Tích
Tích "nghiệp thiện" từ điều nhỏ vẫn làm hằng ngày
Con Đường Chuyển Hóa - Sa Môn Thích Pháp Hòa
(10 lượt)
Trong kinh Pháp Cú, câu thứ 121, đức Phật dạy thế này:

“Chớ chê khinh điều ác

Cho rằng chưa đến mình.

Như nước nhỏ từng giọt,

Rồi bình cũng đầy tràn.

Người ngu chứa đầy ác

Do chất chứa dần dần.”

Đức Phật dạy câu kinh này do một sự việc. Có một thầy, thầy có một tật xấu là xài phung phí đồ của tăng chúng. Đã vậy, thầy không bao giờ gọn gàng, dùng xong đồ ở đâu, quăng ở đó, không bao giờ biết cất lại chỗ cũ. Mọi người trong chúng đều phiền lòng. Ví dụ, người ta quy định cây kéo phải để ở một chỗ nào đó, thì ổng lấy cây kéo ở chỗ này nhưng khi dùng xong lại quãng cây kéo ở chỗ khác. Hoặc ổng lấy cái tô để ăn, ăn xong quăng cái tô ở đâu đó. Cứ như vậy, năm này qua tháng nọ, mọi người trong chùa thấy phiền nên nhắc nhở ổng nhưng hễ nhắc thì ổng nói: “Ba cái chuyện lặt vặt mà cứ nói hoài. Chuyện nhỏ mà”.

Trong cuộc sống hằng ngày của mình, những chuyện tương tự có thường xảy ra không? Có những người như vậy đó, những chuyện không hay mà cứ làm hoài, lâu ngày chuyện nhỏ thành chuyện lớn. Trở lại câu chuyện lúc nãy, một hôm nọ, các thầy chịu hết nổi mới lên thưa với Phật. Phật gọi thầy đó tới, Phật hỏi: “Có phải thầy sống trong chúng mà lại có thói quen như vậy không?”. Không trả lời câu hỏi của Phật, thầy đó lại nói: “Ba cái chuyện lặt vặt mà cứ nói hoài”. Khi ấy, Phật mới giảng câu kinh thứ 121 này, và sau đó Phật nói: “Ví dụ, trời đang mưa, thầy lấy một cái thau ra hứng nước. Nếu đó là một cơn mưa rất nhỏ, thầy chỉ hứng được một chút nước trong thau thôi, nhưng nếu ngày mai trời lại mưa và mỗi ngày đều mưa một chút, nhiều giọt, nhiều giọt, lâu ngày nước cũng đầy lu”. Cái ác của con người cũng vậy. Nếu cứ cho những thói quen xấu là chuyện nhỏ, chúng ta sẽ không từ bỏ nó, lâu ngày nó thành cái tệ. Trong đời sống của chúng ta cũng vậy, đôi khi chúng ta đâu có ác, nhưng nhiều cái tệ lặp đi lặp lại lâu ngày sẽ thành cái rất tệ. Bởi vì mình không biết sửa những cái đó ngay từ đầu, mình cho nó là chuyện nhỏ, chẳng hạn như dùng đồ ở đâu bỏ ở đó, không ngăn nắp, gọn gàng. Những việc đó mình thấy đâu có ác, đâu có tội lỗi gì, và mình cũng đâu có hại ai, nhưng sống như vậy là sống buông lung, không để tâm, để ý đến người khác nên gây phiền lụy tới người khác. Thật sự là nếu sống với một người như vậy, mình sẽ rất mệt. Ví dụ như hai vợ chồng sống với nhau, mà bà vợ cứ đi theo dọn dẹp riết, bả cũng ngán, huống chi là ở trong chùa, mỗi người đều có việc mà còn phải bận tâm đến mình. Cho nên đức Phật dạy “Chớ chê khinh điều ác”. “Khinh” có nghĩa là coi nhẹ – chớ coi nhẹ điều ác. Bữa nào quý vị thử xem, vòi nước ở nhà mình khóa không chặt, nó nhỏ giọt, quý vị lấy thùng ra hứng tới chiều tối là mình có thùng nước để xài rồi đó. Từng giọt, từng giọt cuối cùng cũng sẽ làm đầy bình chứa, và cái xấu cũng như vậy.

Không ai muốn con mình ác, ai cũng muốn dạy con mình điều thiện, nhưng đôi khi bản thân mình cũng chưa thiện. Thưa đại chúng, đôi khi chúng ta nghĩ việc ác phải là việc gì đó lớn lao, nhưng chúng ta phải để ý, nhiều khi trong cuộc sống hằng ngày của mình, những việc rất nhỏ chúng ta làm hay những lời chúng ta nói, đôi khi chúng ta không nghĩ là ác mà thật ra là ác. Vì ác có nghĩa là tổn giảm. Ví dụ, mình nói điều gì đó làm tổn thương người khác – như vậy cũng là ác. Mình làm người khác khổ là ác, chứ không nhất thiết phải giết người, hại người mới gọi là ác. Giết người, người xưa gọi là ác nhỏ, nhưng nói một câu làm người khác đau khổ suốt đời thì còn ác hơn nữa, làm họ chết dần chết mòn. Thành thử, cái ác bàng bạc trong cuộc sống này, nhưng chúng ta thường không xem đó là ác vì chúng ta nghĩ việc ác phải là việc gì đó lớn lao. Cho nên:

“Người ngu chứa đầy ác

Do chất chứa dần dần.”

Và tiếp theo, trong câu thứ 122, đức Phật đặt tình huống ngược lại:

“Chớ chê khinh điều thiện,

Cho rằng chưa đến mình.

Như nước nhỏ từng giọt, 

Rồi bình cũng đầy tràn.

Người trí chứa đầy thiện,

Do chất chứa dần dần.”

Câu này đối lại câu trên cũng do một sự việc xảy ra. Một hôm, đức Phật hỏi: “Nếu một người không bao giờ làm việc thiện, không biết bố thí nhưng rủ người khác bố thí, thì người đó có phước không?”. Có. Trong một đời nào đó, người đó sinh ra sẽ không có nhiều của cải nhưng bù lại, người đó có tùy tùng có nhiều bạn bè. Vì họ chỉ rủ người khác làm từ thiện chứ bản thân họ không làm. Người không bố thí mà rủ người khác bố thí thì trong đời sau được phước bạn bè nhưng không được phước của cải. Còn người nào bố thí mà không rủ người khác cùng làm thì giàu có nhưng lại cô đơn, không có bạn bè hay tùy tùng Còn người bố thí và rủ người khác cùng bố thí thì không chỉ giàu của cải mà cả bạn bè. Và ngược lại, người không bố thí và không khuyến khích ai bố thí thì nghèo cả hai, cả vật chất lẫn bạn bè. Như vậy là có bốn loại người, phải không? Có một ông nghe đức Phật dạy như vậy, ổng thích quá ổng nói tôi chọn cả hai loại phước, vừa phước bạn bè, vừa phước của cải. Rồi ổng thưa với Phật: “Bạch đức Thế Tôn, ngày mai con xin thỉnh chư tăng, cúng dường trai tăng”. Phật hỏi: “Ông thỉnh bao nhiêu người?”. Ông nói: “Dạ, có bao nhiêu người, con thỉnh hết”. Sau đó, ổng đi gặp tất cả bạn bè và làng trên xóm dưới để kêu gọi: “Ngày mai tôi sẽ cúng dường chư tăng. Tất cả bạn bè, bất kể thân hay quen, giàu hay nghèo, ngày mai ai muốn làm phước, xin hãy đến hùn với tôi cúng dường chư tăng. Một đồng một giọt, một hột cũng được”. Vì muốn có cả hai loại phước, ổng không chỉ bỏ tiền ra nấu đồ ăn để cúng dường mà còn kêu gọi người khác cùng làm. Có một ông nhà giàu ở trong vùng nghe ông kia kêu gọi như vậy, ổng rất bực. Ông nói: “Muốn làm thì tự mình làm đi, còn đi kêu gọi người khác nữa”. Chuyện này cũng hay xảy ra trong xã hội của chúng ta ngày nay. Ví dụ, có bão lụt ở Việt Nam, mình gửi 100 đô-la, rồi mình còn kêu gọi người thân, bạn bè. Một người bạn của mình đóng góp 20 đô-la nhưng về nhà lại than: “Bà đó muốn làm phước thì làm đi, tự nhiên gặp tui xin tiền, làm tui tốn hết hai chục”.

Trở lại câu chuyện lúc nãy, ông nhà giàu này nói: “Muốn làm phước thì làm đi, còn kêu réo người khác nữa, còn bày đặt nói một đồng, một giọt, một hột cũng được. Vậy để tôi cho một hột thôi”. Vì trong lòng đang bực tức và muốn làm cho lợi gan (làm cho hả dạ), ổng cầm một nắm hột đậu lên đếm từng hột, từng hột, được khoảng hai mươi hột, ổng đưa cho ông kia. Sau đó, ổng cho người theo dõi xem ông kia có làm thật không. Hóa ra ông kia thực hiện việc này rất nghiêm túc. Ông lấy hai mươi hột đậu đó bỏ vô nồi nấu, rồi đem mời mỗi thầy một hột. Ông nhà giàu vô cùng ngạc nhiên và sinh lòng cảm phục. Ông nhận ra ông kia chẳng những tạo phước mà còn kêu gọi người khác cùng làm phước một cách thật lòng, “Ai có một đồng một giọt, một hột cũng được”. Ông này có dư của cải nhưng vì bực nên ổng chỉ cúng dường chừng đó, nhưng khi thấy ông kia làm đúng như lời đã nói thì ổng sinh tâm hối hận. Thế là ổng quỳ xuống trước mặt ông kia xin sám hối. Ông kia thấy lạ, không hiểu tại sao ông nhà giàu lại làm như vậy thì lúc đó đức Phật đi tới. Phật hỏi: “Các cư sĩ có chuyện gì mà quỳ lạy nhau như thế?". Ông kia mới thưa với đức Phật: “Dạ, con xin kể đầu đuôi sự tình”. Nghe xong Phật khen ngợi ông nhà giàu. Đầu tiên, ông này do hiểu lầm ông kia mà khởi tâm chê trách, nhưng sau khi thấy rõ ông kia làm việc thiện, ông này biết hối hận, nhìn nhận cái sai mà không cố chấp. Ví dụ, ổng có thể nói ngang: “Ôi dào, chỉ là hình thức chứ đâu có thật tâm”, nhưng ổng không như vậy. Thấy người khác làm điều thiện và nhận ra mình sai, ổng thành tâm sám hối. Phật cũng khen ông kia được cả hai phước, vừa bỏ tiền của ra mà còn kêu gọi người khác cùng làm việc thiện, đúng như lời Phật dạy. Ông kia mới thưa với Phật: “Nhưng đã có sẵn đậu, con chỉ cúng dường một chút nước, một chút đường thôi, làm sao có phước được?". Nghe vậy, đức Phật mới dạy câu thứ 122 ở trên.

Cái ác cũng vậy, chúng ta cũng không nên xem thường những nghiệp bất thiện nhỏ. Ví dụ, nếu đó là nước sình, nước dơ và mình hứng từng giọt thì sau một thời gian, mình sẽ có một lu đầy nước dơ. Nhưng ngược lại, nếu đó là nước sạch và mình hứng từng giọt, cuối cùng mình cũng có một lu đầy nước sạch. Tất cả là do nơi khởi tâm của mình. Những thứ “chất chứa” hay “chứa đầy”, nhà Phật gọi là nghiệp. Nghiệp là thói quen, nhưng quan trọng là thói quen tốt hay thói quen xấu mà thôi. Thói quen xấu thành ra kết quả tương ứng, mà nhà Phật gọi là quả báo hay là nghiệp báo, hay nói cách khác, nghiệp khi đã thuần thục chính là thói quen. Còn ngược lại, nếu mình làm điều thiện và nó trở nên thuần thục thành thói quen, đó cũng là quả báo, mà là quả báo tốt.

Cho nên nếu phân tích về nghiệp, nghiệp có hai loại, nghiệp thiện và nghiệp ác, đưa đến quả báo cũng có hai loại, quả báo thiện và quả báo ác. Do đâu mà chúng ta tạo nghiệp? Có ba chỗ có thể tạo nghiệp: cách mình suy nghĩ, cách mình nói, và cách mình làm. Quý vị để ý xem, có phải mọi sự vui buồn, giận tức giữa con người với con người trong cuộc sống hằng ngày đều quy về một chỗ là lời nói hoặc hành động không? Mà hành động và lời nói từ đâu ra? Từ suy nghĩ của chúng ta. Ví dụ, khi gặp ai đó và mình rất thích họ, lời nói và hành động của mình sẽ biểu lộ cái thích đó, nhưng nếu mình khởi tâm ghét người đó, mình sẽ nói những lời hiềm khích, đâm thọc và biểu lộ cái ghét đó bằng thái độ. Cho nên tất cả ý của mình duyên với cái miệng, và duyên với hành động của mình, và nhà Phật gọi đây là ba nghiệp thân, miệng ý. Hễ mình thiện thì nó là ba nghiệp thiện, mình xấu thì nó là ba nghiệp xấu. Tất cả là nguồn, là nhân, nhưng giữa nhân với quả còn có cái duyên. Những nghiệp đó được tạo thành là do có đủ duyên. Ví dụ, một người nghiện cờ bạc hay nghiện thuốc lá thì có những trung tâm cai nghiện. Như vậy, rõ ràng là đạo Phật không dạy chúng ta “khoanh tay chịu trận” nếu chẳng may chúng ta lỡ hình thành một thói quen xấu, mà đạo Phật dạy cho chúng ta cách chuyển nghiệp. Chuyển nghiệp là thay đổi một thói quen xấu, và trong trường hợp này, cách chuyển nghiệp là mở ra những trung tâm cai nghiện cho người nghiện thuốc, nghiện rượu, hay nghiện cờ bạc. Nhà Phật gọi như vậy là chuyển.

Như vậy, mục đích của giáo lý nhà Phật là gì, hay tín đồ của Phật giáo hằng ngày phải làm gì? Không phải là tới chùa cúng lễ, lạy một ngày mấy trăm lạy để “lấy điểm”. Mục đích tối hậu của đệ tử Phật là thấy rõ những cái xấu, dở nơi mình để mình chuyển hóa những cái đó, như vậy gọi là tu. Ai cũng có những cái xấu cần chuyển hóa. Còn với những cái thiện đã có ở nơi mình, mình phải làm cho nó tăng trưởng. Đối với những cái xấu, nhận ra và tìm cách giảm hay loại bỏ nó. Đó là sự tinh tấn, siêng năng của một đệ tử Phật. Cho nên mình phải nắm rõ mục đích của đạo Phật.

Đạo Phật chỉ cho mình cách sống sống như thế nào mà không làm mình khổ, không làm người khổ và xã hội an ổn. Cho nên mình quy y, thọ năm giới để làm gì? Để tự thân có đạo đức, gia đình hạnh phúc, và xã hội bình an. Chỉ một chuyện tu của mình thôi, mà ba chỗ được lợi lạc, đó là bản thân, gia đình và xã hội.

- Trích sách: “Con đường chuyển hóa - 50 bài giảng về con đường chân chánh giúp chuyển hóa nỗi khổ niềm đau” của Sa Môn Thích Pháp Hòa

 

Tags: