Báo đài cứ liên tục đưa tin về nay một vụ giáo viên bạo hành, mai một buổi học sinh bị phạt dã man, ngày kia một đứa trẻ bị đánh đập nhét vào thùng phi xanh… Chưa bao giờ tâm lý phụ huynh khủng hoảng đến thế, chưa bao giờ người ta lo lắng cho con em mình đến vậy. Nhà trường có hẳn một lớp Tâm lý học sinh được phụ trách đàng hoàng để kịp thời giải quyết những vấn đề của học trò và thậm chí là cả phụ huynh học sinh.
Thế nhưng, ta tuyệt nhiên không thấy một lớp “Tâm Lý” nào dành cho giáo viên, những cá nhân cũng đáng được quan tâm.
Trong cuốn sách Bí mật Do Thái - Khơi dậy tài năng trẻ, tác giả có viết:
“Là giáo viên cũng giống như phụ huynh của một gia đình lớn, sẽ phải có trách nhiệm với tất cả mọi người trong nhà. Mà mỗi em thì lại có tính cách riêng và nhu cầu riêng.[...]
Là giáo viên giống như trở thành một huấn luyện viên. Cả đội cần được dẫn dắt đi tới chung kết và giáo viên là người chịu trách nhiệm bố trí cho đội hình ấy và không phải ai cũng đồng ý với những sắp xếp ấy. Khi đội thắng đó là công sức của các cầu thủ, nhưng khi đội thua đó là lỗi của Huấn luyện viên.
Là giáo viên cũng giống như trở thành lãnh đạo của một quốc gia nhỏ, nơi người này đòi thay đổi, người kia muốn phá luật, người nọ lại muốn giảm thuế tăng ngày nghỉ…
Là giáo viên cũng là để biết rằng bạn chẳng bao giờ tới được miền đất hứa. Mà thay vào đó, bạn chỉ có thể đứng trên đỉnh Nebo tiễn mọi người lên đường mà thôi, như Moses đứng nhìn người dân của ông.”
Giải quyết những vấn đề học đường chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng đừng quên rằng điều gì cũng có hai phía, và nếu chỉ tập trung bảo vệ một bên mà lờ đi những vấn đề ở phía còn lại, vấn đề sẽ không bao giờ được giải quyết triệt để.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giáo viên sử dụng bạo lực với học sinh, cả về thể chất và tâm lý, mà nguyên nhân nằm ở chính con người, ở tâm lý của nhà giáo.
Đầu tiên, chính là hiện tượng Rối loạn cảm xúc - một rối loạn tại não bộ gây ra sự biến đổi cảm xúc không ổn định (quá trình hưng phấn và ức chế xen kẽ), một căn bệnh phổ biến thứ 2 trong rối loạn tâm thần, đôi khi người gặp rối loạn còn gặp khó khăn trong việc kiềm chế sự tức giận.
Đây không chỉ là vấn đề tâm lý mà còn liên quan đến sinh lý mà cụ thể hơn là sự rối loạn hormon Serotorine (tạo hưng phấn) và Dopamine (gây ức chế) khiến người đó bị trầm uất, mệt mỏi, đau, tư duy ức chế thậm chí kích động, hoang tưởng...
Điều này có thể bị tác động bởi điều kiện làm việc, hơn 6 giờ sáng đã đến trường, hàng ngày làm việc với hàng chục đứa trẻ, chiều 5 - 6 giờ mới về rồi về nhà lại lo chuyện con cái, gia đình… trong khi đồng lương không cao.
Trong trạng thái bình thường, giáo viên, bảo mẫu nào cũng sẽ nói rất yêu trẻ, không ai nói không yêu trẻ. Và họ biết làm việc đó là vi phạm pháp luật nhưng khi họ rơi vào trạng thái áp lực không có cách giải tỏa, họ sẽ hành động theo vô thức.
TS Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao, Trưởng khoa Giáo dục Mầm non, ĐH Sài Gòn cảnh báo: "Tình trạng này diễn ra lâu ngày, không được giải tỏa thì rất dễ stress, dẫn đến trầm cảm, từ đó mắc các chứng bệnh về tâm lý. Nhiều giáo viên mắc bệnh tâm lý "thích hành hạ người khác", mà tối tượng lại chính là học sinh và những người xung quanh."
Sâu xa hơn, những hành động bộc phát mang tính bạo lực của giáo viên với học sinh còn xuất phát từ sự "ám ảnh vô thức" do bản thân khi nhỏ cũng bị bạo hành dẫn tới sự phát triển nhân cách lệch lạc, khi lớn lên sẽ hành động tương tự như những gì nhận được khi còn nhỏ vì cho là hành động đó là cách xử lý đúng khi đứa trẻ mắc lỗi.
Tiêu biểu nhất cho hành động này chính là tư tưởng “Thương cho roi cho vọt” vốn đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt Nam bao thế hệ qua. Chỉ khác duy nhất, với những ám ảnh vô thức có phần lệch lạc này, chúng ta thường không tiết chế được mức độ hành động và những hành động “roi vọt” mang tính răn đe lại biến thành sự bạo lực phi lý.
Người giáo viên trong xã hội hiện đại đang bị rối loạn giữa hai giá trị: Giá trị tình cảm - nơi học sinh tôn trọng giáo viên như những gì truyền thống vẫn nói, hay giá trị xã hội - nơi giáo dục chỉ là dịch vụ được cung cấp đến đối tượng khách hàng là học sinh và gia đình chúng. Trẻ con thì ngày càng hiếu động còn phụ huynh thì mong mỏi quá nhiều điều.
Thiết nghĩ, chính giáo viên cũng cần được quan tâm và tạo một môi trường làm việc thuận lợi để phát huy hết những khả năng mà họ có, thậm chí được kiểm tra tâm lý và điều trị tâm lý khi cần thiết. Chúng ta đều là những con người, và nếu phụ huynh còn khó lòng quản nổi một ngôi nhà với 2 đứa trẻ thì một giáo viên với xấp xỉ 40 học sinh là một điều thật sự khó khăn.
Giáo viên làm sao có thể “khơi dậy được tài năng trẻ” nếu tình yêu với giáo dục đang chết đi từng ngày?
Phanh
Trạm Đọc.