The Voynich Manuscript: Cuốn sách bí ẩn nhất lịch sử
The Voynich Manuscript: Cuốn sách bí ẩn nhất lịch sử

Những ký hiệu lạ lùng

Nằm sâu trong Thư viện Sách và Bản thảo quý hiếm của Beinecke tại Yale là bản lưu duy nhất của một cuốn sách 240 trang. Phương pháp định tuổi bằng cacbon dẫn tới năm 1420, những trang giấy giả da với dòng chữ viết tay lặp đi lặp lại và những hình vẽ tay có vẻ như bị đánh cắp từ một giấc mơ. Một cuốn sách kỳ lạ, với những loài cây thật lẫn với tưởng tượng, những lâu đài trôi nổi, những người phụ nữ đang tắm, các biểu đồ chiêm tinh học, các vòng tròn cung hoàng đạo, và các mặt trăng và mặt trời có các khuôn mặt đi kèm chữ viết.

Từ những loài cây có thực lẫn trong tưởng tượng...
... tới minh hoạ kỳ lạ về những người phụ nữ đang tắm đều xuất hiện trong cuốn sách này.

Cuốn sách khổ 24x16 centimet này được gọi là Bản thảo Voynich, là một trong những bí ẩn chưa có lời giải lớn nhất lịch sử. Vì sao vậy?

Bởi không ai có thể hiểu được cuốn sách ấy nói điều gì.

Cái tên cuốn sách xuất phát từ Wilfrid Voynich, một người buôn sách ở xứ Ba Lan bắt gặp tài liệu này ở đại học Jesuit, tại Ý, vào năm 1912. Trước cuốn sách ấy, ông đã hoàn toàn bối rối. Ai đã viết nó? Nó được viết ra ở đâu? Những từ ngữ kỳ lạ và hình vẽ này đại diện cho cái gì? Những trang sách chứa đựng bí mật gì?

Voynich đã mua lại bản thảo từ các linh mục kẹt tiền ở trường đại học. Sau cùng, ông đưa cuốn sách tới Mỹ, nơi các chuyên gia tiếp tục bị nó làm cho bối rối trong suốt hơn một thế kỷ sau đó.

Ngôn ngữ bí ẩn trong cuốn sách

Các chuyên gia giải mã cho biết: chữ viết trong cuốn sách có tất cả đặc điểm của một ngôn ngữ thực sự, chỉ có điều đó là loại ngôn ngữ chưa ai từng thấy trước đây. Điều làm khẳng định đó có vẻ chân thật là trong các ngôn ngữ thực thụ, các chữ cái và nhóm chữ cái xuất hiện với tần suất không đổi, và ngôn ngữ trong bản thảo Voynich có quy luật, loại quy luật không thể tạo từ một chương trình tạo ký tự ngẫu nhiên. Có vẻ như nó được chắp bút bởi hai bàn tay hay nhiều hơn, với những bức vẽ được hoạ bởi một bên khác nữa.

Những giả thuyết về bản thảo bí ẩn

Qua nhiều năm, có ba giả thuyết chính nổi bật được xây dựng nhằm giải thích sự tồn tại của cuốn sách kỳ lạ này:

1. Cuốn sách được viết bằng mật mã, một mật mã bí mật được thiết kế có chủ ý để giấu một ý nghĩa đầy bí ẩn nào đó.

2. Bản thảo nọ thực chất chỉ là một trò lừa đảo với nội dung vô nghĩa để lừa tiền từ một người mua cả tin. Có vài nghi ngờ tác giả là một kẻ bịp bợm thời trung cổ, một vài người khác thì cho rằng chính Voynich đã tạo ra cuốn sách ấy.

Có phải chăng chính Voynich đã tạo ra một cơn xôn xao với cuốn sách giả mạo của mình?

3. Có lẽ các học giả thời Trung cổ đang cố tạo ra một bảng chữ cái cho một loại ngôn ngữ nói. Trong trường hợp đó, bản thảo Voynich dường như giống với bản thảo Rongorongo được tạo ra trên đảo Phục sinh, hiện tại đã không còn có thể đọc nổi sau khi nền văn hóa tạo ra nó sụp đổ.

Việc không ai có thể đọc nổi bản thảo Voynich không ngăn mọi người suy đoán ý nghĩa của nó, suốt hàng trăm năm. Những người tin rằng bản thảo ấy là nỗ lực để tạo ra một loại ngôn ngữ viết mới suy đoán rằng đó có thể là một cuốn Bách khoa toàn thư chứa những kiến thức của nền văn hóa tạo ra nó. Những người khác tin rằng nó được viết bởi nhà triết học thế kỷ 13 Roger Bacon, người cố gắng hiểu định luật toàn thể của ngữ pháp, hoặc ở thế kỷ 16 bởi chuyên gia giả kim thuật và bói toán John Dee, thuộc triều Elizabeth. Bên cạnh đó, tồn tại cả những giả thuyết rằng cuốn sách có thể được viết bởi một nhóm phù thủy người Ý, hoặc thậm chí bởi những người trên Sao Hỏa.

Sau một thế kỷ vô vọng, các nhà khoa học gần đây đã có thể làm sáng tỏ đôi chút về bí ẩn trong cuốn sách nọ. Bước đột phá đầu tiên là phương pháp định tuổi bằng cacbon. Các nhà khoa học đương đại đã tìm ra nguồn gốc của bản thảo: thời Rome và Prague, đến đầu năm 1612. Theo đó, cuốn sách này có lẽ là một bản thảo được truyền từ Hoàng đế của đế quốc La Mã Rudolf II tới bác sĩ của mình, Jacobus Sinapius.

Ngoài những sự đột phá lịch sử này, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ gần đây đã đề xuất một nhận dạng tạm thời của một vài ngôn từ trong bản thảo.

Có thể rằng, các chữ cái bên cạnh bảy ngôi sao đánh vần là Tauran, một cái tên cho chòm sao Kim Ngưu?
Có thể từ này có nghĩa là Centaurun, giới thiệu cho cây Centauria trong bức ảnh?

Tuy đạt được những kết quả nhất định, nhưng quá trình tìm hiểu về cuốn sách vẫn đang khá chậm.

Nếu ta có thể bẻ vỡ mật mã của cuốn sách, ta sẽ tìm được gì? Nhật ký giấc mơ của một nhà vẽ tranh minh họa thế kỷ 15? Một tổ hợp thực chất chẳng có ý nghĩa nào? Hay, thậm chí, những thông tin thất lạc về một nền văn hóa bị lãng quên?

Trạm Đọc / theo Ted-ed

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

"Các loài chim Việt Nam": nguồn tư liệu quý giá với 731 bức ảnh độc đáo

Nhà văn Y Ban: Tôi thuộc tuýp người sống rồi mới viết

Nỗi u sầu trong Patrick Modiano (1)

Đôi điều về văn học dân gian Việt Nam thời COVID-19