Vật Lý Của Tương Lai - Chuyến tàu tốc hành đến 2100 chạy bằng khoa học
Vật Lý Của Tương Lai - Chuyến tàu tốc hành đến 2100 chạy bằng khoa học

Năm 2009, trong tiểu thuyết "Biểu tượng thất truyền", Dan Brown có cho nhân vật của mình bàn luận về Kinh Thánh, trong đó có nói đại ý con người đang dần có trong tay quyền năng như của các vị thần trong thần thoại. Cũng có thể đúng, con người có thể tạo ra những thứ vũ khí có sức hủy diệt không kém gì "sấm sét" của thần Zeus, có thể đàm thoại với nhau tức thì từ bất cứ nơi nào trên địa cầu, có thể di chuyển tới bất cứ đâu trên Trái đất chỉ trong thời gian tính bằng giờ, v.v. Những điều mà 100 năm trước còn là chuyện thật khó tin. 

Nếu lấy đơn vị thế kỷ làm thước đo, thì 100 năm của thế kỷ 20, tính toán chi li là từ 0h ngày 1/1/1901 cho tới 12h đêm ngày 31/12/2000, chính là thế kỷ chứng kiến những bước tiến nhanh chóng nhất trong lịch sử loài người về văn minh vật chất. Thế kỷ 20 cũng là quãng thời gian chứng kiến tốc độ dân số của loài người tăng tới mức kỷ lục, từ 1,6 tỷ người lên tới 6 tỷ người bất chấp hai cuộc chiến tranh toàn cầu khủng khiếp chưa từng có tiền lệ. Song bất chấp dân số thế giới tăng chóng mặt trong thế kỷ 20, mức sống trung bình của loài người, tuổi thọ trung bình của loài người cũng tăng theo. Nghĩa là dù đông chưa từng có, con người trung bình xét về mọi mặt cũng được sống tốt chưa từng có. Tại sao?

Đã có vô số công trình nghiên cứu tìm cách đưa ra câu trả lời theo một hay nhiều góc nhìn, song có một điều ai cũng nhận thấy rõ ràng. Chưa bao giờ "tri thức là sức mạnh" lại đúng như trong 100 năm vừa qua. Thế kỷ 20 chính là thời gian những tri thức tích lũy của con người đạt đến mức có thể tác động mạnh nhất, và may thay chủ yếu theo hướng tích cực, tới đời sống của chính con người: chúng ta được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, có điều kiện làm việc tốt hơn, sống tiện nghi hơn. Lần đầu tiên, đói nghèo không còn là thứ mặc nhiên được thừa nhận mà đã trở thành mục tiêu loài người mong muốn giảm nhẹ. Và công nghệ do con người tạo ra dường như thông minh lên với tốc độ chóng mặt. Các chương trình máy tính đã đánh bại các kỳ thủ cờ vua, cờ vây xuất sắc nhất thế giới, sống trong những ngôi nhà thông minh nơi chúng ta chỉ cần ra lệnh hay đơn giản là di chuyển để ngôi nhà làm tất cả những gì chúng ta muốn (đóng cửa, mở cửa, bật đèn, mở nhạc v.v.).

Cũng trong thế kỷ 20, ngoài những điều kỳ diệu trên trái đất, các môn khoa học tự nhiên, trong đó có vai trò quan trọng của vật lý, đã giúp con người tiến vào khoảng không vũ trụ. Con người lần đầu tiên đặt chân được lên một thiên thể ngoài Trái Đất, đưa được thiết bị thăm dò lên Sao Hỏa, nhìn sâu tới những phần không gian trước đây chưa hề biết tới, đến những hành tinh mà ánh sáng từ đó phát ra đã phải hành trình mất hàng tỷ năm để tới được các kính thiên văn siêu mạnh của chúng ta. Mỗi bước phát triển của khoa học, trong đó có vật lý, đem đến chân trời ngày càng rộng mở, giúp chúng ta nhìn thấy, suy nghĩ, mơ ước và hiện thực hóa những điều mà trước đó không lâu chỉ là tưởng tượng.

Trước thế kỷ 20, biến một điều viễn tưởng thành hiện thực có thể là chuyện của nhiều thế kỷ, thậm chí thiên niên kỷ, nhưng đến cuối thế kỷ 20, quãng thời gian để tưởng tượng trở thành hiện thực thu ngắn dần, đến mức dường như giấc mơ của ngày hôm trước sẽ trở thành thực tế của ngày hôm sau. Vậy… khi thế kỷ chúng ta đang sống chấm dứt, con người sẽ đón giao thừa như thế nào vào ngày 31/12/2100? Thật khó có câu trả lời chính xác. 

Trong quá khứ, chúng ta đã từng nhiều lần ước tính quá phóng đại hay quá khiêm tốn về những bước tiến mà các tiến bộ công nghệ do con người sáng tạo có thể đạt tới. Và bởi chỉ có thể nhìn vào quá khứ cũng như diễn tiến của hiện tại để tiên lượng tương lai một cách gần đúng nhất, Michio Kaku, một nhà vật lý lý thuyết, và cũng là một cây bút nổi tiếng về chủ đề khoa học cho đại chúng, đã dành quyển sách "Vật lý của tương lai" (Physics for the future) để đem đến cho độc giả yêu thích khoa học nhưng không nhất thiết phải là các bộ óc siêu việt một cái nhìn thú vị về một trăm năm tới. Liệu con người có còn làm chủ công nghệ hay công nghệ sẽ làm chủ con người? Liệu trí tuệ nhân tạo (AI) giải quyết được mọi việc hay không, và nếu có thì viễn cảnh ấy có đáng mừng cho con người hay không? Và trong tương lai liệu chúng ta sẽ sống thể nào, thuần túy chỉ lâu hơn, hay còn trẻ lâu hơn, hay, điên rồ hơn nữa, trẻ trung vĩnh cửu.

Thực tế luôn có xu hướng đi theo một quỹ đạo nằm đâu đó giữa quan điểm của những người có cái nhìn tích cực và tiêu cực nhất về tương lai. Michio Kaku không phải và cũng không định đóng vai nhà tiên tri, ông chỉ đưa ra các luận điểm khoa học dựa trên thực chứng vững chắc để độc giả hãy tự tìm cho mình một bức tranh về thế giới của năm 2100. Và đáng mừng thay, dù thế nào thì hẳn thực tế lúc đó cũng sẽ không đến mức khủng khiếp như Hollywood đã ám ảnh chúng ta trong loạt phim giả tưởng lừng danh Terminator, khi các hệ thống máy tính lật đổ loài người để làm chủ trái đất.

Nhưng Arthur Conand Doyle từng nói rằng tình cảnh nguy hiểm nhất với một dân tộc là khi mặt vật chất của dân tộc ấy lại đi nhanh hơn mặt tinh thần. Trong bộ phim giả tưởng "Hành tinh cấm" (Forbidden Planet, 1956), một nền văn minh siêu việt đã tiến hóa tới mức hệ thống máy móc của họ có thể triển khai mọi việc chỉ theo suy nghĩ của các sinh vật kiến tạo nên nền văn minh này. Và những suy nghĩ tàn ác, tối tăm, ích kỷ, hiếu chiến… chất chứa trong tâm trí các sinh vật đó đã bùng phát thành cuộc thảm sát hủy diệt chính họ. Viễn cảnh quá khủng khiếp và khó lòng xảy ra với chúng ta, vì loài người bên cạnh lý trí và khối óc vẫn còn trái tim và cảm xúc. Và độc giả hãy đọc "Vật lý của tương lai" với những cảm xúc tích cực, để những viễn cảnh tích cực nhất tác giả đã viết trong đó sẽ trở thành hiện thực nếu không phải với chúng ta, thì cũng với con cháu chúng ta, những con người sẽ đón giao thừa ngày 31/12/2100.

Trạm đọc tặng bạn mã "doccungtram" giảm giá thêm 10% khi mua sách tại link sau: https://etsdata.vn/products/vat-ly-cua-tuong-lai
Tags: