Tác giả Khải Đơn (tên thật Phạm Lan Phương) là tác giả của hai cuốn sách viết về tuổi trẻ được độc giả đặc biệt đón đọc: “Đừng tháo xuống nụ cười” và “Sài Gòn – Thị thành hoang dại”. Ngoài viết sách, chị còn viết nhiều bài phóng sự, bài nhận định, phân tích ấn tượng tại những tờ báo lớn như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Eva,... Những chia sẻ sâu sắc, giàu cảm xúc của chị trên Facebook về cuộc sống vẫn luôn nhận được nhiều quan tâm và đồng cảm của độc giả. Hiện chị đang học và viết tại Mỹ.
Chia sẻ của chị về sách:
Việc đọc là một phần công việc của tôi. Quy định vậy không phải để làm nặng nề nhau hơn, mà để tôi có trách nhiệm với sách, với bản thân và với những gì mình viết ra, vì một phần của công việc viết là đọc.
Câu hỏi “Bạn tìm đọc gì? Hay bạn chọn sách dựa trên tiêu chí nào?” là câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất, và cũng khó trả lời nhất. Không có đáp án nào chung cho phương pháp chọn này. Tôi chọn sách dựa trên vấn đề mình quan tâm. Về mảng văn học, tôi chỉ đọc các tác giả người Việt viết, chứ đã ngừng hẳn việc đọc văn học dịch. Sự thành thạo về kỹ thuật ngôn ngữ của họ dạy tôi rất nhiều điều. Những tác giả đến giờ tôi vẫn ưa thích gồm có Nguyễn Bình Phương, Võ Diệu Thanh, Bình Nguyên Lộc và Trang Thế Hy.
Tôi không thường có kỷ niệm với sách vở vì nó là một phần trong cuộc sống hàng ngày. Ngoại trừ tài liệu quan trọng không thể tìm lại, tôi không có thói quen giữ sách, và thường bỏ hết sau khi đọc. Bởi vì cho rằng các loại sách sẽ tiến hóa, tinh thần đọc của mình cũng sẽ biến đổi, mỗi giai đoạn cần một loại sách khác nhau nên tôi không coi sách là sự gắn bó nặng nề về mặt tinh thần với mình. Tuy nhiên, có vài quyển tôi đặc biệt thích, là các tác phẩm của Milan Kundera, và tôi rất cố để có thể đọc những quyển ông viết mà tôi tìm được. Milan Kundera viết khó đọc, và cũng khó dịch, nên tôi thường chỉ đọc các bản dịch tiếng Anh do ông trực tiếp biên tập và làm việc với dịch giả.
Chỉ duy nhất có bản dịch “Đời nhẹ khôn kham” của Trịnh Y Thư dịch là tôi đọc bằng tiếng Việt. Với cá nhân tôi, bản dịch đó tốt về ngữ nghĩa, rất ổn về từ vựng, và không khí thông thường của Milan Kundera được giữ rất tốt. Nếu gọi chất lượng dịch tốt là một kỷ niệm, thì quyển này với tôi là một tác phẩm đặc biệt ấn tượng suốt một thời gian dài, cả về nội dung truyện và cả về bản dịch tiếng Việt.
Dưới đây là những cuốn sách yêu thích của tôi và những cuốn sách tôi gợi ý mọi người tìm đọc.
Những đứa trẻ chết già
Các tập “Những đứa trẻ chết già”, “Thoạt kỳ thủy”, “Xe lên xe xuống” của Nguyễn Bình Phương là các câu chuyện ám ảnh về những âm mưu, tha hóa và sự suy sụp của con người trong không gian miền Bắc Việt Nam, đi kèm với nó là những xô đẩy hiện tại, làm tổn thương con người và họ chọn làm méo bản thân mình: trở nên bất lương, ngoại tình, hãm hại đồng nghiệp, mê tín dị đoan... và tất cả đều xuất phát từ những vùng quá khứ quằn quại mà họ phải xoay chuyển thân mình để sinh tồn với chúng.
Con nước say mèm
Với Võ Diệu Thanh, tôi đọc hầu hết các tập truyện “người lớn” của cô (vì tác giả này có viết cả truyện thiếu nhi, nhưng mảng này tôi không theo dõi). Truyện của Võ Diệu Thanh thường có bối cảnh rất rõ nét là An Giang, một vùng đất đương đại, lở lói, sầu muộn, một cuộc sống bất an và chấp chới thiện – ác. Nhưng khác với Nguyễn Bình Phương cố gắng lý giải cái ác bằng một nguyên nhân lịch sử không thể đảo ngược, Võ Diệu Thanh lý giải cái ác bằng điều lương thiện.
Tôi vẫn còn nhớ tập "Con nước say mèm" - tập ngắn này kể những chuyện xung quanh. Một bữa nhậu buồn mà nhân vật chính nhớ ra bao nhiêu chồng lấn đã xảy ra với dòng kinh gần nhà, giờ thay bằng cây cầu. Một buổi cái anh làm công trình hút cát ngoài sông, ngày nọ anh đi thoả thuận giải toả với bà con, anh thấy cái cõi sông nước trước mặt mình nó lở lói tan vỡ thế nào dưới chân mình.
Đọc sách của Võ Diệu Thanh, người ta sẽ tìm thấy chính xác những cụm từ khó hiểu và riêng tư của vùng đất An Giang. Đây quả là một nỗ lực ghê gớm của tác giả. Truyện cô Thanh cũng sẽ có cá linh, mùa ngập, nước nổi, buôn lậu biên giới, lụm được xác trôi sông, núi Cấm, thầy bà dị đoan, học trò bơi ba quãng đồng tới trường - tất tật mọi thứ mót từ An Giang lên.
Chuyện của Võ Diệu Thanh có thức ác chảy máu mình, có kể thứ làm đau hết mình mẩy, có chụp lại một khung cảnh ác ôn giữa những người lẽ ra phải yêu thương nhau, thì kết thúc truyện, tôi luôn tìm được sự lượng thứ. Đứa con gái bị cha hắt đổ nồi canh lượng thứ cho cha nó, cái con người ăn cát mòn vẹt cả cù lao được nước và trời tha thứ, mấy ông bà phụ huynh hung hãn cắn xé nhau tự dưng buông xuôi, cúi đầu xin lỗi. Họ tha thứ cho nhau. Cô Thanh tha thứ cho đời. Và tôi, là độc giả, tưởng rằng mình cũng đã được lượng thứ sau trùng điệp giận hờn đã trút lên trang đọc.
Những bước lang thang của gã Bình Nguyên Lộc
Với Bình Nguyên Lộc, tôi thích quyển “Những bước lang thang của gã Bình Nguyên Lộc”, một tập viết mỏng về Sài Gòn của ông. Tác giả có khả năng đặc biệt trong việc dùng ngôn từ đơn giản, không trang hoàng, nhưng gợi ra cảm xúc đầy đặn, chất chứa. Từng bài mỏng bắt tôi nhớ lại những thời gian chưa từng có của mình ở thành phố mình yêu quý, cứ như thể đó là quá khứ thật mà tôi từng gắn bó. Ông rất hiểu Sài Gòn, hiểu tục lệ, hiểu văn hóa, hiểu cách sống, và hiểu cách nghĩ suy của người ông miêu tả, từ cô bán chè, anh bán hủ tiếu đến người lang thang phố đêm. Ngoài ra, các bộ tuyển tập của Bình Nguyên Lộc cũng có rất nhiều truyện ngắn.
Petrus ký - Nỗi oan thế kỷ
Quyển sách khiến tôi yêu mến ngay từ khi bắt đầu đọc, bởi tâm thế mà ông Nguyễn Đình Đầu viết. Mọi chú thích được ông tường tận ghi chép, đặt ở vị trí dễ thấy, cho thấy nguồn tài liệu. Cách ông sắp đặt tài liệu khiến người đọc như bước vào chuyến đi dạo cùng Trương Vĩnh Ký, từ hiểu đơn giản về cuộc đời ông, thấy những biến cố quanh ông, xem những thư từ ông viết cho nhà cầm quyền Pháp, đọc bài ông viết trên báo, xem hệ thống tác phẩm ông viết, đọc nhiều phần quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu của ông.
Dần dần, người đọc cũng được xem mấy người đã gặp ông Ký trong đời viết về ông, xem hậu sinh viết về ông, đọc những chuyện trà dư tửu hậu về ông và tác động của ông tới những trí thức Pháp đầu tiên của Việt Nam.
Quyển sách chân thành, mềm mỏng và khoai thai, đôi chỗ xen vài đoạn ông Đầu lưu ý ông tìm được vấn đề này ở kho tư liệu này, tài liệu kia, ông phân tích vai trò của ông Ký. Văn phong đọc dễ chịu, không nhiều cảm tính riêng tư của người chủ biên, nhưng rất rõ người chủ biên Nguyễn Đình Đầu đang đi tìm kiếm chân dung ông Ký với bạn đọc. Đó là về cảm giác đọc. Tôi không phải người đọc sử học, nhưng rất hứng thú và thấy vui khi tiếp tục mở các chương mới.
So you are publicly shamed
Quyển sách mổ xẻ quy trình của khá niệm mà mới gần đây người Việt online mới quan tâm là “public shaming” – làm nhục người khác trên mạng. Thường các sự vụ bắt đầu bằng việc một người gây ra sự cố nào đó vi phạm đến đạo đức, giá trị, hay phạm một tội mà cả cộng đồng khó chịu. Khi ấy, làn sóng tẩy chay, bắt nạt, tố cáo, chửi bới trên mạng sẽ nhắm vào đối tượng này.
Quyển sách này không nhằm mục đích cho rằng hành vi làm nhục trên mạng là xấu, mà mổ xẻ các chiều kích của nó từ nhiều góc độ: nạn nhân (hay người gây ra sự ồn ào), khán giả, những người bị tổn thương thật sự, nguyên nhân và cách bình tĩnh nhìn nhận hiện tượng này. Lý do tôi thích quyển này vì khác với các quyển sách hay bài viết trong nước, nơi người viết thường đổ lỗi cho đám đông là ngu dại, ồn ào, thô bạo, nhẫn tâm, mà ông tìm cách lý giải câu hỏi: vì sao khán giả/đám đông lại nhẫn tâm với nhân vật đó? Nhân vật đó đã hành động thế nào? – tức là một mổ sẻ rất nhiều chiều. Tất cả các câu chuyện được tác giả theo dõi trong sách đều là những sự việc đình đám trên thế giới, không phải là một “vụ án internet” nhỏ lẻ hay đặc thù ở đâu nên người đọc dù là ở Viêt Nam như tôi vẫn có thể hiểu được bối cảnh và theo dõi phân tích.
The Psychopath Test
Quyển tài liệu này là hành trình tác giả đi xây dựng chân dung của khái niệm “kẻ giết người hàng loạt” (psychophath) một khái niệm được sử dụng và hư cấu rất nhiều trong tiểu thuyết và phim điện ảnh, nhưng lại ít được hiểu một cách cặn kẽ. Trong quyển này, tác giả phỏng vấn những nhà nghiên cứu đã thiết lập ra các trại tâm thần giam dữ các tội phạm giết người hàng loạt, trò chuyện với người thiết kế ra bảng câu hỏi nhận biết ai là kẻ giết người hàng loạt. Và chính tác giả đi gặp và đối thoại với những nhân vật được cho là/được xác định là kẻ giết người hàng loạt. Qua đó, tác giả gỡ bỏ các bức màn huyền bí, ghê rợn bao quanh, và giải mã một giới người có tồn tại thật trong xã hội, với các đặc tính tâm lý khác biệt, tiềm năng nguy hiểm và... vẫn sống giữa chúng ta như những người bình thường. Quyển sách tài liệu được trình bày thú vị, thẳng thắn và viết như một hành trình khiến độc giả cảm thấy rất thú vị khi đọc.
- Trạm đọc ghi