Mới đây, Tuyển tập Akutagawa do Cung Điền và Nguyễn Nam Trân dịch, được Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn ấn hành vừa ra mắt độc giả.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà văn Nhật Bản Akutagawa Ryunosuke tạo được danh tiếng ở thể loại truyện ngắn. Và Tuyển tập Akutagawa chính là ấn phẩm mà ở đó, độc giả được lần giở những trang viết làm nên đặc trưng riêng có ở Akutagawa.
Ở Tuyển tập Akutagawa, ta bắt gặp Ngũ vị, một võ sĩ đến cái tên cũng không còn được nhớ, chỉ biết là họ Mỗ, thấp kém không chỉ bởi chức sắc ở hàng chót bảng, mà ngay cả con người, và ước mơ của Ngũ vị, cũng nhỏ bé qua truyện Cháo khoai.
Ngay ở hình dung, Ngũ vị đã hiện lên riêng khác, mà cũng thật hèn kém: "Người đã lùn tịt còn thêm cánh mũi đỏ và hai đuôi mắt xệ. Râu mép dĩ nhiên lưa thưa ba sợi, cặp má lại hóp khiến cho cái cằm choắt đi một cách khác thường. Cặp môi thì... thôi, kể từng thứ một thì biết bao giờ cho hết! Đó là tất cả cái bê bối trong tướng mạo của ông bạn họ Mỗ chúng ta".
Từ tướng mạo thấp kém ấy, cũng mở ra cho độc giả về vị trí của Ngũ vị trong mắt người khác như thế nào khi anh không được coi trọng. Và đỉnh điểm cho giấc mơ cuộc đời của Ngũ vị, đơn giản, mà cũng thật đáng thương: Một bữa cháo khoai no nê, thừa mứa.
Khi đạt được ước mơ ấy đến mức chỉ nhìn cháo đã sợ, hình ảnh một Ngũ vị hội tụ đủ những thấp kém, yếu ớt, tội nghiệp, lại càng được điểm tô đậm nét hơn khi ở cạnh Toshihito, người mời cháo, giàu có, hào sảng và tài giỏi. Bản chất của dục vọng con người qua nhân vật Ngũ vị được tác giả khéo léo truyền tải.
Dừng ở truyện Trinh tiết, những hấp dẫn, cao trào được đẩy lên đỉnh điểm giữa gã hành khất Shinko của dòng họ danh giá Minamoto với cô hầu gái Otomi trong căn nhà bỏ hoang vì di tản chiến tranh.
Lấy con mèo Mikê làm cái cớ, những tình tiết được đan cài để làm nổi bật vẻ đẹp trinh trắng của Otomi, sự cao ngạo khác thường của gã hành khất Shinko bỏ qua tấm thân trinh trắng đã sẵn sàng trao cho gã.
Đi qua những trang viết của Akutagawa Ryunosuke trong tuyển tập, những truyện Mộng kê vàng, Ông tiên và người diễn trò... đưa độc giả đi vào thế giới truyện ngắn Akutagawa, cảm thụ, ngấm dần những vẻ đẹp dã sử, thần tiên sâu sắc và giàu hình tượng.
Ngôn từ của Akutagawa Ryunosuke đặt vào nhân vật, vào cảnh quan trong truyện, cũng như cấu tứ cốt truyện, giàu tính biểu đạt hình ảnh, để từ đó nội dung chính muốn gửi đến độc giả được nổi bật lên.
Nói tới Akutagawa Ryunosuke (1892-1927), dịch giả Nguyễn Nam Trân cho biết trong nền văn học hiện đại của Nhật Bản, ông được xem là một trong ba trụ cột cùng với Natsume Soseki và Mori Ogai.
Akutagawa được biết đến với sự linh hoạt trong cách sử dụng ngôn từ. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong việc vận dụng "linh hồn chữ nghĩa" ở các truyện ngắn của ông. Nó góp phần tạo dấu ấn sâu đậm cũng như gợi mở nhiều suy tư, trăn trở đối với độc giả khi thưởng lãm.
Theo Zing News