Thành lập năm 2010, cho ra mắt người tiêu dùng chiếc điện thoại di động đầu tiên vào năm 2011, nhưng chỉ ba năm sau, vào năm 2014, Xiaomi đã trở thành thương hiệu điện thoại thông minh bán chạy nhất tại Trung Quốc. Thông số kỹ thuật cao, hệ điều hành mượt mà, giá rẻ là những điều khiến hàng triệu người tiêu dùng Trung Quốc lập tức trở thành fan hâm mộ của hãng điện thoại này.
Đây cũng là những điểm khác biệt giúp Xiaomi chinh phục được nhiều thị trường điện thoại di động lớn trên thế giới như Brazil, Ấn Độ… bất chấp sự cạnh tranh khốc liệt của các thương hiệu lớn như Samsung, Apple.
Năm 2019, chỉ 9 năm sau khi thành lập, Xiaomi trở thành cái tên trẻ nhất lọt vào bảng xếp hạng Fortune 500. Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng doanh thu của Xiaomi đạt 15,7 tỷ đô la, trong đó lợi nhuận đạt 862,1 triệu đô la. Tính đến tháng 11 năm 2020, Xiaomi trở thành thương hiệu điện thoại thông minh lớn thứ ba trên thế giới với hơn 19.860 nhân viên và có sản phẩm bán ở hơn 80 quốc gia trên thế giới.
Trong cuốn sách vô cùng hấp dẫn “Xiaomi Hành trình của một công ty khởi nghiệp trở thành một thương hiệu toàn cầu”, tác giả Jayadevan PK đã kể lại một cách lôi cuốn hành trình khởi nghiệp, cũng như những chiến lược đắt giá giúp Xiaomi có thể đi đến thành công không tưởng đó.
Thực tế, dù được thành lập trong thời điểm vàng khi xu hướng sử dụng điện thoại thông minh đang tăng lên đáng kể tại Trung Quốc, nhưng nếu không có những chiến lược đúng đắn, Xiaomi khó có thể gặt hái được thành công. Bởi bên cạnh thương hiệu quốc tế Samsung đang dẫn đầu thị trường, Xiaomi cũng phải chống lại sự cạnh tranh gay gắt đến từ những thương hiệu lớn trong nước như Huawei, Oppo, Vivo…
Chiến lược át chủ bài đầu tiên được Xiaomi đưa ra chính thiết lập một nền tảng vững chắc cho các sản phẩm trong tương lai của mình - xây dựng và ra mắt hệ điều hành MIUI được phát triển tùy biến từ hệ điều hành Android. Với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành công nghệ trước đó, người sáng lập số 1 của Xiaomi, ông Lôi Quân, hiểu được tầm quan trọng của một hệ điều hành thông minh, mượt mà giúp trải nghiệm người dùng không có trục trặc là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của bất kỳ công ty điện thoại thông minh nào.
Ngay từ khi ra mắt Xiaomi đã làm đúng điều đó và chiến lược khôn ngoan này đã mang lại hai lợi ích lớn cho Xiaomi. Một là giúp hãng tạo ra được một hệ điều hành có nét riêng, có được danh tính mà không cần đầu tư lớn. Thứ hai, khiến cho khách hàng có được trải nghiệm dễ chịu, không phải thay đổi hành vi sử dụng ứng dụng khi chuyển từ hệ điều hành phổ thông Android sang MIUI. Điều này khiến việc kết nối của Xiaomi với khách hàng trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn.
Chiến lược quan trọng thứ hai của Xiaomi là luôn lấy cộng đồng khách hàng làm trung tâm. Xiaomi đã thiết lập một diễn đàn nơi người dùng có thể đưa ra phản hồi, đề xuất các tùy chỉnh và tính năng bổ sung cho bản cập nhật MIUI trong tương lai. Người dùng sẽ bình chọn các tính năng mà thành viên cộng đồng mong muốn và các tính năng có phiếu bầu cao nhất sẽ được đưa vào bản phát hành tiếp theo.
Quá trình này tiếp tục mang lại hai lợi ích cho Xiaomi: Thứ nhất, nó giúp Xiaomi xác định các yêu cầu của cộng đồng và chỉ xây dựng những tính năng được yêu cầu. Thứ hai, trao quyền cho người dùng, tạo ra nhận thức và sự hào hứng về các sản phẩm sắp ra mắt của hãng trước khi chúng ra mắt.
Không chỉ dừng lại ở đó, Xiaomi còn thực hiện nhiều hoạt động khác nhằm nuôi dưỡng mối quan hệ với các thành viên cộng đồng, những người lần lượt trở thành fan hâm mộ, ủng hộ nhiệt tình các sản phẩm của hãng. Điều này giúp hãng thay vì phải bỏ ra hàng tỷ đô la cho ngành tiếp thị sản phẩm truyền thống, thì họ đã tận dụng sức mạnh của cộng đồng, vừa xây dựng các sản phẩm và tính năng mà người tiêu dùng thực sự mong muốn, vừa quảng bá và bán được sản phẩm.
Kỷ lục bán “sạch bách” 10.000 chiếc điện thoại trong vòng 2 giây mở bán trên một nền tảng bán hàng trực tuyến của Xiaomi đến nay chưa hãng điện thoại nào vượt qua được. Và kỳ tích này thực hiện được chính là nhờ sức mạnh cộng đồng mà họ đã dày công xây dựng.
Chiến lược quan trọng thứ ba của Xiaomi chính là “định giá trung thực”. Khác hẳn với các thương hiệu nổi tiếng như Samsung hay Apple, giá các sản phẩm của Xiaomi chỉ nhỉnh hơn không đáng kể so với toàn bộ chi phí sản xuất của hãng. Ví dụ loạt điện thoại 5G được hãng công bố vào tháng 2 năm 2020 có hóa đơn vật liệu là 440 đô la, nhưng nó được dự kiến bán lẻ chưa đến 700 đô la. Mức giá này rẻ hơn rất nhiều so với hầu hết các mẫu điện thoại có thông số kỹ thuật tương tự do Samsung hay Apple bán ra.
Điện thoại giá rẻ, hệ điều hành mượt mà được cập nhật tính năng liên tục đáp ứng các yêu cầu mới của khách hàng… tất cả những điều này giúp Xiaomi nhanh chóng vượt qua hàng loạt các tên tuổi khác và trở thành thương hiệu cạnh tranh sát nút với hai đại gia lớn nhất trong ngành điện thoại thông minh là Samsung và Apple.
Chưa hết, năm 2019, Xiaomi tiếp tục điều chỉnh chiến lược và ra mắt chiến lược động cơ kép “smartphone+ AIoT” (điện thoại thông minh và internet vạn vật trí tuệ nhân tạo). Theo đó, điện thoại thông minh được coi như cánh cổng để qua đó Xiaomi sẽ đưa vào các gia đình hàng loạt các thiết bị thông minh khác như: ti vi, đồng hồ, đèn chiếu sáng, thiết bị lọc không khí, đồng hồ đo sức khỏe…
Có thể nói, cuốn sách “Xiaomi Hành trình của một công ty khởi nghiệp trở thành một thương hiệu toàn cầu” cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích mà các doanh nhân, đặc biệt là những người mới khởi nghiệp hay mang trong mình hoài bão chinh phục thị trường thế giới có thể tham khảo.
Nhận xét về cuốn sách, Kunal Shah, CEO kiêm nhà sáng lập CRED viết: “Jayadevan P.K dẫn ta vào một hành trình hấp dẫn về sự nổi lên của Xiaomi. Đây là cuốn sách cần phải đọc cho bất kỳ ai có mong muốn xây dựng một công ty khởi nghiệp. Nó mở khóa các yếu tố chiến lược giúp nhiều công ty hiện đại trở nên khác biệt và thành công ngay cả khi phải đối mặt với những đối thủ đáng gờm”.