“Tôi luôn nghĩ về London như một thực thể sống. “Vibrant” (sống động, không ngừng rung chuyển) – người ta thường miêu tả nó như vậy. Thành phố đang hít thở. Thành phố náo nức reo vui. Thành phố đang khóc. Thành phố đang cười. Thành phố mê dụ tôi. Thành phố làm ngơ tôi. Thành phố rời bỏ tôi. Tôi rời bỏ thành phố. Thật vậy, London đối với tôi sống động như một con người. Đôi khi tôi cảm thấy sức sống đầy tràn của nó, hàng trăm hàng ngàn mạch máu nóng đang ào ào tuôn chảy đâu đây. Cũng có khi tôi thấy nó mệt mỏi, rệu rã dưới sức nặng của dòng thác nhập cư, của những xung đột ngầm dai dẳng giữa người với người, của cả ngày làm việc nhọc mệt, của những tình yêu dần chết. Tất cả những người tôi đã gặp, cả người xấu và người tốt, người bản xứ, người nhập cư lẫn sinh viên quốc tế, đều góp phần tạo nên thành phố này. Tôi có thể cảm nhận điều đó, bằng mọi giác quan. Bằng những thanh âm rộn rã của lễ lạt tưng bừng, bằng cả sự im lìm của đêm tối, bằng da thịt run rẩy những ngày đông rét mướt, bằng cái nhìn của một người đàn ông Anh cao tuổi chĩa vào tôi trên tàu điện, bằng cả niềm vui rạo rực hay nỗi buồn trong trái tim tôi. Ngay cả khi đã rời khỏi, tôi vẫn không ngừng yêu nó. Nhất là sau khi đã rời khỏi. Tôi chưa từng day dứt vì đâu nhiều hơn thế.
Điều tuyệt vời – hay cũng chính là vấn đề của việc sống trong một thành phố lớn – đó là không ai quan tâm đến việc bạn là ai, bạn từ đâu đến, và bạn làm gì. Điều đó có thể là rất buồn với những người sống quảng giao và khao khát yêu thương, nhưng lại là niềm vui với những người ham sống trong thế giới của riêng mình. London có thể là thành phố cô đơn nhất thế giới, nhưng cũng là thành phố tự do nhất, thành phố dành cho những kẻ theo chủ nghĩa cá nhân như tôi vậy. Bởi tôi không quan tâm đến việc người khác nghĩ sao về mình, nên tôi cảm thấy đây là một nơi lý tưởng. Với người khác, có thể họ cảm thấy bị bỏ mặc, bị thờ ơ. Còn với tôi, tôi lại cảm thấy được yên thân, được tự do, được là mình. Có lẽ tôi yêu thích sự lạnh lùng ấy vì trong tôi có một con người đầy cô độc và vị kỷ. Và tôi cũng thích sống ở đây với tư cách một “người ngoài”, bởi điều đó cho phép tôi được quan sát, đón nhận, say mê, ghê tởm mọi thứ như một người ngoài cuộc. Chỉ khi còn là người xa lạ, tôi mới có thể nhìn nhận thành phố này với con mắt hồn nhiên nhất. Để mọi thứ vẹn nguyên mới mẻ và kỳ thú. Sống ở một thành phố như một người nước ngoài, chính là cách để bạn luôn sống trong nỗi ngạc nhiên, trong niềm háo hức. Bởi mỗi ngày ta sống luôn là một ngày mới, một ngày khác với những ngày ta từng có.
Trong cái thành phố vừa xa lạ vừa quen thân này, có vẻ như tôi là người duy nhất di chuyển với nhịp độ chậm rãi. Những tháng mới đến London, tôi thường chỉ có một mình. Có hôm, tôi lang thang nhiều giờ qua những con phố lạ, để cho bước chân vô định quyết đoạt nẻo đường đi. Khi ấy, tôi thấy mình mới lạc lõng làm sao giữa biển người hối hả. Ở London, người ta luôn sải bước rất nhanh, vì chẳng ai ra đường mà không có mục đích như tôi cả. Một người bạn Việt kiều Anh bảo tôi rằng, mỗi khi về Việt Nam hoặc đi đó đi đây, chị thường thả bộ thong dong trên phố, song cứ về Anh là chị lại “ào ào”, kể cả khi chẳng có công chuyện gì khẩn trương. “Có lẽ là để bắt kịp với đám đông, để hòa chung với họ, chỉ là cảm giác thôi,” chị giãi bày. Ngẫm lại lời chị nói, tôi hiểu mình chỉ là một kẻ ngoài lề.
Thế nhưng tôi cũng biết, mình không chỉ là một kẻ ngoài cuộc. Có hai cách ta nhìn các thành phố, theo như nhà văn Orhan Pamuk. Cách thứ nhất là cách nhìn từ bên ngoài của du khách, của người nước ngoài tìm đến chiêm ngưỡng những tòa nhà, di tích, di sản của thành phố. Cách thứ hai là cách nhìn từ bên trong: ta nghĩ về những căn phòng ngủ, những hành lang, những khu vườn, rạp chiếu và văn phòng; ta nghĩ về nó như một thành phố làm từ ánh sáng, mùi hương và sắc màu gắn với những ký ức của riêng ta. Tôi thấy mình may mắn khi được nhìn vào London cả từ bên ngoài lẫn bên trong: vừa dần dần khám phá London với niềm hăm hở nhiệt thành của một kẻ bên lề, vừa nhìn sâu vào bên trong tâm hồn của thành phố như một cư dân, mặc cho quỹ thời gian hạn hẹp. Và thế nào đó, trong khi sống ở London như một kẻ ngoài cuộc, tôi nhận ra bản thân mình, cùng nhiều kẻ ngoài cuộc khác, đã trở thành một phần của London.
Mỗi ngày tôi ở đây đều có thể ẩn chứa một bất ngờ lý thú. Như một hôm, tôi về nhà lúc bảy giờ tối và bất ngờ bắt gặp một London mù sương đẹp mơ ảo. Rồi bỗng đâu xuất hiện một người phụ nữ cao lớn mặc áo choàng đen rảo bước vội vã trước mắt tôi, càng làm cho cảnh tượng đêm ấy hiện lên ấn tượng như trong một bộ phim noir trinh thám cũ. Khi ấy, tôi như muốn hét lên: “Trời ơi, mình đang sống ở xứ sở sương mù này!” Tôi ngạc nhiên, bởi đã đọc được ở đâu đó rằng nước Anh mù sương thực ra là một hình ảnh của quá khứ (thời kỳ cách mạng công nghiệp?), và rằng “xứ sở sương mù” chỉ là một cách diễn đạt mòn sáo. Nhiều người bạn Anh của tôi cũng nói, chuyện đó không thường xảy ra đến vậy. Thế nhưng, nếu một nước Anh mù sương mà đẹp đến vậy, có mang chút tiếng oan cũng đâu có hề gì?”
(Trích từ chương “London của riêng tôi)