Tôi không biết bạn có để ý đến tất cả những điều ấy không. Phần đông chúng ta luôn luôn bận rộn với một điều gì đó - cúng lạy, lễ bái, tụng niệm kinh kệ, lo lắng hết việc này đến việc khác - bởi vì ta sợ phải cô đơn đối mặt với chính mình. Bạn thử cô đơn một mình, không có bất kỳ hình thức gây xao lãng nào, và bạn sẽ thấy mình chạy trốn bản thân và quên đi cái bạn đang là nhanh như thế nào. Đây là lý do tại sao cơ cấu khổng lồ của ngành giải trí, của sự xao lãng tự động hóa, là một phần quan trọng của cái chúng ta gọi là văn minh. Nếu quan sát, bạn sẽ thấy rằng con người trên khắp thế giới đang ngày càng xao lãng, ngày càng phức tạp, rắc rối và trần tục. Niềm vui cứ nhân lên mãi, vô số sách được xuất bản, báo chí tràn ngập các sự kiện thể thao, đương nhiên tất cả những điều đó cho thấy rằng ta luôn luôn muốn được giải trí. Bởi vì nội tâm ta trống rỗng tăm tối, tầm thường nên ta mới sử dụng các mối quan hệ và các cuộc cải cách xã hội của mình như phương tiện để lẩn tránh chính ta. Tôi tự hỏi liệu bạn có bao giờ để ý thấy phần đông con người cô độc như thế nào chưa? Và để lần trốn nỗi cô độc, ta chạy đến đền thờ, chùa chiền, thánh đường, ta ăn mặc chưng diện chải chuốt và tham gia các hoạt động xã hội, xem tivi, nghe radio, đọc sách và vân vân.
Bạn biết cô độc nghĩa là gì không?
Một số người có thể xa lạ với từ đó; nhưng bạn biết rất rõ cảm giác đó. Bạn thử ra khỏi nhà để đi dạo một mình, hoặc không có sách để đọc, không có ai để nói chuyện và bạn sẽ thấy bạn nhanh chóng chán nản như thế nào. Bạn biết rất rõ cảm giác đó, nhưng bạn không biết tại sao bạn chán, bạn chưa bao giờ đi sâu tìm hiểu điều đó. Nếu bạn đi sâu vào nỗi buồn chán thêm một chút, bạn sẽ thấy rằng nguyên nhân của buồn chán là cô độc. Để lẩn trốn nỗi cô độc nên ta mới muốn ở cùng người khác, ta mới muốn được tiêu khiển, muốn được xao lãng bằng mọi cách: các đạo sư, các lễ nghi tôn giáo, cầu nguyện, hoặc cuốn tiểu thuyết mới nhất. Bởi vì bên trong ta cô độc, nên ta mới trở thành những khán giả thuần túy trong cuộc sống; và ta chỉ có thể làm diễn viên một khi đã thấu hiểu nỗi cô độc và vượt qua nó.
Rốt cuộc, phần đông con người kết hôn và tìm kiếm các mối quan hệ xã hội khác là bởi vì họ không biết cách sống cô đơn. Không phải là ta nên sống cô đơn; nhưng nếu bạn kết hôn vì bạn muốn được yêu, hay nếu bạn buồn chán và sử dụng công việc như một phương tiện để quên đi chính mình, thì bấy giờ bạn sẽ thấy rằng toàn bộ cuộc sống của bạn chẳng là gì ngoài một cuộc tìm kiếm cách làm cho tâm trí xao lãng bất tận. Rất ít người có thể vượt qua được nỗi sợ hãi cô độc kỳ lạ này; nhưng dứt khoát ta phải vượt ra khỏi nó; bởi vì bên kia nỗi cô độc là một kho báu thực sự.
Bạn biết không, có một sự khác biệt lớn lao giữa cô độc và cô đơn.
Một số bạn trẻ có thể vẫn không nhận biết về nỗi cô độc, nhưng những người lớn thì biết nó: cái cảm giác bị đứt lìa hoàn toàn, bỗng dưng sợ hãi mà không có nguyên nhân rõ ràng. Trí não nhận biết nỗi sợ hãi này khi trong một khắc, nó hiểu ra rằng nó không còn có thể dựa vào bất kỳ thứ gì, rằng không có cách xao lãng nào có thể xóa tan cái cảm giác trống rỗng tự khép kín ấy. Đó là sự cô độc. Nhưng cô đơn là cái gì đó hoàn toàn khác; nó là một trạng thái giải thoát xuất hiện khi bạn đã kinh qua sự cô độc và thấu hiểu nó. Trong trạng thái cô đơn đó, bạn không còn dựa vào bất kỳ ai về mặt tâm lý, bởi vì bạn không còn tìm kiếm niềm vui, không còn tìm cách để thỏa mãn, hài lòng. Chỉ bấy giờ trí não mới hoàn toàn cô đơn và chỉ một trí não như thế mới mang tính sáng tạo.
Tất cả những điều này đều là một phần của giáo dục: đối mặt với nỗi đớn đau của cô độc, cái cảm giác trống rỗng lạ thường mà tất cả chúng ta đều biết và không còn sợ hãi khi nó xuất hiện; không quay sang bật radio, hay vùi đầu trong công việc, hoặc chạy đi xem phim, mà nhìn thẳng vào nó, thâm nhập vào nó, thấu hiểu nó. Không một ai chưa từng hoặc sẽ không cảm nhận nỗi lo lắng đến mức run rẩy đó. Bởi vì ta tìm cách chạy trốn nó bằng mọi hình thức giải trí và thỏa mãn - tình dục, Thượng đế, công việc, nhậu nhẹt, làm thơ hoặc tụng niệm kinh kệ - do đó ta không bao giờ hiểu được nỗi bất an đó khi nó đến với ta.
Vậy, khi nỗi đau của cô đơn đến với bạn, hãy đối mặt với nó, nhìn thẳng vào nó mà không hề có ý nghĩ chạy trốn.
Nếu bạn chạy trốn, bạn sẽ không bao giờ thấu hiểu nó và nó sẽ luôn luôn ở quanh quất đâu đó chờ đợi bạn. Ngược lại, nếu bạn có thể thấu hiểu sự cô độc và vượt qua nó, thì bấy giờ bạn sẽ thấy không cần lẩn trốn nữa, không có sự thôi thúc phải được thỏa mãn hay tiêu khiển nữa, bởi vì trí não của bạn sẽ nhận ra một sự giàu có, phong phú không thể bị hư hoại và không thể hủy diệt.
Tất cả điều này là một phần của giáo dục. Nếu ở trường bạn chỉ đơn thuần học các môn để thi cử, thì bản thân việc học đã trở thành một phương tiện để lẩn trốn nỗi cô độc. Hãy suy nghĩ sâu hơn một chút về vấn đề này và bạn sẽ thấy. Hãy bàn thảo vấn đề này với các nhà giáo dục và bạn sẽ nhanh chóng thấy được rằng họ đang cô độc ra sao, và bạn cũng đang cô độc thế nào. Nhưng với những người có nội tâm cô đơn, có trí não và trái tim thoát khỏi nỗi đau cô độc - họ mới là những con người thực sự; bởi vì họ có thể tự mình khám phá xem thực tại là gì, họ có thể lĩnh hội cái phi thời gian.