Văn học vết thâm - Dấu vết quá khứ vẫn luôn tồn tại
Văn học vết thâm - Dấu vết quá khứ vẫn luôn tồn tại
Văn học vết thâm - tác phẩm thứ hai của Thúy Hạnh dẫn dắt chính tác giả và độc giả vào những chiêm nghiệm của bản thân về cuộc sống, mà trong đó ẩn chứa những kiếm tìm, lý giải về sự mơ hồ của bản thân và cuộc đời.
Đến với “Văn học vết thâm” Nguyễn Thị Thúy Hạnh dẫn dắt cảm xúc của độc giả qua những dòng thơ và tranh, giữa hiện thực và giấc mộng, giữa hiện tại và quá khứ mà ở đó những suy tư cứ thoáng qua thật nhanh và đơn giản, đôi lúc là tiếng mưa rơi “ như tiếng người già nhai trầu”, hay là một thoáng nhớ cốm Vòng Dịch Vọng, nhớ những xúc cảm của nụ hôn nồng cháy ... Nhưng có lúc là những giấc mộng khủng khiếp, là những cánh chuồn chuồn giữa một Hà Nội mang trong mình nhiệt độ 99,9 độ C hay hình ảnh đàn bò ăn cả thành phố, hình ảnh viễn vông về đám ma kỳ dị mà thê lương … Tất cả tạo nên một bức tranh bình lặng mà cuồng dị, trộn lẫn vào nhau. Tạo nên chất riêng của tác giả Thúy Hạnh.
Ảnh bìa cuốn sách

“Văn học vết thâm” là tuyển tập thơ và tranh, mới được nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành vào đúng ngày Quốc tế phụ nữ năm nay. Tác phẩm giống như thời tiết tháng 3 kỳ lạ mà thú vị, hướng đến mùa hè nhưng vẫn vương vấn mùa xuân, như vết thâm vẫn theo ta mãi. Vẫn phong cách thơ độc đáo ấy, thơ của Thúy Hạnh không theo một khuôn mẫu hay trình tự, mà mang một sắc thái lạ, những câu thơ cứ thế tuôn ra theo chính cảm xúc bùng cháy nhưng cũng ẩn chứa nhiều suy tư của tác giả. Với cách diễn đạt sáng tạo và hấp dẫn, tác phẩm tuy không mới lạ nhưng lại dẫn dắt độc giả đồng cảm với trái tim tác giả, cùng tác giả trải qua những cung bậc cảm xúc để rồi tự mình nhìn nhận và lắng nghe về bản thân và cuộc đời của chính mình.

 

Là một nhà thơ trẻ, “Văn học vết thâm” được biết đến là tác phẩm xuất bản thứ hai sau “Di giá”, tuy nhiên văn phong thơ của Thúy Hạnh được đánh giá có nét cuốn hút riêng. Nhà văn Văn Giá đã từng giới thiệu: Cảm nhận chung, tràn lên thơ Hạnh là một âm điệu buồn, lắm khi u buồn, nhưng quyết không bi lụy và tuyệt vọng. Trên cái gam buồn ấy, bất ngờ chồi lên những câu thơ non tươi, thanh sáng. Nguồn thi cảm của thơ Hạnh được chưng cất từ hai mạch chảy: những tri thức văn hóa chiều sâu và đời sống thế tục hiện thời.Thơ Hạnh là một trong những dấu chỉ cho thấy đang có một nỗ lực làm mới thơ từ những người trẻ, rất trẻ”

“Đã liền vết thương

Em hiện diện đó

Anh còn vết thâm

Vết thâm mù mịt

Anh còn vết thâm”

Những chiêm nghiệm trong cả cuốn sách tuy có chút lạ và không dễ hiểu. Nhưng sau tất cả, đâu đó hiện lên lời nhắn nhủ của tác giả, dẫu chăng là giấc mộng hay hiện thực, là hiện tại hay quá khứ, nó vẫn ở đó, đã từng tồn tại và hiện diện trong tâm trí chúng ta. Giống như những vết cắt của quá khứ, tuy đã qua lâu, không còn đau nữa, và nhiều lúc ta quên đi sự hiện diện của nó nhưng dấu vết thương, vết thâm vẫn còn như lời nhắc về những gì ta đã trải qua, cứ ám ảnh ta mãi.

Nguyễn Thị Thúy Hạnh (1987) hiện đang là nghiên cứu viên Phòng Văn học nước ngoài, Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Thúy Hạnh đã xuất bản 2 tác phẩm: Di chữ (Nxb Hội Nhà văn, 2017) và Văn học vết thâm (Nxb Hội nhà văn, 2021)

 

Tags: