Phan An là một nhà văn trẻ được biết tới với những tác phẩm Quẩn quanh trong tổ, Trời hôm ấy không có gì đặc biệt, và Con chim khổng tước còn hót vang ngày mở đất. Anh cũng từng nổi tiếng với vai trò một người phản biện báo chí lá cải với trang web lacai.org trong 2 năm, đồng thời là người thiết kế và xây dựng một số trang web cộng đồng như thica.net và cadao.me. Bên cạnh đó anh cũng là một lập trình viên giàu kinh nghiệm.
Dưới đây là chia sẻ về những cuốn sách yêu thích của anh.
Một bông hồng cho cha
Tập sách này mỏng dính, đâu chừng có bảy mươi trang, bìa màu da cam có hình một cành hoa hồng, trong chỉ có năm bài viết ngắn: Một bông hồng cho cha, Nghĩ về mẹ, Đi trong bóng lá, Nửa chữ cũng thầy, và Lời sám hối của Cha. Từ ngữ trong sách không trau chuốt bóng bẩy, đôi chỗ lại còn hơi ngô nghê, theo kiểu viết văn cũ trộn lẫn với từ địa phương của vùng Phú Yên-Tuy Hòa. Bây giờ ít người muốn đọc kiểu viết đó lắm, và có lẽ vì vậy nên Võ Hồng không phải là nhà văn thật sự nổi tiếng. Nhưng tôi yêu Võ Hồng vì sự chân thành của ông, và cả cách ông như con tằm, cứ rút tơ từ trong ruột ra mà viết.
Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi
Cô Lưu Khánh Thơ (em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ) có lần nói với tôi, ban đầu gia đình định đặt tựa cho tập thơ này là Mây trắng của đời tôi, nhưng sau cùng đã chọn Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, vì tựa này tóm lược đầy đủ hơn về tâm hồn tác giả cũng như nội dung của những bài thơ trong sách. Tôi nghĩ rằng các bạn trẻ ngày nay nếu thật sự muốn đọc một cuốn sách về tình yêu và cảm thấy mình cao đẹp hơn lên thì nên đọc Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, thay vì phí thời gian vào những cuốn tản văn sầu thảm của những cây bút trẻ lãng mạn hậu hiện đại. Đối với riêng tôi, nếu chỉ được mang một cuốn sách ra ngoài đảo hoang – một đảo nhỏ xa xôi nhiều kẻ nhận – thì tôi sẽ mang hoặc là Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, hoặc là sách dạy đóng tàu.
Những vì sao
Cuốn sách này là tập hợp những tác phẩm được cho là thành công nhất của Daudet: Những lá thư viết từ cối xay gió của tôi, Truyện kể ngày thứ hai, Thư gửi người vắng mặt, và Người đẹp Nivernais. Chính từ Những vì sao mà tôi nhận ra một tác phẩm hay nhiều khi cũng không cần đến cốt truyện, rằng những thứ bình thường nhất vẫn có thể trở thành những điều đẹp đẽ nhất, và ngôn từ có thể kì diệu đến như thế nào:
“Thế nào cơ, hả mục đồng, lại có chuyện các vì sao cưới nhau nữa cơ à?”
“Có chứ ạ, thưa cô chủ.”
Và trong khi tôi cố giảng cho nàng thế nào là đám cưới sao thì tôi cảm thấy như có một cái gì mát rượi và mịn màng đè nhè nhẹ xuống vai tôi. Thì ra đầu nàng nặng trĩu vì buồn ngủ đã ngả vào tôi với tiếng sột soạt êm ái của những dải đăng ten và làn tóc mây gợn sóng. Nàng cứ ngồi yên như thế, không nhúc nhích cho đến khi ngàn sao trên trời mờ dần, nhòa đi trong buổi ban mai đang rạng… Quanh hai chúng tôi, ngàn sao vẫn tiếp tục cuộc hành trình trầm lặng ngoan ngoãn như một đàn cừu lớn; và đôi lúc, tôi tưởng đâu một trong những ngôi sao kia, ngôi sao thanh tú nhất, ngời sáng nhất lạc mất đường đi đã đậu xuống vai tôi mà thiêm thiếp giấc nồng…
Những người khốn khổ
Đây là tác phẩm đầu tiên mang đến cho tôi khái niệm về cái đẹp của con người. Trong hệ thống nhân vật của Những người khốn khổ, trừ những nhân vật phản diện như vợ chồng Thénardier và có lẽ là Javert, hoặc những thành phần quá sức mờ nhạt như Cosette, thì từ Jean Valjean đến đức tổng giám mục Myriel, từ Marius đến Eponine và Gavroche, từ ông cụ Mabeuf đến nhóm Những người bạn của ABC – Enjolras, Courfeyrac, Combeferre, Lesgle và cả Grantaire… đều là những con người đẹp đẽ. Gộp được tất cả những cái đẹp ấy vào với nhau trong một cốt truyện xuyên suốt mà vẫn khắc họa được từng người riêng biệt, đó là thiên tài của Victor Hugo. Ví dụ, đây là một đoạn tả Enjolras:
“Enjolras là một thanh niên dễ ưa, nhưng cũng có thể trở nên đáng sợ. Chàng đẹp như một thiên thần. Đó là Antinous man dã… Chàng chỉ có một say mê: pháp quyền; một tư tưởng: lật đổ chướng ngại. Ở trên núi Aventine, chàng sẽ là Gracchus; trong thời kì Quốc ước chàng sẽ là Saint-Just. Chàng ít ngắm hoa hồng, chàng không biết mùa xuân, chàng không nghe chim hót. Bộ ngực trần của nàng Evadne cũng không làm chàng xúc động hơn Aristogeiton; đối với chàng, cũng như đối với Harmodius, hoa chỉ có tác dụng che lưỡi gươm.”
Vĩnh biệt Gul’sary
Ở Việt Nam trước đây, sách của Aitmatov được in rất nhiều. Ngoại trừ Sếu đầu mùa, hình như tác phẩm nào của Aitmatov tôi cũng thích: Một ngày dài hơn thế kỉ, Con tàu trắng, Cây thông non trùm khăn đỏ, Người thầy đầu tiên, Jamilia… Nhưng nếu phải chọn chỉ một tác phẩm của Aitmatov để đọc, tôi sẽ chọn Vĩnh biệt Gul’sary. Đây là một tác phẩm đẹp về mọi phương diện: nhân vật, tình tiết, văn phong, và tất nhiên là cách kể chuyện đã ảnh hưởng trực tiếp đến tôi. Còn nếu được chọn chỉ một đoạn trong sách thì tôi chọn đoạn này:
"Tanabai bước đi trên thảo nguyên, bộ dây cương vắt qua vai. Nước mắt chảy ròng ròng trên mặt, thấm ướt bộ râu. Nhưng ông không lau đi. Đó là nước mắt khóc Gul’sary, con ngựa có nước đi dị dạng. Qua hàng lệ, ông già nhìn buổi sáng mới đến, nhìn con ngỗng xám đơn độc bay nhanh trên dải hoành sơn. Con ngỗng vội vã đuổi cho kịp đàn.
“Bay đi, bay đi!” Tanabai thì thầm “Đuổi cho kịp đàn, chừng nào cánh còn chưa mỏi.” Rồi ông thở dài, nói: “Vĩnh biệt Gul’sary!”
Hứa Tam Quan bán máu
Tôi không đọc nhiều tác phẩm văn học Trung Quốc hiện đại, nhưng Chuyện Hứa Tam Quan bán máu luôn nằm trong danh sách những cuốn sách đầu tiên mà tôi giới thiệu cho người khác đọc. Nếu Huynh đệ bị đuối dần về cuối truyện thì Chuyện Hứa Tam Quan bán máu được viết tròn trịa từ chương đầu tiên cho đến chương cuối cùng. Nói như chính tác giả, “cuốn sách này đã thể hiện niềm say mê […] đối với chiều dài một con đường, một dòng sông, một chiếc cầu vồng sau cơn mưa, một hồi ức dài dằng dặc, một bài dân ca có đầu không có cuối, một đời người.” Nhờ có sự tương đồng về văn hóa và ngôn ngữ, tôi cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể có một tác giả chọn viết về cùng một đề tài như Dư Hoa, với bút pháp như Dư Hoa, và đạt được những thành công như Dư Hoa.
À phải nói thêm, cuốn sách này đã được Hàn Quốc chuyển thể thành phim, nhưng các bạn đừng xem phim. Đừng xem. Cuộc đời ngắn ngủi lắm, đừng phạm sai lầm như tôi.
Vì khuôn khổ bài viết có hạn, tôi chỉ có thể chia sẻ như vậy. Còn sau đây là một số cuốn sách khác mà tôi ước gì có thể viết dài hơn để giới thiệu thêm:
Ba ơi mình đi đâu – Jean-Louis Fournier: Câu chuyện cảm động có thật về người bố với hai người con tật nguyền.
Phía Tây không có gì lạ – Erich Maria Remarque: Sự tàn khốc của chiến tranh.
Bay trên tổ chim cúc cu – Ken Kesey: Tự do.
Tuyển tập truyện ngắn Maxim Gorky: Cái đẹp của cuộc sống và lao động, và tài năng kể chuyện phi thường.
Atlas Shrugged (Tạm dịch: Atlas nhún vai) – Ayn Rand: “Who is John Galt?” hay còn gọi là bản anh hùng ca ngây thơ của chủ nghĩa khách quan.
Brave New World – Aldous Huxley: “[George] Orwell lo sợ sự thật sẽ bị che giấu. Huxley lo sợ sự thật sẽ không còn ý nghĩa gì.”
Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn – Mark Twain: Thời niên thiếu, sự hồn nhiên, và óc tưởng tượng phong phú của trẻ em.
Chúa Ruồi – William Golding: Hoàn toàn ngược lại với cuốn trên.
- Trạm đọc ghi