Tôi thấy Nguyễn Nhật Ánh trong tuổi thơ
Tôi thấy Nguyễn Nhật Ánh trong tuổi thơ
Cấu trúc tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh dường như chỉ bó gọn thời gian trong một mùa hè, hoặc chính xác hơn là một ngày được “kéo dài” bất tận khi mở đầu vào bình minh và kết thúc là khi hoàng hôn buông xuống, mọi thứ hòa dần vào đêm tối.

Nếu A. Saint-Exupéry là người có biệt tài khơi gợi những triết lý sâu xa từ những câu chuyện nhỏ bé, Nguyễn Nhật Ánh lại biết cách biến những bi kịch đời người thành một nụ cười dịu nhẹ. Thật vậy, văn chương Nguyễn Nhật Ánh ăm ắp bao chuyện buồn ẩn sau những mối tình của tuổi mới lớn trong sáng và mong manh như tia nắng sớm, những chuyến phiêu lưu với những người bạn khác biệt về thân phận, địa vị và cả… giống loài.


Tuổi hoa niên có thể xem là giai đoạn đẹp đẽ nhất của đời người chẳng vậy mà gần như bất kỳ nhà văn, nhà thơ nào cũng từng ít nhất một lần ngợi ca những kỷ niệm thời thơ ấu bằng những mỹ từ trìu mến. “Không có tuổi thơ”, “tuổi thơ bị đánh cắp” dường như là một cơn ác mộng của tất cả những cá nhân trên hành trình bước đến tuổi trưởng thành.
Nhưng ngạc nhiên là tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Nhật Ánh lại thường bắt đầu… từ sự vỡ mộng khi vào một buổi sáng mùa hè nhân vật chính đột nhiên phát hiện ra cuộc đời mình không thể tiếp tục lớn lên êm đềm và dịu ngọt, ngây thơ để hưởng những an lành được nữa: đó là Chuẩn (Trại hoa vàng), là Chương (Hạ đỏ) khi chia tay cấp hai, đó là Thư (Cô gái đến từ hôm qua) khi bất ngờ… nhận ra mình thích Việt An, đó là Tường (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh) khi phát hiện ra… Mận đang “phơi mặt” vì mới bị đánh đòn, là anh chàng Đông (Ngồi khóc trên cây) khi bóng dáng Rùa thấp thoáng phía sau lưng mình, là Mèo Gấu (Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ) thức dậy và biết sẽ không được thấy Áo Hoa, là chú heo Lọ Nồi và Đuôi Xoăn (Chúc một ngày tốt lành) bất ngờ muốn nói tiếng gà...


Một sớm mùa hè không trôi qua yên ả đã thay đổi cuộc đời của các nhân vật trong văn xuôi Nguyễn Nhật Ánh như vậy. Nhanh chóng, họ không chỉ nhận ra sự khác biệt của bản thân từ sâu thẳm trái tim mình, mà còn với toàn bộ con người, cảnh vật xung quanh. Tuổi trưởng thành hé lộ cho các nhân vật những mâu thuẫn mà họ chưa từng nhận ra giữa người giàu và người nghèo, cuộc sống thành thị và nông thôn, tình bạn và tình yêu... thế nhưng lại không ban cho họ một phép màu để xóa nhòa những cách biệt ấy.

 


Nhưng dường như đó chưa bao giờ là mối bận tâm của các nhân vật trong các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Hầu hết là trong số họ đều bước ra ngày mới sau khi gấp lại những trang sách đẹp đẽ mình từng đọc suốt thời thơ ấu, dường như họ đều cảm thấy đây là thời điểm chứng minh phép màu của văn học, nghệ thuật. Các “mọt sách” đã nhìn khác biệt với những ánh mắt ngạc nhiên, lạ lẫm nhưng không hề e ngại, ác cảm. Đơn giản vì sách vở đã dạy cho họ những vẻ đẹp từ tâm hồn, nhưng không phải sự dè chừng, tính toán, so đo hơn thiệt. Ngược lại, đời thực cũng dạy cho họ rằng để sống đúng với tinh thần của văn chương khó biết chừng nào như bốn thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn, Cỏ Phong Sương, Trầm Mặc Tử, Hận Thế Nhân quyết tâm sống như những nhà thơ tiền bối khi thành lập bút nhóm Mặt Trời Khuya (Lá nằm trong lá). Đó là khi Đông bỏ qua những rào cản về gia đình để tiến đến với cô gái nghèo có cái tên kỳ cục Rùa vẫn tiếp tục phải chịu những nghịch cảnh tréo ngoe khác.


Tình yêu trong tiểu thuyết của Nguyễn Nhật Ánh cũng chưa từng mang đến điều kỳ diệu khi biết bao nhân vật của ông đã hào hứng như chàng Don Quixote bước vào thế giới ngoài kia để tìm người tình Dulcinea mà chàng tôn thờ đơn phương và vô vọng song rút cục… lại trở về trạng thái độc thân, vui tính. Điểm khác biệt giữa họ và chàng hiệp sĩ xứ Tây Ban Nha có lẽ chính là niềm hy vọng. Nó dẫn họ vào một tâm trạng tự tin như Scarlett O'Hara (Cuốn theo chiều gió) luôn tự nhủ với bản thân: Mai là một ngày mới! Và ngay cả khi có được tình yêu, sự mến thương của chàng trai (cô gái), nhân vật chính vẫn chỉ biết sống với ngày hôm nay như thể đó là ngày cuối cùng. Bởi lẽ sự khác biệt trong thân phận giữa các nhân vật được Nguyễn Nhật Ánh khéo léo “làm mờ”, nhưng chưa bao giờ mất đi cả.

 

Trong ba mươi hai năm sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh, khi độc giả thấy cuộc sống muôn màu được nhà văn truyền tải dần vào các tác phẩm viết trẻ em thành phố như Kính vạn hoa, Buổi chiều Windows hay Chú chó nhỏ và giỏ hoa hồng, những trang viết về nông thôn dường như vẫn dậm chân tại thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Không phải vì Nguyễn Nhật Ánh quên viết về nông thôn hiện đại, nhưng chúng phản ánh một thực tế đáng buồn khác là khoảng cách giữa thị thành và làng quê ngày một lớn. Đó có thể là một giả thuyết khi độc giả đủ mọi lứa tuổi không mấy ngỡ ngàng khi theo dõi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Ngồi khóc trên cây dù thời gian văn bản đã diễn ra ba, bốn mươi năm về trước. Nhưng ngay cả mối quan hệ của các nhân vật sinh ra, lớn lên ở thành phố như Quý Ròm, Tiểu Long và Hạnh cũng không hứa hẹn sẽ bền vững khi xuất phát điểm và năng lực của các em đã quá khác nhau rồi. Không phải ngẫu nhiên, Nguyễn Nhật Ánh đã tạm dừng Kính Vạn Hoa ở tập thứ 54 khi các nhân vật bắt đầu bước vào các năm học cuối cấp.

 


Không ai biết tương lai của Thư và Tiểu Ly (Cô gái đến từ hôm qua), Thiều và Mận (Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh), của Đông và Rùa (Ngồi khóc trên cây) hay chú heo Lọ Nồi với nàng Đeo Nơ (Chúc một ngày tốt lành), hay Chuẩn với mối tình tay ba với… Cẩm Phô và Thảo (Trại hoa vàng) vv. Cấu trúc tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh dường như chỉ bó gọn thời gian trong một mùa hè, hoặc chính xác hơn là một ngày được “kéo dài” bất tận khi mở đầu vào bình minh và kết thúc là khi hoàng hôn buông xuống, mọi thứ hòa dần vào đêm tối. Cũng thật lạ là dường như Nguyễn Nhật Ánh chưa bao giờ có ý định chấm dứt những câu chuyện của mình tạo cảm tưởng cho người đọc rằng những nhân vật ấy hình như đang sống đâu đây quanh ta, họ vẫn tiếp tục được nhà văn quan sát để một ngày nào đó lại một lần nữa tái xuất trong những tác phẩm mới.


Cũng có thể, trong một phút cao hứng, Nguyễn Nhật Ánh muốn nhường quyền quyết định số phận nhân vật cho chính các độc giả trẻ tuổi của ông. Nhưng có lẽ độc giả của ông đã lớn quá nhanh, họ chưa bao giờ kịp hoàn thành nốt những tác phẩm mà tác giả để ngỏ. Song với đa số độc giả: những mối tình trẻ thơ, những kỷ niệm thơ ấu vẫn thường đứt gãy như vậy. Chúng đẹp đẽ, mơ màng nhưng dường như không còn thuộc về ta nữa.


Ngày hôm qua trong văn thơ Nguyễn Nhật Ánh là một biểu tượng “đẹp và buồn”. Nó tượng trưng cho quá khứ thi thoảng hiện ra trước mặt chúng ta, nhưng không thể chạm đến. Ba mươi hai năm sáng tác với sự nghiệp đầy đặn gần năm mươi tác phẩm viết cho tuổi mới lớn, bị một số nhà văn, nhà phê bình chỉ trích là nhà văn một màu, nhà văn không bao giờ lớn. Nhưng có vẻ như điều này chưa bao giờ là mối bận tâm của Nguyễn Nhật Ánh. Và trong khi chờ đợi, một ngày nào đó, các nhân vật của ông sẽ bước vào thế giới văn chương người lớn, người đọc cũng đã đủ hài lòng với những tác phẩm hiện tại của ông, một thứ “mì Quảng” tinh thần đơn giản nhưng chưa bao giờ khiến độc giả ngán ngẩm.

 

Đọc thêm chia sẻ của Trạm Đọc về cuốn sách "Tôi là Bê-tô" của Nguyễn Nhật Ánh tại đây. 

Hải Đăng - Trạm Đọc (Read Station)

Tags: