Từ bờ vực Phá Sản vươn lên thành Công ty 400 tỷ đô: đây là cách Berkshire Hathaway lội ngược dòng nhờ huyền thoại đầu tư Warren Buffett
Từ bờ vực Phá Sản vươn lên thành Công ty 400 tỷ đô: đây là cách Berkshire Hathaway lội ngược dòng nhờ huyền thoại đầu tư Warren Buffett
Sự nghiệp đầu tư lừng lẫy của Warren Buffett khiến nhiều người quên rằng: Buffett không hoàn toàn miễn nhiễm với những sai lầm, những sai lầm tuy đau đớn nhưng góp phần đáng kể làm nên bản lĩnh đầu tư dày dặn của ông sau này.
Những bài học đầu tư từ Warren Buffett
(3 lượt)
Tỷ phú, một trong những người giàu nhất hành tinh, huyền thoại xứ Omaha…Sự nghiệp đầu tư lừng lẫy của Warren Buffett khiến nhiều người quên rằng: Buffett không hoàn toàn miễn nhiễm với những sai lầm, những sai lầm tuy đau đớn nhưng góp phần đáng kể làm nên bản lĩnh đầu tư dày dặn của ông sau này. Những lá thư ông gửi tới các cổ đông của mình, cốt để giải thích tường tận về cách ông và công sự lèo lái con thuyền Berkshire Hathaway, còn ẩn những nguyên tắc cơ bản để hoạt động kinh doanh vững chắc:
  1. Tập trung vào CEO – đầu não của quản trị doanh nghiệp

Theo Buffett, nghịch lý thay những CEO thiếu năng lực lại giữ được công việc của mình dễ hơn nhiều so với những cấp dưới thiếu năng lực của họ. Nếu hiệu suất của nhân viên được đo lường bằng tiêu chuẩn rõ ràng như doanh số bán hàng, lượt tiếp cận sản phẩm, thì CEO lại không có cấp quản lý trực tiếp để giám sát họ.

Để tạo dựng kết nối lâu bền giữa doanh nghiệp và cổ đông, CEO không chỉ thông thạo về quản trị, mà cần đổi mới văn hóa quản trị: lấy chủ sở hữu làm trung tâm, giống cách ông từng đối đãi với các cổ đông của mình:

Charlie và tôi hy vọng các bạn không nghĩ rằng bản thân các bạn chỉ đơn thuần đang sở hữu một giấy tờ có giá dao động hằng ngày và sẵn sàng bán ra khi những sự kiện kinh tế và chính trị khiến bạn cảm thấy lo lắng. Thay vào đó, chúng tôi hy vọng bạn sẽ coi mình như một chủ doanh nghiệp mà bạn sẵn sàng đồng hành vô thời hạn.

 Trong mối quan hệ đó, niềm tin giữ vai trò rất quan trọng, thể hiện ở sự ngay thẳng trong đối thoại và không gian tự do cho các cổ đông bày tỏ quan điểm về các vấn đề kinh doanh của công ty. Đôi khi lợi ích của nhà quản lý mâu thuẫn với lợi ích của cổ đông nhưng theo cách rất tinh vi hoặc dễ dàng bị che đậy. Chẳng hạn trong hoạt động từ thiện, nếu các nhà quản lý thường tự lựa chọn nơi họ quyên góp thì ở Berkshire các cổ đông được tham gia vào việc phân bổ hàng triệu đô la mỗi năm cho tổ chức từ thiện họ mong muốn. Cuộc đối kháng căng thẳng về mặt lợi ích giữa ban quản lý với cổ đông, từ đó, được giải quyết đầy sáng tạo.


  1. Lý thuyết tài chính “hiện đại” đã thuộc về “quá khứ”

Một trong những nguyên lý chính của lý thuyết tài chính hiện đại là thuyết danh mục đầu tư hiện đại, nôm na là “đừng bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ”, tức duy trì một danh mục đầu tư đa dạng để loại bỏ rủi ro dị biệt của bất kỳ loại chứng khoán nào và chỉ sót lại những rủi ro về biến động của chứng khoán so với thị trường được đo bằng beta.

Tuy nhiên, theo Buffett, lý thuyết đó chỉ đúng trong một thị trường hiệu quả, còn trên thực tế mọi thị trường đều không hoàn hảo và việc đánh đồng sự biến động giá với rủi ro là một sai lầm nghiêm trọng. Rủi ro cần quan tâm không phải beta hay biến động giá mà là xác suất thua lỗ hoặc thiệt hại từ một khoản đầu tư, tức xét đến trình độ quản lý, sản phẩm, đối thủ cạnh tranh và các mức vay nợ của công ty. Bài toán là liệu lợi nhuận sau thuế trên khoản đầu tư có ít nhất bằng với sức mua của khoản đầu tư ban đầu cộng với một tỷ suất lợi nhuận hợp lý hay không. Phương pháp beta, theo Buffett xa dời một nguyên tắc cơ bản: thà gần đúng còn hơn là sai hoàn toàn.


  1. Sáp nhập và mua lại – mắc bẫy “deal hời”

Buffett cho rằng chi phí mua lại cao thường do ba động cơ của các nhà quản lý mua lại: Háo hức mua lại, háo hức mở rộng quy mô và lạc quan thái quá về các thương vụ hợp nhất. Ông lưu ý rằng bên bán, trong một thương vụ mua lại bằng cổ phiếu, thường tính toán theo giá thị trường của cổ phiếu bên mua, chứ không theo giá trị nội tại của nó. Nếu cổ phiếu của bên mua đang được giao dịch với mức giá thấp bằng một nửa giá trị nội tại của nó, thì bên mua nếu đồng ý theo cách này, đã bỏ ra giá trị kinh doanh gấp đôi so với những gì họ nhận được.

  1. Kế toán và thuế - ảo thuật từ thao túng

Nếu GAAP là chuẩn mực kế toán được chấp nhận phổ biến thì Buffett chỉ ra hạn chế của chúng trong việc hiểu về doanh nghiệp và hoạt động đầu tư. Điểm căn bản để hiểu về kế toán là nó là một biểu mẫu, tức ẩn chứa nguy cơ bị thao túng. Buffett nhấn mạnh rằng báo cáo tài chính hữu ích phải cho phép người đọc trả lời được ba câu hỏi căn bản về trị giá của doanh nghiệp, về khả năng thực hiện các nghĩa vụ trong tương lai của doanh nghiệp và hiệu quả quản lý của các nhà điều hành doanh nghiệp. Sự thật là các quy tắc GAAP không giúp giải quyết những câu hỏi trên để truyền tải bức tranh tài chính sáng tỏ hơn tới các nhà quản lý và nhà đầu tư.  

Trên đây chỉ là những bài học dạo đầu mà Buffett đúc kết được từ kinh nghiệm của một giám đốc điều điều hành, kiêm cổ đông lớn nhất của Berkshire Hathaway. Nhiều bài học của ông mâu thuẫn trực tiếp với những gì thường được dạy ở các trường kinh doanh và trường luật, thậm chí còn đi ngược lại với thực tiễn đầu tư trên Phố Wall và các công ty trên khắp nước Mỹ suốt 30 năm qua. Có lẽ, chính những góc nhìn mới lạ đó đã khiến Warren Buffett tách khỏi lối mòn của truyền thống đầu tư để biến không thành có và kiến tạo phép màu trước mọi biến động xoay vần của thị trường và thị giới.  

Tags: