Nhà phê bình Ngô Văn Giá nhận định thơ ca Việt Nam, rộng ra văn học Việt Nam trước đây, có nhiều tác phẩm mang âm hưởng sử thi, hùng tráng, kích cỡ của cộng đồng, của dân tộc, của đất nước, của giai cấp.
Trong những tác phẩm lớn hướng về Tổ quốc như vậy, một tiếng thơ rất lạ hướng vào đời sống nhân văn, những sinh mệnh cụ thể. Đó chính là Trần Vàng Sao.
Trần Vàng Sao tên thật là Nguyễn Đính, sinh năm 1941 ở thôn Vỹ Dạ, TP Huế. Năm 1965, ông lên chiến khu, công tác tại Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế. Ông viết báo và làm thơ với nhiều bút danh như Nguyễn Thiết, Lê Văn Sắc, Trần Sao.
Bài thơ của một người yêu nước mình nằm trong "100 bài thơ Việt Nam hay nhất của thế kỷ 20" do Trung tâm Văn hóa Doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam phối hợp tổ chức bình chọn vào năm 2005. Bài thơ cũng được lấy làm nhan đề cho tuyển tập thơ mới được xuất bản của Trần Vàng Sao, do Công ty sách Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành.
Cuốn sách gồm 32 bài thơ, là những tác phẩm đã in trên một vài báo và tạp chí trước đây cùng nhiều bài thơ chưa được công bố do gia đình lưu giữ. Một số bài thơ gắn liền tên tuổi Trần Vàng Sao như Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình, Bài thơ của một người yêu nước mình... cũng được giới thiệu trong tập thơ.
Thơ của Trần Vàng Sao thuộc thể thơ tự do, vốn không có vần điệu, không cố định số từ, số câu. Nhưng chính nhờ đó mà thơ của ông lại mạnh về hình ảnh, chi tiết và chân thực, dễ tạo sự đồng cảm với người đọc.
Tập Bài thơ của một người yêu nước mình do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm tuyển chọn. Các bài thơ trong tuyển tập không được chia theo các chủ đề cụ thể hay theo năm sáng tác.
Trong lời tựa của tập thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều viết:
"Thơ của Trần Vàng Sao là chính cuộc đời ông. [...] Thơ ông hiện ra như chính quần áo ông, tóc tai ông, hơi thở ông, ánh mắt ông, giọng nói ông, mồ hôi ông, đau ốm ông, giận dữ ông, giày vò ông, tuyệt vọng ông, khát vọng ông… và nhịp đập trái tim ông là thứ kỳ diệu nhất gắn kết toàn bộ những gì thuộc về ông để vang lên thi ca".
Theo biên tập viên Tiến Sỹ, khi đọc tập thơ này, độc giả có thể cảm nhận được những vần thơ rất mực chân thành, thiết tha viết về đất nước mình của Trần Vàng Sao.
Toàn bộ tập thơ, từ những câu chuyện về bản thân, gia đình tác giả cho đến những suy tư về quá khứ và hiện tại của đất nước, những nỗi niềm đau đáu về nhân dân, đồng chí, đồng đội, đều toát lên một tình yêu hồn hậu và mãnh liệt với đất nước.
Tư tưởng viết về con người, vì con người nhất quán trong các tác phẩm của Trần Vàng Sao. Theo nhà phê bình Ngô Văn Giá, ba bài thơ thể hiện rõ nhất tư tưởng này là Trong cơn sốt đưa chị Miên về Đông Xuyên, Nhân dân và tôi và đặc biệt là Bài thơ của một người yêu nước mình. Thông qua hình ảnh những con người cụ thể, Trần Vàng Sao thể hiện tình yêu nước theo cách riêng biệt.
Bài thơ của một người yêu nước mình được sáng tác năm 1967, thời điểm cuộc chiến tranh miền Nam còn cam go và người người vẫn còn trông chờ ngày thống nhất ở phía trước. Mở đầu bài thơ là hình ảnh một đất nước rất đẹp: "Gió thổi những bông nứa trắng bên sông / mùi tóc khô còn thơm mùa lúa qua / bầy chim sẻ đậu trước sân nhà".
Tiếp sau đó, hình ảnh người mẹ trở đi trở lại, người mẹ tảo tần, chịu khó chịu thương nhưng lam lũ, nhọc nhằn hòa cùng hình ảnh đất nước "bốn ngàn năm nằm gai nếm mật". Tình yêu mẹ, yêu cuộc sống nhỏ bé hòa cùng tình yêu đất nước, vì thế tha thiết, sâu sắc bao nhiêu.
"Thi phẩm này của Trần Vàng Sao gây ấn tượng mạnh ở những trải nghiệm chân thực và nỗi đau đáu khôn nguôi về những vất vả, khốn khó của bản thân tác giả, cũng như của bao nhiêu người dân trên mảnh đất Việt Nam", theo lời biên tập viên Tiến Sỹ.
Những suy tư về đất nước gắn liền với những trăn trở về cuộc sống còn được tác giả nhấn mạnh ở nhiều bài khác trong tập thơ. Đây là một góc nhìn độc đáo trong cách lý giải về tình yêu nước của nhà thơ.
Nhưng sau tất cả điều đó, tình yêu nước hồn hậu vẫn được thắp sáng bằng lòng tin tưởng: "Lòng vui hôm nay không thấy chật / tôi yêu đất nước này chân thật / như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi / như yêu em nụ hôn ngọt trên môi / và yêu tôi đã biết làm người / cứ trông đất nước mình thống nhất".
Cuộc đời và thơ ca của Trần Vàng Sao được một bộ phận người yêu văn học biết đến, nghiên cứu và trân trọng. Nhưng đối với độc giả phổ thông, cái tên Trần Vàng Sao còn nhiều xa lạ. Không phải lúc nào thơ ông cũng được hiểu đúng như chính những gì ông muốn viết, muốn truyền tải.
Tập Bài thơ của một người yêu nước mình giới thiệu cho bạn đọc những ai chưa biết thì giờ biết đến một thi sĩ tên Trần Vàng Sao, còn những ai đã biết sẽ hiểu hơn về con người, cuộc đời của ông thông qua thơ của ông.
Theo Zing News