"Dưới vòm hoa đại khải" là tập thơ thứ hai sau 10 năm kể từ khi Phùng Thị Hương Ly cho ra mắt bạn đọc tập thơ đầu tay "Đi qua tôi thật chậm" (Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2013). Tập thơ lần này là dấu mốc trưởng thành của tác giả trên hành trình sáng tạo. Ở đó, sự trải nghiệm nhiều cung bậc trong cuộc sống giúp con người thơ trở nên bản lĩnh, chín chắn hơn, sâu đằm hơn. Một góc độ nào đó, tác giả nương náu, ẩn mình trong thơ, bởi thế, thơ cũng phản ánh chân dung tác giả - nơi nhiều tự sự, giãi bày, khát vọng đã cất tiếng và nhận được sự đồng cảm từ bạn đọc.
Trân trọng từng khoảnh khắc, từng câu chuyện quý giá mà cuộc sống dành tặng cho mình, Phùng Thị Hương Ly sáng tác mỗi tác phẩm từ sâu thẳm tâm hồn mình, những ý niệm vượt thoát ra khỏi vùng biên của nội cảm để rồi thành thơ với những hoài mong, ước vọng…
Sinh ra và lớn lên ở huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, tuổi thơ Phùng Thị Hương Ly gian khó mà cũng đầy kỷ niệm: xuống ruộng cấy lúa, lên nương hái chè, leo núi tra ngô, lên rừng nhặt củi... Học tập ở trường nội trú, rồi trở thành sinh viên Khoa Sáng tác và lý luận, phê bình văn học (nay là Khoa Viết văn-Báo chí), trường Đại học Văn hóa Hà Nội, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong cuộc sống, cây bút nữ ngày càng vững vàng, bản lĩnh, khẳng định được năng lực và khát vọng trong sáng của mình.
Thời học sinh, sinh viên, các sáng tác văn chương, báo chí của Phùng Thị Hương Ly đã xuất hiện trên nhiều ấn phẩm từ trung ương đến địa phương. Niềm vui giản dị của cô gái trẻ khi ấy là dành phần nhỏ khao bạn bè, mua thêm sách vở, còn lại mang về cho bố mẹ.
Nữ nhà thơ bộc bạch: "Viết về quê hương, dân tộc miền núi, bản sắc truyền thống vừa là thế mạnh song cũng là hạn chế của tôi. Thế mạnh bởi vì tôi được sinh ra và sống trong bản làng của người Tày, hạn chế của tôi đó là không được chứng kiến và trải nghiệm trực tiếp trong không gian đậm đà bản sắc của dân tộc mình vì những dấu ấn bản sắc đang dần phai mờ theo năm tháng. Điều đó khiến tôi cảm thấy tiếc nuối..."
Trăn trở, rưng rưng là vậy, chị vẫn luôn cố gắng hết sức để có thể truyền tải những nét đẹp trong đời sống văn hóa, lao động, giao tiếp của dân tộc mình vào trong thơ. Một số câu thơ Phùng Thị Hương Ly viết về miền núi: "Có lối nào dẫn về tuổi nhỏ/ Những chùm gai xước đỏ mặt trời…"; "Mặt trời nhìn người Tày thương nhau/ Mái ngói âm dương mưa nắng chụm đầu/ Lòng khắc ghi lời tiên tổ"; "Trước nghi lễ mùa xuân/ Bầy chim đỏ cúi đầu tạ ơn núi/ Rừng cây hoài thai một cánh rừng chàm"; "Những ngón tay nóng rẫy/ Con đường đi ra từ dấu chỉ ráp thô/ Người canh nương nhóm lên bóng tối"; "Người chít khăn chàm mùa sương bay/ Đồi lau cuộn vào phai lạt/ Trên sàn phơi đầy gió/ Những tấm vải nhuộm màu đêm ba mươi"; "Hôm nay trâu lạc rừng xa/ Chân người hóa gió/ Gọi trâu len lỏi tầng tầng phiến lá…"
Nhà văn Phan Đức Lộc nhận định: "Càng ngày, thơ Phùng Thị Hương Ly càng tiết chế hơn, ẩn dụ hơn, đằm đượm hơn nhưng vẫn chứa đựng thật nhiều những phức cảm, ngóng trông, hi vọng. Chị nỗ lực giữ lại cái bản chất thuần mộc tự nhiên đã ngấm sâu vào tâm hồn, đồng thời tạo chiều sâu cho thơ bằng những triết lý kín đáo mà nhuần nhị, sâu sắc".
Phùng Thị Hương Ly sinh năm 1991, là hội viên: Hội Nhà văn Việt Nam, hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Chị khẳng định được sức sáng tạo của mình bằng nhiều giải thưởng, trong đó tập thơ đầu tay đã đoạt giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2014.
Trong tập thơ "Dưới vòm hoa đại khải" có một số chùm thơ đoạt giải trong các cuộc thi, như: "Trên những hố bom", "Thổ Sơn", "Viết ở tiểu đoàn 804" đoạt giải Nhì cuộc thi Thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2021-2022; chùm thơ: "Nhớ pá"; "Câu chuyện mùa mưa" đoạt giải Khuyến khích Tạp chí Người Hà Nội 2014.
Chia sẻ về cảm xúc khi đoạt giải thưởng Tác giả Trẻ, nhà thơ Phùng Thị Hương Ly bày tỏ lòng biết ơn với gia đình đã luôn yêu thương, khích lệ. Ngay cả ở thời điểm hiện tại, với đời sống của một người công chức đi làm xa nhà, thuê nhà trọ, cuối tuần mới có thể về đoàn tụ cùng chồng con, cũng có dấu ấn lớn từ sự sẻ chia trong mái ấm. Đặc biệt, chị biết ơn các văn nghệ sĩ ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn - những người thầy đã dìu dắt các tác giả trẻ của tỉnh nhà từ khi họ học tập, tự lập ở mái trường nội trú. Đó là sự quan tâm đầy trách nhiệm, góp phần vun đắp cho tài năng, khát vọng của các cây bút ở vùng miền còn nhiều khó khăn.
- Theo báo Nhân Dân