hàng loạt tuyên bố thành công hóa ra đều sai. Không phải các thanh tra chính phủ cả tin hay dễ tính, mà do họ tập trung nhiều vào độ nguyên chất có tính lý thuyết của thứ kim loại này hơn là vào hiệu năng của nó (độ cứng, độ sắc bén, v.v.). Họ cũng “bị thuyết phục” bởi tầm quan trọng của quy mô (doanh nghiệp khổng lồ) trong những trường hợp thiếu tính kinh tế do quy mô. Kết quả là lãng phí, bế tắc, và thất bại về thương mại.

Sau đó là cách mạng và Napoléon xuất hiện. Càng giậm chân tại chỗ. Chỉ tới những năm 1820, người Pháp mới học được cách làm ra thép được tôi kỹ, nhờ một người Anh xa xứ tên là James Jackson. 

Người Đức đã làm được điều này từ khoảng chục năm trước, hầu như không có sự giúp đỡ nào từ bên ngoài. Johann Conrad Fischer, một nhà quan sát sắc sảo người Thụy Sĩ và là du khách rong ruổi vô định tới các doanh nghiệp nước ngoài – với giác quan nhạy bén – đã học được cách luyện thép từ khoảng năm 1805.

Nó cần tới không chỉ công thức, kế hoạch chi tiết, mà còn cả chứng ngôn cá nhân mới có thể học được cách luyện thép.

THIÊN TÀI LÀ CHƯA ĐỦ

Giữa thế kỷ 19, thuốc ký ninh alkaloid có tầm quan trọng sống còn đối với sự cai trị của người Anh ở Ấn Độ, nơi mà bệnh sốt rét khiến các nhân viên dân sự và quân sự kiệt sức hoặc bỏ mạng. Ký ninh không chữa được bệnh này, nhưng nó làm giảm các triệu chứng. Lúc đó, ký ninh được lấy từ vỏ cây canh-ki-na, có nguồn gốc từ Peru. Chính phủ Anh đã xới tung các khu vườn thực vật nổi tiếng thế giới tại Kew, tìm mọi cách lấy được hạt giống cây canh-ki-na ở Peru, chăm chút chúng thành cây giống, và trồng chúng ở Ấn Độ, nhưng kết quả lại tỏ ra đáng thất vọng. Ấn Độ vẫn phụ thuộc vào việc nhập khẩu với chi phí đắt đỏ từ Java, nơi người Hà Lan đã tìm được cách chiết ghép tốt hơn. Người Anh có lẽ muốn có nguồn cung riêng của mình. 

William Henry Perkin, sinh năm 1838 tại London, là con trai của một người xây dựng và không có mối quan hệ nào với Ấn Độ. Người cha mong muốn ông sẽ là một kiến trúc sư (thăng tiến xã hội), nhưng từ khi còn nhỏ ông đã muốn theo ngành hóa học. Năm 1853, khi mới 15 tuổi, ông ghi danh tại Đại học Hóa học Hoàng gia mới thành lập, sau đó được nhà khoa học người Đức August Wilhelm Hofmann quý mến, hướng dẫn và tuyển làm trợ lý. Hofmann giao cho Perkin trọng trách tìm cách để tổng hợp ký ninh, và Perkin nghiên cứu vấn đề này trong phòng thí nghiệm nhỏ do ông tự lắp đặt ở nhà mình. Ông không tìm được cách chế tạo ký ninh, nhưng dần dần thu được một chất kết tủa từ naphtha (một thành phần của than đá), aniline đen, từ đó ông dẫn xuất được aniline màu xanh dương, hoặc hoa cà. (Hóa học luôn là một môn khoa học của sự may mắn.)

Perkin đủ tỉnh táo để nhận ra giá trị của phát hiện này. Chất màu xanh dương của ông tạo ra một loại thuốc nhuộm tuyệt vời, và sau khi được cấp bằng sáng chế, Perkin, khi đó mới 19 tuổi, đã thành lập một nhà máy sản xuất ra nó với nguồn tiền từ cha và anh trai. Đó chính là cái kết cho quá trình đào tạo của ông tại Đại học Hoàng gia. Từ phát hiện may mắn đầu tiên này đến những tìm tòi có mục đích khác, Perkin nhanh chóng trở thành một triệu phú. Và sau đó, một bước ngoặt khác: ông quay lại với tình yêu đầu tiên của mình, hóa học thử nghiệm và lý thuyết. Bên cạnh đó, công nghiệp hóa chất Đức đã bỏ xa Anh.

Loại thuốc nhuộm nhân tạo đầu tiên này là chất liệu mơ ước – sự khởi đầu của ngành nhuộm bằng nhựa than đá vô cùng quan trọng. Ngay khi Perkin vừa phát ra tín hiệu, các nhà hóa học ở Anh, Pháp, Đức, và Thụy Sĩ liền bắt tay vào vụ này và nhiều màu nhân tạo đã xuất hiện – màu hồng nhạt (từ tinh thể fuchsine), màu đỏ tía (đặt tên theo màu máu đã đổ trong trận Magenta), một dải toàn những màu tím, toàn bộ họ alizarin của các màu đỏ, hồng, cam, vàng, và một màu xanh lá cây mà đã gây xôn xao vì nó không chuyển sang màu xanh nước biển dưới ánh đèn khí. Từ đó, những màu sắc này kích thích nhu cầu về các loại vải thời trang và khiến phụ nữ tại các nước giàu ở châu Âu từ bỏ màu đen u ám và rẻ tiền truyền thống. (Ngày nay, khi đã giàu hơn, nhiều người lại quay về với màu đen, ngay cả trong đám cưới.)

Tuy nhiên, quan trọng hơn trong dài hạn, là sự phân nhánh của các kỹ thuật mới này thành những nhánh phát triển rộng hơn trong ngành hóa chất: các chất phát sáng mới, dược phẩm (aspirin, salvarsan, thuốc an thần các loại, thuốc giảm đau, và nhiều loại thuốc khác), vật liệu nhiếp ảnh, phân bón nhân tạo, và cuối cùng là nhựa – tất cả đều nhờ những phát hiện bất ngờ và ngẫu nhiên.

Nhờ Perkin, Anh đã dẫn đầu ngành công nghiệp mới này. Anh có mọi thứ nhờ nó. Trước tiên, nước này có một ngành công nghiệp lớn và truyền thống dựa trên hóa chất nặng, sản xuất ra kiềm, axit, và muối. Rồi thì, nước này có mọi thành phần cho một ngành sản xuất dựa trên carbon: không nước nào sản xuất nhựa than đá là nguyên liệu thô nhiều hơn Anh. Cuối cùng, nước này là thị trường lớn nhất thế giới về thuốc nhuộm trong ngành dệt may. Song, trong vòng một thế hệ, ngành công nghiệp này đã rời bờ biển Anh tới định cư tại Đức, và ở mức độ thấp hơn còn mở rộng sang cả Pháp và Thụy Sĩ. Đến năm 1881, Đức sản xuất khoảng một nửa số thuốc nhuộm nhân tạo trên thế giới; đến năm 1900, vào khoảng 80-90%. Các nhà sản xuất lớn của Đức có thể trả cổ tức trên 20% trong nhiều năm dù kinh doanh thuận lợi hay khó khăn, đồng thời đầu tư các khoản tiền lớn vào nhà máy, nghiên cứu, và thiết bị. Đây là một trong những dịch chuyển công nghiệp lớn nhất, nhanh nhất trong lịch sử.

Vì sao? Vì sao rõ ràng có sự phạm “luật” về lợi thế so sánh và về sự phụ thuộc? Bởi ngoài Perkin và một vài nhân tài khác, thì Anh không có các nhà hóa học được đào tạo và có năng khiếu cần thiết để làm nên phát minh. Chắc chắn không có nhiều và cũng chẳng được đào tạo tốt như có thể tìm thấy ở Lục địa. Vì vậy, khi A. W. Hofmann, Heinrich Caro, và các đồng nghiệp người Đức ở Anh được thu hút trở lại quê nhà bằng những đề nghị hấp dẫn, thì ngành hóa chất hữu cơ Anh lụi tàn. Ngược lại, ở Đức, các tập đoàn lớn xuất hiện và phát triển: Hoechst, BASF (Badische Anilin u. Soda-Fabrik), Bayer, Agfa, được xây dựng quanh các nhà hóa học và kỹ sư hóa học hàng đầu, được trang bị những phòng thí nghiệm đầy đủ máy móc thiết bị và liên kết chặt chẽ với các trường đại học.

Tầm quan trọng của nhóm nhân tài này kết hợp với tính dám nghĩ dám làm và một nền văn hóa định hướng nghiên cứu thể hiện rõ trong câu chuyện về thuốc nhuộm chàm nhân tạo. Đây là một ứng viên hợp lý cho việc tổng hợp: một thuốc nhuộm chính, hợp chất carbon, được dẫn xuất đắt tiền từ những loài cây kỳ lạ (cây tùng lam và mấy loại cây khác). Năm 1880, Giáo sư A. Baeyer đã tổng hợp rồi bán quy trình này cho BASF và Hoechst,  hai công ty chắc chắn có nhiều thứ để chia sẻ và cùng chung nguồn lực. Họ cần nhau. 17 năm, 152 bằng sáng chế, và hàng triệu mark Đức sau đó, nhưng hai công ty vẫn chưa có được một kỹ thuật khả thi về thương mại. Một phương pháp sử dụng một sự tổng hợp khác, cũng do Baeyer đưa ra, nhưng bế tắc; nó đòi hỏi rất nhiều toluenei đến mức ngành nhựa than đá không thể cung cấp mà không làm thị trường tràn ngập các phụ phẩm như benzen và naphthalene. Phế phẩm là tai họa của ngành hóa chất và những người sống gần đó. Chúng cũng là một nguồn kích thích mạnh mẽ với nghiên cứu mới.

Tới lúc này, BASF và Hoechst chuyển sang một phương pháp mới tại ETH (Eidgenössische Technische Hochschule, còn được gọi là Polytechnic) ở Zurich, khởi đầu từ naphthalene, khi đó là một phụ phẩm gần như vô giá trị từ việc chưng cất nhựa than đá. Nhưng phương pháp này cũng đặt ra những vấn đề về thực tế và thương mại mà phải mất nhiều năm để giải quyết. BASF đi theo một hướng; Hoechst, với quyền sử dụng quy trình, đi theo hướng khác, cũng lại dựa trên nghiên cứu tại Zurich Poly. BASF đưa vào sản xuất sớm hơn (năm 1897), còn Hoechst muộn hơn (năm 1904), nhưng kỹ thuật của Hoechst tỏ ra tốt hơn. Trong hóa học cũng như trong kinh doanh, có nhiều cách để thực hiện. 

Ở đây cũng như ở nhiều trường hợp khác, kỹ thuật mới đã đem lại thảm họa cho các phương pháp cũ và những người sống nhờ chúng. Trong vòng ba năm, BASF sản xuất thuốc nhuộm chàm nhiều hết mức có thể từ 250.000 mẫu Anh. Những người thua cuộc lớn nhất trong trường hợp này là những người Ấn Độ canh tác và xuất khẩu sản phẩm tự nhiên: 187.000 tấn năm 1895-1896; 11.000 tấn năm 1913-1914. Giá thuốc nhuộm đã giảm một nửa.

Tới Thế chiến I, Đức đã bỏ xa phần còn lại của thế giới trong ngành hóa học hiện đại – xa đến mức ngay cả việc tịch thu các bằng sáng chế công nghiệp của Đức trong cuộc chiến đó cũng không lập tức làm lợi cho đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài. Những công ty lớn nhất của Mỹ, với các kỹ sư hóa học Mỹ giỏi nhất, không biết phải làm gì hoặc làm thế nào với các bằng sáng chế đó. Vì vậy, trong những năm 1920, Mỹ đã thuê các nhà hóa học Đức. Hoạt động gián điệp công nghiệp đã trở lại.

>> Các bạn có thể tìm mua cuốn sách Sự Giàu Và Nghèo Của Các Dân Tộc tại Đây
Tags: