Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ - Không chỉ là truyện viết cho thiếu nhi
Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ - Không chỉ là truyện viết cho thiếu nhi
Với “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần, tôi chỉ có hai từ để miêu tả thôi: “dễ thương” và “lắng”!

Có lẽ bởi cái sự trong trẻo của "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" khiến tôi cảm thấy thoải mái hơn trong cuộc sống hiện tại; hoặc cũng có thể là vì tôi thấy một phần của mình trong đó.

 

Cả trẻ con và người lớn đều “dễ thương”

Ngay từ đầu cuốn sách, khi mà tụi trẻ con ganh đua nhau về số lần bị bà mụ tét vào mông, một câu nói chạy ngang qua tâm trí tôi: “Tụi con nít sao mà ngớ ngẩn đến thế!” Nhưng rồi, tôi cũng tự nhớ lại hồi còn nít của mình, chắc tôi cũng ngớ ngẩn chẳng kém tụi nhóc trong truyện là bao.

Những đoạn đối thoại, những câu hỏi, suy luận ngây ngô của cậu nhóc sẽ khiến bạn “cười ngất”.

“- Chú Hùng ơi, tắm mưa không?
- Chú lớn rồi! Không tắm mưa nữa.
- Tại sao vậy?
- Ừ. Người lớn là vậy.
- Nếu vậy thì cháu chẳng thèm lớn nữa. Tắm mưa vui lắm. Chú ra tắm đi. Dù chú có tắm mưa, chú vẫn là người lớn.
[...]
- Cô Hồng có khi nào tắm mưa không? Tôi hỏi.
- Không, cô Hồng là con gái, ai lại tắm mưa.
- Mẹ cháu cũng chẳng khi nào tắm mưa. Mẹ nói tắm như thế, tóc sẽ rối.
- Ừ, mẹ cháu tóc dài mà.
- Nhưng cô giáo Hà tóc ngắn vẫn không tắm mưa!
- Ừ nhỉ.
- Chắc tại cô mang guốc cao gót, chạy sẽ té.”

 

 

Niềm vui đó như một sợi dây đàn, chạm vào thì nó ngân lên cả nhà và thế là ta vui.

 

 

Khi đọc truyện này, tôi khuyên bạn đừng nghĩ ngợi gì cả, hãy để đầu óc mình hoàn toàn thảnh thơi thì mới có thể thấy hết được sự dễ thương của những nhân vật trong cuốn truyện.

Có thể nói, trong cuốn truyện này, tác giả không sử dụng những bút pháp hay lối hành văn gì cao siêu cả, mà chỉ là kể chuyện đơn thuần vậy thôi. Để rồi, cuốn sách như là một cuốn nhật ký của cậu bé 10 tuổi tên Dũng, với những mối quan hệ gia đình, bạn bè, hàng xóm.

Ngôn từ cũng không quá trau chuốt, cân văn rất ngắn gọn, ngắn gọn một cách tự nhiên đến đáng yêu. Chấm, phẩy rõ ràng rành mạch và không hề bỏ lửng câu viết, viết... như học sinh cấp một. Vậy nên mới có thể lột tả được cái hồn nhiên, vô ưu của những đứa trẻ, vẻ mộc mạc chân chất của người lớn.

Những câu chuyện, cảm xúc, suy nghĩ của một đứa trẻ hết sức đơn giản nhưng cũng không kém phần tinh tế cứ nhè nhẹ, nhè nhẹ thoáng qua. Những thứ tình cảm này cũng giống như chúng ta, khác với tình yêu là không khắc khoải, nồng nhiệt, sâu đậm, chúng cứ nhẹ nhàng nhưng thân thuộc, đến một lúc không còn mới thấy nhớ nhung đến lạ.

Cuốn sách dễ thương đến nỗi tôi cảm thấy ghen tị với tuổi thơ cậu bé Dũng. Sao lại cậu bé lại có ông bố bà mẹ dễ thương thế, đến cả chú hàng xóm cũng dễ thương.

 

Lắng!

Đúng như lời giới thiệu in ở bìa sau cuốn sách: “nỗi buồn, thậm chí là cái chết được mô tả một cách không khoan nhượng”.

Trong phần đầu, sự hồn nhiên, dễ thương chiếm ưu thế, nhưng đâu đó ta vẫn thấy nỗi buồn phảng phất. Đó là câu chuyện về đôi bàn tay phải chỉ có 4 ngón tay của chú Hùng, vì chiến tranh. “Một viên đạn bay qua cắt đứt nó. Chú là người may mắn, nhiều người đứt cả bàn tay, bàn chân. Như ông Tư xóm tôi chỉ còn khúc mình, ông buồn lắm.”

 

 

 Khi chia sẻ một nỗi buồn, chúng ta sẽ không buồn hơn nhưng người khác lại vui hơn.

 

 

Rồi nỗi buồn lớn hơn với câu chuyện của ông cháu ông lão ăn xin ở chợ, rồi sau đó là những cái chết của bà Ma-xơ đàn và bé Thương. Khi đọc đến những cái chết, tôi chắc rằng lòng ai cũng sẽ thắt lại. Nguyễn Ngọc Thuần đã thành công khi tạo ra một bức tranh trong trẻo xuyên suốt cuốn sách; nhưng bức tranh ấy không thể hoàn hiện nếu không có những mảng màu trầm buồn.

Những nỗi buồn ấy cứ vất vưởng mãi trong tâm chí của trẻ con và người lớn như để nhắc nhở rằng “khi một ai đó buồn, họ cần rất nhiều người để chia sẻ. Nỗi buồn chỉ vơi đi bằng tình thương chú không có một phương thuốc nào hết. Khi chia sẻ một nỗi buồn, chúng ta sẽ không buồn hơn nhưng người khác lại vui hơn. Và đừng bao giờ quay lưng lại với một con người như vậy. Họ cần những khuôn mặt hơn là những viên thuốc. Họ cần những bàn tay, những tô cháo, những quả ổi hái để đầu giường. Họ cần mỗi buổi tối ghé lại ngồi với họ trong im lặng. Họ cần chúng ta dẫn họ lên đồi cuốc một mảnh vườn, và thỉnh thoảng hỏi có thích ăn bắp rang không…”

Đó chính là cách để làm người khác vơi đi nỗi buồn. Chẳng phải chúng ta bây giờ có rất nhiều nỗi buồn sao? Bạn hãy thử lắng lại và làm theo cách mà tác giả viết trong quyển sách xem!

 

#DD

Trạm đọc - Readstation 

Tags: