Quá trình quan trọng hơn kết quả - Đi từng bước nhỏ để đạt thành tựu lớn
Quá trình quan trọng hơn kết quả - Đi từng bước nhỏ để đạt thành tựu lớn
“Bậc tinh anh hoàn thành việc lớn bằng một chuỗi những hành động nhỏ”
Nghệ Thuật Sống Vững Vàng
(15 lượt)
Một trong những tác phẩm được biết đến nhiều nhất của Đạo giáo là Đạo Đức Kinh. Đây là quyển sách được viết vào thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên bởi Lão Tử, người được cho là sống cùng thời với Khổng Tử. Có người cho rằng Lão Tử  là một ẩn sĩ thụ động. Tuy nhiên, theo học giả nghiên cứu về Đạo giáo Stephen Mitchell thì đây là một nhận định sai lầm bắt nguồn từ thái độ ủng hộ kiên định của Lão Tử đối với triết lý vô vi - nghĩa là “thực hành việc không làm gì". Nếu  đọc kỹ Đạo Đức Kinh, bạn sẽ thấy Lão Tử đưa ra rất nhiều lời khuyên về cách thức hành động. Chỉ là, cách thức hành động mà ông ủng hộ là những hành động được thực hiện một cách chậm rãi, ổn định và hài hòa. Ông khuyên chúng ta lưu ý đến dòng chảy của cuộc sống phải kiên nhẫn và kiên định tiến lên từng bước vừa sức, thay vì nỗ lực một cách liều lĩnh để rồi thất bại. Lão Tử viết: 

Bậc tinh anh hoàn thành việc lớn bằng một chuỗi những hành động nhỏ

Khi thiết lập những mục tiêu lớn, bạn dễ trở nên hào hứng thái quá về việc chinh phục chúng và do đó, bạn thường cố đẩy nhanh quá trình chinh phục vì quá chú trọng đến kết quả. Đôi khi, việc này còn dẫn đến những hành vi khinh suất. Đối với các vận động viên, hậu quả của hành vi khinh suất là bị chấn thương, bệnh tật hoặc tập luyện quá sức; đối với những nghề nghiệp khác, đó là tình trạng suy kiệt cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong một bài báo của Trường Kinh doanh Harvard có tựa đề Goals Gone Wild: The Systematic Side Effects of Over-Prescribing Goal Setting (tạm dịch: Mục tiêu vượt tầm kiểm soát: Tác dụng phụ mang tính hệ thống của việc lập mục tiêu quá sức), một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Harvard, Đại học Northwestern và Đại học Pennsylvania đã bắt tay vào tìm hiểu mặt trái tiềm ẩn của việc lập mục tiêu. Họ phát hiện ra rằng những mục tiêu được đề cao quá mức, đặc biệt là những mục tiêu được thiết lập dựa trên các kết quả có thể đo lường được, thường làm giảm động lực, gây ra hành vi mạo hiểm phi lý cũng như những hành vi trái đạo lý.

Thay vì tập trung vào những thành tích vĩ đại khi theo đuổi những mục tiêu lớn, hãy chia nhỏ chúng ra rồi tập trung vào từng phần một. Đây là một cơ chế tập trung cực kỳ hiệu quả. Nó giúp bạn chú tâm vào hiện tại và nhờ vậy mà bạn có thể kiên nhẫn, ngay cả khi đang theo đuổi những mục tiêu dài hạn. Nếu tập trung vào công việc đang ở ngay trước mắt, bạn sẽ đạt được những kết quả tốt hơn. Thái độ làm việc mà tôi gọi là tư duy tập trung vào quá trình này giúp bạn hạn chế tình trạng nóng lòng đạt được kết quả trong khi chiến lược tốt hơn là dành thêm thời gian cho sự việc diễn ra. Đối với hầu hết những mục tiêu quan trọng, sự tiến triển về dài hạn không nằm ở những nỗ lực thái quá của chủ nghĩa cá nhân anh hùng, mà nằm ở cách chúng ta dàn trải nỗ lực của mình cho hợp lý và khôn ngoan; đó không phải là điên cuồng nỗ lực vào một vài ngày nhất định, mà là có tinh thần tự kỷ luật bản thân trong suốt vài tháng hoặc trong một số trường hợp có thể là vài năm.

Bài viết được trích lược từ cuốn Nghệ thuật sống vững vàng của tác giả Brad Stulberg do First News phát hành. Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu thêm về cuốn sách tại đây
Tags: