Tôi đã có thể đối mặt với chứng lo âu nhờ một cuốn sách như thế nào?
Tôi đã có thể đối mặt với chứng lo âu nhờ một cuốn sách như thế nào?
Hiểu được chứng lo âu không dễ. Nhưng một cách nào đó qua những bức hình tinh tế và ngôn từ đơn giản, cuốn sách của LePage đã không chỉ giúp tôi hiểu được chính mình, mà còn giúp người khác hiểu được tôi, điều không phải cuốn giáo trình tâm lý nào cũng làm được.

Lần đầu tiên tôi lướt qua cuốn sách minh họa của Catherine LePage là khi đang dạo giữa các giá sách của cửa hiệu nọ. Ngày đó, tôi vừa nghỉ công việc full-time kéo dài trong vỏn vẹn một tuần đầy hoảng loạn, trước đó nữa là những ngày cầm chừng làm việc theo hợp đồng. Tôi khi ấy vô công rồi nghề, đầy bấp bênh và lo lắng hơn bất cứ thời điểm nào khác trong đời.

Cuốn sách nằm lặng thinh trong góc khuất cửa hàng, dựa lưng vào khoang sách self-help. Giữa lúc tôi bước lại gần đó, một phụ nữ trẻ, đang xem một cuốn sách về lòng tự trọng, vội ngoảnh mặt đi: hoặc là cô tôn trọng tôi, hoặc là đồng cảm, hay đôi khi cũng có thể là e dè khi nghĩ đến việc tôi đã quen đi lại ở khu sách này trong suốt vài tháng.

Giữa những tựa sách về thấu hiểu bản thân, chánh niệm và cải cách bản thân, ánh mắt của tôi dừng lại trước cuốn sách của LePage: một cuốn sách nhỏ, bìa cứng, với hình một chú nhím đang mắc kẹt giữa một biển bập bềnh những trái bong bóng màu đỏ.

 

 

Cuốn sách có tên "Thin Slices of Anxiety" (Tạm dịch: Những lát cắt lo âu)


Tôi nhấc cuốn sách lên từ giá, mở trang đầu tiên, đọc dòng mở đầu:

“Bạn có đang lo lắng không?”

Tôi lật qua trang kế.

“Tôi có.”

Nối tiếp là những bức tranh minh họa mô tả những trải nghiệm hàng ngày khi phải sống trong nỗi lo âu. Bằng những phác họa tinh tế cùng quan sát cá nhân, LePage mong muốn ghi lại được những đặc trưng tính cách và mẩu suy nghĩ của chúng ta, những nhược điểm, những thói quen của ta, và phơi bày chúng trên những trang giấy.

Trên một trang giấy, cô vẽ một Sơ đồ các nhân tố cấu thành phản ứng: một biểu đồ mối quan hệ điều kiện đầy những chữ “If” (Nếu) được nối với nhau bằng những mũi tên. Cùng với đó, cô viết: “Việc ra được một quyết định dù đơn giản cũng trở nên bất khả. Tôi lúc nào cũng nhìn thấy đồng thời cả hai mặt của đồng xu. Và đôi khi, không chỉ dừng ở hai.”

 

Ra một quyết định đơn giản cũng trở thành điều bất khả vì tôi suy nghĩ đến quá nhiều khả năng


Một bức hình minh họa hai đồng xu, một ghi “mặt tốt”, đồng xu còn lai ghi “mặt xấu”, được nối với nhau bằng nét mực, tạo thành hình cặp kính nhìn ra thế giới.

LePage đã minh họa những thói quen kích thích nỗi lo âu trong cô – cảm giác kiệt quệ tích tụ, che đậy cảm xúc, đặt mục tiêu quá cao, gánh nặng trách nhiệm dồn nén – và đặt ra câu hỏi: “Khi tôi đã biết những nguyên nhân khiến tôi lo âu, cớ sao tôi vẫn cứ lặp lại những hành vi không hề tốt đẹp đó?”

 

Cặp kính mà tôi dùng để nhìn thế giới


Như một cuốn truyện, cứ càng lật mở, những bấp bênh cảm xúc của một người mắc chứng lo âu thường xuyên lại càng được lột tả rõ rệt, kéo người đọc vào một thế giới với những nhân vật tí hon đang quay vòng đùa nghịch bên đống lửa, cho tới khi – như một món đồ chơi dây cót – chúng chựng lại và sập xuống.


“Nó luôn luôn kết thúc như vậy, và rồi tôi phải đối mặt với nỗi lo sợ lớn nhất của mình. Sự trống rỗng”.


Một cô gái chìm nghỉm khỏi con thuyền, vẫn nỗ lực chèo nhưng chỉ có thể khua vô vọng vào dòng nước. Một nhân vật mắc kẹt trong căn nhà xếp từ những lá bài, sống dưới con mắt của những người khác, lo sợ bị phán xét. Một vận động viên khúc côn cầu đang chôn chân trước khung thành, bị sự phân vân làm cho đơ cứng.

 

 


Cảm xúc được đẩy lên đỉnh điểm qua một lời thú nhận. LePage viết: “Tôi đã dành quá nhiều năm dồn nén cảm xúc của mình đến mức tôi đánh mất cả mối liên hệ với chúng. Tôi muốn thay đổi, nhưng tôi không biết làm thế nào, và vì thế tôi cảm thấy thật tội lỗi với tình trạng tệ hại của bản thân. Chính tôi, con người đã được ưu ái ban tặng mọi thứ trên đời. Sức khỏe, tình yêu, mọi thứ.”

Cũng giống như bản thân trải nghiệm lo âu, tiết lộ này không thể giúp ta giải tỏa, và cuốn sách kết thúc sau đó chỉ vài trang.


“Tôi không bao giờ có thể hài lòng. Cuối cùng thì tôi cũng chỉ là một con người.”


 

Đứng giữa hàng sách self-help, lần đầu tiên trong đời tôi đã phạm phải cái tội lỗi của việc chọn mua sách: tôi đã đọc cuốn sách từ đầu đến cuối. Và rồi tôi thậm chí còn xúc phạm cả những quy ước mặc nhận của cửa hiệu, tôi nhận thấy mình đang khóc.

Trong một thế giới mà những “lo âu” về tiền bạc, các mối quan hệ và sự thành đạt chỉ để đánh dấu rằng bạn đã trải qua chuyện như thế; nơi mà sức khỏe tinh thần, nhẹ thì bị hiểu sai, mà tệ nhất là bị xem thường; thì thật hiếm có thể tìm thấy ai hiểu được trải nghiệm lo âu ở mức phổ quát đến thế. Cố gắng giải thích với bạn rằng tôi hủy kế hoạch đi ăn tối vì tôi đơn thuần là không lên đủ tinh thần để ra khỏi nhà. Cố gắng để che giấu sự mệt mỏi của mình ở nơi làm việc, giữa lúc đã kiệt quệ vì những đêm lo lắng trằn trọc. Chân tay cứ xoắn xuýt, răng nghiến lại, tim đập ngày một nhanh, vắt kiệt năng lượng ra khỏi bạn.

Việc giải thích thứ cảm giác thâm nhập tới mọi ngóc ngách cuộc sống này gần như là không thể - mọi quyết định, mọi khả năng, quá khứ, hiện tại, tương lai – ào ạt tràn qua tâm trí tôi, cuộn lại tạo thành một quả bóng ngày một nén chặt, cho tới khi cảm giác như thể chẳng còn bất kì không gian nào để tôi có thể di chuyển, hoạt động hay thở nữa.

Và trên tất cả, chính là cảm giác tội lỗi đến tê dại khi phải cảm thấy lo âu, cảm thấy khổ sở và thèm muốn, trong khi tôi đã được nhận quá nhiều ưu ái và thuận lợi trong đời. Giải thích điều đó không dễ. Nhưng thế nào đó, qua những bức hình và lời lẽ đơn giản, LePage đã có cách của cô ấy.

Bìa sau của cuốn sách ghi: “Những cảm xúc được cắt lát và minh họa thì dễ tiêu hóa hơn rất nhiều”, và có lẽ LePage có chủ đích gì đó. Bạn có thể tìm đọc sách giáo trình đặc những kiến thức về cơ chế vận hành của não bộ lo âu, hay nghe những cuộn băng hướng dẫn thở và chánh niệm – nhưng sức mạnh của cuốn sách của LePage là ở chỗ cô không chỉ nắm bắt được tình trạng tâm lý, mà còn cả những trải nghiệm cảm xúc đi kèm với nó. Mổ xẻ những suy nghĩ hàng ngày và những khoảnh khắc của lo âu thường trực – rồi giữ nó trên trang giấy, tô màu cho chúng – một cách nào đó khiến chúng trở nên đỡ nặng nề hơn.

 

aff

 


Tôi đã đưa cuốn sách này cho người yêu, cho gia đình, một vài người bạn thân, như một cách để giải thích cho chính mình và cho cảm giác của mình. Họ lại giới thiệu chúng cho những người khác, bắt đầu trò chuyện, lật qua những trang sách và nói: “Nói tôi nghe về cái này đi.”

Và tôi nghĩ đó đúng là những thứ tôi đang kiếm tìm trong dãy sách ở cửa hiệu hôm đó. Một cuốn sách mà không chỉ có thể giúp tôi hiểu mình, mà còn giúp cho người khác hiểu được tôi – và bằng cách đó thì cũng có thể khiến tôi đỡ cô độc hơn, dù ít nhất là trong khoảnh khắc.

 

Trạm Đọc (Read Station)

Theo The Guardian