Sống trong một cuộc - sống - mạng - xã - hội, người trẻ loay hoay tìm lối thoát khỏi nỗi cô đơn trong sự đủ đầy. Hàng ngàn người bạn ảo, hàng ngàn lượt likes, hàng ngàn bình luận, nhưng tuyệt nhiên chẳng có người bạn nào để trút bầu tâm sự như những người bạn qua thư ngày trước.
Khải Đơn viết,
Có người bạn qua thư kể tôi nghe về Đà Lạt, nơi có những đồi thông quanh nhà. Bạn gửi một chiếc lá thông và vẽ hình quả thông trong thư để tôi biết cây thông trông như thế nào, bạn nói rằng cây thông không có hoa, chỉ có quả thông khô rơi khắp đồi. Tình cờ, tuổi niên thiếu của tôi và bạn kết nối làm một, với nhiều thói quen chung, một vài biến cố và cả những cảm xúc bất chợt ập đến.
Có lẽ vì chúng ta không còn cố gắng vận dụng ngôn từ để bày tỏ cảm xúc qua những bức thư tay nên cứ mãi luẩn quẩn với những niềm vui ảo.
Nhà văn Khải Đơn còn đi xa hơn khi diễn tả sự lạc lõng của người trẻ khi bị cô lập bởi đồng nghiệp ở nơi làm. “Ma cũ bắt nạt ma mới" là câu chuyện không hề mới, nhưng khi soi vào những sinh viên mới ra trường thì “ích kỷ trước một người mới bước vào nghề có thể bẻ cong cả tương lai của họ.” Những nhiệt huyết và hào hứng của kẻ mới bị vùi dập trong bối rối và tổn thương, chỉ vì ai đó trong nghề nhìn họ không vừa mắt.
Bên cạnh đó là những hoang mang muôn thuở “Em muốn trở thành… nhưng em không biết bắt đầu từ đâu cả.” Trong thời đại chủ nghĩa hiện sinh lên ngôi với muôn vàn ngã rẽ, người trẻ trở nên đặc biệt lúng túng và chật vật đi tìm chìa khoá đam mê. Thật may là nhà văn đã phần nào giúp trả lời những băn khoăn ấy: hãy hành động.
Có một câu nói tôi rất thích trong phim “Nông trại cừu nhỏ phương Nam," đó là “Đáp án sẽ từ trên trời rơi xuống, nhưng trước hết bạn phải bắn nó lên trời đã.” Sự hoang mang một ngày nào đó sẽ tự tan biến đi, với tiền đề là chúng ta cần phải vùng vẫy đủ các hướng trong nỗ lực tìm ra đường lối.
Cuối cùng, Khải Đơn đề cập đến vấn đề mà xã hội thường e dè: cô đơn trong chính gia đình do khuyết thiếu tình yêu thương. Tại sao chúng ta luôn mặc định rằng tình cảm cha mẹ và con cái là bất diệt, và rằng “tất cả những gì cha/mẹ làm đều là vì thương con thôi”? Tình yêu có còn nghĩa lý không khi những người trong đó chỉ cảm thấy thờ ơ và đau khổ?
“...bao cha mẹ đã nhân danh tình yêu mà bẻ gãy những đứa con bé bỏng của mình.” Biết bao đứa trẻ lớn lên với mặc cảm cha mẹ không thương mình. Biết bao nạn nhân của bạo hành không lên tiếng vì đánh đồng bạo lực với tình yêu. Biết bao người trẻ bất lực với cảm xúc, vì chưa bao giờ hiểu thế nào là yêu.
“Hoang mang khi bạn mới lớn là việc hết sức bình thường.” Tuy nhiên trong cái bình thường đó, ta thấy được sự thấu hiểu và hơn hết là niềm trân trọng những cảm xúc tiêu cực của người trẻ. “Ta có bi quan không?" như một lời trấn an và một niềm an ủi dịu dàng vỗ về những chênh vênh của tuổi trẻ, để ta tin rằng mình không hề cô độc.
Trạm Đọc