Trong không gian ấm cúng và gần gũi của Trạm Đọc (Read Station), các khách mời - là các chuyên gia đầu ngành - đã cùng nhau chia sẻ góc nhìn về câu chuyện quản trị chiến lược trong bối cảnh kinh tế đầy biến động, trải lòng về chuyện trong nghề - những “nỗi đau không biết ngỏ cùng ai”, cũng như chia sẻ các kiến thức hữu ích cho cộng đồng.
Một điểm nhấn đặc biệt trong sự kiện là phiên thảo luận sôi nổi giữa tác giả, khách mời và độc giả tham dự. Nhiều câu hỏi thú vị và đầy thách thức đã được đưa ra như:
- Vì sao doanh nghiệp chỉ nhìn thấy “cây” mà không nhìn thấy “rừng” - chỉ tập trung vào một lợi ích trước mắt mà không nhìn được bức tranh tổng thể?
- Khách hàng có trước hay chiến lược có trước?
- Quản trị chiến lược khác gì với Corporate Governance?
Phần chia sẻ và giải đáp của các khách mời đã mang lại nhiều góc nhìn quý giá, giúp người tham gia hiểu rõ hơn về cách áp dụng lý thuyết quản trị vào thực tế, xác định rõ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp cũng như mở rộng góc nhìn ra thế giới bên ngoài.
Mở đầu phần chia sẻ, tác giả cuốn sách Quản trị chiến lược thực chiến – Tiến sĩ Trần Quốc Việt – Viện trưởng viện nghiên cứu và ứng dụng quản trị doanh nghiệp (IBS), đưa ra khái niệm thú vị về Rừng và Cây. Anh nhắc lại câu nói được in trên bìa cuốn sách Quản trị chiến lược thực chiến vừa ra mắt “BẠN PHẢI NHÌN THẤY MỘT RỪNG CÂY, CHỨ KHÔNG CHỈ MỘT CÁI CÂY”. Cái cây là hình ảnh ẩn dụ cho một doanh nghiệp. Nếu chỉ mải miết chăm cây - xây doanh nghiệp, mà không nhìn rộng ra rừng cây - thế giới toàn cảnh, thì doanh nghiệp đó có thể chỉ không phát triển xa hơn được.
Chị Đặng Thúy Hà – Giám đốc miền Bắc NielsenIQ Việt Nam tiếp nối với cách giải thích dễ hiểu khái niệm "cây" và "rừng". Chị đã đưa ra một vài ví dụ thực tế, để làm rõ khái niệm này:
- Doanh nghiệp tăng trưởng hàng năm nhưng không hiểu vì sao lại mất thị phần: Điều này xảy ra khi doanh nghiệp chỉ tập trung vào mình mà không để ý đến sự thay đổi và cạnh tranh từ bên ngoài.
- Doanh nghiệp thành công gần 10 năm nhưng khi ra mắt sản phẩm mới vẫn thất bại: Doanh nghiệp không nắm bắt được sự biến động và xu hướng mới trong thị trường, dẫn đến việc không thể cạnh tranh được với các đối thủ.
Anh Nguyễn Đức Sơn – Chủ tịch Plato & Interloka nhấn mạnh rằng, một người quản trị tỉnh thức không chỉ nhìn thấy cái cây trước mắt mà còn phải nhìn được cái cây tiếp theo. Muốn tiến lên phía trước, đôi khi cần phải lùi một bước để tự nhìn lại mình một cách tổng thể.
Anh cho rằng, việc lùi lại để xem xét toàn cảnh giúp người quản trị có cái nhìn sâu sắc hơn về doanh nghiệp của mình, từ đó có thể đưa ra các chiến lược phù hợp để phát triển và cạnh tranh trong thế giới kinh doanh ngày càng khốc liệt.
PGS - Tiến sĩ Hà Xuân Tùng – Trưởng khoa Quản trị kinh doanh – Trường đại học Kinh tế quốc dân đã chia sẻ những suy nghĩ sâu sắc về quá trình quản trị doanh nghiệp. Anh nhận định rằng, trong thâm tâm mỗi người đều mong muốn nhìn thấy cả khu rừng rộng lớn, tượng trưng cho toàn cảnh thế giới cạnh tranh bên ngoài. Tuy nhiên, vì những áp lực của cuộc sống như cơm áo gạo tiền, chúng ta thường chỉ nhìn thấy cái cây trước mắt, tức là doanh nghiệp của mình, mà chưa thể nhận ra được toàn cảnh khu rừng.
Anh cũng nhấn mạnh rằng có rất nhiều công cụ quản trị đã được đúc kết từ hàng nghìn case study trên toàn thế giới. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải biết sử dụng những công cụ này một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của từng doanh nghiệp.
Anh Trần Quốc Toàn – Phó chủ tịch công ty CP tập đoàn TLC chia sẻ góc nhìn về sự khác biệt giữa các doanh nghiệp lớn và SME trong việc xác định chiến lược. Ông nhận định rằng các doanh nghiệp lớn thường có các agency tư vấn chiến lược, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) không phải ai cũng có điều kiện để thuê dịch vụ này.
Từ góc độ cá nhân, anh Toàn trải lòng bản thân từng là "nô lệ của lý thuyết." Anh đã tham gia rất nhiều khóa học và cố gắng áp dụng lý thuyết một cách máy móc vào doanh nghiệp, khiến đội ngũ phải chạy theo một cách căng thẳng. Sau đó, anh nhận ra rằng nhiều công thức, lý thuyết cần phải tinh chỉnh để phù hợp với nhân sự và thực tế của doanh nghiệp mình.
Đồng thời, buổi tọa đàm cũng là buổi ra mắt cuốn sách "Quản trị chiến lược thực chiến" của tác giả TS. Trần Quốc Việt. Cuốn sách tổng hợp những chiến lược và kinh nghiệm từ các thương hiệu hàng đầu, cung cấp kiến thức cần thiết để các CEO và nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể đối phó với mọi thách thức trong môi trường kinh doanh hiện đại.
Đặc biệt cuốn sách còn truyền cảm hứng và mở rộng tầm nhìn, giúp độc giả “nhìn rõ" đường đi, cách để nắm bắt cơ hội, vượt qua thử thách, đồng thời suy ngẫm về việc phát triển bền vững để hướng tới tương lai. Theo PGS TS. Hà Sơn Tùng - Trưởng khoa Quản Trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân “Đây là cuốn sách mà độc giả có thể tin tưởng, vì không chỉ có lý thuyết mà còn chưa đựng trải nghiệm suốt 27 năm của tác giả”.