Xuất bản truyện tranh về chuyện tình công chúa Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản
Xuất bản truyện tranh về chuyện tình công chúa Ngọc Hoa và thương nhân Nhật Bản
Cuốn truyện tranh kể về mối tình vượt đại dương của Công nữ Ngọc Hoa - con gái nuôi Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên - với chàng thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro vừa ra mắt độc giả nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2023).

Câu chuyện tình này cho đến nay vẫn là nguồn cảm hứng cho hậu thế khi cứ 7 năm một lần, vào tháng 10, lễ rước kiệu đón công chúa Ngọc Hoa - thường được người dân Nhật Bản gọi là Công nữ Anio - sẽ được tái hiện tại lễ hội mùa thu Nagasaki Okunchi (tỉnh Nagasaki, Nhật Bản), như một biểu tượng cho mối bang giao bền chặt giữa hai quốc gia Việt Nam - Nhật Bản.

Đầu thế kỉ 17, Nhật Bản bắt đầu mở cửa, cho phép thương buôn ra nước ngoài, hình thành nên nhiều khu phố Nhật Bản ở các nước trong khu vực. Lúc bấy giờ tại Nagasaki, có một thương nhân xuất thân là samurai (võ sĩ đạo) với ước mơ được lên thuyền đi khắp thế gian. Chàng chính là Araki Sotaro. Mang trong mình trái tim đầy can đảm, Sotaro rời Nhật Bản, dẫn đầu một đoàn thuyền Châu Ấn đến Hội An buôn bán. 

Truyện tranh Công nữ Anio. Ảnh: Vietnamnet

Trong một lần dạo chơi, công nữ Ngọc Hoa vô tình gặp gỡ chàng thương nhân người Nhật. Hai người vừa gặp đã như quen biết từ lâu, hết sức tâm đầu ý hợp. Sau đó, thương nhân Sotaro quyết chí yết kiến chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên để hỏi cưới người con gái mình đem lòng thương mến.

Sau lễ rước dâu tại Hội An, công nữ Ngọc Hoa cùng Araki Sotaro lên thuyền đến Nagasaki (Nhật Bản) và tổ chức một lễ cưới linh đình. Cho tới tận ngày nay, hình ảnh lễ cưới của công nữ Ngọc Hoa và thương nhân Sotaro vẫn còn được tái hiện qua Vũ điệu tế thần trong lễ hội “Nagasaki Okunchi”.

Mỗi khi trò chuyện với chồng, Ngọc Hoa thường gọi “Anh ơi!”. Người dân vùng Nagasaki nghe nhầm tiếng gọi ấy thành “Anio”, từ đó về sau, họ trìu mến gọi nàng là nàng “Anio”.

Truyện tranh "Công nữ Anio" có phần nội dung do tác giả Nhật Bản Koshiya Katsuji viết lời và tranh minh họa của họa sĩ Việt Nam Lưu Đình Thắng. 

Tags: