Đứng đầu danh sách tiểu thuyết yêu thích của những nhà đầu tư start-up lớn nhất, Nhà Giả Kim của Paulo Coelho được nhiều người coi như một cuốn sách có thể thay đổi cả cuộc đời. Với bài học về việc theo đuổi ước mơ, không ngạc nhiên khi cuốn sách này gây tiếng vang lớn với những độc giả làm kinh doanh và hứng thú với start-up. Nhưng ngoài bài học ấy, liệu cuốn sách có còn giá trị gì khác? Và chẳng lẽ một cuốn tiểu thuyết chỉ đáng giá ở bài học nó mang lại?
Mang hình thức ngụ ngôn, cuốn sách không đặt nặng chi tiết câu chuyện kể, mọi thứ đều được kể theo phong cách giản lược, cốt để bật ra bài học. Thế thì Nhà Giả Kim có thật hay hơn chuyện “Thỏ và Rùa” - kiên trì sẽ đến đích? Nhất là điều đọng lại cuối cùng khi người đọc đã gập sách, đã quên tên nhân vật chính, quên mất cậu vốn có bao nhiêu con cừu, lại là bài học được nhắc đi nhắc lại mỗi khi chàng chăn cừu rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, “Khi bạn thực sự mong muốn một điều gì, cả vũ trụ hợp lại giúp bạn đạt được nó.” Nhưng tự động viên bản thân bằng tiếng vọng của câu nói này mới thực là cách Santiago đến được với kho báu, chứ có phải là nhờ sức mạnh vũ trụ nào? Chỉ có điều câu văn kia choang choang ấn tượng hơn toàn bộ chuyến phiêu lưu, đủ để người ta chia sẻ hết lượt này đến lượt khác mà không cần quan tâm đến ngữ cảnh.
Người đọc không cần đọc sâu, không cần suy ngẫm nhiều mà được ấn thẳng bài học vào tay qua những lần lặp đi lặp lại ấy. Giữa thời đại quá tải thông tin, cái gì càng “ăn liền” càng dễ được yêu thích. Người ta mê cuốn sách này vì nó nói thẳng điều họ muốn nghe, chứ không bắt họ đi vòng qua một thế giới tưởng tượng phong phú đầy đủ chi tiết để đi tìm một thông điệp ẩn giấu. Sa mạc với bao khó khăn đe doạ, như trong cuộc phiêu lưu Trên sa mạc và trong rừng thẳm, ở Nhà Giả Kim chỉ còn là một bãi cát mà nhân vật có thể nhún chân bước qua là đến ốc đảo xanh. Nếu muốn thay đổi đời mình, đừng ngồi nhà đọc cuốn tiểu thuyết toàn bài học bày đến tận răng như Nhà Giả Kim mà mong chờ vũ trụ hợp sức giúp bạn, hãy lăn vào đời trải nghiệm vất vả có khi còn thành công trước khi các thế lực siêu nhiên kịp găp nhau ăn sáng ấy chứ.
Bài học của cuốn sách dù sao cũng không còn mới. Đã bao nhiêu lần bạn nghe những câu kiểu “Hãy theo đuổi ước mơ!” trong sách truyện hay phim ảnh? Cùng là bỏ lại cuộc sống vốn có để theo đuổi ước mơ, nhưng Rapunzel trong Tóc Rối (Tangled) khiến người ta tin vào những giằng xé nội tâm của một cô gái mới lớn khi chọn giữa thế giới rộng lớn bên ngoài vừa đẹp vừa nguy hiểm và cuộc sống quen thuộc được bảo bọc nhưng đáng chán, còn Santiago ngoài chút lấn cấn vì bầy cừu và cô con gái nhà buôn cậu mới một lần cùng trò chuyện (mà cũng đã từ cả năm trước) thì chẳng có một ràng buộc nào khiến cậu chùn chân. Vốn là một người chăn cừu lang bạt, Santiago dễ dàng cất bước ra đi hơn bất kỳ ai, vậy tại sao chuyện ra đi của cậu lại được coi như một biến chuyển thay đổi cả đời người?
Câu chuyện trong Nhà Giả Kim chỉ đóng vai trò phương tiện để truyền tải bài học, chứ bản thân nó không tạo ra giá trị. Như những tác phẩm khác, nếu câu chữ không mang theo giá trị nghệ thuật thì ít nhất câu chuyện cũng đem đến giá trị cảm xúc. Cảm xúc thì chủ quan, nhưng khi miêu tả cuốn sách này thì “lay động trái tim” khó có thể được coi là một cụm từ thích hợp. Câu chuyện của Nhà Giả Kim không phải một câu chuyện khơi gợi nhiều cảm xúc của người đọc đối với các nhân vật. Chẳng nhân vật nào ở đây đủ ấn tượng để nhớ, chứ đừng nói là yêu quý. Thay vào đó, người đọc lại thấy xúc động bởi bài học lặp đi lặp lại đến phát ngán?! Chẳng thể nào mà không nghi ngờ những trái tim chỉ biết rung động trước công thức văn chương giản đơn và hô hào của Nhà Giả Kim.
Cuốn sách này vốn không phải là chỗ để độc giả luyện tập trí thông minh cảm xúc. Không như tiểu thuyết của Jane Austen, nơi độc giả bắt gặp không chỉ những xúc cảm tình yêu đôi lứa mà còn cả tình cảm gia đình và những cảm xúc mạnh mẽ của người phụ nữ độc lập trước một xã hội đang biến động, trước một thời đại của kết hôn vì địa vị và kinh tế, Nhà Giả Kim chỉ tập trung vào đề tài ước mơ và định mệnh mà bỏ quên những mảng khác trong cuộc sống, khi mối quan tâm của nhân vật chính vô cùng nhỏ hẹp và chẳng có liên kết với sự vận động của thế giới bên ngoài. Cuộc chiến tranh giữa các bộ lạc cũng chỉ là nền để phô diễn sự hợp sức của vũ trụ chứ chẳng nói được gì sâu sắc về thế giới trong Nhà Giả Kim. Rốt cuộc cuốn sách chỉ đủ giàu có để nuôi dưỡng tâm hồn những người đọc đang chuẩn bị để sống một đời tách biệt với xã hội. Một câu chuyện đơn điệu thì chỉ có thể bồi bổ cho bạn những cảm thức đơn điệu mà thôi.
Với một cuốn sách dạy đời như vậy, sự chung chung trừu tượng của các nhân vật lại là một vũ khí lợi hại. Không có gì quá cụ thể hay đặc sắc về Santiago, đến cái tên, vốn là đặc điểm đầu tiên để ghi nhớ một con người, cũng chỉ được nhắc đến một lần ở câu mở đầu truyện, sau đó đắm chìm vào quên lãng. Câu chuyện của cậu có thể là câu chuyện của bất cứ ai. Bởi vậy người đọc càng dễ đồng cảm, thấy câu chuyện này sao mà giống đời mình. Người đọc sẽ càng sung sướng khi hóa ra tiếng lòng của mình đồng vọng với tiếng lòng của mọi người. Hóa ra chúng ta đồng thuận dễ dàng quá, cần gì một chuyến phiêu lưu của gã chăn cừu để vũ trụ hợp sức?
Kể ra giữa một thị trường toàn những sách giải trí với những câu chuyện tưởng tượng làm người ta mê đắm, sự lên ngôi của một cuốn tiểu thuyết bỏ qua hoàn toàn sự chăm chút cho câu chuyện mà đi thẳng đến tôn vinh bài học rút ra cũng có phần thú vị. Nhưng đó chẳng qua chỉ là một kiểu dễ dãi khác trong việc đọc sách, khi người ta không muốn tự mình suy ngẫm mà muốn vũ trụ hợp sức đem đến bài học. Nói chung, vũ trụ trong Nhà Giả Kim thật là rảnh.
Thanh Huệ
Trạm Đọc