Tôi đã gây ra một chuyện khủng khiếp, tôi phải hối lỗi như thế nào đây?
Tôi đã gây ra một chuyện khủng khiếp, tôi phải hối lỗi như thế nào đây?
Khi chúng ta lướt qua những lời xin lỗi gần đây nhất trên Facebook (tôi xin lỗi nếu ai đó cảm thấy bị đụng chạm), chúng ta dễ dàng nhận ra những lời nói tưởng chừng như mang ý hối lỗi nhưng thực ra lại không phải vậy. Tuy nhiên, tôi đang nghĩ xem thế nào là một lời xin lỗi chân thành và tại sao chúng ta lại phải làm thế.
Cách đây một tháng, tôi bay từ New York đến Wisconsin để nói lời xin lỗi với vợ cũ của mình. Chúng tôi đã chung sống với nhau trong 14 năm cho đến khi cô ấy bị ung thư vú vào năm 2006. Tôi luôn ở bên cô ấy suốt ca phẫu thuật và các buổi hoá trị liệu nhưng tôi thực sự cảm thấy khiếp sợ. Vào buổi cuối trị liệu, khi cô ấy vẫn còn rất yếu, tôi đã bỏ chạy. Không lâu sau, tôi như con thiêu thân lao vào chuyện tình cảm với chuyên gia trị liệu của tôi và cuối cùng tôi đã cưới cô ấy. 

 

Vợ cũ của tôi khỏi ung thư, tái hôn và sau đó có hai con với người chồng mới nhưng sự bỏ chạy của tôi thực sự là một vấn đề lớn. Trước đó, tôi từng nói, tôi xin lỗi người vợ cũ nhưng những từ ngữ ấy chưa đủ khiến tôi trút bỏ được nỗi day dứt trong tâm trí mình.

Nếu những lời nói đó vẫn chưa đủ thì tôi cần phải nói gì thêm nữa? Trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại gần đây, cô ấy nói với tôi rằng cố ấy chưa bao giờ thực sự có cơ hội để ngồi xuống cùng tôi và kể cho tôi nghe cô ấy cảm thấy không khoẻ ở đâu. Có lẽ phần quan trọng nhất của việc hối lỗi chính là việc chăm chú lắng nghe những gì nạn nhân đã trải qua. Do vậy, tôi đã đặt vé đến Wisconsin để thực hiện kế hoạch dành tất cả tâm trí cho việc lắng nghe những tâm sự của vợ cũ và cố gắng hàn gắn vết thương mà tôi đã gây ra cho cô ấy.

Từ “xin lỗi” có nguồn gốc từ “apologia” trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là biện minh, giải thích, bảo vệ hoặc bào chữa. Những lời xin lỗi ở Mỹ không khác gì các bài tập về ngôn ngữ. Từ lời thú tội của nhà sản xuất phim lừng danh Harvey Weinstein đến thời đại bộc lộ “sự hối hận” của Bill Clinton, chúng ta đã được chứng kiến hết ví dụ này đến ví dụ khác về những người đang quằn quại thoát khỏi những lời cáo buộc.

Theo đạo Do Thái, quá trình xin lỗi bắt đầu khi người mắc tội cầu xin sự tha thứ của nạn nhân. Trong tiếng Do Thái, “teshuvah” có nghĩa là “trở lại”. Tôi nghĩ rằng, điều này sẽ trao cho chúng ta bản đồ cho quá trình xin lỗi.

Tôi không mất nhiều thời gian để nhận ra điều này. Vợ cũ của tôi dường như rất vui khi nhìn thấy tôi nhưng đứa con hai tuổi của cô ấy lại đang ngủ trưa. Còn đứa con 4 tuổi của cô lại muốn chơi ở ngoài sân.

Do đó, phải chờ đến ngày thứ hai của chuyến đi, tôi mới thực sự được ngồi gần và trò chuyện với vợ cũ. Tuy phải chờ đợi nhưng đây là một phần của nhiệm vụ hàn gắn vết thương. Tôi từng mường tượng ra cảnh người vợ cũ đang hạnh phúc với cuộc sống mới nhưng cô ấy đã để tôi trở thành một phần trong niềm vui ấy.

“Cảm ơn em đã để tôi tới đây”, tôi nói.

Tôi giải thích rằng, mục tiêu của tôi là tạo ra không gian để cô ấy nói bất kỳ điều gì cô ấy cần chia sẻ với tôi. Tôi sẵn lòng nghe, xin cô ấy tha lỗi và sẽ không dùng bất kỳ lời nào để bào chữa cho mình. Tôi đưa ra điều này chẳng phải vì tôi chịu ảnh hưởng từ thuật ngữ “teshuvah” hay bất cứ kiểu xin lỗi, nghi lễ nào khác mà tôi đã từng đọc qua mà bởi vì dựa trên những nỗi đau tôi đã trải qua.

Tôi muốn các nhà trị liệu, những người từng kết thúc mọi thứ một cách đầy bạo lực làm việc này. Tôi muốn bố mẹ và những người từng có lỗi với tôi mà chưa bao giờ nói lời xin lỗi làm điều này. Có lẽ, tôi nghĩ, đây là một khao khát quá phổ biến: được lắng nghe thay vì được xin lỗi.

Cô ấy là người rộng lượng và nói rằng, việc tôi tới nhà cô đã là quá đủ với cô ấy. Tôi đang chờ đợi cô ấy giận dữ nhưng điều cô ấy cảm nhận lại là một nỗi buồn thăm thẳm. Cô ấy vốn biết rằng, mối quan hệ giữa chúng tôi trong suốt 14 năm đã ở trong tình trạng “thoi thóp”. Tuy vậy, cô ấy buồn, một nỗi buồn khó có thể tưởng tượng nổi về cách tôi đã rời bỏ cô ấy. 

 

Việc khiến cho ai đó buồn rất khác với việc làm cho ai đó cảm thấy bị đau hoặc sợ hãi. Đó là hành động gây ra sự sầu thảm và nỗi day dứt kéo dài lâu hơn. Tôi ngồi đó, lắng nghe từng lời cô ấy nói và cảm thấy vô cùng hối hận. Tôi nhớ đến tấm ảnh tôi từng nhìn thấy cô ấy ngồi bên cửa sổ, một vài tháng sau khi tôi rời bỏ cô ấy. Đầu cô ấy vẫn gần như hói do quá trình hoá trị liệu và cô ấy nhìn chằm chằm về phía camera, miệng cô ấy nhàu nhĩ như thể đang nuốt chửng cả thế giới. Và chính tôi là kẻ đã khiến cô ấy trở nên như vậy, tôi biết, và thậm chí tôi còn khiến cô ấy tồi tệ hơn.

Đương nhiên, theo bản năng, tôi hoàn toàn có thể biện hộ cho mình nhưng tôi muốn dành thời gian để chịu đựng sức mạnh từ những lời cô ấy thốt ra.

“Anh rất xin lỗi em”, cuối cùng tôi đã nói như vậy. “Anh xin lỗi em vì những nỗi đau quá lớn anh đã gây ra cho em”.

Chúng tôi cùng nhau nói về những cách tôi có thể sửa chữa lỗi lầm, bù đắp cho cô ấy. Tôi đã từng nghĩ về mọi thứ, từ việc giúp đỡ hai đứa con của cô cho đến việc đảm nhiệm công việc tình nguyện ở các phòng điều trị bệnh nhân ung thư. Nhưng không, cô ấy nói, việc tôi có thể làm để sửa chữa lỗi lầm trong quá khứ lại nằm chính ở việc tôi đang ngồi lắng nghe hết bao nỗi uất ức trong lòng cô ấy.

Sau đó, chúng tôi đã nói về “teshuvah”, tôi đã nghĩ về lý do cho những hành động tôi đã làm. Sự thật là vợ cũ và tôi đã từng lớn lên cùng nhau, bắt đầu hẹn hò khi tôi 20 tuổi. Ở một góc độ nào đó, cô gái ấy đã nuôi dưỡng tôi. Tôi sống bên một người mẹ ốm yếu và người người vợ cũ đã mang đến cho tôi cơ hội được yêu và được bảo vệ. Tuy nhiên, khi sự ốm yếu của cô ấy thử thách chuyện tình cảm giữa chúng tôi, tôi chỉ có thể nghĩ đến việc buông tay, thật quá giống với hành động của một đứa trẻ. Bác sĩ trị liệu của tôi đã giúp tôi nhận ra rằng, tôi là một người trưởng thành, có thể đứng trên chính đôi chân của mình và chịu trách nhiệm cho các quyết định của mình.

“Em tha thứ cho anh”, vợ cũ của tôi nói.

Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được cô ấy bao dung và bỏ qua cho lỗi lầm mình đã gây ra. Không phải ai cũng rộng lượng như vậy. Ấy vậy nhưng tôi tự hỏi liệu hành trình của chúng tôi có phải là khuôn mẫu để người khác làm theo hay không.

Sự thật là một lời xin lỗi hiếm khi là sự trao đổi riêng tư giữa hai người với nhau: Khi bạn làm tổn thương ai đó, bạn sẽ làm tổn thương nhiều người khác. Khi tôi bỏ rơi vợ cũ, tôi đã bỏ rơi cả cộng đồng bạn của tôi, những người từng nổi nóng vì hành động của tôi. Tôi đã khiến bọn họ cảm thấy buồn rầu. Họ đã lắng nghe câu chuyện của vợ tôi và sợ hãi rằng, người yêu của họ cũng có thể biến mất khỏi cuộc sống của họ vào một lúc nào đó.

Một mối quan hệ thân mật có thể xoá mờ các vết sẹo. Tôi hy vọng rằng, một lời xin lỗi xuất phát từ tận đáy lòng, được nói ra một cách công khai, có thể chữa lành những vết sẹo đau thương đó.

Theo The New York Times

Minh Phương

Tags: