“Ngay từ khi biết mình sẽ được làm mẹ của một thiên thần nhỏ, trên đời này có ai mà không tha thiết ước mong sự khởi đầu trọn vẹn “mẹ tròn con vuông”. Nhưng rồi có một ngày, có những ông bố bà mẹ - trong đó có tôi - đón nhận vào đời mình đứa con ruột thịt kém may mắn. Chúng tôi cay đắng đối diện với thực tại: Cuộc sống của con và cả gia đình không hề vuông, cũng chẳng được tròn” - tác giả Lê Thị Phi Nga đã viết trong cuốn tự truyện “Đưa con trở lại thiên đường”.
Hành trình đưa cậu con trai Cún Nicky trở lại thiên đường của tác giả chính là cuộc “dấn thân vào địa ngục, tìm hiểu và khám phá thế giới u tối” của đứa con mắc bệnh tự kỷ, mà có lúc tưởng chừng người mẹ ấy đã tuyệt vọng, muốn tìm đến cái chết để giải thoát. Chỉ có tình yêu vô bờ bến mới giúp người mẹ sẵn sàng hy sinh tất cả vì con, để rồi qua bao chặng đường gian nan, bao nhiêu lần tự nhủ “đừng tuyệt vọng”, câu chuyện đã kết thúc có hậu.
Cũng là những trang viết thật cảm động nhưng không bi thương, đầy day dứt mà không u ám là tự truyện “Megan muốn về nhà và mẹ cũng thế” của tác giả Bạch Thái Hà. Tai họa ập đến khi cô bé Megan 9 tuổi của tác giả “có các dấu hiệu bệnh Leukemia” - ung thư bạch cầu. Từ cảm giác bàng hoàng, rối loạn, không nhìn thấy gì, không nghe thấy gì, từ ý nghĩ tiêu cực “thế là hết rồi”, người mẹ đã cùng con vượt qua cú sốc, vượt qua bao tháng ngày ăn ngủ trong bệnh viện để giành giật sự sống. Cuốn tự truyện của Bạch Thái Hà là lời động viên, tiếp sức cho những ai đang gặp khó khăn trắc trở, bởi chị cho rằng “số phận là do ông trời sắp đặt nhưng cách vượt qua nó thì bạn là người quyết định. Ai cũng phải chiến đấu với cuộc sống, ai rồi cũng chết, nếu ta không được lựa chọn đích đến thì ta phải chọn được hành trình, tâm thế bước vào hành trình đó. Sống dũng cảm, sống nỗ lực và yêu cuộc đời”.
Sống dũng cảm, sống nỗ lực cũng là lựa chọn của tác giả Nguyễn Bích Lan. Tự truyện “Không gục ngã” của chị từ khi ra đời đã “đốn tim” biết bao độc giả bởi nghị lực phi thường mà chị mang đến trong từng trang sách. Đồng hành với chị trên chặng đường vượt qua số phận, từ cô bé 13 tuổi mắc bệnh nan y buộc phải nghỉ học trở thành dịch giả, tác giả sau này, là những người thân trong gia đình, đặc biệt là mẹ. Chị viết về người mẹ kiên cường một mình xoay xở nuôi nấng đàn con: “Chỉ khi nhiều khó khăn, nhiều biến cố xảy ra với gia đình tôi cùng lúc, tôi mới biết mình có một người mẹ tuyệt vời thế nào”. Chính lòng can đảm, đức hy sinh, sự cần kiệm và nghị lực phi thường của mẹ đã thôi thúc các con quyết tâm học tập, cố gắng vươn lên trên con đường vào đời.
Người mẹ của tác giả Bích Lan có lẽ cũng như triệu triệu bà mẹ khác trên thế giới này, luôn tất cả vì con. Thế mới hiểu vì sao lâu nay người ta luôn ví lòng mẹ như biển rộng sông dài. Để những đứa con như Nguyễn Hồng Công, Nguyễn Ngọc Sơn..., dẫu mang trọng bệnh vẫn cố gắng phi thường để sống, nỗ lực học tập và làm việc, không phải chỉ vì chính mình mà còn vì những người thân yêu.
Đọc “Xin đừng khóc nữa mẹ ơi” của Nguyễn Hồng Sơn, độc giả không thể cầm được nước mắt khi anh biết tin “bệnh viện trả về” và sợ hãi nghĩ “Mẹ ơi, con đã giết mẹ rồi”, lo lắng đến nỗi đau mẹ phải “chứng kiến những giây phút cuối cùng đứa con sắp lìa xa vòng tay yêu thương của mình”. Còn với tác giả Nguyễn Hồng Công trong “Khát vọng sống để yêu”, mẹ “là cái ô để che mưa che nắng, là bến cảng bình yên để con thuyền tôi tránh bão táp mưa sa. Mẹ chính là điểm tựa, vừa là động lực quan trọng nhất, để tôi vượt qua những thời điểm khó khăn trong cuộc sống”. Khi biết mình “không còn sống được bao lâu nữa”, Nguyễn Hồng Công chỉ lo lắng cho mẹ, chị viết nhật ký, động viên “điểm tựa” của mình: “Mẹ hãy gắng lên... Đừng khóc nhiều mẹ nhé”!
Không phải là nhà văn chuyên nghiệp, nhưng những câu chuyện có thật và cảm xúc chân thật trong những cuốn tự truyện nói trên đã khiến trái tim của độc giả ngân rung. Bạn đọc nào cũng sẽ cảm thấy xúc động và gần gụi, thân thiết trước tình yêu thương hiện hữu trên từng trang viết ấy.
Theo Hà Nội Mới