Giới thiệu khái quát
Trong cuốn Lẽ phải của phi lý trí ra mắt năm 2011, Dan Ariely đã sử dụng Kinh tế học hành vi để giới thiệu cho độc giả thấy chúng ta đang phi lý trí như thế nào, điều đó ảnh hưởng gì đến những quyết định của chúng ta, và làm thế nào để có những quyết định sáng suốt hơn.
Ai nên đọc cuốn sách này?
Ai viết cuốn sách này?
Dan Ariely là một giáo sư tâm lý học và Kinh tế học hành vi tại đại học Duke. ông còn là tác giả của 2 cuốn sách nổi tiếng thế giới là Phi lý trí và Bản chất của dối trá.
MỘT: Đọc sách này có lợi gì? Phát hiện ra sự thật về những hành vi kì lạ của chúng ta.
Chúng ta luôn muốn rằng mình cư xử lý trí nhất có thể. Chẳng phải là rất tuyệt khi chúng ta luôn đưa ra những quyết định hay sao? Thế giới này sẽ tuyệt đến thế nào nếu chúng ta luôn có những thỏa thuận có lợi, trong cửa hàng, nơi làm việc và cả trong chuyện tình cảm nữa?
Nhưng rất tiếc là chúng ta không thể. Phần lớn thời gian chúng ta là những kẻ phi lý trí, nhưng điều đó chưa chắc đã là tệ hại. Bài viết này sẽ giới thiệu cho bạn những hành vi phi lý trí thường gặp nhất và cách để bạn có thể tận dụng chúng. Nếu bạn muốn muốn tìm tới tận cùng của sự phi lý trí, cuốn sách này dành cho bạn.
Trong cuốn sách này, bạn cũng sẽ học được:
HAI: Thù lao hậu hĩnh không phải lúc nào cũng là động lực tuyệt vời nhất
Chúng ta thường cho rằng càng có nhiều phần thưởng, chúng ta càng bỏ nhiều thời gian và công sức vào công việc, từ đó đem lại hiệu quả và chất lượng cao nhất. Dựa trên logic này, các CEO và những người môi giới chứng khoán luôn nhận được những khoản thù lao khổng lồ mỗi năm. Tuy nhiên, liệu cách suy nghĩ này có thực sự hợp lý hay không?
Trong một nghiên cứu, các chú chuột thí nghiệm được cho vào một mê cung và bị giật điện. Càng bị giật điện nhiều, chúng càng khó khăn trong việc thoát khỏi mê cung. Thay vì thúc đẩy chúng tìm ra lối thoát, những chú chuột này cứng ngắc lại và bỏ cuộc.
Nếu như dòng điện là nguồn tiền thưởng còn những chú chuột là loài người, bạn có thể thấy việc tập trung sẽ khó ra sao nếu bạn luôn phải chịu áp lực từ những khoản tiền kếch sù. Giống như loài chuột, loài người cũng không thể thực hiện công việc trong trạng thái tốt nhất dưới sức ép lớn.
Trên thực tế phần thưởng có tác dụng cải thiện, tuy nhiên chỉ với những hoạt động thể chất. Khi con người phải làm những công việc cần trí tưởng tượng, sáng tạo thì kết quả lại hoàn toàn trái ngược.
CEO không được trả lương để làm những công việc chân tay, và những phần thưởng lớn rất có thể cản trở những hoạt động giải quyết vấn đề, đổi mới vv... Phần thưởng càng lớn, họ càng thể hiện tệ hơn.
Chúng ta có thể thấy rất rõ ảnh hưởng của stress với việc nói trước đám đông: Việc luyện tập ở nhà luôn trôi chảy nhưng cứ ra trước đám đông thì mọi thứ đều trở nên chắp vá và lủng củng. Khi đó, những trào pháo tay tưởng thưởng chúng ta mong muốn lại chính là thủ phạm khiến ta lúng túng.
Vậy thì, chúng ta có thể làm gì để cải thiện điều đó?
Một trong những giải pháp là: Chia khoản phần thưởng đó ra trong một thời gian dài (5 năm chẳng hạn) thay vì thưởng nóng. Họ vẫn được tưởng thưởng, nhưng áp lực sẽ giảm xuống từ đó đem lại kết quả tốt hơn.
BA: Động lực làm việc của chúng ta là một hiện tượng phức tạp không thể gói gọn chỉ trong tiền lương
Các sinh vật sống luôn hướng tới việc nhận được nhiều nhất có thể với nỗ lực tối thiểu. Dù cho điều này hết sức hiển nhiên, chúng vẫn bị phản bác bởi lý thuyết "Bữa trưa miễn phí" (Contrafreeloading). Thuật ngữ này được nhà tâm lý học động vật Glen Jensen đưa ra sau khi thấy rằng các loài động vật (như chim, cá và khỉ) thích nhận được bữa ăn sau khi hoàn thành một hoạt động hơn là ăn mà không cần làm gì cả.
Quan sát này cũng gợi ý cho chúng ta rằng loài người không chỉ làm việc vì tiền. Trong một nghiên cứu khác, hai nhóm tình nguyện viên được trả tiền để ngồi chơi Lego và họ có thể ra về bất cứ lúc nào họ muốn. Với nhóm thứ nhất, sau khi mỗi người hoàn thành, sản phẩm của họ được giữ lại và xem xét. Ngược lại, cứ mỗi người bên nhóm hai đứng dậy, các nhà nghiên cứu lại phá hủy sản phẩm của người đó. Những người trong nhóm thứ hai nhìn thấy sự hủy hoại đó và có xu hướng rời khỏi cuộc thí nghiệm sớm hơn so với những người nhóm thứ nhất.
Thông qua nghiên cứu trên, ta thấy được rằng chúng ta sẽ mất động lực làm việc nếu như sản phẩm của chúng ta bị đánh giá thấp. Chúng ta không bao giờ cảm thấy thoải mái với việc công sức mình bỏ ra không hề được coi trọng.
Chúng ta luôn cố gắng để tìm kiếm giá trị ẩn sâu trong công việc của mình, cùng với đó là luôn thất vọng nếu bị bắt phải làm những công việc đơn giản.
Adam Smith là người đầu tiên đặt nền móng cho những dây chuyền lao động, với từng người làm từng phần nhỏ và đơn giản của những sản phẩm lớn hơn, nhưng ông nhận sự chỉ trích từ Karl Marx rằng điều đó khiến người lao động trở nên lạc lõng với công việc của mình. Marx cho rằng việc phân chia công việc sẽ ngăn cản người lao động tìm thấy mục đích và danh tính của mình thông qua lao động, như những người công nhân trống rỗng quanh năm suốt tháng chỉ làm ra 1 bộ phận duy nhất của ô tô.
BỐN: Chúng ta thường đánh giá thành quả của chúng ta cao hơn những người khác
Bạn hẳn là rất tự hào nếu mình lắp ghép được một cái kệ IKEA phải không? Vì bạn đã bỏ công sức vào đó bạn sẽ tự thưởng cho mình những suy nghĩ tích cực?
Trên thực tế, chỉ cần bỏ ra một xíu công sức thôi cũng đã khiến bạn cảm thấy tự hào về bản thân mình.
Vào những năm 1940, những gói bột chế biến sẵn chưa bao giờ đắt hàng và là chủ đề bàn tán của các bà nội trợ. Tuy nhiên, mọi chuyện quay ngoắt 180 độ khi hãng Pullsbury quyết định bỏ trứng ra khỏi sản phẩm bột và hướng dẫn các bà nội trợ tự thêm trứng tươi vào. Kết quả là doanh số bán ra tăng vọt: Việc đập một quả trứng vào bột khiến cho món bánh ngọt trở thành một món ăn công phu hơn nhiều lần.
Với ví dụ trên, ta thấy được sức mạnh của sự thiên lệch đến từ người lao động đối với sản phẩm của mình.
Chúng ta có xu hướng đánh giá quá cao sản phẩm của mình. Nếu bạn có con, bạn sẽ nghĩ rằng chúng là những đứa trẻ tuyệt vời nhất quả đất, như tất cả các ông bố bà mẹ khác nghĩ về con của mình. Xu hướng phi lý trí này cũng lặng lẽ len lỏi vào nền kinh tế, khi các công ty cung cấp cho khách hàng của mình khả năng tự tạo ra sản phẩm theo ý họ. Converse.com cho phép người dùng tự thiết kế đôi giày của mình với các loại chất liệu và màu sắc. Họ sự dụng sự thiên lệch để làm khách hàng tin rằng sản phẩm của họ là đặc biệt và độc đáo nhất.
Tuy nhiên không phải lúc nào nỗ lực cũng khiến người ta cảm thấy tuyệt vời với những gì họ làm. Chúng ta cần phải đưa tới sự hoàn thiện để có thể nhìn nhận sản phẩm của mình một cách tích cực, bằng không sự hứng thú lúc đạt được mục tiêu sẽ hoàn toàn biến mất. Hãy nghĩ về tình yêu: Nếu người bạn thích tạo ra nhiều cản trở trên con đường chinh phục người đó, bạn sẽ đánh giá cao người đó hơn. Tuy nhiên, nếu người đó liên tục đẩy bạn đi, không cho bạn đến cuối con đường, bạn sẽ mất dần những suy nghĩ tích cực và hứng thú với người đó.
NĂM: Khả năng thích nghi của chúng ta là nguyên nhân khiến chúng ta trở thành những công dân hạnh phúc, hoặc, là những tín đồ nghiện mua sắm
Có bao giờ bạn nghĩ rằng bạn hoàn toàn bị lệ thuộc vào những thói quen, vào bản chất vốn có của mình? Trên thực tế thì bạn linh hoạt hơn bạn tưởng rất nhiều.
Sự thật là loài người là loài có khả năng thích ứng với rất rất nhiều các hoàn cảnh khác nhau. Mọi cảm xúc chúng ta trải qua hướng ta đến những trải nghiệm khác biệt, nhưng chỉ một thời gian sau, chúng ta sẽ quen với điều đó và mọi chuyện trở nên bình thường.
Một nghiên cứu nổi tiếng chỉ ra rằng, một người trúng số độc đắc sẽ trở lại hạnh phúc ngang bằng lúc họ chưa đổi đời dù niềm vui sướng ban đầu có tuyệt vời đến đâu.
Bản chất của khả năng thích nghi là một bộ lọc giúp chúng ta sàng lọc những thay đổi và nguy cơ trong môi trường của chúng ta. Nếu bạn đang nằm dài cả ngày và ngửi thấy mùi khói, bạn sẽ phải bật dậy xem nó đến từ đâu.
Cùng một nguyên lý tương tự, chúng ta thích nghi với những kỳ vọng, trải nghiệm và cảm xúc mới: Bạn có thể cảm thấy lạ lẫm với cái sàn gỗ ở ngôi nhà bạn mới mua, nhưng chỉ vài tuần sau sự lạ lẫm biến mất hoàn toàn.
Sự thích nghi đó cũng ảnh hưởng đến thói quen mua sắm của chúng ta, khi chúng ta cảm thấy nhàm chán với những gì chúng ta có. Với những người không nhận ra bản chất của khả năng thích nghi, họ sẽ tiếp tục mua nhiều hơn và chờ đợi những thứ đó sẽ làm họ hạnh phúc hơn.
Chúng ta có thể tự thích nghi với những thứ tốt và cả những thứ tiêu cực. Do đó, để sử dụng khả năng thích nghi một cách tích cực, chúng ta cần để quá trình thích nghi là liên tục với những thứ tiêu cực, đồng thời có những tác động lên những hành vi tích cực.
Những tác động nhỏ có thể khiến chúng ta dừng thích nghi, vì vậy chúng ta không nên để những trải nghiệm tệ hại trở nên ngắt quãng: nếu bạn phải dọn dẹp nhà kho, bạn không nên cứ năm phút lại nghỉ một lần - bạn sẽ khiến công việc đó trở nên khổ sở. Tương tự, nếu bạn đang ở một mối quan hệ tình cảm lâu dài, bạn cần tác động để nó trở nên bớt nhàm chán, làm mới nó và bạn sẽ thấy được những tác dụng bất ngờ.
SÁU: Khả năng thích nghi của chúng ta giúp chúng ta chọn lọc đối tượng hẹn hò
Bạn hẳn đã nghe câu "Nồi nào úp vung nấy". Nó là một châm ngôn quan trọng khi bạn hẹn hò một ai đó: những người xinh đẹp sẽ hẹn hò với nhau, còn những người không được đẹp mã như tôi sẽ hẹn hò với người có nhan sắc tương tự.
Hiện tượng này có tên là Giao phối chọn lọc (Assortative mating)
Một ví dụ điển hình là: giả sử bạn tham dự một bữa tiệc, ở đó mỗi người được gắn cho những con số từ 1 đến 10 tương ứng với sự hấp dẫn của mình, nhưng chính người đó lại không biết mình được bao nhiêu điểm, chỉ người khác mới biết được điểm của bạn. Trong thí nghiệm đó bạn được 6 điểm chẳng hạn, và bạn phải tìm cách hẹn hò với người có điểm cao nhất bạn có thể.
Đầu tiên bạn sẽ cố tiếp cận những người được 10 điểm, 9 điểm, 8 điểm nhưng cuối cùng bạn sẽ chỉ tiếp được người được 6 điểm, cùng số điểm với bạn. Trong quá trình đó, bạn đã phải tự thích nghi bằng cách hạ thấp tiêu chuẩn của mình.
Với những người vốn đã được 10 hay 9 điểm, nếu họ được gán cho điểm 6, bạn sẽ bắt đầu nhận ra những khiếm khuyết trên ngoại hình của họ, như tai to hoặc răng khểnh chẳng hạn.
Vì vậy, một số người sẽ quan tâm đến vẻ đẹp tâm hồn hơn là hình thể, dù cho những vẻ đẹp này ít khi biểu lộ từ lần gặp đầu tiên. Sự tử tế có thể thế chỗ những tiêu chí cơ thể khác nếu như bạn không thực sự xinh đẹp.
Tác giả chứng minh luận điểm của mình bằng những cuộc hẹn hò siêu tốc. Những người kém về ngoại hình nhưng vui tính nhận được nhiều lời mời từ những người có ngoại hình trung bình, trong khi những người hấp dẫn hơn thì hẹn hò với nhau.
BẢY: Những trang hẹn hò trực tuyến sụp đổ
Bạn không nên tìm kiếm tình yêu đích thực của mình thông qua những trang hẹn hò trực tuyến, đó là lời khuyên của Dan Ariely, tác giả cuốn sách này.
Hãy nhìn vào "thị trường" hẹn hò. Ở trong thị trường này, các trang hẹn hò giúp người ta tìm kiếm đối tượng người ta cần, đổi lại bạn sẽ phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức. Hãy tưởng tượng hẹn hò trực tuyến giống như việc đi siêu thị: ở đó có tất cả những gì bạn cần, hàng thịt, hàng bánh... và ở đó cũng có một kệ hàng tình yêu.
Tuy nhiên, các thị trường có đặc điểm riêng của mình. Ví dụ như những người trẻ tuổi ở công sở và các trường đại học, phổ thông... họ thường xuyên xê dịch về mặt địa lý cũng như địa vị xã hội, họ chưa có một vị thế ổn định để có thể tìm kiếm người bạn đời trăm năm. Vì vậy, một khi họ tốt nghiệp và đi làm, họ có cực kì ít thời giờ để tìm kiếm nửa kia của mình.
Với thực trạng như vậy, hẹn hò trực tuyến đáng lẽ ra sẽ trở thành ngành công nghiệp bội thu. Vậy mà, những trang hẹn hò trực tuyến thường thất bại một cách thảm bại khi đưa khách hàng của mình đến với nhau.
Tác giả phát hiện ra rằng, một người sử dụng các trang hẹn hò trực tuyến trung bình dành 5.2 giờ một tuần để lướt qua các profile, 6.7 giờ để gửi mail tới những người tiềm năng, và chỉ 1.8 giờ một tuần để đi gặp những người đó, mặt đối mặt, những với kết quả nghèo nàn.
Vậy, điều gì đã khiến hẹn hò trực tuyến thất bại? Ngay từ đầu, khi chúng ta được yêu cầu liệt kê những đặc điểm của bạn tình mong muốn, chúng ta đã trở nên phi lý trí. Các trang web cho bạn lựa chọn màu tóc, thu nhập, bộ phim yêu thích vv, tuy nhiên, chúng ta không được lập trình để đánh giá một đối tượng theo cách đó. Những câu trắc nghiệm, các bảng checklist không thể nói lên điều gì về việc chúng ta sẽ cảm thấy thế nào khi ở bên ai đó.
Chúng ta không phải những đặc điểm được chắp vá vào nhau. Chính vì vậy, chúng ta nên cẩn trọng hơn với việc hẹn hò, dù là trực tuyến hay trực tiếp.
TÁM: Sự đồng cảm của chúng ta đậm màu thiên lệch, tuy nhiên tình cảm đó không hề phi lý trí
Tại sao chúng ta không tốn một giây để cho người chúng ta yêu quí mượn tiền, tuy nhiên lại chần chừ khi khi phải quyên góp cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn...
Hầu hết mọi người đều cảm thấy xúc động khi nghe tin một bé gái rơi từ một chung cư cao tầng, tuy nhiên lại không cảm thấy gì mấy khi nghe về cái chết của 800.000 người Rwandan. Đó cũng là minh chứng cho câu nói nổi tiếng của Stalin: "Một người chết là một thảm họa, còn cả ngàn người chết, ấy là thống kê ".
Những nhà xã hội học gọi hiện tượng này là: Hiệu ứng nạn nhân hữu danh.
Nói cách khác, chúng ta cảm thấy thương cảm với những người chúng ta nhìn thấy hình ảnh, biết tên của họ và những thông tin khác, nhưng đồng thời kém cảm thông với những thông tin có quy mô rộng hơn và liên quan đến nhiều hơn một người.
Nhưng, lí do của hiện tượng này chính là sự gần gũi của chúng ta với nạn nhân: đó không phải vấn đề khoảng cách, đây là vấn đề về những đối tượng cùng một nhóm trong xã hội với chúng ta.
Lí do thứ hai là sự sống động. Nếu một ai đó kể rằng cô ta bị gãy chân, bạn sẽ không cảm thông mấy. Tuy nhiên, nếu cô ấy kể lại từng chi tiết về khoảnh khắc cái đau lan truyền ra khắp cơ thể khi xương chân cô gãy vụn, bạn sẽ cảm thông với cô ấy nhiều hơn.
Chắc hẳn bạn đang nghĩ: Tình cảm là chưa đủ, cần phải có lý trí nữa, phải không?
Đáng tiếc là, chúng ta không được tạo hóa ban cho khả năng quan tâm đến những sự kiện khủng khiếp xảy ra ở xa chúng ta, với những người chúng ta không hề quen biết.
Vì vậy, nếu bạn muốn tạo nên những tác động tích cực cho xã hội, bạn cần trở nên phi lý trí để có thể nhìn ra những khó khăn của những người không ở gần kề bạn.
CHÍN: Cơn giận thoáng qua nhưng để lại những cảm xúc tiêu cực về lâu về dài
Bạn có lên giọng lần gần nhất bạn bị người khác chọc tức không? Dù cho cơn giận dữ bùng nổ ra và biến mất rất nhanh, những thói quen xấu trong ta sẽ được khuyến khích mà chúng ta không hề hay biết.
Tưởng tượng bạn bị ai đó tạt đầu trên đường đi làm rồi ngay sau đó bạn xả ra những lời trách móc, thì lần sau khi trường hợp đó lại tái diễn hầu như bạn sẽ phản ứng lại một cách tương tự. Hiện tượng này xảy ra vì chúng ta có xu hướng dò xét lại những gì chúng ta làm trong quá khứ để xử lý tình huống hiện tại. Những hành vi trong quá khứ sẽ được đem ra là tiêu chuẩn cho những gì chúng ta sẽ làm, và bộ não mặc định đó là những gì chúng ta nên làm.
Mọi chuyện đều bắt đầu với trí nhớ cảm xúc tồi tàn của chúng ta. Liệu bạn có thể nhớ được 6 giờ tối ngày hôm qua bạn đang cảm thấy thế nào không? Những ký ức về hành vi luôn lấn át những ký ức về cảm xúc, bởi vì vậy, khi chửi thề với bạn bè hoặc khi chúng ta bất lịch sự với đồng nghiệp, chúng ta nhiều khả năng sẽ lặp lại hành vi đó.
Bộ máy xử lý nhanh, dựa trên cảm xúc (thứ chúng ta không gợi nhớ được) sẽ tạo thành thói quen cho hành vi của chúng ta, đến mức chúng ta không thể giải thích nguồn gốc của những thói quen của mình. Vì vậy, chúng ta nên dành nhiều thời gian hơn để cân nhắc những gì mình sẽ làm.
Nếu lần tới con bạn có làm bạn phát điên, bạn nên cân nhắc giữ bình tĩnh để ngăn ngừa những tổn thương ngắn hạn và lâu dài cho mình và đứa trẻ. La mắng chúng có thể làm chúng khóc và làm bạn cảm thấy buồn rầu, nhưng đồng thời cũng tạo thành thói quen mỗi khi bạn giận dữ.
MƯỜI: Lời kết
Thông điệp chính của cuốn sách:
Con người luôn nghĩ rằng chúng ta là những sinh vật lý trí, tuy nhiên thực tế lại cho thấy điều ngược lại, mỗi khi chúng ta phải đứng trước những quyết định khó khăn. Trong những tình huống đó, chúng ta khó có thể gạt bỏ được sự thiên lệch, từ đó khiến chúng ta hành động không như ý chúng ta muốn. Để có những quyết định sáng suốt, chúng ta cần phải tự mình nhận ra sự phi lý trí và sống chung với nó.
Gợi ý đọc thêm: Phi Lý Trí
Cuốn Phi Lý Trí giải thích những hành vi phi lý trí của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Tại sao chúng ta quyết định ăn kiêng nhưng rồi bỏ cuộc ngay khi nhìn thấy món tráng miệng hấp dẫn. Tại sao mẹ sẽ cảm thấy bị tổn thương nếu bạn rút tiền ra trả cho bữa ăn bà chuẩn bị. Tại sao những biện pháp y tế giảm đau sẽ có hiệu quả hơn khi nạn nhân tin rằng nó đắt hơn bình thường. Lý do và quy luật đằng sau những hiện tượng đó sẽ được tác giả khám phá và giải thích bằng hàng loạt những thí nghiệm và thống kê.
Đọc thêm: Tóm tắt sách Phi Lý Trí.
Trạm Đọc (Read Station)