Hãy tưởng tượng, khi lướt qua giá sách, bạn ghi lại những đầu sách chưa đọc và trong số đó, có một cuốn sách kinh điển mà đã bao lần bạn định đọc nhưng rồi lại thôi. Đó là tình trạng thường gặp của đa số người đọc hiện nay. Chúng ta thường có xu hướng chọn một cuốn sách hiện đại phù hợp với sở thích và thế giới xung quanh.
Điều đó cũng hợp lý thôi vì có thể bạn muốn tìm hiểu những vấn đề cấp bách hiện nay, muốn cập nhật kiến thức cho mình và còn muốn ủng hộ những nhà văn còn sống. Hơn thế, có rất nhiều cuốn sách hiện đại được xuất bản hàng năm nên bạn khó tìm được thời gian, chưa kể đến sự quyết tâm, để đọc những tác phẩm kinh điển đang phủ đầy bụi trên giá sách của mình.
Tôi hiểu điều đó, nhưng tôi vẫn muốn chứng minh rằng việc đọc những cuốn sách cũ, đặc biệt là những cuốn sách được vinh danh là kinh điển, là một cách đọc mang lại nhiều giá trị mà chúng ta nên dành nhiều thời gian hơn. Những cuốn sách này, theo đúng nghĩa, không chỉ là những cuốn sách đáng đọc, mà còn mang đến cho bạn những đặc quyền mà những cuốn sách hiện đại không thể làm được.
Một rào cản đối với việc đọc những cuốn sách kinh điển là suy nghĩ rằng chúng đã lỗi thời. Để sống cuộc sống của mình, bạn không cần hiểu về sự phức tạp của chiến tranh Trung Quốc cổ đại, những cuộc đấu tranh của tầng lớp lao động thời Victoria hay huyền thoại về những người thực sự nghĩ rằng một con rắn khổng lồ bao lấy thế giới.
Nhưng sự thật là những cuốn sách kinh điển vẫn có thể cung cấp cho chúng ta những hiểu biết có giá trị về những phẩm chất phổ quát tạo nên con người.
Mặc dù niềm tin và kiến thức của chúng ta đã, đang và sẽ thay đổi, nhưng những cuộc đấu tranh cơ bản mà ta phải đối mặt, những câu hỏi ta đặt ra và những giá trị ta nắm giữ đều được phản ánh trong các tác phẩm của các tác giả thế hệ xưa. Aristotle, Spinoza và Descartes nghiên cứu những vấn đề vẫn khiến các triết gia bối rối. Thomas Paine và Karl Marx tiếp tục định hình cách chúng ta nhìn nhận chính trị, tổ chức xã hội và nhân quyền. Và trong khi hầu hết chúng ta không tin rằng số phận của mình do các vì sao quyết định, chúng ta vẫn nhìn lên trời để tìm câu trả lời cho những bí ẩn vĩ đại của tự nhiên.
Trong văn học, những câu chuyện và chủ đề đã thu hút độc giả từ nhiều thế kỷ trước vẫn tiếp tục gây được tiếng vang. Niềm tự hào của Odysseus, niềm đam mê của các nhân vật của Shakespeare và nỗi sợ hãi hiện sinh của Ivan Ilyich vẫn là những đặc điểm không thể dập tắt trong đời sống nội tâm của chúng ta.
Đọc những cuốn sách kinh điển cho phép chúng ta tham gia vào chủ nghĩa quốc tế lịch sử, khám phá nhân loại không chỉ xuyên suốt các nền văn hóa, mà còn xuyên cả thời gian.
Tất nhiên, bạn sẽ đọc về những ý tưởng và truyền thống đã lỗi thời - thậm chí là thiếu hiểu biết và xúc phạm. Nhưng điều đó cũng có điểm hay. Như nhà phê bình Michael Dirda chỉ ra trên tờ Washington Post rằng nhận ra sai lầm, thành kiến và những hành vi vô nhân đạo không có nghĩa là dung túng cho chúng.
Dirda viết: “Điều quan trọng là tiếp thu kiến thức, mở rộng tầm nhìn về tinh thần, nhìn thế giới bằng con mắt của người khác. Những cuốn sách tuyệt vời bởi chúng nói chuyện với chúng ta, thế hệ này qua thế hệ khác. Chúng là những thứ của vẻ đẹp, niềm vui bất diệt.”
Tuy một số cuốn sách xưa cũ khá ngớ ngẩn, mù quáng, sai lầm, nhưng điều quan trọng cần nhớ là tác giả của những cuốn sách này được định hình bởi thời đại, văn hóa và kiến thức về thời đại của họ. Họ đã không nhìn ra những giả định, thành kiến của mình, những điều mà giờ đây chúng ta thấy rõ nhờ khoảng thời gian lịch sử.
Đồng thời, cũng nên thừa nhận rằng chúng ta không tránh khỏi những thành kiến và giả định. Những điều này che mờ khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp, tham gia vào các cuộc tranh luận có ý nghĩa và làm sáng tỏ những bí ẩn dường như khó hiểu của chúng ta. Trên thực tế, các thế hệ tương lai cũng sẽ nhìn lại những cuốn sách của chúng ta với cảm giác hoài nghi.
Những cuốn sách kinh điển có thể giúp chúng ta chống lại những hạn chế này bằng cách hòa mình vào các nền văn hóa và ý tưởng của các thời đại trước đó. Jeffery Brenzel, trưởng khoa tuyển sinh đại học tại Đại học Yale và là giảng viên khoa triết học của trường đại học, gọi đây là “giá trị của sự kỳ lạ”. Ông ví việc đọc những cuốn sách kinh điển giống như đi du lịch nước ngoài. Sau khi trải nghiệm một nền văn hóa khác, nhiều du khách trở về nhà và thấy mình khác đi. Họ cởi mở hơn với những giả định mà họ đã thiết lập và học cách xem xét lại những giả định đó một cách thấu đáo hơn. Những cuốn sách kinh điển giúp chúng ta có chuyến du hành tinh thần tương tự như vậy.
Chỉ đọc những cuốn sách hiện đại cũng giống như cố gắng tham gia vào một cuộc trò chuyện đang ở giữa chừng. Không ai ngăn cấm bạn làm điều đó. Tuy nhiên, bạn sẽ có khả năng chỉ huy tốt hơn nếu tham gia cuộc trò chuyện ngay từ đầu. Những cuốn sách kinh điển chứa đựng những chủ đề đàm thoại để bạn có thể làm điều đó.
Về cơ bản, đây là điều mà nhà triết học Alfred North Whitehead đã nghĩ đến khi ông viết: “Đặc điểm chung an toàn nhất của truyền thống triết học châu Âu là nó bao gồm một loạt chú thích cho Plato.” Brenzel nói thẳng hơn một chút: “Bạn đơn giản là không thể nghiên cứu lịch sử tư tưởng phương Tây mà không bắt gặp Plato và Socrates ở mọi ngóc ngách. Bạn không thể tìm thấy một nhà tư tưởng không bị ảnh hưởng bởi những ý tưởng này theo một cách nào đó, cũng như cách mà họ đặt ra những câu hỏi.”
Lấy ví dụ, Brenzel yêu cầu chúng ta nhìn vào Cơ đốc giáo, một tôn giáo nằm ở trung tâm của nhiều cuộc trò chuyện và tranh luận hiện đại. Nhiều người cho rằng các quan điểm của Cơ đốc giáo bắt nguồn trực tiếp từ Kinh thánh, nhưng chúng phát triển từ một truyền thống trí tuệ kéo dài hàng thế kỷ và mang tính Hy Lạp-La Mã cũng như Tin lành.
Quan điểm của Sứ đồ Paul bị ảnh hưởng nặng nề bởi các truyền thống Hy Lạp của Plato và Aristotle. Cả Paul và Plato đều có ảnh hưởng không thể xóa nhòa đối với Thánh Augustine. Quan điểm của Augustine sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến Thomas Aquinas, người sau đó sẽ ảnh hưởng đến Dante Alighieri, người sẽ ảnh hưởng đến John Milton, người sẽ ảnh hưởng đến cách các tác giả khác đọc và giải thích Kinh thánh trong nhiều thế kỷ.
Ngày nay, quan điểm của Cơ đốc nhân về mọi thứ, từ Sa-tan, đến thế giới bên kia, đến cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trong vũ trụ sẽ hoàn toàn xa lạ với những Cơ đốc nhân ở thế kỷ thứ nhất, và đó là do “các cuộc trò chuyện” đã thay đổi những quan điểm theo thời gian.
Và những “cuộc trò chuyện” tương tự đã diễn ra trong các truyền thống trí thức trên toàn thế giới, từ thơ ca Trung Đông đến Vệ Đà, Đạo Đức Kinh.
Ba lý do trên đây sẽ trở nên vô nghĩa nếu bạn không tìm thấy sự thú vị trong việc đọc những cuốn sách kinh điển. Rất may, những cuốn sách kinh điển có thể bổ ích, truyền cảm hứng, đáng sợ, thách thức, khiêu khích… Chúng không chỉ mang lại cho chúng ta kiến thức và trí tuệ, mà còn cả những cung bậc cảm xúc.
Xin lưu ý một chút, đọc sách kinh điển không phải là hiện tượng mới được tạo ra trong một thế hệ thiếu tập trung được nuôi dưỡng bởi TikTok và dịch vụ vận chuyển nhanh trong 2 ngày. Như Mark Twain đã từng châm biếm: “Tác phẩm kinh điển là thứ mà mọi người đều muốn đọc, và cũng chẳng ma nào thèm đọc.” Trớ trêu thay, nhiều cuốn sách tuyệt vời của ông hiện đang phủ đầy mạng nhện trên những giá kệ nào đó.
Để khắc phục suy nghĩ này, đừng tiếp cận những cuốn sách kinh điển theo cách chúng ta đã làm ở trường. Đây không phải là những gánh nặng mà bạn cần phải chịu để trông học thức hơn, hay để vượt qua một số kỳ thi trong cuộc đời.
Thay vào đó, hãy đợi cho đến khi bạn tìm được một tác phẩm kinh điển cuốn hút mình. Nếu bạn chưa sẵn sàng tiếp thu các triết lý của Plato, hãy thử xem các vở kịch của William Shakespeare hoặc thơ Lãng mạn của John Keats. Nếu cả hai danh tác này không gợi lên hứng thú trong bạn, thì thời đại Victoria với một số chuyện ma và những bí ẩn có thể sẽ khiến bạn thích thú.
Thư viện của nhân loại rất rộng lớn. Bạn sẽ tìm thấy thứ dành cho mình nếu bạn tìm kiếm.
Sẽ là phản tác dụng nếu bạn cảm thấy tội lỗi khi bỏ qua những cuốn sách kinh điển để chọn những cuốn sách hiện đại. Những sự kiện đương thời, những vấn đề cấp bách và những nghệ sĩ đang sống cũng cần sự chú ý của chúng ta.
Một quy tắc nhỏ mà tôi đã lượm lặt được đó là cứ đọc 3 hoặc 5 cuốn sách hiện tại, tôi sẽ đọc 1 cuốn sách kinh điển.
Và bạn cũng đừng vội vã. Tác giả Italo Calvino từng định nghĩa kinh điển là:
Những tác phẩm này đã chờ đợi một thời gian dài, thậm chí là hàng thế kỷ, để đến được giá sách của bạn. Có thể chờ thêm vài năm nữa cũng chẳng sao, miễn là bạn cho chúng cơ hội và sẵn sàng tiếp thu khi thời điểm đó cuối cùng cũng đến.
- Trạm Đọc dịch
- Nguồn: Big Think