Trầm cảm và tự tử là một chủ đề ít được nhắc đến đối với đàn ông. Mặc dù tỷ lệ tự tử toàn cầu của nam giới cao hơn so với phụ nữ, họ lại có vẻ ít khi tìm kiếm sự giúp đỡ cho những ý nghĩ về cái chết và bệnh trầm cảm. Có lẽ vì chúng trái ngược với khả năng tự chủ và tự chữa lành luôn được định nghĩa trong bản chất của đàn ông, việc bộc lộ mong muốn được giải thoát là thừa nhận sự yếu đuối và thất bại.
Trước đây tôi đã từng bỏ học do chứng trầm cảm không thể kiểm soát. Tôi luôn bị “bơm não” bởi những người đi trước, các chương trình truyền hình và phim ảnh, rằng đại học là quãng thời gian tươi đẹp nhất, nơi tôi có thể sống thật với chính mình - điều này chẳng qua cũng chỉ khiến tình trạng cô lập của tôi trở nên tồi tệ hơn thôi. Xung quanh tôi, người ta có người yêu và bạn bè, còn tôi - cảm giác thất bại lớn dần, rồi tôi thất bại hoàn toàn.
Sau năm đầu tiên, tôi đã miễn cưỡng bắt đầu cuộc sống khác ở một ngôi trường mới, vì cũng chẳng có lựa chọn nào tốt hơn. Tôi không có bạn bè suốt nhiều năm, vậy nên đi hay ở cũng chẳng quan trọng.
Một năm sau, tôi lại thấy mình ở trong một khung cảnh tương tự, khả năng tương tác xã hội không hề cải thiện, tôi quay trở lại với những suy nghĩ về cái chết. Nếu như ở trường cũ, tôi có thể cho rằng bản thân chỉ đơn giản là không được may mắn về môi trường sống, về bạn cùng phòng,.... mọi vấn đề đều là tại hoàn cảnh. Nhưng khi mọi chuyện lặp lại, rõ ràng là thế giới xung quanh không có lỗi, lỗi là ở tôi. Tôi chẳng qua là một kẻ có nhân cách kém cỏi.
Vấn đề cốt lõi chính là bài toán về sự kiểm soát. Suốt thời niên thiếu, tôi gần như mất kiểm soát với các mối quan của mình, tôi cảm thấy như thể mình thiếu những phẩm chất cần thiết để thay đổi cuộc sống của bản thân. Khi đói hoặc mệt mỏi, ta hoàn toàn có thể tự giải quyết bằng cách ăn và ngủ, nhưng thay đổi đời sống xã hội của mình lại phụ thuộc vào cách mọi người đối xử với ta nữa.
Trong tuần định hướng sinh viên năm nhất, tôi đã cố gắng khiến mọi người thích tôi, và, tôi thất bại. Tôi chẳng thể thay đổi sự thờ ơ mà cả thế giới dành cho mình. Mỗi lần tôi cùng gã khác đứng nói chuyện với một cô gái, cô ấy chủ yếu trò chuyện, trao đổi ánh mắt và tương tác với anh ta, mà tôi chẳng thể làm gì, lần nào cũng vậy. Tôi nghĩ mình không thể thay đổi tình trạng này vì tôi thiếu những tính cách cần thiết để được người ta công nhận sự tồn tại của mình.
Tự tử, mặt khác, lại luôn là lựa chọn có kết cục rõ ràng. Vào một thời điểm xác định, một kẻ chán nản có thể cảm thấy cái kết được định sẵn ấy hấp dẫn hơn nhiều so với tương lai không thể đoán trước cùng với nỗi đau ngày qua tháng lại của sự cô độc. Cái ngày mà tôi cố gắng lấy mạng sống của mình, tôi đã nghĩ rằng nếu chọn tiếp tục sống mà phải dành cả đời để “thở” trong thân xác của một gã cô đơn bị ruồng bỏ, thì chỉ có chết đi mới đảm bảo điều đó không xảy ra, đó là giải pháp đáng tin cậy duy nhất cho những đau khổ.
Điều này tất nhiên liên quan mất thiết đến nỗi sợ thất bại. Những việc làm “mạo hiểm” như trêu chọc, tán tỉnh, tiếp xúc cơ thể, những trò đùa cợt nhả - nếu có thể tạo không khí thân mật thì mối quan hệ bắt đầu - còn nếu thất bại thì phản tác dụng, nó chỉ tạo ra những khoảnh khắc bối rối không hơn không kém, những lần đó đã phá hủy sự tự tin của tôi. Từng có một thời gian dài, tôi ghét những người có thể làm những hành động như thế mà mọi chuyện vẫn vui vẻ, còn tôi - mỗi lần tôi cố gắng, tôi bị trừng phạt bằng những cái nhìn lãnh đạm, và còn có thể tệ hơn thế nữa.
Đó là lý do những "kẻ thua cuộc" có khuynh hướng bị hấp dẫn bởi các hoạt động khuôn mẫu của game online, diễn đàn internet và những nội dung khiêu dâm. Đây là những hoạt động “rủi ro thấp” mà vẫn có thể đáp ứng những nhu cầu cảm xúc - kể cả khi chúng chỉ là tạm thời.
Nhưng vấn đề lớn nhất ở đây là nỗi tủi nhục vây quanh sự hắt hủi của xã hội.
Nếu một người trải qua sự từ chối của xã hội, họ phải chịu đựng cảm giác gượng ngùng cùng những lời chế nhạo của những người xung quanh, họ bị coi là kẻ được sinh ra để chạy theo người khác - một kẻ kém cỏi. Thậm chí cố gắng để cải thiện đời sống xã hội lại có thể tạo nên cái tiếng là một kẻ thua cuộc, đó là một cuộc chơi không lỗi thoát - bạn phải trả giá vì đã không làm gì, và cũng phải trả giá vì đã cố gắng làm gì đó.
Ngược lại, bạn cho rằng việc tự sát có thể tạo ra một phản ứng hoàn toàn khác từ mọi người: cụ thể như sự công nhận và cảm thông mà bạn hằng mong ước. Sự vắng mặt của bạn sẽ khiến mọi người nhớ bạn, hoặc ít nhất cũng buộc họ biết đến bạn. Cuối cùng, những phẩm chất luôn bị lãng quên của bạn sẽ lại gây được sự chú ý, mọi người sẽ suy nghĩ lại về những tủi hổ mà bạn đã phải chịu đựng.
Vâng, nghe thật bệnh hoạn, nhưng đối với một kẻ cô đơn và chán nản thì đó lại là giải pháp hay ho và chính đáng.
Mong muốn được chết khiến tôi cảm thấy vô cùng tội lỗi.
Tôi đã từng uống 25 viên thuốc ngủ nhưng “không chết được”. Khi bác sĩ nói tôi cần một cuộc phẫu thuật cấy ghép nội tạng, tôi tự thấy không xứng đáng được nhận cơ hội sống quý giá như vậy, rắc rối này là do tôi cố tình tạo ra, và tôi còn không chắc chắn mình có thực sự muốn sống nữa hay không. Tôi chẳng thể đối mặt với cái suy nghĩ rằng cuộc sống của mình chính là sự đánh đổi của người khác - người hiến tạng, vậy nên tôi đã bảo với bác sĩ rằng tôi không muốn thực hiện cuộc phẫu thuật, và tôi nghiêm túc.
Nguồn gốc của cảm giác tội lỗi thứ hai, lâu dài hơn, là gia đình. Chúng ta đều ý thức rằng tự sát là một hành động ích kỷ, khi mà bạn đặt cảm xúc và vấn đề của bản thân lên trên hết những nỗi đau mà bạn sẽ gây ra cho những người thương yêu. Nhưng trong tình trạng đó, thật khó mà thấy được gì khác ngoài những nhu cầu chưa được đáp ứng của mình.
Năm ngoái, em gái của bạn tôi đã tự tử, để lại cho bạn ấy và gia đình một đống đổ vỡ. Điều đó buộc tôi phải xem xét những gì tôi sẽ để lại phía sau nếu tôi tự sát “thành công”. Sự công nhận của thế giới có được từ cái chết là đánh đổi bằng tổn thương của những người thực sự quan tâm bạn. Nó chẳng phải là một cái kết đẹp đẽ gì cho cam, thực sự rất khủng khiếp.
Lỗi của tôi là đã giữ bí mật về cái chết với người thân, gần như chẳng ai hay biết về điều này.
Một cô gái tự ti về cân nặng của mình thường xuyên phải chịu đựng những đợt bùng phát của chứng trầm cảm, xung quanh, mọi người vuốt ve cô bằng những lời giả dối rằng trông ngoại hình của cô rất ổn. Cô biết, và như vậy có nghĩa là không một ngôn từ nào có thể cải thiện sự tự tin của cô, những khủng hoảng vẫn tiếp diễn.
Đó là lý do tôi giữ bí mật với tất cả bạn bè, chỉ trừ một người. Tôi không muốn ép buộc ai phải thông cảm với tôi, càng không muốn dựa dẫm vào sự thương hại của họ. Người bạn đó, tôi phải mất bốn năm để nói với anh ấy, nhưng khả năng giữ bí mật của anh khiến tôi càng thêm tin tưởng và hiểu rằng đó là một người bạn thực sự.
Cuối cùng, lạ lùng thay, tôi nhận ra mình lạc quan hơn về mọi thứ, dù tôi vẫn sống ở nơi tôi không ưa thích gì. Ý nghĩ tự sát có thể xem là mốc xuất phát, dấu mốc mà tôi có thể dùng để so sánh với bản thân hiện tại, tôi nhận ra mình đã đi rất xa mỗi lần nhìn lại. Tôi đã đối mặt với nhiều chuyện, tìm cách thay đổi tình trạng của mình và nắm quyền kiểm soát. Năm ba đại học, nếu cảm thấy không hài lòng với nhóm bạn của mình, tôi đi ra ngoài và kết bạn với những người mới.
Trò chuyện là rất quan trọng, nhưng đó nên là những người thật sự gần gũi mà bạn có thể tin tưởng. Không cần phải gào lên cho cả thế giới biết, cầu xin sự thương hại bằng một câu chuyện kịch tính chỉ làm cho mọi sự ủng hộ trở nên vô ích. Đó nên là bố mẹ, bạn bè tin cậy, hoặc một chuyên gia tư vấn tâm lí. Vì chưa bao giờ nói về ý muốn tự sát, tôi bị mắc kẹt trong chính tâm trí của mình, rồi bắt đầu tin rằng không ai thực sự quan tâm mọi chuyện xảy ra với tôi như thế nào. Nếu bạn cảm thấy bị mắc kẹt hoặc không có ai để trò chuyện, hãy tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ, càng sớm càng tốt. Mọi chuyện không thể trở nên tệ hơn được đâu phải không? Vì vậy, tốt nhất là ta nên thử một lần.
Bên cạnh đó, thử tăng từ từ mức độ rủi ro trong giao tiếp mà bạn sẵn sàng tiếp nhận, thực hành trong một môi trường mà bạn cảm thấy an toàn. Quan trọng là biết tìm kiếm các sân chơi, nơi có nguy cơ bị chê cười thấp hoặc ảnh hưởng của nó không quá nguy hiểm. Bắt đầu với gia đình và những người thân lâu năm, hoặc tham gia các câu lạc bộ và hoạt động ngoại khóa, đừng cố gắng trở nên nổi bật hay tuyệt vời ngay lập tức. Vấn đề là từ từ tạo ra những khó khăn sao cho thất bại không phá hủy bạn trong phút chốc.
Nếu bạn là người đã trở về từ cái chết, hãy dành thời gian suy nghĩ xem cuộc sống của mình đã được cải thiện ra sao. Sẽ mất rất nhiều thời gian để trở thành người mà bạn muốn, thậm chí điều đó không bao giờ xảy ra, nhưng quan trọng là bạn đã tiến xa được đến đâu. Phần lớn thời gian ở cùng phụ nữ, tôi vẫn còn dở tệ, có thể tôi không phải là một gã hấp dẫn gì cho cam, nhưng tôi đang tiến bộ từng giây từng phút. Đó mới là điều quan trọng.
Khánh Huyền (biên dịch)