Khảo cứu và dịch phẩm “Việt sử tân ước toàn biên” của tác giả Hoàng Đạo Thành ra đời nhằm giải quyết các vấn đề, thứ nhất, là giới thiệu một cách có hệ thống về bộ sách “Việt sử tân ước toàn biên” ( 越史新約全編 ); thứ hai là cung cấp toàn bộ bản dịch thuộc văn bản làm cơ sở tư liệu cho các nhà nghiên cứu khác có nhu cầu nghiên cứu đến các vấn đề liên quan. Ngoài ra, bản dịch cũng góp phần vào việc tìm hiểu chương trình cải cách giáo dục đầu thế kỷ 20 diễn ra tại Việt Nam. Đây cũng là bản dịch đầy đủ của bộ sách này.
Nội dung cuốn sách
Cấu trúc của bản dịch gồm có ba phần:
Với mục đích nhằm phổ biến lịch sử Việt Nam cho mọi người, “Việt sử tân ước toàn biên” (越史新約全編) đề cao tính phổ cập, phổ thông. Tính phổ cập được thể hiện ngay ở tên của nó: Việt sử 越史: tức là sử Việt Nam. Nó mang tính gần gũi bởi đây là bộ sách viết về lịch sử dân tộc Việt Nam, dành cho các đối tượng là người Việt Nam, sinh sống hoặc muốn tìm hiểu về lịch sử và dân tộc Việt Nam. Đồng thời, bộ sách cũng là dành cho cấp học Tiểu học, cùng với đó là nhằm mục đích phổ biến kiến thức về lịch sử Việt Nam, nên được biên soạn một cách ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Số chương mục không nhiều, sự kiện được ghi giản lược, chủ yếu nêu lên các sự kiện chính, tiêu biểu; tên các đời Vua được đặt làm tên của chương mục để người đọc có thể nắm được tiến trình của lịch sử. Đặc biệt, bộ sách cũng lược bớt những câu chuyện huyền thoại chưa được chứng thực hoặc dài dòng, nặng nề để giảm khối lượng kiến thức. Tất cả nhằm mục đích mang đến sự giản lược, dễ hiểu và khoa học nhất.
Cuốn sách thuộc Tủ sách Lịch sử Việt Nam của Omega+.
Thông tin tác giả
Hoàng Đạo Thành 黃道成 (?-1908) là sử gia Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nhà chí sĩ hoạt động trong phong trào Duy Tân và cũng là Thân phụ của nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy. Nguyên tên ông là Cung Đạo Thành, hiệu Cúc Lữ, quê ở làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thời trẻ, trước khi thi Hương, ông đổi sang họ Hoàng. Năm 1884, ông đỗ cử nhân, làm đến chức quan Đồng Tri phủ, sau bỏ quan về quê. Ông có lòng yêu nước, cùng Đào Nguyên Phổ và các chí sĩ khác hoạt động trong phong trào Duy Tân. Ông viết bộ sách Việt sử tân ước toàn biên 越史新約全編 khi đang làm chức Giáo thụ (viên chức trông coi việc giáo dục tại một phủ thời đó). Ngoài ra ông còn để lại các tác phẩm: Đại Nam hành nghĩa liệt nữ truyện 大南行義烈女 傳, viết năm Thành Thái Bính Ngọ 1906; Việt sử tứ tự 越史四字.