Vài năm trở lại đây, thị trường audiobook ngày càng sôi động, bởi nó được nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Ngoài đọc sách, giờ đây người ta còn có sở thích “nghe sách” như một hình thức thư giãn, giảm căng thẳng sau giờ làm việc. Sách nói giúp các bạn trẻ giải trí và tiếp thu tri thức một cách linh hoạt. Nhờ nó, chúng ta có thể thưởng thức một cuốn sách hay trong lúc dọn nhà hay khi tập thể dục.
Giống như sách giấy, sách nói cũng có “hàng thật” và “hàng giả”. Nhiều đơn vị ngang nhiên tiến hành thu âm audiobook mà không có sự cho phép của tác giả hay đơn vị sở hữu bản quyền tác phẩm. Nhiều tác giả trẻ cảm thấy bức xúc khi biết tác phẩm của mình bị phát tán một cách tràn lan trên các nền tảng sách nói. Đơn vị phát hành audiobook vô tư hưởng lợi mà không nghĩ đến công sức của những người tạo ra nó, gồm cả tác giả và đội ngũ biên tập.
Đối với sách giấy, Facebook là một thị trường khá sôi động của các loại hàng giả, hàng lậu. Còn audiobook lậu, không có bản quyền, YouTube chính là “lãnh địa” để các đơn vị làm audiobook lậu tung hoành. Trong vài năm trở lại đây, các đơn vị phát hành đã đau đầu trước nạn audiobook lậu tràn lan.
Khi phát hiện các đầu sách của mình bị đọc lậu trên YouTube, một số đơn vị làm sách đã gửi báo cáo vi phạm và yêu cầu chủ kênh sở hữu các audiobook lậu này gỡ video.
Cách này chỉ được xem như một biện pháp tình thế, không có hiệu quả lâu dài. Vài tháng, thậm chí vài tuần sau, audiobook lậu của các tác phẩm này lại xuất hiện trên YouTube dưới tên một tài khoản khác.
Audiobook trên YouTube giống một thư viện hoàn toàn miễn phí đối với thính giả. Khi có cơ hội thưởng thức sách nói miễn phí, người ta sẽ không mặn mà với audiobook “thật”, có bản quyền và phải trả phí nữa.
Nhiều đơn vị phát hành sách đã thấy được tiềm năng của sách nói và muốn thử sức ở thị trường này. Thế nhưng, các đơn vị làm sách nói lậu đã nhanh chân hơn một bước.
Hiện nay, nhiều tác giả trẻ mới bắt đầu viết lách chọn mạng xã hội làm kênh phát hành mang đậm dấu ấn cá nhân. Họ có thể lập blog, hoặc một page riêng trên Facebook để đăng tải các sáng tác của mình một cách thường xuyên. Nếu tác phẩm có chất lượng, tác giả sẽ có được một lượng độc giả trung thành, đây là nguồn động viên rất lớn đối với người viết trẻ trên con đường sáng tác.
Nếu tác phẩm được yêu thích trên mạng xã hội, người viết hoàn toàn có thể nghĩ tới việc chào hàng nó tới các đơn vị phát hành. Việc đăng tải tác phẩm lên mạng xã hội cũng giúp tác giả tương tác với người đọc, lắng nghe góp ý của độc giả để hoàn thiện sáng tác của mình.
Tuy vậy, việc bảo vệ tác quyền của tác phẩm trên mạng xã hội không dễ dàng. Đơn vị làm sách nói lậu ngang nhiên lấy các sáng tác được đăng trên trang cá nhân của tác giả và biến nó thành sách nói mà không hề xin phép người viết.
Lê Như Tiên là một tác giả trẻ đang sống và làm việc tại Hàn Quốc cho biết cô đã trở thành nạn nhân của audiobook lậu. Cách đây hơn một tháng, tác giả này phát hiện ra một kênh YouTube đã lấy truyện kinh dị dài kỳ Quỷ nhập hồn của cô và đọc nó trên YouTube mà không được sự đồng ý của người viết.
Khi tác giả kêu gọi bạn bè và độc giả thân thiết gửi báo cáo vi phạm lên YouTube thì chủ kênh đã chủ động liên lạc với Lê Như Tiên và xin lỗi. Nhưng sau đó, bên làm audiobook lậu này không hề nhắc tới các vấn đề như nhuận bút, hay việc bồi thường cho hành động vi phạm bản quyền của mình. Lê Như Tiên cho biết đây không phải là lần đầu tiên sáng tác của cô bị đọc lậu trên YouTube.
Có những đơn vị làm audiobook lậu sau khi bị tác giả gửi báo cáo vi phạm lên YouTube liền lẳng lặng gỡ video xuống và không hề xin lỗi tác giả. Việc đòi các chủ kênh audiobook lậu này bồi thường, hay trả nhuận bút là điều không thể.
Ngoài audiobook, nhiều chương trình đọc truyện trên hệ thống đài phát thanh cũng được các thính giả yêu thích. Đáng tiếc, nhiều tác phẩm của các tác giả trẻ cũng ngang nhiên bị đọc trên sóng phát thanh mà không có sự cho phép của người viết.
Cây bút trẻ Bùi Thanh Thùy cho biết hai truyện ngắn Đồi hoang (in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 938) và Cánh buồm màu trắng (in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 945) đã bị một đài phát thanh địa phương lấy đọc trên sóng phát thanh mà không xin phép cô. Sáng tác của một số tác giả trẻ khác cũng bị đài phát thanh này đem ra sử dụng mà không được sự đồng ý của người viết.
Bùi Thanh Thùy cảm thấy rất bức xúc về vấn đề này. Cô chia sẻ: "Mỗi sáng tác đều là sản phẩm lao động nghệ thuật của người viết, nó cần được tôn trọng với tư cách là một sản phẩm trí tuệ. Để hoàn thành một truyện ngắn, tác giả phải khá nhiều thời gian và công sức".
Nếu một đài phát thanh nào đó không có kinh phí cho việc trả nhuận bút, cô vẫn vui lòng cho phép họ sử dụng tác phẩm của mình. Nhưng các đơn vị này phải có thái độ tôn trọng tác giả. Họ nên xin phép người viết trước khi đem truyện ngắn của họ lên đọc trên sóng phát thanh.