Trí tuệ xúc cảm: CẢI THIỆN TÂM TRẠNG SAO CHO TỐT?
Trí tuệ xúc cảm: CẢI THIỆN TÂM TRẠNG SAO CHO TỐT?
Hãy làm chủ xúc cảm của bạn, đừng để bản thân rơi vào vòng xoáy của những suy nghĩ tiêu cực bằng cách tìm hiểu về bộ não và bản chất của cảm xúc con người qua cuốn sách Trí tuệ xúc cảm của tác giả Daniel Goleman.
Trí tuệ xúc cảm
(520 lượt)

Nếu bạn hỏi với một ai đó rằng họ thường làm gì mỗi khi buồn hay cảm thấy tiêu cực, bạn nghĩ câu trả lời bạn nhận được sẽ là gì? Đi ăn? Đi chơi? Đi xem phim? Hay tụ tập bạn bè? Đó là những phương pháp rất phổ biến ngày nay và được coi là “kinh điển” giúp con người cải thiện tâm trạng nhanh chóng. Nhưng bạn sẽ không hề biết rằng sự tiêu cực của bạn chỉ tạm thời bị ẩn đi, chứ không hoàn toàn biến mất.

 Có thể bạn đã biết đến một số phương pháp có tác dụng nhất định trong việc phá vỡ chu kỳ tiêu cực như: làm một công việc khác khiến nỗi lo bị sao nhãng, tập trung vào những trò giải trí tiêu khiển, tập thể dục,... Việc làm sao nhãng nỗi buồn hay tập trung vào một công việc khác về cơ bản có thể là hình thức phổ biến nhất giúp bạn thay đổi tâm trạng. Việc tập thể dục nhịp điệu cũng được cho là biện pháp hữu hiệu bởi tốt cho sức khỏe và khiến cơ thể hưng phấn. Cũng có lý thuyết cho rằng rơi lệ là một phương pháp tự nhiên giúp giảm nồng độ của tác nhân hóa học gây nên cảm giác đau khổ trong não. Tuy nhiên việc rơi lệ quá nhiều sẽ khiến ta bị ám ảnh sâu bởi những nỗi tuyệt vọng. Tất cả các hình thức này dù có tác dụng nhưng chỉ đủ để đưa cơ thể thoát khỏi tình trạng bị kích thích thấp, không phù hợp với những người bị kích thích cao như trầm cảm.

Những người có nhiều nỗi lo và sự tiêu cực dẫn đến trầm cảm thường là những người sẽ sử dụng những suy nghĩ đau khổ để đánh lừa bản thân. Tức là lấy ý nghĩ chán nản của sự tiêu cực này để đánh đuổi sự tiêu cực khác. Lâu dần, điều duy nhất mà họ nhận được chỉ là xúc cảm ngày càng tiêu cực hơn mà thôi. Vậy liệu có phương pháp nào giúp cải thiện tâm trạng tốt hơn không? Đó là một trong những phương pháp hiệu quả nhất nhưng ít được sử dụng được gọi là phương pháp “chỉnh khung nhận thức”. Ví dụ như bạn vừa bước ra khỏi một mối quan hệ, thay vì khóc lóc nghĩ rằng “Mình lại cô đơn ư?”, hãy đánh giá sự mất mát dựa trên góc nhìn tích cực như: bạn sẽ thoải mái hơn trong việc dành thời gian cho sở thích cá nhân, bạn có thể tập trung phát triển công việc,... Cũng giống như những bệnh nhân ung thư có suy nghĩ tích cực “Bệnh tình của tôi chưa quá nặng, ít ra tôi vẫn còn đi lại được”. Hãy chọn lựa kiểu so sánh “nhìn xuống” để thấy mình vẫn còn nhận được những điều tốt đẹp hơn nhiều người và giảm nhẹ sự tồi tệ của suy nghĩ tiêu cực.

Một cách khác bạn có thể áp dụng để cải thiện tâm trạng là giúp đỡ người khác khi cần. Vì trầm cảm xuất phát từ suy ngẫm và bận tâm quá nhiều, nên giúp đỡ người khác giúp tinh thần và năng lượng của con người trở nên tích cực hơn, đồng cảm và thấu hiểu nỗi đau của người khác. Bạn có thể thực hiện phương pháp này trong cuộc sống hàng ngày hoặc thông qua hoạt động tình nguyện như giúp đỡ người già, người vô gia cư, trẻ tự kỷ,...

Hãy làm chủ xúc cảm của bạn, đừng để bản thân rơi vào vòng xoáy của những suy nghĩ tiêu cực bằng cách tìm hiểu về bộ não và bản chất của cảm xúc con người qua cuốn sách Trí tuệ xúc cảm của tác giả Daniel Goleman.

Tags: