Viết & Đọc: Hãy nhìn sâu vào bóng tối
Viết & Đọc: Hãy nhìn sâu vào bóng tối
Mỗi số của VIẾT & ĐỌC, nhà văn Nguyễn Quang Thiều (cố vấn của Trạm Đọc) lại thay mặt những người thực hiện chuyên đề này viết một lá thư. Xin các bạn hiểu cho ‘’thư’’ ở đây là một tiểu luận nhỏ viết về những vấn đề của sáng tạo và cái nhìn của nhà văn đối với đời sống. Xin trân trọn giới thiệu với các bạn bức thư của VIẾT & ĐỌC chuyên đề mùa xuân 2019

 “Cây đơm hoa bởi rễ đã mang hoa”.

 

HÃY NHÌN SÂU VÀO BÓNG TỐI

 

 

Kìa một cái cây !

Thi thoảng có ai đó kêu lên. Và chúng ta đều ngước nhìn.

Một vòm lá, một vầng hoa và một chùm quả hiện ra trước chúng ta. Cảm hứng của chúng ta chìm đắm trong thế giới diệp lục của lá, trong sắc màu của hoa và trong hương vị của quả. Nhưng hầu như chúng ta không bao giờ nhìn xuống đất sâu, nơi chứa đầy bóng tối trong suy nghĩ của chúng ta. Chúng ta không nói về một thế giới kỳ vỹ trong đất tối, thế giới của những chùm dễ, nơi khởi sinh ra toàn bộ vẻ đẹp phía trên. Chúng ta chỉ mới hiểu được một phần của những vẻ đẹp ấy.

Trong thế giới bóng tối của đất là gì ? Khi bắt đầu suy ngẫm về thế giới tôi đã tự hỏi câu hỏi ấy. Đến giờ tôi vẫn hỏi câu hỏi ấy nhưng vẫn là một câu hỏi không thừa. Và tôi nhận ra ở đó là sự cô đơn vô tận, là sự im lặng tột cùng chứa đầy suy tưởng lớn lao. Những cái rễ cây đã sống trong đó với sự lao động không bao giờ mệt mỏi và sự dâng hiến không bao giờ cần thừa nhận. Những cái rễ cây đã làm ra ánh sáng trong bóng tối, làm ra hoa thơm trong bùn đen, làm ra quả ngọt trong sỏi đá. Những cái rễ là biểu tượng kỳ vĩ nhất về sự dâng hiến cho cái đẹp.

Trong trí tưởng tượng của một nhà thơ, tôi luôn thấy mỗi con người chúng ta hiện lên là một cái cây chỉ là ở trong một hình thức khác. Nếu nói nụ cười của chúng ta là hoa, đôi mắt chúng ta là quả và giọng nói chúng ta là tiếng vang của những vòm lá thì bộ não của chúng ta là một chùm rễ vĩ đại và kỳ diệu. Chùm rễ vĩ đại ấy sinh ra sự xum xuê những ngôn từ, làm rực rỡ những nụ cười và làm thẳm sâu những tư tưởng. Những chùm rễ ấy nằm bí ẩn trong sọ não như những chùm rễ nằm bí ẩn trong đất đai tưởng chìm trong bóng tối nhưng lại ngập tràn ánh sáng của trí tưởng tượng và trí tuệ.

Lúc này, tôi lại nhớ đến một câu nói của người làng Chùa của tôi : “ Cây đơm hoa bởi rễ đã mang hoa”. Tất cả những vẻ đẹp và sự kỳ vĩ của những cái cây khởi sinh từ những chùm rễ. Và tôi lại nghĩ, nếu những chùm rễ kia trống rỗng thì tất cả phía trên kia đều trống rỗng, nếu những chùm rễ kia suy tàn thì mọi thứ phía trên nó đều suy tàn….

Và lúc này, hình ảnh những nghệ sỹ chân chính với tôi luôn luôn là hình ảnh một con người chìm trong bóng tối của cô đơn, của suy tưởng im lặng tưởng như bất động và của trí tưởng tượng để rồi mở ra rực sáng và vang dội. Bóng tối ở đây không phải sự đối nghịch với ánh sáng mà là nơi chứa đựng ánh sáng.
Và lúc này nữa, trí tưởng tượng đã cuốn tôi đi, tôi đang nhìn thấy sự bùng nổ huy hoàng của những cơn địa chấn khổng lồ trong lòng đất thẳm sâu như bóng tối, câm lặng như kim cương rồi dựng lên những dãy núi kỳ vĩ trên thế gian này.

Và tôi lại nghĩ về sự câm lặng của những tổ kén như đã chết. Nhưng bên trong những tổ kén ấy là sự chuyển động không ngưng nghỉ của sự sống và đến một ngày những cánh bướm lộng lẫy mở ra và mở ra ngự trị tinh thần của chúng ta. 
Cảm xúc, trí tưởng tượng, sự thông tuệ và tư tưởng của một nhà văn không bao giờ được phép nghỉ ngơi. Tất cả những điều đó phải chuyển động không ngưng nghỉ cho tới lúc nó đạt tới vận tốc cuối cùng của sự sáng tạo và bùng lên, rực sáng trong mỗi trang viết của mình. Vòm lá, đóa hoa, chùm quả của một cái cây chỉ là ánh sáng phát ra từ chùm rễ. Nhưng nguyên lý của những chùm rễ lại gián tiếp nói với nghệ sỹ chúng ta một điều: sự im lặng là nơi chứa đựng lớn nhất của cảm xúc, trí tưởng tượng, sự thông tuệ và tư tưởng.

Tác phẩm của nhà văn chính là lá, là hoa, là quả còn cuộc sống của nhà văn là một chùm rễ ăn sâu trong đời sống. Đừng phô diễn những than thở, đừng phô diễn vài ba điều chúng ta biết hơn một người khác và đừng sốt ruột bởi sự lãng quên nào đó. Không một thiên tài nào bị nhân loại bỏ quên cho dù có thể họ đã rời bỏ thế gian cả ngàn năm trước. Hãy sống, hãy tư duy và kiên nhẫn như những chùm rễ để viết lên tác phẩm như lá réo vang, như hoa rực rỡ và như quả đằm chín.

Thị xã Hà Đông, một ngày đầu xuân 2019.

 


 Tái bút : Bài thơ NHỮNG CÁNH BƯỚM

Đâu đấy, một cánh bướm run rẩy, trong hơi thở tháng Giêng
Một cánh bướm như không có bởi mỏng hơn cả sự mơ hồ
Nhưng đã mở ra, ở đâu đó, một cánh bướm có thật
Không bởi màu sắc rực rỡ mà bởi như hơi nước đang tỏa

Chúng ta đổ ra quảng trường, chen lấn và xô đẩy
Một số ai đó gào thét và nhiều lúc đập phá
Và chúng ta quên đi, đâu đấy, trong những lùm cây bé bỏng
đang rộn rã mùa sinh nở côn trùng

Đâu đấy ánh sáng không bao giờ tắt trong cả những đêm
Và sự chuyển động mỗi lúc một mãnh liệt trong cái kén bất động
Rồi đột ngột xuất hiện, trong sự chờ đợi của đất đai, của cây cỏ và bầu trời,
một sự sống diệu kỳ với vẻ đẹp mong manh

Đâu đấy, không chỉ một đâu đấy, mà tràn ngập bất tận
Từ bóng tối đến ánh sáng, mở ra những cánh bướm
Và theo luồng hơi thở ấm áp và rộng lớn của tháng Giêng
Chúng mang vẻ đẹp của đời sống đi khắp thế gian 
Mà không để lại một tiếng động nhỏ

(Rút từ tập thơ CÂY ÁNH SÁNG, Nxb Hội Nhà văn 2010)

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Tags: