Thiên tài thi cử - Sản phẩm hàng loạt của thời công nghiệp hóa
Thiên tài thi cử - Sản phẩm hàng loạt của thời công nghiệp hóa
Thương thay, học sinh ngày càng phải nai lưng ra học để thi đỗ, còn trường học lại chẳng dành thời gian cho việc dạy sao cho đúng chất “học”. Điều này hoàn toàn trái ngược với tôn chỉ dạy học của Socrates.

Để tôi kể bạn nghe về lớp hình mẫu lớp học lí tưởng trong tôi. Ngay khi bước vào, bạn sẽ ngạc nhiên bởi cách bài trí trong phòng học. Không phải dãy bàn ghế xếp thành hàng trước bảng đen mà là những cái ghế thoải mái xếp thành vòng tròn. Cách bài trí này mang đến  một thông điệp: đây chính là nơi dành cho những cuộc thảo luận cởi mở và tự do trao đổi ý kiến. Trên tường có bức hình của Bertrand Russell với câu nói: “Hầu hết mọi người thà chết chứ không chịu suy nghĩ, và hầu hết mọi người đều làm vậy”. Và có một khu trưng bày hàng loạt những bài bình luận của học sinh trong nhiều chủ đề như đạo đức kinh doanh, kĩ thuật, kiến trúc, lịch sử chính trị, ngôn ngữ, và triết học khoa học.

Học sinh bước vào lớp, chọn một chỗ trong vòng tròn, sẵn sàng bắt đầu giờ thảo luận. Giáo viên sẽ ngồi cùng với học sinh và bắt đầu giờ học luôn. Cô hỏi “Cô của ngày hôm nay có giống cô của ngày hôm qua không?” Cuộc tranh luận bắt đầu ngay lập tức. Giáo viên nói rất ít, cô chỉ thỉnh thoảng yêu cầu giải thích thêm về quan điểm hoặc gợi ý cả lớp nên xem xét kĩ hơn  lí lẽ mà học sinh vừa nêu ra.

Sau màn  trao đổi ý kiến sôi động ấy, tạm ngưng mọi thứ, cô giáo đưa ra nhận xét về sự khác biệt giữa đặc điểm di truyền và đặc điểm không di truyền. Sau đó cô bảo cả lớp đọc một đoạn trích trong tác phẩm của nhà triết học John Locke, nhằm khuyến khích việc thảo luận và tranh luận sâu hơn.

Trong lúc tranh luận, học sinh phát biểu ý kiến dựa trên kiến thức mà chúng học được ở các môn học khác nhau. Một em bảo cô giáo vẫn luôn là cô giáo bởi vì ADN của cô. Cô muốn học sinh đó lí giải ý kiến này theo kiến thức sinh học. Một học sinh khác thắc mắc lí thuyết này có đúng trong trường hợp anh em sinh đôi. Có em lại gợi ý rằng chúng ta đều có một vai trò trong cuộc sống và chính vai trò này định nghĩa con người của chúng ta.

Bầu không khí trong lớp vô cùng thoải mái, mang tính tương tác, học hỏi lẫn nhau. Trí tò mò và sở thích cá nhân đã đưa đường chỉ lối cho việc học tập. Giáo viên không đưa ra đáp án, nhưng đã ghi lại ý kiến thảo luận của lớp lên bảng. Hơn nữa, buổi học cũng kết thúc mà không hề có đáp án. Trên thực tế, giờ học không kết thúc khi tiếng chuông reo vì học sinh vẫn còn tranh luận trên đường về.

Lớp học lý tưởng trong tôi là như thế. Nó không hẳn là giấc mơ nữa. Ít nhất là lớp học thực sự của tôi đôi khi cũng như thế. Tôi nhận thấy khi để học sinh chủ động tham gia thảo luận về bài học, việc tranh luận và học hỏi trở nên dễ dàng và dễ nhớ hơn cho cả giáo viên và học sinh. Vì thế tôi cố gắng sử dụng phương pháp này bất cứ lúc nào có thể.

 


Nhưng thực tế đáng buồn là phần lớn các bài học đều bị trói buộc bởi các mục tiêu khác nhau. Đối với hầu hết giáo viên và học sinh, việc học ở lớp đã được định sẵn, tỉ mỉ tới từng chi tiết, bởi vì phải chuẩn bị cho các kì thi. Ở những lớp học như thế, trọng tâm không phải là cuộc thảo luận có kết thúc mở hay việc học hỏi, mà là học “những điều cần biết” để thi đỗ bất kì kì thi nào đang chờ đón nơi chân trời phía trước. Có vẻ như, kết quả đầu ra của giờ học luôn bám sát đề cương ôn thi. Sách giáo khoa có lời bình của giáo viên chấm thi, ngân hàng câu hỏi có thể gặp trong kì thi, còn có thang điểm với đáp án mẫu. Lớp học ngày nay giống hệt như một lớp huấn luyện quân sự, đào tạo học sinh đưa ra đáp án hoàn hảo cho các câu hỏi có thể gặp phải trong kì thi, chứ còn lâu mới trở thành không gian cởi mở cho việc tự do học tập.

Nếu bạn không phải là một giáo viên hay dạo gần đây không nói chuyện với con cái về chuyện học hành ở trường, bạn sẽ bị sốc bởi vì văn hóa “dạy để thi” đã bao trùm toàn bộ nền giáo dục. Một cuộc khảo sát về thái độ của các giảng viên đại học cho thấy mọi người rất thất vọng khi nhắc đến lối tư duy dạy học đó. Nguyên nhân của việc thiếu tính tò mò, chẳng có “khao khát khám phá” là do việc học bị giới hạn trong việc ôn thi, chính là phương pháp dạy học “chán như con gián”, khiến học sinh cho rằng học hành “chỉ đơn giản là chuyện biết đáp án đúng”. Khảo sát cũng cho thấy lối tư duy học để thi không chỉ giới hạn trong một loại kì thi mà là “bao phủ toàn bộ hệ thống giáo dục.” Trong cuốn Not for Profit (2010), Martha Nussbaum đã viết như thế này:

“Dạy để thi” ngày càng chiếm ưu thế trong lớp học ở trường công lập, tạo ra một bầu không khí học sinh thụ động còn giáo viên vẫn theo nếp dạy cũ. Tính sáng tạo và tính cá nhân giúp việc dạy học phát huy hiệu quả cao nhất khó mà có đất diễn.”

Theo một khảo sát ở các trường đại học, 87 % giảng viên cho biết họ nghĩ rằng việc học sinh không được trang bị kĩ càng cho việc học ở đại học chủ yếu là do việc “dạy để thi” quá áp đảo. Học sinh khi được hỏi thì đều đồng tình với quan điểm đó. Trong bài phỏng vấn tại buổi tranh luận Davos 2016 về Tương Lai Ngành Giáo Dục, một học sinh Hồng Kông cho biết cậu cảm thấy phương pháp giảng dạy ở các trường hiện nay đã sản sinh ra hàng loạt những “thiên tài thi cử chẳng khác gì sản phẩm hàng loạt của thời công nghiệp hóa”, những người vô cùng xuất sắc trong các kì thi nhưng dễ dàng chùn bước khi gặp khó khăn thử thách.

Trong cuốn Unended Quest (1974), nhà triết học Karl Popper ước mơ về trường học lí tưởng, một nơi hoàn toàn trái ngược, nơi mà được tự do học hỏi và đặt ra những nghi vấn thú vị chứ không chỉ là ôn thi.

Nếu tôi nghĩ đến tương lai, tôi mơ đến ngày thành lập một ngôi trường nơi người trẻ  có thể học không biết chán, được khuyến khích đặt ra câu hỏi và thảo luận; nơi mà chẳng cần phải lắng nghe đáp án của những câu hỏi chẳng bao giờ được hỏi, nơi mà không ai phải học để thi đỗ.

Tôi và Popper có chung một giấc mơ. Tôi cho rằng trường học trở nên thú vị hơn và hiệu quả hơn khi dạy học sinh cách tự tư duy chứ không phải dạy để học sinh thi đỗ.

Muốn làm được được điều này, chúng ta cần phải nhớ rằng giáo dục là một quá trình triết học. Socrates đã khiến chúng ta chú ý đến điều này từ lâu rồi, nhưng chẳng qua vì chúng ta quá hăng hái biến trường học thành những động cơ tạo ra năng suất kinh tế mà chúng ta quên mất. Giáo dục bắt đầu bằng việc đặt câu hỏi, tiếp đó là học hỏi và hướng đến việc hiểu sâu hơn. Nhờ có tư duy phản biện, thảo luận và tranh luận, quá trình học hỏi trở nên hiệu quả hơn. Giáo dục không mang đến câu trả lời cuối cùng, mà giúp ta hiểu rõ hơn những giới hạn trong hiểu biết của cả thế giới xung quanh ta và của chính chúng ta.

Socrates đã gọi sự hiểu biết này là trí tuệ. Ông khuyến khích người dân Athen tự mình suy nghĩ. Ông đặt câu hỏi cho họ để họ biết rằng hiểu biết của họ về những điều quan trọng trong cuộc sống như tính công bằng hay lòng can đảm vẫn còn rất hạn chế. Với tinh thần xây dựng, việc đặt câu hỏi của Socrates chính là khởi nguồn của quá trình học hỏi để chúng ta tăng cường vốn hiểu biết, đồng thời thể hiện sự khiêm tốn và tính cởi mở tiếp nhận ý kiến của người khác.

Nếu trường học có thể thực hiện những mục đích của học sinh, chúng không thể nào xem nhẹ việc học tập theo tư duy triết học này. Học sinh cần phải nhìn nhận bản thân không đơn giản chỉ là người biết kiến thức cần cho thành công trong công việc mà là thành viên công đồng phản biện triết học, nơi mà học sinh có thể khám phá ý nghĩa của những điều học được và tự mình suy nghĩ xem sống tốt là sống như thế nào. Khi hiểu được những khía cạnh này, giáo dục triết học không phải là một môn độc lập mà là một phương pháp học có thể ứng dụng trong tất cả mọi lĩnh vực.

Giáo dục triết học bắt đầu khi giáo viên tiếp nhận vai trò là người hướng dẫn theo phương pháp Socrates. Trong lớp học truyền thống, giáo viên được xem là người cung cấp thông tin mà học sinh “cần biết”. Sở dĩ như vậy là do yêu cầu của các kì thi sắp tới. Giáo dục triết học là quá trình cùng nhau học hỏi, trong đó giáo viên hướng dẫn cả lớp, giúp học sinh nắm kiến thức thông qua đối thoại chứ không phải độc thoại.

Socrates đã đưa ra mô hình học tập như vậy, đồng thời ông từng khẳng định rằng bằng cách đặt câu hỏi, ông có thể dạy hình học cho một cậu bé nô lệ - một người chưa bao giờ học toán trước đó. Khi giáo viên tiếp nhận vai trò là những người hướng dẫn theo phương pháp Socrates, việc giáo viên đặt câu hỏi cho học sinh sẽ khuyến khích học sinh tự mình suy nghĩ vấn đề, chứ không phải là thụ động tiếp nhận thông tin.

Phương pháp dạy học này có thể mang lại kết quả rất bất ngờ và đáng chú ý. Tôi đã từng dạy các học sinh ở độ tuổi 17 một khóahọc triết học tự chọn trong một năm. Không có một giáo án chính thức hay kì thi nào cả. Chúng tôi chỉ nói về những câu hỏi triết học lí thú chẳng hạn như ý nghĩa của ngôn ngữ bắt nguồn từ đâu, hay liệu chúng ta có nhận thức được mọi thứ hay không. Phương pháp đó là phương pháp Socrates. Chúng tôi thảo luận các câu hỏi mà không đưa ra bất kì kết luận cố định nào. Các cuộc thảo luận rất thoải mái, vui vẻ và thân mật, còn tôi đã tự ngẫm lại xem chúng tôi đã học được bao nhiêu.

Vài năm sau đó, Alastair Parvin- một trong số các học sinh, lúc này đã trở thành một người thành công trong giới kiến trúc, đã phát biểu rằng ông cảm thấy những buổi thảo luận theo phương pháp Socrates thật dễ nhớ:

“Mọi thứ có vẻ hơi mâu thuẫn. Chúng tôi chưa bao giờ học để thi, nhưng so với những môn học khác mà tôi học lúc đó, tôi nhớ những buổi thảo luận nhiều hơn”. Đối với Parvin, việc đổi mới tư duy rất hiệu quả và mang đến sự giải phóng cho giáo dục. Anh đã tiếp tục theo đuổi điều đó trong sự nghiệp và đạt được kết quả đáng nể mà anh có nhắc đến trong bài nói chuyện về kiến trúc dân chủ của anh tại TED Talk.

Dĩ nhiên, học tập không chỉ là đối thoại trong lớp học, mặc dù có thể thú vị và hấp dẫn. Tư duy tốt cũng cần được chuẩn bị. Nếu mô hình học tập của chúng ta là tham gia vào một cuộc đối thoại đưa ra ý tưởng, nếu học sinh được khuyến khích tham gia vào cuộc hội thoại đó, các ý tưởng được đưa ra sẽ trở nên phong phú và sắc sảo hơn nhờ những ý tưởng “tuyệt vời nhất từ trước đến nay”, đúng như Matthew Armold đã viết trong cuốn Culture and Anarchy (1896). Nhận thức này đã được thể hiện trong quan niệm truyền thống về “sự chuẩn bị”: đọc và chuẩn bị trước bài học. Trong những năm gần đây, việc chuẩn bị này đã giành lại vị thế nhờ có phong trào “đảo ngược lớp học truyền thống”. Theo đó, giai đoạn tiếp nhận thông tin được thực hiện riêng, trước giờ học, còn giờ học được dành cho các hoạt động thách thứ trí tuệ hơn như phân tích tranh luận và học cách biện luận.


 

Một số người thắc mắc liệu việc “dạy cách tư duy” có khả quan, nhưng thực ra việc đó xảy ra rất tự nhiên trong những điều kiện phù hợp. Bạn học bằng cách nào? Aristotle nói chúng ta học thông qua làm. Học không phải việc thụ động tiếp nhận thông tin mà là khi chúng ta cố gắng làm điều gì đó. Chúng ta học bơi bằng cách cố gắng bơi. Chúng ta học thổi sáo bằng cách cố gắng thổi sáo. Aristotle chỉ không đề cập tới nhu cầu được giám sát: chúng ta cần ai đó quan sát, chỉ ra lỗi sai cũng cách khắc phục cho chúng ta. Học tập chính là quá trình cố gắng có sự giám sát.

Điều này có thể trả lời cho câu hỏi tiếp theo: Dạy một người cách tư duy như thế nào? Học sinh học cách tư duy bẳng cách nghĩ, nhờ có sự theo dõi của giáo viên hướng dẫn theo phương pháp Socrates, và cũng là người đưa ra gợi ý cách thức để giúp học sinh cải thiện quá trình tư duy.

Chính vì thế, thông qua việc hướng dẫn theo phương pháp Socrates trong một cộng đồng học tập, quá trình hình thành những người tư duyđộc lập bắt đầu. Nhưng sự vận động và phát triển cần có thời gian. Nếu trong lớp học, bài học này nhanh chóng nối tiếp bài khác, thì học sinh sẽ không có đủ thời gian để suy nghĩ sâu hơn. Vì thế các hoạt động theo dự án sẽ tạo ra một môi trường tốt hơn cho việc nuôi nấng những “bộ não trẻ”.

Thực hiện một dự án là một quá trình, không phải một nhiệm vụ đơn lẻ, có thể diễn ra trong nhiều tuần liền, thậm chí là nhiều tháng liền. Vì vậy, một số phẩm chất tốt có đất để phát triển, không chỉ có lập kế hoạch, kiên nhẫn, lạc quan, mà còn là học từ sai lầm, tăng cường tính sáng tạo, phát triển tư duy phản biện, thông quá đó, thể hiện giá trị của các hoạt động dự án trong mô hình giáo dục nhằm tăng cường năng lực tư duy độc lập.

Dạy học sinh tự mình suy nghĩ là một mục tiêu đáng được tuyên dương. Nhưng những người chỉ trích ý tưởng này cho hay, đa số mọi người nhận thấy con đường này vẫn còn xa xôi lắm. Theo lẽ đó, trước khi học sinh có thể tư duy độc lập, chúng cần một nền tảng kiến thức rộng lớn

Quan điểm về việc dạy học sinh tự mình suy nghĩ rất thuyết phục, nhưng hiệu quả chỉ như cái bàn đạp cho nhận thức còn ngây thơ về học tâp độc lập. Những người ủng hộ quan điểm đó khẳng định “tự do khám phá” là phương pháp tốt nhất, trong đó học sinh được tự chủ trong việc xác định học gì và học như thế nào. Nhưng đồng thời những người ủng hộ giáo dục là một quá trình trang bị cho người trẻ năng lực tự tư duy cũng phải thừa nhận tầm quan trọng của việc trang bị kĩ năng và thông tin cho học sinh trước khi chúng có thể học hỏi tích cực.

Bạn có giới thiệu “Trường tự học lái xe” cho con của bạn bè không? Nửa có nửa không. Họ sẽ chán nản nếu họ đến học buổi đầu tiên chỉ để được giao chìa khóa với lời dặn dò cố gắng lái xe và học hỏi từ sai lầm. Mặt khác, chúng ta chắc chắn muốn mọi người học lái xe một cách độc lập; lúc đó người hướng dẫn phải tự mình rời bỏ công việc. Hóa ra, khao khát học tập độc lập phụ thuộc vào cách chúng ta hiểu mối quan hệ giữa học tập độc lập và hướng dẫn truyền thống.

Với mô hình học tập độc lập, không thể vơ đũa cả nắm rằng học sinh từ khi sinh ra đã có khả năng tự mình suy nghĩ. Trên thực tế, khả năng này phát triển hoàn toàn thông qua việc dạy dỗ. Suy nghĩ này có hơi mâu thuẫn nhưng vẫn đúng: học sinh cần được dạy để trở nên độc lập. Trong ví dụ ban đầu, giáo viên hướng dẫn thảo luận: nêu ra các ý chính trong các lí lẽ, đề cao việc sử dụng lí trí, tóm tắt và đánh giá các lí lẽ, giới thiệu các thuật ngữ, và giải thích các khái niệm quan trọng. Mặc dù giáo viên không đứng trước lớp, giảng giải cho học sinh biết cách suy nghĩ, nhưng vẫn có thể đưa ra rất nhiều hướng dẫn.

Để tăng cường năng lực tự suy nghĩ của học sinh, điều quan trọng là giáo viên và học sinh cần phải cộng tác với nhau đảm bảo sự quay vòng trong trách nhiệm học tập. Ban đầu, và đôi lúc trong quá trình đó, giáo viên phải đưa ra hướng dẫn trực tiếp, nhưng rõ ràng đó không phải là mục đích cuối cùng, mà đó là một phương tiện nhằm phát triển năng lực tư duy và làm việc độc lập cho học sinh. Chúng được dạy để tự mình suy nghĩ. Trong quá trình đó, tính độc lập phát triển dần.

Lúc này, giáo viên có thể hỏi về những kì thi quan trọng. Nếu thay thế lối “dạy để thi” bằng lối “dạy cách tư duy” thì kết quả có bị ảnh hưởng không? Câu trả lời là không. Thời gian dành cho việc dạy học sinh cách tư duy là khoảng thời gian hữu ích, và lợi ích sẽ được nhìn thấy trong toàn bộ quá trình học tập. Học sinh sẽ được dạy cách tư duy, phân tích, và phản biện, cũng được trang bị tốt hơn cho những thử thách trong bài thi. Chúng hiểu câu hỏi và phân biệt các đáp án dạng mô tả, tranh luận và đánh giá tốt hơn.  Nói tóm lại, nếu học sinh học cách tư duy tốt hơn, chúng sẽ biết phải làm gì khi kì thi đến.

Tuy nhiên, cho dù việc dạy học sinh tư duy triết học có những lợi ích rõ ràng, mô hình giáo dục phổ biến hiện nay vẫn trung thành với mô hình truyền thống và đặc biệt là vô cùng nhàm chán. Trên thế giới, niềm vui học tập đang dần biến mất, giáo dục trở thành quá trình phân phát những tài liệu theo bài học khô khan và vô vị do sự áp đảo của những bài kiểm tra chuẩn hóa và mục tiêu đáp ứng những phương pháp xác định kết quả bề nổi.

Hướng tiếp cận khô khan dựa trên đánh giá này không chỉ tàn phá sự phát triển trí tuệ của học sinh, mà còn không được ủng hộ về mặt xã hội và chính trị. Kết quả của lối dạy học mà không có thử thách, bất đồng quan điểm hay sự tìm tòi khám phá các đáp án khác nhau cho những câu hỏi trong cuộc sống là những cái đầu cố chấp, bảo thủ, những người không có động lực để thắc mắc những điều chúng được học. Trường học vận hành theo phương pháp này không thể trang bị cho người trẻ khả năng tự vệ thông qua tư duy phản biện khi mà chúng ta đang bị bủa vây bởi các nguồn thông tin đầy rẫy trên mạng. Trường học như thế có nguy cơ sẽ đào tạo nên một thế hệ không được trang bị tốt, không thể kháng cự lại sự mê hoặc của những lời lẽ đơn giản, chủ nghĩa dân túy hoặc mị dân.

Trái lại, những học sinh được dạy cách tự mình suy nghĩ cũng được chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống: được trang bị kĩ càng hơn để đối mặt với những bất ổn trong tương lai, suy nghĩ sáng tạo và độc lập, trở thành những công dân chủ động, tích cực, có tư duy phản biện trong quá trình đưa ra quyết định theo nguyên tắc dân chủ. Mặc dù trọng tâm của giáo dục triết học nằm ngoài việc mang đến công ăn việc làm, nhưng nó cũng mang lại nhiều lợi ích. Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng và không thể đoán trước, văn phòng làm việc của tương lai không cần những con cừu được đào tạo bài bản mà cần những người suy nghĩ độc lập, sáng tạo, những cá nhân tự tin, những người không cần người khác nói cho họ đáp án đúng mà biết cách tự suy nghĩ và tìm ra những cách thức mới.

 


Socrates nói cuộc sống mà không được suy xét, kiểm tra thì không đáng sống. Nhưng với học sinh bây giờ, học tập có nghĩa là sống với thi cử. Đối với các trường học, điều tốt nhất không phải là tiến hành cải cách cơ cấu, quy trình dạy học, thời khóa biểu hay cách đánh giá mà là khôi phục lại mục đích giáo dục của Socrates – một quan điểm khiến ông ngay lập tức ngồi xuống và khuyến khích mọi người tự suy nghĩ, không kể đó là một cậu bé nô lệ, thi sĩ hay chính trị gia.

Một điểm nối bật của những cuộc đối thoại theo phương pháp Socrates chính là cậu bé nô lệ hóa ra lại giỏi hơn những nhà lãnh đạo người Athens – những người được cho là có kiến thức uyên bác. Cậu trở nên nổi tiếng từ khi gặp được Socrates vì đã học toán. Trong khi đó, những người tưởng như biết tuốt những gì họ đang nói lại phải cảm thấy xấu hổ vì không thể mô tả được những điều họ nghĩ họ biết.

Chính điều này thể hiện tầm quan trọng của phạm vi và sức mạnh của đối thoại theo phương pháp Socrates trong giáo dục. Có thể bạn nghĩ chỉ có những người quyền cao chức trọng trong hệ thống giáo dục mới sử dụng hiệu quả phương pháp đó. Nhưng bạn sai rồi. Theo nghiên cứu gần đây về tác động của đối thoại triết học theo phong cách Socrates đối với học sinh tiểu học, khả năng đọc hiểu và làm toán của học sinh đều tăng lên nhờ phương pháp Socrates. Đáng chú ý, tác động đối với học sinh khuyết tật là tích cực nhất. Hết nghiên cứu này đến nghiên cứu khác cho thấy đối thoại Socrates không chỉ mang lại lợi ích về nhận thức mà còn cải thiện sự tự tin và tính mạch lạc.

Muốn thu hẹp khoảng cách thành tích giữa các trường, hãy quay về nơi giáo dục bắt đầu và làm theo Socrates: ngồi với học sinh, đặt câu hỏi, và thông qua đối thoại, dạy cho chúng điều quan trọng nhất - tự mình suy nghĩ, tự mình tư duy.

 

Trạm Đọc (Read Station)

Theo Aeon