Tham gia chia sẻ tại chương trình, có ông Vũ Quốc Tuấn - Thư ký đầu tiên của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Trần Văn Thọ - Thành viên đầu tiên tổ tư vấn Thủ tướng, ông Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, bà Vũ Kim Hạnh - nguyên TBT báo Tuổi trẻ, với sự dẫn dắt của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Trong suốt sự nghiệp của mình, cố Thủ tướng, nhà chính trị kiệt xuất Võ Văn Kiệt - còn được biết đến với tên gọi thân ái “ông Sáu Dân” – đã để lại nhiều di sản quý giá cho Việt Nam, đặc biệt là trong quá trình đổi mới, xây dựng đất nước. Ông cũng là Người Truyền Lửa cho các thế hệ lãnh đạo kế tiếp cùng hàng triệu người Việt đang sinh sống khắp năm châu. Đó là ngọn lửa của lòng yêu Nước thương Dân, ngọn lửa của tư duy Đổi mới, sáng tạo, ngọn lửa của tinh thần Học hỏi, Lắng nghe, ngọn lửa của tâm tình Bao dung, Hòa hợp… như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan viết về ông.
Cuốn sách “VÕ VĂN KIỆT 100 năm trong một chữ DÂN” bao gồm 32 bài viết hầu hết chưa từng được xuất bản của nhiều tác giả là các chính trị gia, nhà nghiên cứu, chuyên viên, các nhà văn, nhà báo, kể lại những câu chuyện liên quan đến cuộc đời hoạt động và di sản của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - một người đã dũng cảm dấn thân vì sự nghiệp vẻ vang của dân tộc với tầm nhìn xa trông rộng nhưng lại rất gần gũi với thực tiễn đời sống của đất nước qua nhiều giai đoạn. Ông luôn luôn trăn trở, tìm tòi, đột phá trong cả tư duy và hành động.
Những năm 1975-1990, ông Võ Văn Kiệt được người dân yêu quý đặt nhiều biệt danh. Như biệt danh “Chủ tịch gạo” vì đã cho phép công ty lương thực cùng các sở ngành tới các tỉnh mua lúa sát theo giá trị trường, gấp 5 lần giá thu mua của nhà nước, để giải quyết nhanh vấn đề thiếu lương thực nghiêm trọng của thành phố HCM.
Biệt danh “Bí thư xé rào” vì đã tìm cách để sản xuất công nghiệp có đủ vật tư nguyên liệu điện xăng dầu và phụ tùng thay thế thay vì ngồi chờ TƯ điều chỉnh chủ trương đã không còn hợp thời.
Chỉ đạo khảo sát và xây dựng nhà máy thủy điện Trị An (!978), cứu nguy cho công nghiệp Tp HCM, góp phần điện khí hóa nhiều khu vực nông thôn Nam bộ.
Năm 1987, trên cương vị Phó Chủ tịch, rồi Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ), ông đã chỉ đạo soạn thảo và ban hành ra hàng loạt văn bản thuộc hệ thống pháp luật có tính bản lề cho Đổi mới.
Từ năm 1991-1997, ở vai trò Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Thủ tướng Chính phủ, ông đã chỉ đạo khởi công xây dựng Hệ thống đường dây tải điện 500kV và hàng loạt dự án thủy điện sau đó.
Rồi chỉ đạo của ông trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước trong đó liên minh châu Âu, ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ…
Trong những năm cuối đời, ông Võ Văn Kiệt tiếp tục đóng góp nhiều kiến nghị sắc sảo góp phần đổi mới đất nước, xã hội con người; góp ý đổi mới các hoạt động của Đảng, Quốc hội và các đoàn thể chính trị. Ông Trần Đức Nguyên - một nhà nghiên cứu, chuyên gia tư vấn độc lập về các vấn đề xã hội, từng có nhiều năm làm việc với ông Võ Văn Kiệt - cho rằng đây là trăn trở thường xuyên của chính khách Võ Văn Kiệt rút ra từ thực tế cuộc sống và từ trải nghiệm của bản thân qua hơn 60 năm hoạt động cách mạng ở nhiều cương vị khác nhau. Đó là bài học đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ, tự do, phát huy truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời của dân tộc.
Cũng trong dòng suy nghĩ về đại đoàn kết dân tộc, ông Võ Văn Kiệt nổi tiếng là người tôn trọng và lắng nghe trí thức, xem trí thức là hiền tài, là nguyên khí quốc gia, không phân biệt nguồn gốc đào tạo. Sau năm 1975, nhiều trí thức vốn là những nhân vật có tiếng tắm trong chế độ cũ, chưa quen chịu nghịch cảnh trong cuộc sống mới nên đã tìm cách vượt biên nhưng không thành, đã được ông thân tình giúp đỡ và chia sẻ nỗi niềm. Điều đó giải thích tại sao ông nhận được lòng quý mến của giới trí thức. Huỳnh Bửu Sơn - chuyên viên ngân hàng, là một thành viên tích cực của Nhóm Thứ Sáu, có cơ hội làm việc thường xuyên với ông Võ Văn Kiệt - từng bộc bạch chân thành trong một bài viết rằng: “Tôi bị ông thu hút bởi đức độ, một trái tim bao dung, nhân hậu, lòng yêu nước yêu dân sâu đậm và một sự minh triết đáng kinh ngạc”.
Qua những lời kể trong cuốn sách này, người đọc còn biết thêm nhiều câu chuyện và giai thoại về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, từ những chuyến đi công tác nước ngoài gặp gỡ các chính khách, tới những góc khuất trong cuộc sống đời thường như chuyện lập gia đình, chuyện tiếp bạn từ thuở “mày tao chi tớ” ở quê nhà.
Những người thực hiện mong muốn buổi tọa đàm cũng như cuốn sách sẽ góp phần khắc họa rõ nét hơn, chân thực hơn chân dung ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt, một nhà lãnh đạo tài năng thời kỳ đất nước đang chuyển mình đổi mới.
Trong khuôn khổ của buổi tọa đàm, Ban biên tập cuốn sách sẽ dành tặng 100 cuốn sách “VÕ VĂN KIỆT 100 năm trong một chữ DÂN” cho đội ngũ chuyên gia, chính khách, cùng các thành viên trẻ ưu tú của Viện Lãnh đạo ABG.
- Trạm Đọc -