Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh: Thiếu phương pháp, việc đọc sẽ trở thành áp lực!
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh: Thiếu phương pháp, việc đọc sẽ trở thành áp lực!
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh là người sáng lập mô hình Câu lạc bộ (CLB) Đọc sách cùng con, đồng thời là người tổ chức mô hình trại hè EcoCamp góp phần xây dựng văn hóa đọc cho trẻ. Những chia sẻ dưới đây của Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh về câu chuyện này được rút ra từ chính những hoạt động thực tế của bà với độc giả thiếu nhi trong nhiều năm qua.

Thưa Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh, là một nhà giáo dục, bà nghĩ gì về nhu cầu trải nghiệm để trưởng thành cả về thể chất và tinh thần của trẻ trong dịp hè?

- Năm nào đến hè tôi cũng nhớ lại những mùa hè dài mướt mải mồ hôi vì bêu nắng của mình và muốn được thử đặt mình vào vị trí của bạn trẻ bây giờ để hiểu được niềm mong đợi mùa hè của các bạn ấy. Thật khó, khi mà cuộc sống trở nên đầy đủ hơn - mọi phương tiện công nghệ dường như đã đáp ứng nhu cầu giải trí, khám phá trong thế giới ảo của trẻ. Nhưng cũng chính điều đó đã khắc sâu thêm những thiếu hụt mà trẻ cần được bù đắp. Chỉ cần lãng đi một chút là cả một mùa hè đã qua với sự “hài lòng” được lặn ngụp thoải mái trong thế giới công nghệ, cơ hội thở hít khí trời, lắng nghe thiên nhiên, chạy nhảy vui đùa chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trước đây, việc sinh hoạt hè tại phường, xã, thôn xóm rất phổ biến nhưng giờ đây, với những thay đổi trong đời sống xã hội, không mấy ai an tâm mà thả trẻ ra đường. Những mùa hè vận động tích cực hằng ngày dường như đã trở nên xa xỉ cho dù các bậc phụ huynh vẫn rất quan tâm đến việc này... Vì những lẽ đó, cứ mỗi năm đến hè tôi lại băn khoăn, không biết trẻ nhỏ có được một mùa hè đúng nghĩa hay không?

Đọc sách là một trong những trải nghiệm quan trọng giúp cho trẻ có một “mùa hè, mùa lớn” đúng nghĩa. Tuy nhiên, đọc thế nào và tổ chức việc đọc cho trẻ ra sao lại là một vấn đề cần tâm huyết, hiểu biết thực sự?

-  Tôi cho rằng, việc đọc sách mùa hè phải khác việc đọc sách trong năm học. Đó là một “sân chơi tĩnh” với những trò chơi khám phá đầy màu sắc diễn ra trong tâm hồn trẻ, gọi trẻ đến với “sân chơi động” - chính cuộc sống xung quanh với sự tham gia nhiệt tình của mọi giác quan. Với một bạn nhỏ đã thích đọc sách rồi, quỹ thời gian rộng dài của mùa hè cho bạn cơ hội được thả trí tưởng tượng bay xa cùng câu chuyện, đọc xong vẫn vương vấn mơ mộng - khoảng thời gian dành cho khúc vĩ thanh này, đôi khi trẻ chỉ ngồi mà nghĩ ngợi mông lung, cũng rất quan trọng. Nó giúp trẻ “ngấm” mọi chi tiết, nội dung, cảm xúc..., từ đó hình thành giá trị sống tiến bộ bền vững.

Với những trẻ chưa có thói quen đọc thì việc mời mọc chúng bắt đầu việc đọc, những chia sẻ, khuyến khích một cách có phương pháp mới giúp các em thật sự có động lực đến với sách, có kỹ năng để khai thác sách, khiến việc đọc sách không phải là việc người lớn muốn em làm mà là việc em muốn bắt đầu.

Thiếu phương pháp, nhiều người lớn vô tình khiến việc đọc sách trở thành áp lực mới bên cạnh việc học. Thiếu phương pháp, chúng ta sẽ rơi vào chủ nghĩa hình thức với những “chiêu trò” hay “vở diễn” để chứng minh một phong trào.

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh

Bên cạnh mô hình CLB Đọc sách cùng con, nhiều năm qua, bà và cộng sự đã tổ chức những trại hè đặc biệt với một hệ sinh thái đọc sinh động. Mô hình này đã áp dụng những phương pháp đọc đúng cho trẻ như thế nào?

- EcoCamp của chúng tôi là một trại hè thiếu nhi thường niên dành cho các bạn trẻ từ 6 - 15 tuổi mà ở đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc đọc sách như một công cụ tự học, tự tìm tòi trong quá trình trải nghiệm cuộc sống. Không chỉ các trại viên, các anh chị phụ trách tuổi sinh viên cũng là những hạt nhân tham gia vào “hệ sinh thái” đọc ấy.

“Hệ sinh thái đọc” - khái niệm này liên quan đến không gian đọc, hoạt động đọc, cộng đồng người đọc các lứa tuổi và ảnh hưởng tương hỗ của họ. Ở trại hè EcoCamp, chúng tôi đặc biệt dành nhiều công sức xây dựng góc thư viện và tổ chức những sự kiện sách thay đổi theo ngày. Những kỹ năng đọc, nghe, nói, viết đều được chú trọng qua các cuộc thi, tọa đàm, sân khấu hóa tác phẩm với những cái tên thú vị: Giọng đọc sởn gai ốc; Đọc thì được, không đọc thì thiệt...

Dự kiến, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các đợt trại hè năm nay của chúng tôi sẽ diễn ra với không gian mô phỏng một nhà xuất bản, tạo điều kiện cho các trại viên quan sát và tham gia vào quá trình xuất bản một cuốn sách, từ đó các em sẽ có thêm những trải nghiệm, có nhiều rung động hơn khi cầm một cuốn sách trên tay.

Sách sẽ xuất hiện tự nhiên ở khắp nơi: Trong thư viện, trong phòng ở, phòng học, phòng ban chỉ huy... Nhưng sách không chỉ là đích đến. Sách còn là phương tiện đưa các bạn trẻ đến với cuộc sống, khuyến khích các bạn nhìn quanh, nghe, cảm nhận... để rồi lại quay lại với sách tìm lời đáp cho muôn vàn câu hỏi xuất hiện khi va chạm thực tế, tương tác với mọi người. Sẽ có những nhiệm vụ liên quan đến nội dung sách, hoặc những thử thách cần đọc sách mới có thể vượt qua.

Trong thời gian ngắn ngủi ở trại, chúng tôi vẫn kịp tổ chức hội nghị, hội thảo, tranh biện hoặc vài cuộc giao lưu với nhà văn, nghệ sĩ - những người tạo cảm hứng đọc và sống cho các bạn trẻ thông qua câu chuyện cuộc đời mình và những kỹ năng nghề nghiệp đặc trưng mà họ chia sẻ cùng bạn trẻ.

Mô hình trại hè mà tôi theo đuổi có dáng dấp của trại hè ở Nga mà tôi từng may mắn trải qua năm tôi học lớp 8. Ở trại hè, trẻ được quyền lựa chọn để tham gia hoạt động chuyên môn mà mình mong muốn được thử sức. Mọi xưởng hoạt động sẽ được chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng đón các em vào trải nghiệm, lao động hoặc sáng tạo: Xưởng vẽ, xưởng thủ công, xưởng bánh và quầy bar, xưởng thí nghiệm khoa học...

Chưa có cơ hội tiếp cận các dạng hoạt động, trẻ khó có thể dần kiểm chứng khả năng, sở thích của mình để tìm được hướng đi tối ưu cho việc định hướng nghề nghiệp sau này. Việc đọc được tích hợp vào các hoạt động này. Ví dụ, để chuẩn bị cho cuộc thi nấu ăn, các trại viên đọc sách nấu ăn hoặc các tản văn của Thạch Lam, Vũ Bằng để biết công thức, tạo cảm xúc. Hoặc làm đồ thủ công với các sản phẩm liên quan đến nội dung sách...

Thật ra nỗi lo trẻ không chịu đọc sách lâu nay của phụ huynh lại không phải do lỗi của trẻ! Một câu hỏi cũ, nhưng các bậc cha mẹ có thể thay đổi từng chút gì ngay tại nhà mình để tạo dựng môi trường đọc tốt nhất cho trẻ, thưa bà?

- Cá nhân tôi cho rằng, các bậc phụ huynh có thể làm rất nhiều thứ để xây dựng văn hóa đọc (thói quen và kỹ năng đọc) trong gia đình. Cụ thể là: Thiết kế không gian đọc êm ái, thuận tiện, đủ sáng, giá sách thấp vừa phải để trẻ có thể tự lấy sách, ngắm sách, sắp xếp sách. Cùng đọc với trẻ để tạo cộng đồng đọc nhỏ trong gia đình. Đưa trẻ đi hiệu sách hằng tháng, hằng quý.

Bên cạnh đó, cha mẹ, ông bà có thể cùng nhắc đến các nhân vật trong cuốn sách mà trẻ mới đọc như thể họ là người quen, người thân. Rồi cùng làm đồ chơi theo chủ đề trong sách, cùng “chơi” với từng từ, câu, đoạn văn của tác giả: Thử mô tả từ bằng động tác cơ thể; tìm các phương án thay thế từ, câu... Đặc biệt, phụ huynh tuyệt đối không ép buộc hay lôi cuốn trẻ đọc sách bằng những món quà, tiền. Luôn nói “mời” chứ không nói “phải làm!”.

Nói tóm lại, chìa khóa của việc xây dựng văn hóa đọc gia đình là tôn trọng “quyền không đọc” của  trẻ!

Như người ta thường nói: “Đủ nắng cây sẽ nở hoa!”, việc đọc cũng được xới xáo lên, đủ lôi cuốn là trẻ em sẵn sàng “thử sức”!

Chân thành cảm ơn những chia sẻ của bà!

 

Theo Hà Nội Mới

Tags: